Một trăm ngày đầu của các vị thủ tướng
hay tổng thống thường được người ta chú ý. Đối với một định chế lâu đời như
Vatican, hình như 100 ngày không phải là một thước đo bất cứ phương diện nào
trong sinh hoạt của nó. Bởi thế, 100 ngày đầu của Đức Phanxicô lặng lẽ qua đi,
ít được ai nhắc đến. Tuy thế, nó vẫn được hai nhà bỉnh bút Hoa Kỳ xem sét.
Cha
xứ của thế giới
John L. Allen Jr của NCR ngày 17 tháng 6 vừa
qua gọi 100 ngày đầu của Đức Phanxicô là 100 ngày đầu của một cha xứ giáo xứ thế
giới. Theo nhà bỉnh bút này, các tâm lý gia cho rằng khi kinh nghiệm đi ngược lại
mô thức của ta về thế giới, nó sẽ phát sinh ra hiện tượng rối loạn về nhận thức
(cognitive dissonance). Lúc ấy, một là ta phải mài dũa lại sự kiện để nó phù hợp
với mô thức hai là ta phải từ bỏ mô thức của ta đi, để khỏi phải sống trong cảnh
mù mờ triền miên. Ông cho rằng ngã ba đường đó đang là ngã ba đường của thế giới
Công Giáo sau 100 ngày đầu của triều giáo hoàng Phanxicô.
Cứ chiếu theo lệ thường, thì mặt tiền Vatican hiện hết sức êm lặng. Cho đến nay, Đức Phanxicô mới
chỉ công bố một động thái mạnh bạo về chính sách, đó là việc cử nhiệm, vào
tháng Tư, tám vị Hồng Y khắp thế giới làm “nội các nấu nướng” cho ngài. Tuy
nhiên, phiên họp đầu tiên của “nội các” này đến mãi tháng Mười mới diễn ra. Nếu
kể cả công bố vào ngày 24 tháng 6 về việc thành lập Ủy Ban Tham Chiếu Giáo
Hoàng Về Viện Các Công Trình Tôn Giáo mà người ta thường gọi là Ngân Hàng
Vatican nữa, thì cũng chỉ là động thái thứ hai.
Ngoài ra, cho tới nay, Đức Phanxicô đã cử
nhiệm 48 tân giám mục và một số các viên chức hạng nhì của Vatican, nhưng
phần đông là do những sắp xếp trước khi ngài lên ngôi giáo hoàng. Ngài cũng đã
chấp thuận một số án phong thánh, thiết lập một số giáo phận mới, gặp gỡ một số
quốc trưởng, nhưng không có gì ngoại thường. Ngài chưa công bố bất cứ văn kiện
quan trọng nào về giáo huấn, và trừ Ủy Ban Tham Chiếu mới nhằm cải tổ, nếu cần,
Ngân Hàng Vatican ra, chưa có quyết định nào về hướng cải tổ Giáo Triều, một điều
được thiên hạ đồn thổi lâu nay.
Và cũng vì chưa có hành động nào “ngoạn mục”
nên cũng chưa có gì tranh cãi lớn. Vào lúc này, Đức Phanxicô đang chuẩn bị cho
chuyến đi Rio de Janeiro
để chủ tọa Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Sau đó, Vatican
bước vào cảnh lặng gió của mùa hè. Thành thử phải đến tháng Chín, họa may mới
có động thái ngoạn mục như việc bổ nhiệm tân quốc vụ khanh chẳng hạn.
Allen bảo rằng, đối với thói thường, cho đến
nay xem ra chỉ mới có sèo sèo chứ chưa có thịt nướng thực sự. Ấy thế nhưng xét
cho tường tận, một cái gì đầy chấn động đang sắp sửa diễn ra. Đức Phanxicô đang
lôi cuốn một quần chúng đông đảo khiến cảnh sát phải cấm xe cộ tại khu vực
quanh Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô như trong các lễ phong thánh cho Mẹ
Têrêxa hay cho Padre Pio. Các người bán buôn khắp Rôma đang tường trình những
thu nhập lớn lao nhờ các món hàng kỷ niệm về Đức Phanxicô.
Khắp thế giới, có những tường trình đã
thành dã sử về việc gia tăng số người tham dự Thánh Lễ và chạy tới tòa giải tội.
Một thứ "hiệu quả Phanxicô" trông thấy. Các cuộc thăm dò, như cuộc thăm dò hồi
giữa tháng Tư của Diễn Đàn Pew, cho thấy con số áp đảo những lời khen ngợi ngài
và truyền thông hoàn cầu vẫn còn rất say mê vượt quá cả thời hạn trăng mật
thông thường. Tất cả những định mức ấy cho thấy biến cố Janeiro vào tháng Bẩy
này sẽ là một biến cố nổ bùng nhất xưa nay của “tiệc vui Công Giáo” trong thế kỷ
21.
Nói cách khác, với Allen, ngành Vatican học và tiếng dân (vox populi) hình như không đi
đôi với nhau. Chìa khóa để giải quyết hiện tượng không đi đôi này có lẽ là đây:
Đức Phanxicô xem ra cương quyết hành xử như một mục tử khiến cho mô thức đúng
không phải là mô thức người ta quen dùng để đánh giá một nhà hành pháp cầm đầu.
Đúng hơn, đó là cách người Công Giáo quen dùng để nghĩ về một cha xứ. Câu hỏi
chính vì thế không phải là chính sách của ngài ra sao, mà liệu ngài có gợi hứng
hay không.
Phong cách và bản chất
Allen cũng cho rằng 100 ngày đầu của Đức
Phanxicô cho ta thấy rõ, khi đụng tới việc lãnh đạo thiêng liêng, phong cách
đôi khi là chính bản chất thực sự. Đức Cha Jorge Eduardo Lozano của Gualeguaychú, Argentina, cho rằng quả là lầm lẫn
khi người ta trông mong một giáo hoàng thực sự sẽ xuất hiện từ bên dưới những
biểu hiệu lúc ban đầu của triều đại ngài. Thực ra, những biểu hiệu ấy chính là
vị giáo hoàng thực sự rồi. Đức Cha Lozano vốn là bạn của Đức HY Jorge Mario
Bergoglio, vì Đức HY là giám mục phụ tá của ngài tại Buenos Aires trong 6 năm.
Hồi giữa tháng Tư vừa qua, Đức Cha Loranzo
cho hay: các biểu hiệu đó “nói
lên huấn quyền của ngài”.
Huấn quyền ấy là “Hãy
vươn tới người khác, đừng đợi họ tới với mình”. Đối
với Allen, sứ điệp này được biểu hiện qua bốn đặc điểm trong phong cách lãnh đạo
của Đức Phanxicô: tính đơn giản, lòng khiêm nhường, đứng ngoài chính trị và rất
dễ lui tới với người dân thường.
Tính đơn giản
Trước khi được bầu làm giáo hoàng, một
trong những điều ít ỏi người ta biết về Đức HY Bergoglio là ngài thường dùng xe
điện để đi làm chứ không dùng xe hơi có tài xế, sống trong một căn hộ chứ không
sống trong tòa giám mục lộng lẫy. Khi lên ngôi giáo hoàng, ngài vẫn duy trì lối
sống đơn giản ấy: cuốc bộ trong Vatican,
không dùng xe có bảng số đặc biệt SCV-1, sống tại Domus Sanctae Marthae chứ
không tại Tông Điện.
Sự đơn giản ấy thường đi đôi với việc đặc
biệt quan tâm tới cảnh nghèo và người nghèo. Ngày 16 tháng 3, ngài nói với một
nhà báo tới Rôma theo dõi cơ mật viện bầu giáo hoàng rằng Giáo Hội phải là “Giáo
Hội nghèo cho người nghèo”.
Ngài biến tinh thần liên đới với người nghèo này thành chính sách. Ngày 16
tháng Năm tại buổi trình ủy nhiệm thư của 4 đại sứ bên cạnh Tòa Thánh, ngài cảnh
cáo rằng “trong
khi thu nhập của một thiểu số người gia tăng theo cấp số nhân, thì thu nhập của
đại đa số đang tuột dốc. Sự mất cân bằng này phát sinh từ các ý thức hệ cổ vũ
tính tự lập tuyệt đối của thị trường và đầu cơ tài chánh, và do đó bác bỏ quyền
kiểm soát của nhà nước, là định chế có nhiệm vụ chăm lo công ích”
Một tuần lễ sau, nhân viếng một nhà bếp
cung cấp cháo cho người nghèo do Dòng Truyền Giáo Bác Ái điều hành, ngài kết án
“chủ nghĩa tư bản tàn ác chuyên giảng
dạy thứ luận lý học lợi lộc bất chấp điều gì… chuyên khai thác không hề nghĩ tới
những con người”.
Tính đơn giản cũng biểu lộ qua việc Đức
Phanxicô thích dùng cử chỉ thay vì những tuyên bố cầu kỳ. Thay vì thuyết giảng
về chức linh mục trong phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, ngài đi rửa chân cho các tù
nhân trẻ tại Casa del Marmo, trong đó có cả phụ nữ và người Hồi Giáo.
Việc bao gồm cả phụ nữ vào nghi thức rửa
chân xem ra đi ngược với chỉ thị năm 1988 của Bộ Phụng Tự. Nhưng theo cha
Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, việc đó được tính đơn giản biện minh: “cộng
đoàn này (Casa del Marmo) chỉ hiểu những điều đơn giản và chủ yếu; họ không phải
là các học giả phụng vụ. Rửa chân là điều quan trọng ở chỗ cho thấy tinh thần
phục vụ và yêu thương của Chúa Kitô”.
Lòng khiêm nhường
Nếu được thăm dò về các nhân đức của Dòng
Tên, phần lớn người Công Giáo sẽ nhắc đến rất nhiều đức tính như thông thái,
nhiệt thành, khả năng suy nghĩ rộng rãi, không chật hẹp, hăng say trong cánh đồng
truyền giáo… Ít ai nghĩ tới lòng khiêm nhường của họ, vì họ vốn tự hào về các
tài năng của mình.
Oái oăm thay, Đức Phanxicô lại là vị giáo
hoàng Dòng Tên đầu tiên nhấn mạnh tới lòng khiêm nhường như đức tính xác định
ra tư cách lãnh đạo trong Giáo Hội. Hôm ra mắt công chúng sau khi được bầu làm
giáo hoàng, ngài yêu cầu công chúng cầu xin ơn lành của Chúa xuống trên ngài
trước khi ngài ban phép lành cho họ. Điều này được giải thích như là lời yêu cầu
họ chúc lành cho ngài trước, một cử chỉ đầy ý nghĩa cho tương lai.
Quả tình sau đó, Đức Phanxicô đã chối từ rất
nhiều cách thức thông thường vốn tách biệt các vị giáo honàg ra khỏi quần
chúng. Ngài tự gọi điện thoại cho ông chủ sạp báo ở Buenos Aires để hủy bỏ đơn mua báo, điện thoại
cho người đóng giầy để đặt đôi giầy mới, bắt đầu điện đàm bằng cách tự giới thiệu
“Jorge đây!”.
Ngài không cử nhiệm thư ký riêng, những người hành xử như người canh cửa và
thông dịch viên, nhưng không thiếu những vị hành xử như các “phó
giáo hoàng”.
Một phần, các việc trên phản ảnh phong cách
quản trị trực tiếp của ngài. Nhưng rõ ràng chúng cũng nói lên lòng khiêm nhường,
muốn tự làm lấy những việc mà ngài thông thường vẫn làm. Khi tiếp ai đó tại
Vatican, ngài có thói quen không ngồi trên ngai, đợi họ đến, mà rời khỏi bục, gặp
khách ngang tầm mắt và chào đón họ như người ngang hàng.
Lòng khiêm nhường cũng trở thành nét xác định
ra triều giáo hoàng trên bình diện thần học và Giáo Hội học. Thí dụ, nhiều quan
sát viên cho rằng việc ngài quyết định thành lập nhóm 8 vị Hồng Y giúp ngài quản
trị cho thấy quyết tâm của ngài muốn có một phương cách thi hành thẩm quyền một
cách có tính hợp đoàn và hợp tác hơn.
Không hẳn ai ai cũng đồng ý phương thức ấy.
Người chuyên viết về phụng vụ người Ý là Mattia Rossi từng cho rằng đó là bước
tiến nhằm “tiêu
hủy ngôi vị giáo hoàng”
vì nó thay thế ý niệm thẩm quyền do Chúa thiết lập bằng ý niệm hợp đoàn tính đầy
mờ nhạt, và do đó, đã biến vị giáo hoàng từ người thứ nhất trên các người cùng
hàng thành người thứ nhất giữa những người cùng hàng.
Đó có lẽ chính là ý hướng của Đức Phanxicô
khi ngài ít xưng mình là giáo hoàng, nhưng là “giám
mục Rôma”,
vừa tránh âm hưởng vua chúa, vừa đi sâu đi sát nguồn gốc lịch sử hơn. Nhiều
chuyên viên đại kết tin rằng lòng khiêm nhường của Đức Phanxicô sẽ dọn đường tạo
tiến bộ cho việc hợp nhất Kitô Giáo, vì điều mà họ cho là sự ngạo mạn của giáo
hoàng vốn là viên đá chặn đường đại kết.
Linh mục Dòng Capuchin William Henn, một
nhà đại kết học nổi danh hiện giảng dạy tại Đại Học Gregorian ở Rôma, nhận định
rằng “với Đức Phanxicô, tôi nghĩ các Kitô
hữu khác sẽ thấy rõ hơn việc thừa tác vụ giám mục là để phục vụ hiệp thông, và
sẽ cởi mở hơn đối với nó”.
Đứng ngoài chính trị
Dù cố gắng bao nhiêu, các nhà lãnh đạo tôn
giáo cũng khó có thể đứng trên chính trị. Nhất là các vị giáo hoàng, vì Giáo Hội
Công Giáo vốn có một giáo huấn xã hội hết sức bao quát với nhiều hậu quả chính
trị. Chính Đức Phanxicô cũng đã nói nhiều điều liên quan tới chính trị. Ngoài
các nhận định về kinh tế ra, ngài còn nói về việc bảo vệ môi sinh, gọi chiến
tranh là “cuộc
tự sát của nhân loại”…
Hiện không có dấu chỉ nào cho thấy Đức
Phanxicô sẽ dẫn Giáo Hội ra khỏi các quan tâm truyền thống về chính trị. Ấy thế
nhưng, các quan sát viên đều tin rằng đây không phải là vị giáo hoàng hễ tỉnh
ngủ là nghĩ tới chính trị. Sau cuộc bỏ phiếu ngày 10 tháng Tư vừa qua tại
Uruguay nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, không một nhận định nào của Đức
Phanxicô hay của các phụ tá cao cấp đã được nói ra, dù Uruguay là nước thứ ba của
Châu Mỹ La Tinh nhìn nhận loại “hôn
nhân”
này, một sự kiện mà các quan sát viên tin rằng sẽ thúc đẩy các quốc gia khác
trong vùng mô phỏng, vùng vốn là quê hương của ngài.
Điển hình hơn là tại Ý, nơi người ta vẫn
nghĩ về các giám mục như những người nặng ký về chính trị. Nhưng trong diễn văn
với Hội Đồng Giám Mục của nước này vào ngày 23 tháng Năm, ngài không nói một chữ
về chính trị hay bất cứ việc gì liên quan tới quốc hội Ý.
Thái độ trên làm cho Đức TGM Luigi Negri của
giáo phận Ferrara-Comacchio, một ủng hộ viên tích cực của Phong Trào Hiệp Thông
và Giải Phóng, một phong trào được coi như có truyền thống hoạt động mạnh nhất
trong chính trường Ý, phải nói rằng “tôi
không tin ta cần phải tự chế trong việc lên tiếng khi các giá trị của ta bị đe
dọa”
tuy nhiên, vì phong thái mới của Đức Phanxicô, “có
lẽ chúng ta cần thay đổi phương thức hành động của ta”.
Theo ngài, điều ấy có nghĩa các giám mục nên đứng ngoài để các giáo dân hành động.
“Sự tự lập của giáo dân cần được kính
trọng”.
Dễ dàng lui tới
Trong các ngày đầu triều đại của Đức
Phanxicô, người ta thường nói đùa với nhau rằng những người duy nhất ở Rôma
không bị vị tân giáo hoàng “mê
hoặc”
là các nhân viên an ninh, những người khốn khổ lắm mới bảo vệ được ngài. Một
nhân viên an ninh nói với tờ La Stampa ngày 18 tháng Ba: “chúng
tôi hy vọng sau những ngày đầu tiên này, mọi sự sẽ trở thành bình thường. Nếu
không, ngài sắp làm mọi người điên lên được!”
Ông ta nói thế nhân dịp Đức Phanxicô tới cử
hành Thánh Lễ tại nhà thờ Thánh Anna vào ngày 17 tháng Ba. Sau Thánh Lễ, ngài
ra ngoài nhà thờ gặp dân chúng, bế trẻ em, bắt tay, chuyện trò, cười nói thật
thỏai mái với mọi người. Chính hôm đó, báo chí Ý gọi ngài là “cha
xứ của thế giới”.
Ý muốn không tách mình ra khỏi các kinh
nghiệm thường ngày là một đặc điểm nổi bật trong các ngày đầu tiên của Đức
Phanxicô. Ngài điện thoại nói chuyện với bạn bè và các nguồn khác để biết tình
hình của Giáo Hội ngay tại các khu vực của họ. Tính dễ lui tới nơi ngài cũng
bao gồm việc sử dụng ngôn từ tự do, không soạn sẵn, khiến nhiều nhà thần học vụ
tinh ròng (purist) lo ngại. Họ muốn thà nhiều lời còn hơn chỉ một chút thiếu
chính xác.
Ngài cũng ưa sử dụng các ngôn từ bình dân để
chuyên chở chủ điểm của mình. Thí dụ, ngày 10 tháng Năm, ngài so sánh các Kitô
hữu ủ rũ như những “trái
ớt ngâm dấm”.
Ngày 18 tháng Năm, ngài bảo thói bép xép trong Giáo Hội giống như ăn mật ong: bắt
đầu thì ngọt ngào nhưng ăn nhiều sẽ đau bụng.
Các bài giảng hàng ngày của ngài tại Domus
Sanctae Marthae không hề là những tiểu luận có hệ thống, nên được nhiều người
giải thích rất khác nhau. Người bảo thủ mừng vui khi ngài sử dụng các thuật ngữ
truyền thống như việc ngài năng nhắc tới ma quỉ. Nhưng họ không hài lòng bao
nhiêu, khi ngài bảo người vô thần cũng được Chúa Kitô cứu chuộc. Người cấp tiến
mừng vui khi ngài chỉ trích “những
người muốn vặn ngược đồng hồ” đối
với các cải cách của Vatican II.
Dù thế nào, ngài cũng nhất quyết không để
cho mối lo bị giải thích sai làm ngài ngưng việc tiếp tục hành xử như một mục tử.
Và vì thế, các viên chức Vatican mỗi sáng thức
dậy đều tự hỏi không biết hôm nay họ sẽ gặp được ngạc nhiên gì từ vị giáo hoàng
ưa ứng khẩu này.
Một
cuộc hành trình đầy hấp dẫn
Tiến sĩ John Thavis (www.johnthavis.com)
cho rằng 100 ngày đầu của một vị giáo hoàng khác với 100 của các nhà lãnh đạo
quốc gia, vì ngài suy nghĩ dài hạn, ít bị áp lực phải đưa ra các chương trình
ngắn hạn. Chính vì thế ta chưa thấy một văn kiện, một bổ nhiệm hay một cải cách
ngoạn mục nào trong 100 ngày đầu của Đức Phanxicô.
Tuy nhiên, ta vẫn có được một lượng suy
nghĩ và truyền giảng lành mạnh từ vị giáo hoàng đầu tiên thuộc Dòng Tên này về
đủ mọi chủ đề, từ chủ nghĩa duy nghề nghiệp của giáo sĩ tới việc làm tay chân nặng
nhọc. Vả lại, cũng như Allen, Thavis cho rằng nơi Đức Phanxicô, biểu tượng cũng
là bản chất, vì các cử chỉ của ngài nói lên rất nhiều, đối với bên trong cũng
như bên ngoài Giáo Hội. Ông nhận diện một số định hướng sau đây:
1. Đức Phanxicô định vị triều đại
giáo hoàng bên ngoài Giáo Triều
Thứ nhất, ngài chọn sống tại một nhà khách
ít trịnh trọng hơn của Vatican,
thay vì tại tông điện. Điều này rõ ràng có ý nghĩa vì địa dư rất quan trọng tại
Vatican.
Tông điện được bao quanh bởi các bộ sở của Giáo Triều; sống ở đó, ngài thấy
mình bị cô lập hơn. Dù sao, ngài cũng là người của quần chúng.
Thứ hai, Đức Phanxicô đã thiết lập nhóm 8 Hồng
Y (nay đã tăng lên 9) để góp ý với ngài về các vấn đề quản trị Giáo Hội và cải
tổ Giáo Triều, trong đó, chỉ có một thành viên hiện thuộc Giáo Triều. Xem ra,
ngài ít dựa vào các chức sắc bên trong Vatican, mà dựa nhiều hơn vào các
giám mục thế giới để quản trị Giáo Hội.
Thứ ba, phần lớn các lời giảng dạy của Đức
Phanxicô phát xuất từ các bài giảng lễ hàng ngày tại nhà khách của Vatican trong các bài giảng phần lớn ứng khẩu. Các viên
chức Vatican không coi các bài giảng này là huấn
quyền, nhưng vẫn cho công bố trọn bản văn. Có thể nói, những bài giảng nhiều ứng
khẩu này không đi qua bộ máy bàn giấy thông thường, nên ít bị Giáo Triều kiểm
soát.
2. Đức Phanxicô đã khởi sự cuộc “cải
tổ” Vatican của ngài rồi bằng cách phúc âm hóa
Người tham dự các Thánh Lễ hàng ngày của Đức
Phanxicô đều là các nhóm viên chức và nhân viên của Vatican, nên lời giảng của ngài đặc
biệt nhắm vào họ. Theo chiều hướng này, cuộc cải tổ Vatican
của Đức Phanxicô thực sự đã bắt đầu rồi. Không theo cách người đời mong đợi,
qua việc bổ nhiệm các viên chức đứng đầu các bộ sở, dù việc này thế nào cũng xẩy
ra trong những ngày sắp tới. Thay vào đó, Đức Phanxicô đang phúc âm hóa Tòa
Thánh. Ngài đặt cơ sở tâm linh cho cuộc cải tổ, bằng cách rao giảng Tin Mừng
ngay trong “nhà
mình”.
3. Viễn kiến của Đức Phanxicô ít
chú tâm tới căn tính nội bộ mà ngiêng nhiều về ảnh hưởng bên ngoài.
Ngài muốn Giáo Hội hiện diện trong cuộc sống
của người ta. Đối với các linh mục, điều này có nghĩa phải đi gặp gỡ giáo dân,
chia sẻ các vấn đề của họ. Đức Phanxicô mô tả điều ấy bằng một hình ảnh bất hủ:
mục tử phải có “mùi
của chiên”. Đối
với các giám mục, điều này có nghĩa phải chấm dứt chủ nghĩa duy nghề nghiệp.
Ngài nói với các sứ thần tòa thánh: khi chọn ứng viên giám mục, nên tránh những
người có tham vọng, mà chọn các mục tử gần gũi dân.
Đối với giáo dân, nó có nghĩa cương quyết sống
Tin Mừng và công bố nó cách hân hoan bằng lời lẽ và bằng việc làm, nhất là đối
với những ai đang đau khổ. Dù cần can đảm mới làm được, nhưng phúc âm hóa không
hề là một gánh nặng.
4. Nghị trình công bình xã hội của
Đức Phanxicô đang dần dần lên hàng ưu tiên
Những lời nặng nề thách thức nền kinh tế
hoàn cầu hiện nay của ngài “ta
đang sống trong một thế giới nơi tiền bạc thống trị… Tiền bạc không phải là
hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa”
cho thấy thông điệp “Phúc
Cho Người Nghèo”
mà ngài dự tính ban hành sẽ khó nhá đối với những người bênh vực nền kinh tế vô
hạn chế của thị trường tự do.
Nhưng Tin Mừng kinh tế của ngài không chỉ
nhắm các cơ quan quốc tế và các mối lái quyền lực. Ngài muốn Giáo Hội nhập thân
mối quan tâm đối với người nghèo và người đau khổ. Ngài cũng cảnh giác các linh
mục và giám mục phải chống lại sức cám dỗ của mô thức kinh doanh. “Công
bố Tin Mừng phải đi theo đường nghèo khó”.
Ngài cho rằng thực hành điều mình rao giảng là chìa khóa để con người thời nay
nhìn ra tính khả tín của Giáo Hội.
Tiến sĩ Thavis nghĩ rằng, ta đã vượt qua thời
kỳ “trăng mật”
thường tình, để bước vào một cuộc hành trình đầy hấp dẫn.