Sống đức tin _ Chúa dắt dìu tôi

CHÚA DẮT DÌU TÔI
Dù bằng cách nào, dắt dìu của Chúa vẫn tôn trọng sự tự do của tôi. Chính vì thế, mà tôi thấy tôi rất cần phải khiêm nhường, luôn luôn khiêm nhường, khiêm nhường sâu thẳm, để tránh lạm dụng tự do.
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Càng về già, tôi càng ít muốn nói câu: “Chúa sai con đi”. Nhưng tôi lại thích nói câu: “Chúa dắt dìu con”. Tuy cả hai câu đều đúng. Nhưng kinh nghiệm cho tôi thấy: Nhiều lần Chúa sai tôi đi, nhưng tôi đã đi sai, vì tôi không để Chúa dắt dìu. Vì thế, được Chúa dắt dìu, tôi cảm thấy mình được an toàn hơn là được Chúa sai đi.
Thực vậy, nếu không được Chúa dắt dìu, chắc chắn tôi sẽ hư hỏng. Những gì xấu xa bị kết án trong Kinh Thánh, dễ gì tôi không mắc phải, nếu tôi không được Chúa dắt dìu. Những gì tồi tệ xảy ra trong lịch sử và thời sự hôm nay, chắc gì tôi đã tránh nổi, nếu tôi không được Chúa dắt dìu.
2.
Chúa dắt dìu tôi, khởi đi bằng nhiều cách, như qua một gương sáng, một lời kinh, một lễ nghi, một biến cố. Nhưng điểm sau cùng Chúa dắt dìu tôi, vẫn là gặp được chính Chúa Giêsu.
Được gặp Chúa Giêsu, tôi nhận ra Người không là một giáo lý, mà là một Đấng thiêng liêng sống động gần gũi. Người thương tôi. Người muốn cứu tôi. Người tha thiết muốn đổ lửa tình yêu của Người vào tôi, để biến đổi tôi nên người con của Cha trên trời. Nói một cách bình dân, tôi thấy Người tha thiết muốn tôi đón nhận Người, để tôi được chắc chắn cho phần rỗi đời đời, là mục đích đời tôi.
3.
Chúa Giêsu là một Đấng yêu thương như thế, nhưng Người không áp đặt. Người để tôi tự do. Với sự tự do Chúa ban, tôi nài xin Chúa giúp tôi đón nhận Chúa.
Chúa giúp tôi bằng cách thêm đức tin cho tôi. Với ơn của Người, tôi tin Người là sự thực, là đường đi, là sự sống và là sự sống lại. Tôi tin bằng chính đức tin mà Người hỗ trợ cho tôi. Tôi cảm thấy lòi Chúa phán xưa là rất đúng: “Không có Cha, chúng con chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Chúa dắt dìu tôi là như thế đấy.
4.
Được đón nhận Chúa Giêsu vào trong lòng, tôi ở lại trong Người và Người ở lại trong tôi, như lời Người căn dặn (x. Ga 15,4). Nhờ vậy, tôi được Người thôi thúc, hãy biết đón nhận muôn vàn ơn khác Chúa ban cho.
Người thôi thúc tôi đón nhận, đồng thời Người cũng cho tôi nhìn thấy vô số trường hợp ơn Chúa đã không được người ta đón nhận, và kết quả là rất bi đát.
5.
Tôi nhớ lại dụ ngôn “khách được mời xin kiếu” được kể trong Phúc Âm thánh Luca (x. Lc 14,15-20). Nước Trời ví như một bữa tiệc lớn. Chủ nhà mời nhiều người. Nhưng vô số người đã từ chối, người thì vịn lẽ mới mua một thửa đất, cần đi thăm, người thì vịn lẽ mới tậu năm cặp bò, cần đi thử, người thì vịn lẽ mới cưới vợ, không thể đến được.
Kết quả là tất cả những ai từ chối lời mời, đều bị Chủ loại bỏ.
6.
Tôi cũng nhớ lại lời Chúa Giêsu đã than trách thành Giêrusalem: “Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Mt 23,37). Kết quả là họ không còn được gặp Người nữa.
7.
Với những cảnh báo trên đây, Chúa đã dắt dìu tôi. Như vậy, dắt dìu của Chúa gồm nhiều cách khác nhau.
Dù bằng cách nào, dắt dìu của Chúa vẫn tôn trọng sự tự do của tôi. Chính vì thế, mà tôi thấy tôi rất cần phải khiêm nhường, luôn luôn khiêm nhường, khiêm nhường sâu thẳm, để tránh lạm dụng tự do.
Bởi vì, cũng có lúc với sự tự do có sẵn, tôi vẫn có thể không chịu đón nhận thánh ý Chúa. Nhưng nếu có khiêm nhường, tôi sẽ biết hối cải, mà trở về.
8.
Kinh nghiệm cho thấy, với sự tự do, tôi có thể không đón nhận thánh ý Chúa trong mấy trường hợp sau đây.
Trường hợp thứ nhất là sự tự mãn đạo đức.
Tôi dễ tự hào với những thiên kiến cố định, những khuôn khổ đã quen, những chủ trương có sẵn, những luật lệ cứng nhắc, để từ chối sự mời gọi của Chúa, khi mời gọi này không hợp với tôi.
Trường hợp thứ hai là sự thất vọng.
Với một cái nhìn bi quan về sự tồi tệ của chính mình, tôi có thể rơi vào cảnh tối tăm, cho rằng Chúa không còn muốn thương tôi, nên tôi đóng cửa lòng mình lại, không dám tin vào lòng thương xót Chúa. Thái độ thất vọng như thế cũng là thái độ từ chối Chúa.
Trường hợp thứ ba là mất phương hướng.
Có lúc ngoại cảnh rất là phức tạp, đi về phía nào tôi cũng thấy cái chết đợi chờ. Trong hoàn cảnh đó, tôi có thể để mình buông xuôi, tới đâu thì tới. Thái độ buông xuôi như thế cũng là một sự từ chối quyền năng của lòng thương xót Chúa.
Khi tôi rơi vào các tình trạng trên đây, Chúa đã dắt dìu tôi, bằng cách giúp tôi phấn đấu thoát ra khỏi cái tôi hẹp hòi để tin vào tình yêu vô biên của Chúa. Được như vậy, tôi được Chúa giúp cởi gỡ mình ra khỏi mọi thành kiến, trở thành bé nhỏ, phó thác mình cho Chúa giàu lòng thương xót. Sự dắt dìu của Chúa như thế luôn kết thúc ở sự tôi bám chặt vào Chúa một cách tuyệt đối và vững bền.
9.
Sẽ là một thiếu sót lớn, nếu tôi không nói đến sự Chúa dắt dìu tôi trong những hoàn cảnh bi đát nhất, đó là khi tôi phải vác thánh giá trên con đường khổ nạn, để được cùng chịu đóng đinh mình bên Chúa trên núi Calvariô.
Trong những hoàn cảnh đớn đau nhất, tôi được Chúa dắt dìu, bằng cách Chúa giúp tôi hiểu những đau đớn tôi chịu sẽ có giá trị như một của lễ, để cứu các linh hồn, để nâng đỡ các con cái Chúa, để góp phần đem lại bình an cho Quê Hương và Hội Thánh, và cũng để biết khám phá thấy những tấm lòng tốt như ông Simon xưa đã vác thánh giá đỡ Chúa Giêsu. Đặc biệt là Chúa giúp tôi xác tín: Sau thánh giá là Phục sinh.
10.
Một thoáng nhìn trên đây cho thấy sự Chúa dắt dìu, dù với hình thức nào, đều luôn quy chiếu vào Lời Chúa và gương Chúa, đều mở rộng về phía con người, đặc biệt là về phía những người nghèo khổ, thất vọng, tội lỗi, để sau cùng được trở về với Cha trên trời. Dắt dìu của Chúa là đi vào những cụ thể của đời sống một cách tế nhị.
Dắt dìu của Chúa được thực hiện thường xuyên, mọi nơi mọi lúc, dù tôi thức dù tôi ngủ. Do vậy, tôi nhận mình bé nhỏ yếu đuối, như con thơ trong tay mẹ yêu dấu. Tôi nói lên điều đó, để mọi người dù bé nhỏ và yếu đuối đến đâu, vẫn có thể được Chúa dắt dìu, còn hơn tôi rất nhiều.
Lạy Chúa, đến muôn đời con ca ngợi những sự lạ lùng Chúa đã làm cho con là kẻ tội lỗi mọn hèn.
Long Xuyên, ngày 9 tháng 5 năm 2013.
ĐGM. GB Bùi Tuần