(Kỷ
niệm 25 năm ngày phong thánh cho các thánh Tử Đạo Việt Nam _ 19/6/1988 - 19/6/2013)
Cách đây ít lâu, có một bạn trẻ ngoài Công
giáo hỏi tôi: “Này anh, anh cho em hỏi
bên đạo Công giáo các anh tôn thờ những người mà gọi là thánh tử đạo, vậy họ là
ai mà phải thờ?” [1]
Lúc đó, tôi đã trả lời cho bạn trẻ đó: “Các Thánh Tử đạo chính là những con người
như chúng ta, nhưng các ngài đã theo, sống và làm chứng cho đạo của mình theo
là đạo thật, trong khi đó vua quan thời đó lại cho là tà đạo nên cấm và bắt bớ.
Ai không chịu bỏ Đạo Giatô thì giết, và các ngài đã bị giết vì không chịu bỏ đạo”.
Sau đó bạn trẻ đó lại hỏi tiếp: “Khi bị bắt
và giết như thế thì các vị tử đạo và người Công giáo hiện nay có căm thù những
người đã làm hại mình không?”.
Tôi trả lời: “Không những không căm thù, mà các
Thánh Tử đạo và ngay cả chúng tôi đã yêu và sẽ yêu họ nhiều hơn. Bởi vì cha ông
chúng tôi và cả chúng tôi đã, đang đi theo “Đạo Yêu Nhau” [2] [3].
Bạn trẻ nghe đến đây thì tỏ vẻ ngỡ ngàng.
Đúng vậy, ngỡ ngàng là phải. Đạo gì mà lại
là “Đạo Yêu Nhau”. Tại sao các ngài lại được gọi như vậy? Thưa bởi vì các ngài
đã noi theo gương Đức Giêsu, Đấng là Chúa và là Thầy của mình, đã sống và chết
vì yêu.
Tình yêu đó được khởi đi từ Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của
Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Đức Giêsu xuống
trần gian chính là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, cả cuộc đời và sứ mạng của
Ngài đều quy về tình yêu và dạy cho các môn đệ và mọi người bài học về tình
yêu: “Đây là Điều Răn của Thầy: Anh em
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12); Ngài còn
nói: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết
trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi
lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12,33), bởi vì “không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người hiến mạng vì người
mình yêu” (Ga 15,13).
Khi soi chiếu cuộc đời của mình vào trong Mầu
nhiệm Tình yêu của Đức Giêsu, các ngài đã rút ra được một định nghĩa về Đấng mà
các ngài yêu mến và tin theo, định nghĩa đó là: “Thiên Chúa là Tình Yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên
Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16). Chính vì thế, các
Thánh Tử đạo của chúng ta đã đã sống và minh chứng cho mọi người biết về Thiên
Chúa là Tình Yêu qua chính cuộc sống của mình: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em
có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Trải qua suốt thời kỳ bách hại đạo, các
Thánh Tử đạo là những người đã dám chấp nhận cái chết vì tình yêu và niềm tin để
minh chứng Đạo mà các ngài theo là Đạo thật, là Đạo Yêu Thương. Quả thật, cây đức
tin đã được các ngài vun xới và làm cho phát triển. Tuy nhiên, cây đức tin đó
được lớn lên ngay trong thử thách và đau thương: hơn 300 năm Hội Thánh Chúa tại
Việt Nam
đã chia sẻ nỗi thăng trầm của quê hương, thì cũng là hơn 300 năm Hội Thánh được
lớn lên trong hồng ân của Thiên Chúa. [4]
Ngoài việc làm chứng bằng cả mạng sống, các
ngài còn nhân chứng về chính nội dung Tin Mừng và tìm mọi cách để loan báo Tin
Mừng ấy với vua quan thời bấy giờ. Vậy nội dung Tin Mừng mà các ngài làm chứng
là gì?
Các ngài là những người luôn trung thành với
Chúa, sẵn sàng đón nhận cái chết để minh chứng niềm tin của mình vào đạo thật: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2 Tm 1,12).
Vì thế, các ngài luôn tin tưởng, phó thác trong tay Chúa: “Mọi âu lo hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr
5,7). "Người ban cho mọi loài sự sống,
hơi thở và mọi sự" (Cv 17,25). “Chính
nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28); “vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người
mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11,36) và các ngài xác tín thật mạnh
mẽ: “Chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu
mến chúng ta” (Rm 8,37); hay: “Cho dầu
là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương
lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo
nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện
nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).
Chính vì vậy mà càng bị đòn vọt
nhiều bao nhiêu thì các ngài lại vui mừng bấy nhiêu. Những trận đòn chí tử
không làm các ngài nản chí, sờn lòng, mà trái lại các chứng nhân của chúng ta
còn lấy thế làm hạnh phúc, vì được hiệp thông với Đức Kitô chịu đóng đinh. [5]
Các ngài luôn nhớ Lời Chúa phán: “Phúc
thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em
khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em
hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại
như thế” (Mt 5,10-12).
Và đây là thước đo sự trung thành của người môn đệ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23); và như trở thành quy luật: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn
ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24);
cuối cùng, “ai xấu hổ vì tôi và những lời
của tôi thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh
quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần” (Lc 9,26).
Như vậy,
các ngài đã chấp nhận tinh luyện cuộc đời của mình như thử vàng trong lò lửa,
khi chấp nhận tinh luyện như thế, các ngài được đón nhận như của lễ toàn thiêu.
Quả thật, khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, các ngài đã rực sáng như những
vì sao trên vòm trời và như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy (x. Kn 3,6-7). Và
các ngài thật xứng đáng lãnh nhận phần thưởng Nước Trời, vì đã sống trung thành
với Chúa đến cùng. Cái chết của các ngài đã không đi vào quên lãng, bởi vì:
Linh hồn các ngài ở trong tay Chúa, đau khổ sự chết không làm gì được các ngài.
Trước mặt người đời và những người không hiểu biết thì hình như các ngài đã chết
và đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng không phải vậy, các ngài đang sống trong bình
an. Vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài
như của lễ toàn thiêu (x. Kn 3,1-9).
Các ngài là những người yêu nước và xác định
lập trường giữa niềm tin với vua quan: Có thể nói, các Thánh Tử đạo là những
người rất mực yêu nước như bao người yêu nước khác và kính trọng vua quan hết
lòng. Là thần dân trong nước, các tín hữu sẵn sàng thi hành nghĩa vụ công dân,
từ thuế khoá cho đến gia nhập quân ngũ, điều này đã được chứng minh qua cuộc
sát hạch thân thế và tôn giáo của các binh lính tại tỉnh Nam Định, năm 1838,
nguyên tại tỉnh Nam Định, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh đã tụ tập được 500
binh sĩ Công giáo, để rồi bắt đạp lên Thánh Giá. [6]
Cũng vậy, chốn quan trường, theo chiếu chỉ tháng 9-1855 ra lệnh sàng lọc các
quan Công giáo, cấm đạo đồ đi thi hay nhận chức vụ trong làng trong tổng, [7]
thế mà 6 năm sau (1861), trong một đợt thanh trừng, triều đình còn bắt được 32
viên quan [8]
và đã cấm bỏ đạo, nhưng phần đông các ngài đã khước từ.
Khi khước từ bỏ đạo như
vậy, các ngài đã bị tra hỏi, bị đòn vọt đau đớn, nhưng các ngài vẫn rất ôn tồn
nhã nhặn, và tỏ ra không sợ hãi, ngược lại, các ngài lại thấy bình an hơn bao
giờ hết. Bởi lẽ, các ngài được Thánh Thần Thiên Chúa dạy cho biết phải nói thế
nào. Thái độ ôn tồn và kiên trì là đặc trưng chung của các Thánh Tử đạo Việt Nam.
Điển hình như Linh mục Nguyễn Văn Tự đối đáp với quan toà: "Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và
kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không
thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được". [9]
Giám mục Alonso Phê trong Thư Chung năm 1798 xác định khí giới đánh giặc bách hại
"chẳng phải là súng ống gươm giáo
đâu, mà là đức tin, lời cầu nguyện và đức bác ái". [10]
Giám mục Hemosilla Liêm nhắc nhở các tín hữu phải tuân giữ luật nhà phép nước,
còn nếu bị vu cáo tội chính trị thì cứ an tâm, vì Đức Giêsu xưa từng bị dân Do
Thái lấy cớ chính trị để giết (x. Ga 19,12). Ngài nói tiếp: "... Phô con đừng hoà tập vuối giặc, đừng
nghe chúng nói dối dá đấng ấy đấng khác sai chúng nó, vì cái ấy là không hẳn".
[11]
Làm được điều đó là vì các ngài luôn xác tín rằng mọi sự đều không nằm ngoài
thánh ý Chúa. Vì thế, những người làm khổ mình là những tác nhân trong chương
trình quan phòng của Chúa. Nên thái độ của các ngài là: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Tuy nhiên, lòng kính trọng phải được xây dựng trên nền tảng sự thật, tức là nếu
sự kính trọng mà trái với lương tâm, đức tin và chân lý của mình thì các ngài
cũng khẳng khái khước từ cách dứt khoát: khi vua Minh Mạng có ý định ban đặc ân
làm quan cho các vị thừa sai, Linh mục Gagelin Kính đại diện anh em từ chối đặc
ân đó, ngài nói: "Tuy nhiên, những
việc đó nào có thể dung hoà với nhiệm vụ linh mục của tôi". [12]
Hay như binh sĩ Trần Văn Trung, sẵn sàng đi lính để đáp lại lệnh truyền của
vua, nhưng phải bỏ đạo trước khi đi lính thì đã không chấp nhận, ngài nói: "Tôi là Kitô hữu tôi sẵn sàng đi đánh kẻ
thù của đất nước, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ". [13]
Các ngài là những người luôn sống nhân ái,
yêu thương hết mọi người: có lẽ điều nổi bật nhất nơi các vị tử đạo của chúng
ta là tình bác ái, các ngài luôn yêu thương hết thảy mọi người, bất luận họ là
ai, làm gì. Điều này đã được các vị tử đạo của chúng ta thể hiện rất xuất sắc.
Điển hình như Y sĩ Phan Đắc Hoà, ông luôn giúp đỡ người khác qua việc bốc thuốc
cứu người, đồng thời ông luôn khuyên họ trung thành mà giữ đạo để được sống đời
đời. Còn ông Trùm Đích thì khi có điều kiện là ông tới thăm trại cùi và sẵn
sàng nuôi người mắc bệnh dịch tại nhà mình. Linh mục Emmanuel Triệu sẵn sàng
nhường tiền bữa ăn ân huệ trước giờ xử tử để đổi lấy tiền mà cho người nghèo.
Biết giáo dân sẽ tổ chức an táng cho mình linh đình thì Linh mục Phan Văn Minh
đã kịp can ngăn và gợi ý lấy tiền đó giúp cho người nghèo. Với ông Cai Tả, thì
yêu thương để xin ơn tha tội, nên ông sẵn sàng cho vay mà không cần trả lại.
Ông Năm Thuông thì quả quyết: "Tôi
chưa thấy ai hay giúp người nghèo khó lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy
chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao? Chúa đã cho chúng ta sống, tất
sẽ quan phòng cho ta đủ dùng". Với quan Hồ Đình Hy thì: "Đừng làm việc thiện cách máy móc qua lần
chiếu lệ, mà phải làm với thiện ý”. [14]
Còn về lòng bao dung, các ngài sẵn sàng tha
thứ cho kẻ thù của mình. Điều này đã được chứng tỏ qua thái độ của các thừa
sai. Thừa sai Gagelin Kính gửi thư cho bạn bè: "Tôi sẵn lòng tha thứ cho những kẻ áp bức tôi". Chuyện
Linh mục Théophane Vénard Ven, khi viên quan nói: "Tôi phải theo lệnh vua, đừng giận tôi nhé!", ngài đáp:
"Tôi chẳng ghét gì ai cả, tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho quan". Cụ
Hoàng Lương Cảnh làm cho quan quân phá lên cười, vì khi cụ cầu nguyện: "Cầu Chúa Giêsu, xin cho các quan trị
nước cho yên càng ngày càng thịnh". Ông Lê Văn Phụng tại pháp trường
nhắn nhủ con trai mình: "Con ơi, hãy
tha thứ, đừng tìm báo thù kẻ tố giác ba nhé". Và dặn dò thân hữu: "Hãy tha thứ các bạn ơi. Hãy tha thứ,
vì chính tôi đã thứ tha". [15]
Thật vậy, các ngài luôn yêu thương, tha thứ
cho hết mọi người. Luôn coi sự sống của người khác như là của mình, và hạnh
phúc của con người là vinh quang của Thiên Chúa.
Khi lược lại một số hành vi mà các thánh tử
đạo của chúng ta đã thể hiện trong việc tuyên xưng đức tin vào Chúa; xác định
ranh giới giữa đạo và đời, và luôn tỏ ra yêu thương, bao dung với hết mọi người.
Ai trong chúng ta cũng hết lòng cảm phục trước thái độ bao dung và kiên cường của
các ngài. Tuy nhiên, điều làm cho chúng ta đáng lưu tâm hơn cả, đó là học được
bài học gì qua những gương sáng của các ngài.
Trước tiên, các ngài luôn biết chọn Chúa
làm điểm tựa của cuộc đời, là niềm hy vọng và ơn cứu độ, là gia nghiệp của ta.
Luôn biết đón nhận đau khổ như là ân huệ Chúa ban. Đồng thời phải can đảm làm
chứng cho sự thật, cho tình yêu trong khi thi hành bác ái. Sẵn sàng chấp nhận
thân phận của hạt lúa gieo vào lòng đất, thối đi để trổ sinh hoa trái dồi dào.
Thứ đến, luôn yêu thương hết mọi người, vợ
chồng chung thuỷ với nhau, con cái biết nghe lời cha mẹ trong những điều ngay lẽ
phải. Luôn sống chan hòa yêu thương với dân làng, giáo xứ, công sở, trường học...
Như thế là chúng ta đã trở thành muối, thành men và ánh sáng cho đời. Trung
thành với những điều đó phải chăng cũng là cuộc tử đạo liên lỉ thời nay.
Tắt một lời, các Thánh Tử đạo là những người
luôn trung thành với Chúa, sẵn sàng chết để bảo vệ đức tin. Các ngài cũng là những
người có tấm lòng bao dung với hết mọi người, nhất là với những người nghèo khổ,
yếu đau và cả với những người bách hại mình nữa. Như thế, các ngài đã sống đúng
như lời Chúa dạy về giới luật yêu thương. Thế nên, người ta gọi các ngài là những
người sống “Đạo Yêu Nhau” thì quả là
đúng không sai.
Mong thay khi mừng kỷ niệm 25 năm ngày
phong thánh cho các ngài, chúng ta làm mới lại tinh thần của các ngài trong cuộc
sống thường ngày nơi các mối tương quan của chúng ta. Bởi vì: “từ dòng máu Tử Đạo, Giáo Hội Việt Nam được sinh
ra”.
Như vậy, khi mừng lễ Ngân Khánh dịp phong
thánh cho các ngài, chúng ta hãy có tâm tình tạ ơn Chúa, tri ân các bậc Tổ Tiên
đã để lại cho chúng ta một gia tài quý giá, đó là gương anh dũng, lòng trung
thành và niềm tin mạnh mẽ. Ước gì tinh thần đó được nuôi dưỡng bởi tình yêu
Chúa và đồng loại. Tinh thần đó chính Chân phước Anrê Phú Yên đã khẳng định:
“Tình yêu không thể chết”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn trung
thành với Chúa, biết sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc
đời. Xin cho chúng con một tấm lòng quảng đại và bao dung, để yêu thương và sẵn
lòng tha thứ cho hết mọi người, kể cả những người bách hại chúng con. Amen.
[1] Vì là người ngoài Công giáo, nên bạn trẻ
đó dùng chữ “thờ” để nói về hành vi tôn kính của người Công giáo đối với các
Thánh Tử đạo Việt Nam. Người Công giáo “thờ” là thờ Chúa, còn tất cả các thánh
là tôn kính.
[2] Lm. Đỗ Quang Chính, Tản mạn Lịch sử Giáo hội
Công giáo Việt Nam,
NXB Tôn Giáo, 2008, tr. 61.
[3] Bức thư của linh mục thừa sai Gaspar
d’Amaral viết ngày 31-12-1632, trong đó cho biết “lương dân gọi bổn đạo là những
người theo đạo yêu nhau”.
[4] x. Giáo lý Hội thánh Công giáo (biên soạn
cho giáo dân Việt Nam),
không rõ tác giả, 1997, tr. 153.
[5] x. Mai Tuyến, OP, Tử đạo hôm nay, truy cập
ngày 12-11-2012; http://tinmung.net/TimHieu/Tu-dao-hom-nay.htm
[6] Gispert, Historia de las Misiones
Dominicas en Tunkin, Avila
1928, tr. 428.
12 x. Đào Trung Hiệu, OP, Cuộc lữ hành đức tin, quyển II, tr.
208.
[7] Louvet, La Cochinchine Religieuse, II,
tr. 204-207.
[8] Ibid. 267.
[9] x. Đào Trung Hiệu, OP, Cuộc lữ hành đức
tin, quyển II, tr. 207.
[10] Thư chung các đấng Vicario, Kẻ Sặt 1903,
tr. 63-68.
[11] Thư chung các đấng Vicario II, tr. 53-54.
[12] x. Đào Trung Hiệu, OP, Cuộc lữ hành đức
tin, quyển II, tr. 208.
[13] Thư chung các đấng Vicario II, tr. 53-54.
[14] 14 x. Đào Trung Hiệu, OP, Cuộc lữ hành đức
tin, quyển II, tr. 211.
[15] Ibid. tr. 231.