Hai câu hỏi
. Đức Giêsu là ai trong tương quan với chúng ta?
. Chúng
ta là ai trong tương quan với Đức Giêsu?
Một cậu
bé 15 tuổi và người cha đang lái xe ngang qua một phi trường nhỏ trong một tỉnh
lẻ ở Ohio. Bỗng dưng có một chiếc máy bay bị trục trặc, bay xà mặt đất rồi xoay
tròn và đâm đầu xuống phi đạo. Câu bé la lên, "Bố ơi, dừng xe lại!" Một vài phút sau cậu bé lôi người
phi công ra khỏi máy bay. Đó là thanh niên 20 tuổi đang học lái máy bay, đang
thực tập cất lên và đáp xuống. Thanh niên này đã chết trong tay cậu bé.
Khi về
đến nhà, cậu đến ôm bà mẹ và khóc, "Mẹ
ơi, anh ấy là bạn con! Ảnh mới 20 tuổi!" Tối hôm đó, cậu quá bàng hoàng
đến độ không muốn ăn. Cậu vào phòng, đóng cửa lại và nằm thừ trên giường. Cậu
đang làm việc bán thời gian tại một tiệm thuốc. Mỗi đồng kiếm được cậu dành dụm
để học lái máy bay. Cậu nhất định có được bằng lái khi 16 tuổi. Cha mẹ cậu tự hỏi
không biết tai nạn thảm khốc ấy ảnh hưởng thế nào đến con trai của họ. Liệu nó
có bỏ học lái không, hay vẫn tiếp tục? Họ để cho cậu tự quyết định.
Hai
ngày sau, bà mẹ đem vào phòng cậu một ít bánh mới nướng. Trên mặt tủ quần áo bà
thấy có cuốn nhật ký còn mở. Đó là cuốn nhật ký mà cậu đã gìn giữ từ khi còn nhỏ.
Ngang qua đầu trang giấy có hàng chữ lớn, "Đặc
Tính của Đức Giêsu." Bên dưới là một chuỗi các đức tính:
"Đức Giêsu thì không phạm tội; Người khiêm tốn;
Người thương kẻ nghèo; Người không ích kỷ; Người gần với Thiên Chúa..." Bà mẹ thấy rằng trong những giây phút khó quyết định,
cậu đã quay về với Đức Giêsu để xin sự hướng dẫn.
Sau
đó bà quay sang cậu con trai và nói, "Con
quyết định gì về việc học lái máy bay?" Cậu nhìn vào mắt mẹ và nói, "Mẹ ơi, con hy vọng là bố mẹ sẽ hiểu
cho con, nhưng với sự trợ giúp của Thiên Chúa, con phải tiếp tục học bay."
Cậu
trai đó bây giờ là ông Neil Armstrong. Và vào ngày 20-7-1969, ông là người đầu
tiên đặt chân trên mặt trăng.
Rất
ít người khi xem biến cố lịch sử đó trên truyền hình đã không biết rằng một
trong những lý do giúp ông Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng là Đức Giêsu.
Họ không biết rằng chính nhờ Đức Giêsu mà ông đã có được sức mạnh cũng như sự
hướng dẫn để thi hành một quyết định quan trọng thời niên thiếu mà giờ đây giúp
ông thành công đi trên mặt trăng.
Tôi
thích câu truyện này vì nó trả lời cho câu hỏi của Đức Giêsu trong bài phúc âm
hôm nay- "Các con nói Thầy là
ai?" -trong một kiểu cách trả lời mà chúng ta ít thường được nghe. Cậu
Neil Armstrong đã không trả lời câu hỏi ấy bằng cách nói với Đức Giêsu rằng, "Ngài là Con Thiên Chúa," hoặc
"Ngài là Đấng Mêsia," hoặc "Ngài là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên
Chúa." Cậu đã trả lời câu hỏi ấy một cách đơn giản hơn. Cậu nói: "Ngài là một người không phạm tội. Ngài
là một người luôn nghĩ đến người khác. Ngài là người thường quan tâm. Ngài là một
người gần với Thiên Chúa." Nói cách khác, với câu hỏi "Con nói Thầy là ai?" cậu Neil
Armstrong không trả lời theo thần học. Cậu đã trả lời theo cảm nghĩ riêng tư. Cậu
nhìn đến tâm hồn mình và diễn tả điều cậu cảm nghiệm được về Đức Giêsu trong cuộc
đời mình.
Mỗi
người chúng ta cũng phải làm giống như vậy. Chúng ta phải trả lời câu hỏi của Đức
Giêsu-"Con nói Thầy là ai?" -bởi
nhìn vào tâm hồn chúng ta và diễn tả cảm nghiệm sống động hằng ngày của chúng
ta đối với Đức Giêsu. Và cảm nghiệm đó thật khác biệt với mỗi người chúng ta.
Vì đối với một số người, Đức Giêsu là một người mà chúng ta có thể quay về để
xin được dẫn dắt khi chúng ta hoang mang. Với những người khác, Đức Giêsu là
người mà chúng ta có thể quay về để xin sức mạnh trong những lúc bị thử thách.
Còn với những người khác nữa, Đức Giêsu là người hiểu chúng ta, ngay cả khi
chúng ta không hiểu chính mình.
Và điều
này đưa chúng ta đến phần thứ hai của bài phúc âm hôm nay. Nếu phần đầu của bài
phúc âm là câu hỏi "Chúng ta cảm thấy
Đức Giêsu như thế nào?" thì phần thứ hai đề ra câu hỏi "Đức Giêsu cảm thấy chúng ta như thế
nào?"
"Nếu ai muốn đến với tôi, họ phải... vác thập
giá hàng ngày và theo tôi."
Những
lời này của Đức Giêsu thách đố chúng ta phải tự hỏi mình, "Đức Giêsu cảm thấy chúng ta như thế nào? Ngài có cảm thấy chúng
ta là các môn đệ của Ngài hay không?"
Nói
cách khác, chúng ta có vác thập giá hàng ngày của mình và theo Chúa không? Hay
nói cách khác nữa-cách thực tế hơn-chúng ta có bắt chước Đức Giêsu trong cuộc sống
hằng ngày không?
Chúng
ta có sống vì người khác như Đức Giêsu đã sống vì chúng ta hay không? - Chúng
ta có phải là những người mà người khác có thể quay về để tìm được sức mạnh khi
họ bị thử thách hay không? - Chúng ta có phải là những người mà người khác có
thể quay về để được hướng dẫn khi họ hoang mang hay không? - Chúng ta có phải
là những người mà người khác có thể quay về để được giúp đỡ khi cần thiết hay
không? - Chúng ta có phải là loại người như vậy đối với các phần tử trong chính
gia đình của chúng ta hay không?
Nói
tóm lại, bài phúc âm hôm nay đưa cho chúng ta hai câu hỏi quan trọng.
* Câu thứ nhất là: Chúng ta
cảm thấy Đức Giêsu như thế nào?
Chúng ta có cảm được
Người như Neil Armstrong cảm nghiệm: Người đóng vai trò quan trọng trong đời sống
hàng ngày của chúng ta không? Hay Đức Giêsu chỉ là ai đó mà chúng ta chỉ nghĩ đến
khoảng một giờ đồng hồ trong ngày Chúa Nhật và các ngày khác thì quên hết?
* Câu hỏi thứ hai lại
càng quan trọng hơn: Đức Giêsu cảm thấy chúng ta như thế nào?
Người có thấy chúng ta
là các môn đệ của Người không? Hay Người chỉ thấy chúng ta hâm mộ Người mà
thôi?- Chúng ta có phải là người bắt chước Đức Giêsu không? Hay chúng ta chỉ là
người khâm phục Chúa mà thôi? Chúng ta có vác thập giá và theo Chúa hàng ngày
không? Hay chúng ta chỉ ngồi bên vệ đường và hoan hô Người khi Người vác thập
giá một mình?
Đây
là hai câu hỏi quan trọng mà phúc âm đề ra cho mỗi người chúng ta hôm nay: Đức
Giêsu là ai trong cuộc đời chúng ta? Chúng ta là ai trong cuộc đời Chúa Giêsu?
Không
ai có thể trả lời câu hỏi này thay cho chúng ta. Chúng ta phải tự mình trả lời.
Hãy kết
thúc với lời nguyện mà đã được sáng tác bởi một Kitô Hữu vô danh cách đây gần
1.500 năm.
"Lạy Chúa!
Xin hãy là lửa sáng trước mặt con.
Xin hãy là ngôi sao dẫn đường cho con.
Xin hãy là con đường bằng phẳng dẫn đắt con.
Xin hãy là mục tử nhân hậu theo con.
Xin hãy là tất cả những điều ấy hôm nay-tối nay-và mãi mãi."