Danh nhân _ Alexandre đại đế

ALEXANDRE ĐẠI ĐẾ
Một vì vua rất giỏi của nước Macedoine (Bắc Hy Lạp) ngày xưa (356-323 BC)
TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP
Lên ngôi lúc 20 tuổi, chinh phục nước Hy Lạp, chiếm Ai Cập, lập thành phố Alexandrie, vượt qua sông Euphrate, sông Tigre, chiến thắng dân Ba Tư (33t), đánh lấy Babylone, Suse, vượt qua sông Indus (Ấn hà), chiến thắng vua xứ Pendjab là Poros. Nhà vua muốn đi xa hơn nữa nhưng quân Macédoine không chịu. Đại đế bèn lui lại Babylone và tại đó nhà vua băng hà vì bệnh sốt rét.
Cuộc viễn chinh của Đại đế không phải là không mang lại những lợi ích cho những nước bị chiếm. Những nước này, dù muốn dù không, cũng phải tiếp xúc với nền văn minh rực rỡ của Hy Lạp.
Chính trị khôn khéo và tài tổ chức của Đại đế là cả một bài học cho hậu thế:
-          Đế quốc của Alexandre như vậy là từ biển Adriatique đến sông Gange (Hằng hà), từ Hắc hải đến vịnh Ba Tư, từ sông Danube đến sa mạc Libye. Alexandre chọn Suse và Babylone làm hai thủ đô cho cái đế quốc mênh mông này. Muốn giữ trật tự, Alexandre đã dùng đủ chính sách thủ đoạn, ân có, oán có, oai có, mua chuộc có. Riêng về phần nhà vua, muốn dân trung thành, tin tưởng,... nhà vua dùng mọi phương pháp thần thánh hóa cá nhân nhà vua.
-          Truyền bá văn minh Hy Lạp khắp đế quốc rồi đồng hóa những dân bị trị. Chính sách đồng hóa gồm nhiều biện pháp phức tạp như biện pháp cho cưới dân bị trị (politique des mariages) được xúc tiến mạnh mẽ hơn hết. Alexandre cho 10.000 lính Hy Lạp cưới cùng một lúc (324 BC) 10.000 đàn bà Ba Tư. Các tướng đều được tự do cưới vợ thêm. Chính Đại đế cũng cưới thêm để làm gương mẫu.
-          Chính sách cai trị cũng thiên hình vạn trạng: quan viên cai trị có thể là quan văn, quan võ hay một chuyên viên tài chính. Quyền hành không bao giờ tập trung trên một người mà chia ra cho nhiều người và được tổ chức bằng một lối mà họ phải kiểm soát lẫn nhau. Chế độ cai trị ban bố cho từng địa phương một, có thể là Bảo hộ, Tự trị,...
-          Mở mang kiến thức, chấn hưng canh nông, kỹ nghệ bằng kiến thiết thêm những bến tàu, đường sá, sông đào, biến thành ruộng vườn những miền trước kia là sa mạc (đất Lưỡng hà), di dân, cho trồng những cây thực phẩm mới (nho, ôliu,...).
Tất cả những công việc kể trên đều do những sáng kiến của Đại đế và do Đại đế đích thân thúc đẩy và chỉ huy lấy.
Hậu quả quý báu do cuộc chinh phục của Đại đế để lại còn là:
-          Khoa Địa lý biết được thêm rõ Địa cầu và thêm được nhiều kiến thức mới.
-          Các ngành khoa học nhất là khoa Vạn vật (do Aristote nghiên cứu) biết được thêm nhiều điều lạ.
-          Mỹ thuật Hy lạp nhất là những công trình xây cất lớn tiếp xúc với mỹ thuật Đông phương cũng được thay đổi thêm hoàn hảo.
Công việc đang tiến hành rầm rộ thì nhà vua ngọa bệnh và chỉ 10 ngày sau, nhà vua tạ thế, mới có 33 tuổi!
Trích tác phẩm DANH NHÂN THẾ GIỚI
của Trịnh Chuyết