Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ tư tuần 10 thường niên


THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN
 NĂM LẺ
2 Cr 3,4-11; Mt 5, 17-19
BÀI ĐỌC:2 Cr 3,4-11
4 Thưa anh em, nhờ Đức Ki-tô, chúng tôi dám tin tưởng vào Thiên Chúa như vậy. 5 Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa, 6 Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sư‹ sống.
7 Nếu việc phục vụ Lề Luật -thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá- mà được vinh quang đến nỗi dân Ít-ra-en không thể nhìn mặt ông Mô-sê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang -dù đó chỉ là vinh quang chóng qua-, 8 thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao? 9 Vì việc phục vụ án chết mà còn được vinh quang như thế, thì việc phục vụ đức công chính lại chẳng vinh quang hơn lắm sao? 10 So với vinh quang tuyệt vời này, thì vinh quang xưa kia chẳng vinh quang gì. 11 Thật vậy, nếu cái chóng qua mà còn được vinh quang, thì cái còn mãi lại chẳng vinh quang hơn sao?   
ĐÁP CA: Tv 98
Đ. Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài quả là Đấng Thánh. (x. c 9c)
5 Hãy suy tôn Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta,phủ phục trước bệ rồng, bởi Người là Đấng Thánh.
6 Mô-sê cùng A-ha-ron trong hàng tư tế Chúa,cũng như Sa-mu-en trong số người cầu khẩn Thánh Danh!Các ngài cầu khẩn Chúa, Chúa thương đáp lại.
7 Từ cột mây, Chúa phán dạy các ngài, các ngài đã tuân hành thánh ý, và chiếu chỉ Người ban.
8 Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đã thương đáp lại, Chúa là Thiên Chúa khoan dung khi xử với các ngài, nhưng trừng phạt khi các ngài lầm lỗi.
9 Hãy suy tôn Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta, hướng về núi thánh mà phủ phục, vì Đức Chúa, Thiên Chúa ta thờ, quả thật là Đấng Thánh.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Tv 24,4b.5a
Hall-Hall: Lạy Thiên Chúa con thờ, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài. Hall.
TIN MỪNG: Mt 5, 17-19
            17 Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

MỌI SỰ CHỈ HOÀN HẢO
NHỜ - VỚI - TRONG CHÚA GIÊSU
            Đức Giêsu đã khẳng định: “Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ Lề Luật hay các ngôn sứ: Ta đến không phải để bãi bỏ, mà là để làm trọn” (Mt 5,17: Tin Mừng).
            Đặc biệt Đức Giêsu đến làm trọn giá trị Phụng Vụ của Do Thái giáo nhằm đem ơn cứu độ cho muôn dân. Để hiểu vấn đề này, giáo huấn của Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Mạc Khải số 16 dạy: “Giá trị Cựu Ước được thể hiện trong Tân Ước; Giá trị Tân Ước đã tiềm ẩn trong Cựu Ước”. Như thế, những gì trong Cựu Ước không được thể hiện nơi việc làm và Lời nói của Đức Giêsu, hoặc không sáng tỏ trong giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo, thì đó chỉ là yếu tố nhân loại, không phải ý Chúa. Đan cử
- Luật Môsê cho phép người đàn ông ly dị cách dễ dàng và có quyền lấy nhiều vợ, điều ấy không thể hiện nơi giáo huấn của Chúa Giêsu, nên phải bỏ điều đó. Bởi vì Đức Giê-su đòi buộc người ta chỉ một vợ một chồng, và không bao giờ được phép ly dị (x. Mt 19,1-9).
- Luật Môsê bắt phải cắt bì cho trẻ nam, sau tám ngày tuổi, điều này không sáng tỏ trong giáo lý Hội Thánh. Bởi vì Quyền giáo huấn của Hội Thánh được Chúa Thánh Thần hướng dẫn đã bỏ cắt bì (x. Cv 15).
- Nhất là Đức Giêsu làm hoàn hảo ý nghĩa và giá trị Phụng vụ Do Thái giáo.Đan cử: Lễ tế của ông Êlya trên núi Carmen thắng lễ tế của dân ngoại. Chiến thắng này nêu dấu chỉ chiến thắng Hy Tế của Đức Giêsu thiết lập. Bởi đó ta thấy các chi tiết trong việc dâng lễ của ngôn sứ Êlya (x. 1V 18,20-30: Bài đọc năm chẵn), được Đức Giêsu làm hoàn hảo trong Hy Tế của Ngài:
1-     Lễ tế của 450 tư tế ngoại giáo dâng thần Baal, thua xa lễ tế một mình ông Êlya dâng (c 22). Nhưng đó chỉ là lễ tế của phàm nhân theo Luật ông Môsê truyền.
Thua xa Hy Lễ của Chúa Giêsu, chỉ mình Ngài là Tư Tế, Ngài là Con Một Cha trên trời, Ngài thánh đức, vô tỳ tích, tách biệt khỏi người tội lỗi và siêu vượt các tầng trời. Đấng mỗi ngày không có nhu cầu như các thượng tế khác (x. Dt 7,26-27a).
2-     Các tư tế thờ thần Baal, chọn con bò tốt nhất sát tế dâng cho ngẫu thần. Trái lại, ngôn sứ Êlya lấy con bò người ta phế thải sát tế dâng kính Thiên Chúa (c 23).
Thua xa lễ vật của Chúa Giêsu. Vì Ngài chính là Lễ Vật, Ngài như con chiên bị loài người phế thải, nhưng chính Ngài mới là Của Lễ được Chúa Cha chấp nhận, nhằm sinh ơn cứu độ muôn dân (x. Dt 10,5-7).
3-     Ngôn sứ Êlya xếp 12 viên đá theo số các chi tộc con cái của ông Giacob để lập bàn thờ (c 31).
      Đức Giêsu chọn 12 môn đệ để xây dựng Hội Thánh Ngài. Vì Ngài là ông Giacob mới (x. Cv 1,21-22),và Ngài truyền cho Hội Thánh phải làm hiện tại hóa Hy Tế của Ngài cho tới ngày cánh chung Ngài trở lại trần gian (x. 1Cr 11,25).
4-     Ngôn sứ Êlya xẻ thịt con bò tơ đặt trên đống củi (c 33).
Đức Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa bị sát tế trên thập giá (x. Ga 1,29; 19,12t).
5-     Ngôn sứ Êlya cho đổ ba lần nước trên của lễ và trên củi (c 34).
Ai muốn tham dự Thánh Lễ thì trước nhất phải được tái sinh bởi nước và Thần Khí, qua ba lần trầm mình trong nước, cùng với lời đọc: “Tôi rửa anh (chị) nhân Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Ga 3,5; Mt 28,19-20).
6-     Sau lời cầu nguyện của ngôn sứ Êlya, lửa trời tung xuống thiêu rụi lễ vật ông dâng (c 36-38).
Sau lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu, bởi lửa tình yêu của Ngài cho phép kẻ ác bắt và giết Ngài, thì lại Ngài trở nên của lễ dâng Chúa Cha, cứu những ai tin vào Ngài là Thiên Chúa cứu độ duy nhất (x. Lc 22, 39-53; Cv 4,12).
7-     Toàn dân thấy Chúa nhận lễ vật ngôn sứ Êlya, còn lễ vật của 450 tư tế chẳng có thần nào nhận, nên mọi người phủ phục sát đất tung hô rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa! Đức Chúa quả là Thiên Chúa” (c 39).
Như thế ngôn sứ Êlya đã được toàn dân tôn kính, vinh quang của ông khác nào vinh quang Chúa ban cho ông Môsê sau 40 ngày được đàm đạo với Chúa ở núi Sinai, và được nhận hai Bia Đá ghi Lời Chúa (x. Xh 34,29-35); Vinh quang của Thiên Chúa bày tỏ khi ngôn sứ Êlya dâng lễ trên núi Carmen theo Luật Môsê. Thánh Phaolô cho biết lễ tế ấy giá trị còn thua xa những người phục vụ Giao Ước mới Chúa Giêsu thiết lập. Ông nói: “Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết được ghi trên hai Bia Đá, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống. Nếu việc phục vụ Lề Luật – thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá – mà được vinh quang đến nỗi dân Israel không thể nhìn mặt ông Môsê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang – dù đó chỉ là vinh quang chóng qua – thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn hay sao? Nếu cái chóng qua mà còn vinh quang, thì cái còn mãi lại chẳng vinh quang hơn hay sao?” (2Cr 3,4-11: Bài đọc năm lẻ). Chỉ những ai thông dự vào vinh quang của Chúa Giêsu Phục Sinh mới tuyên xưng Đức Tin: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài quả là Đấng Thánh” (Tv 99/98,9c: ĐC năm lẻ).
            Vậy Đức Giêsu đã làm hoàn hảo ý nghĩa và giá trị Phụng Vụ Do Thái giáo để cứu độ muôn dân, nên đã trở thành Giới Răn quan trọng nhất (x. Mt 22, 34-40). Giới Răn này đứng hàng đầu trong Thập Giới và cũng đứng hàng đầu trong các Điều răn của Hội Thánh. Do đó Hội Thánh buộc nặng người Công Giáo đến tuổi trưởng thành phải dự Lễ Chúa nhật và Lễ Trọng (x. Giáo Luật số 1247). Lễ ngày thường không có Luật nào buộc người Công Giáo phải đi dự, do đó nếu người Công Giáo không dự Lễ ngày thường, cùng lắm là bị xếp vào hạng vi phạm Luật nhỏ. Nếu người Công Giáo nào cũng sống Đạo như thế, thì liệu giáo xứ của họ có làm gương sáng cho ai hay không? Họ sống Đạo vì yêu hay sống đạo vì sợ Luật? Trái lại, nếu mỗi giáo xứ, tất cả mọi người đều đi dự Lễ hằng ngày, tức là họ giữ Luật trọng cũng như Luật nhỏ vì yêu, thì giáo xứ ấy làm vinh hiển Chúa biết mấy! Vì thế Đức Giêsu nói: “Kẻ nào phạm đến một trong những Điều Răn nhỏ hèn nhất, và dạy người ta như vậy, thì sẽ bị liệt là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời, còn kẻ nào làm và dạy, thì sẽ được tôn làm lớn trong Nước Trời” (Mt 5,19: Tin Mừng). Trong khi đó Chúa đặt chỉ tiêu nên thánh cho mọi người phải nên hoàn hảo như Cha trên trời (x. Mt 5,48), mới đúng là người được Chúa cứu độ, làm vinh hiển Ngài!
            Thực ra chỉ lúc ta đến dự Lễ, mới có thể cầu nguyện: “Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài con đang ẩn náu” (Tv 16/15,1: ĐC năm chẵn). Để rồi mọi ngày trong đời sống tiếp tục cầu xin: “Lạy Thiên Chúa con thờ, lối đi của Ngài xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài” (Tv 24,4b.5a: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các Điều Răn của Người. Mà các Điều Răn của Người có nặng nề gì đâu (1Ga 5,3).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH