Nhìn thấy Thiên Chúa
Thiên Chúa là Đấng duy nhất mà chúng ta quy phục nhưng
không bị mất chính mình. “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu”
(Cv 17,28). Thế giới mỗi ngày là nơi Thiên Chúa biểu lộ chính Ngài cho chúng
ta... Ngài luôn là một mầu nhiệm, và “Kinh nghiệm đẹp nhất chúng ta có thể có
là kinh nghiệm về điều mầu nhiệm ” (A. Einstein).
Suy Niệm 1. NHỮNG
HÌNH ẢNH VỀ THIÊN CHÚA
Có một câu chuyện ở Châu Phi về Thiên Chúa như sau. Một
ngày nọ lúc Thiên Chúa du hành qua các đại lục mênh mông, khi lên cao khi xuống
thấp. Đặc biệt Thiên Chúa nhận thấy một bộ tộc đã đánh mất đức tin vào Người.
Vì thế, Người hiện ra trong một cánh đồng nơi có bốn người làm việc, mỗi người
một góc. Những người làm ruộng thấy Thiên Chúa đứng đó, giữa một cánh đồng, liền
nhìn thật kỹ và rồi họ sấp mình thờ lạy Người.
Kế đó, Thiên Chúa biến mất nhưng vẫn theo dõi việc gì xảy
ra sau đó. Bốn người nông dân chạy về ngôi làng của họ, tập họp dân làng và
tuyên bố không còn nghi ngờ gì nữa: Thiên Chúa thật sự hiện hữu và chăm sóc họ
khi Người ngự xuống viếng thăm họ. Vì vậy, tất cả mọi người phải bắt đầu thờ phụng
Người một cách nghiêm chỉnh. Dân làng tiếp nhận tin tức với sự nồng nhiệt. Họ
muốn biết những người ấy đã có thị kiến hay không. Thế nên một dân làng hỏi:
“Thiên Chúa ăn mặc như thế nào?”.
“Người mặc một cái áo choàng đỏ”, người thứ nhất đáp.
“Không, Người mặc một cái áo choàng xanh lam”, người thứ
hai đáp.
“Cả hai anh đều sai”, người thứ ba nói. “Đó là một áo
choàng màu xanh lá cây”.
“Các anh điên rồi”, người thứ tư gào to. “Người mặc một
cái áo choàng màu vàng”.
Và đến đây, họ bắt đầu cãi nhau. Hết cãi nhau lại đánh
nhau. Sau cùng, họ khinh miệt nhau và thù ghét lẫn nhau, và phân chia ra thành
bốn bè phái.
Với một chút suy nghĩ, họ có thể dễ dàng đạt đến sự nhất
trí. Mỗi người chỉ được nhìn Thiên Chúa thoáng qua. Thay vì nhấn mạnh đến thị
kiến toàn diện, họ nên thừa nhận mỗi người chỉ có được một phần thị kiến.
Nếu họ cởi mở đối với quan điểm của người khác thì cuối
cùng họ có thể đạt được một hình ảnh rộng rãi hơn và phong phú hơn về Thiên
Chúa.
Thiên Chúa cao cả hơn tất cả chúng ta. Chúng ta có thể
không bao giờ hiểu đầy đủ về Thiên Chúa. Chúng ta đã phải vất vả để hiểu biết
những sự vật trần gian. Vậy làm thế nào chúng ta có thể hiểu hết mọi việc trên
trời? Chỉ có ơn khôn ngoan mới có thể giúp chúng ta biết những đường lối của
Thiên Chúa. Người ta có thể biết những chân lý đức tin nhưng vẫn chưa biết
Thiên Chúa.
Có một hình ảnh chính xác về Thiên Chúa là rất quan trọng.
Nếu chúng ta có một hình ảnh sai lầm, mọi sự việc khác sẽ mù mờ. Làm thế nào
chúng ta có thể cầu nguyện đúng đắn, hoặc có một quan hệ đúng đắn với Thiên
Chúa, nếu chúng ta có một hình ảnh sai lầm hoặc không phù hợp với Người? Người
Kitô hữu quan niệm đời sống là một lời đáp lại tình yêu Thiên Chúa.
Để nói Thiên Chúa giống với cái gì, tất cả chúng ta chỉ cần
nhìn vào Đức Giêsu. Trong ngôn ngữ của Thánh Phaolô: “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”. Vậy Đức Giêsu giống cái
gì? Trong tất cả những hình ảnh mà chúng ta có về Đức Giêsu, một hình ảnh đáng
yêu nhất là người Mục Tử Nhân Từ. Chính Đức Giêsu đã dùng hình ảnh ấy. Đức
Giêsu là Mục Tử Nhân Từ, đã thí mạng sống mình cho đàn chiên. Trong Đức Giêsu,
chúng ta thấy tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta. Còn về Chúa Thánh Thần?
Chúa Thánh Thần là dây liên kết yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con, và giữa
hai ngôi Cha và Con với chúng ta.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải để bàn cãi hoặc
nghiên cứu mà để cầu nguyện và để sống. Người Kitô hữu sống trong thế giới của
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế giới ấy không phải là một nơi nào đó
ở bên ngoài không gian. Nó cũng là thế giới của mỗi ngày. Như trong câu chuyện
Châu Phi cho chúng ta thấy Thế giới mỗi ngày là nơi Thiên Chúa biểu lộ chính
Ngài cho chúng ta.
Suy Niệm 2. Ý NGHĨA
CỦA THIÊN CHÚA
Đức tin không phải là thứ tự kỷ ám thị. Đây là ân sủng của
một sự gặp gỡ mầu nhiệm với một Đấng nào đó. Nó ở bên ngoài mọi lý lẽ và cảm
xúc, nhưng lý lẽ và cảm xúc cũng có thể hiện diện. Chúng ta có thể hiểu Thiên
Chúa bằng trí óc và bằng giác quan. Thật vậy bằng toàn bộ con người chúng ta.
Chúng tôi không nói về một xác tín của trí tuệ, mà về một cảm thức về Thiên
Chúa – một cảm giác. Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời làm sao.
Nhà văn Nga, Tolstoy kể lại câu chuyện một đêm kia, ông
đang cầu nguyện Thiên Chúa trong giường ngủ của ông trước một ảnh Đức Bà Đồng
Trinh của Hy Lạp. Ngọn đèn đêm đang cháy. Kế đó ông ra ngoài ban công. Đêm tối
đen như mực, và bầu trời đầy sao – sao mờ, sao sáng, một đám sao hỗn độn. Có một
vẻ lóng lánh trên bầu trời, và trên địa cầu có những bóng đêm và hình dáng những
cây khô. Ông nói:
“Đó là một đêm kỳ
diệu. Làm thế nào mà người ta không tin vào linh hồn bất tử khi người ta cảm thấy
sự vĩ đại vô biên như thế trong bản thân mình? Tôi có thể chết. Và tôi nghe một
tiếng nói trong nội tâm nói với tôi: Người đấy, ông hãy bái quỳ Người và thinh
lặng”.
Người nào có cảm giác về Thiên Chúa và về sự hiện diện của
Người trong đời sống, người ấy thật hạnh phúc. Đó là tài sản duy nhất đang có.
Như một người đã nói: “Tôi không cần tin
Ngài. Vấn đề đức tin không còn quan trọng nữa. Tôi biết chính điều ấy”.
Khi người ta biết một điều gì, thật sự biết một cách thâm
sâu trong tâm hồn họ, người ta không cần biện luận hoặc chứng minh điều đó. Họ
biết đúng điều đó và như thế là đủ. Đức tin thật sự là một ơn của Thiên Chúa.
Người ta tin với tâm hồn dù không biết tại sao hoặc cũng không tìm kiếm sự hiểu
biết. Một sự chắc chắn thân thiết đổ đầy tâm hồn người ta cũng đủ.
Khi chúng ta có một cảm thức về sự hiện diện của Thiên
Chúa trong thế giới, chúng ta không còn cảm thấy lẻ loi cô độc trong thế giới.
Chúng ta có thể nhìn thấy với sự thán phục và yêu thương mọi tạo vật như là
công trình của một Đấng Nghệ Nhân là bạn của chúng ta.
Cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới là
một phúc lành cao cả, nhưng cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng
ta là một phúc lành còn cao cả hơn. Suốt đời, thánh Âu Tinh đã học theo điều
đó. Ngài viết:
“Ôi Đấng Toàn Mỹ từ
muôn đời cho đến muôn đời, con đã yêu Chúa chậm trễ, vâng, con đã yêu Chúa chậm
trễ. Chúa ở bên trong con, nhưng con ở bên ngoài, và tìm kiếm Chúa ở bên ngoài ấy.
Và thật vô duyên, con đắm chìm trong những sự vật khả ái mà Chúa đã tạo dựng.
Chúa ở với con mà con không ở với Chúa. Những vật thụ tạo giữ con xa cách Chúa;
tuy rằng nếu chúng không ở trong Chúa thì chúng sẽ không còn hiện hữu. Tại sao
con lại cầu xin Chúa đến với con khi mà nếu Chúa không ở với con, con sẽ không
còn hiện hữu”.
Chúng ta gặp Thiên Chúa không phải chỉ trong thế giới bên
ngoài chúng ta nhưng trong thế giới bên trong chúng ta, và thấy rằng Người gần
gũi chúng ta hơn là chúng ta vẫn nghi ngờ. Người tham dự vào chúng ta như lời
Thánh Phaolô đã nói: “Chính ở nơi Người
mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28).
Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi dù không rõ ràng ở
nơi nào. Người giống như một nhà viết tiểu sử mà công việc là kể lại câu chuyện
trong lúc ông vẫn đứng ở hậu cảnh.
Đối với nhiều người, sự im lặng của Thiên Chúa là một vấn
đề lớn. Nhưng “Một Thiên Chúa ồn ào và hiển
nhiên sẽ là một bạo chúa áp bức, không an toàn thay vì là một sự động viên
không giới hạn đối với bản chất yếu đuối và hay sợ sệt của chúng ta. Câu đáp lại
của Người hoà nhập vào cuộc hành trình dài, gồm những sự kiện to lớn của đời sống,
sâu thành chuỗi xuyên suốt mọi vật” (John Updike).
Thiên Chúa là Đấng duy nhất mà chúng ta quy phục nhưng
không bị mất chính mình.
CÂU CHUYỆN KHÁC
Isaac Newton là một nhà toán học và khoa học vĩ đại của mọi
thời. Tuy nhiên về cuối đời ông, ông nói về những thành tựu của mình:
“Tôi không biết tôi
xuất hiện với thế giới như thế nào, nhưng đối với tôi, tôi giống như một cậu bé
chơi đàn trên bãi biển và thỉnh thoảng thích thú vì tìm thấy một viên sỏi bóng
loáng hơn hoặc một vỏ sò xinh đẹp hơn thường gặp, trong khi đại dương bao la của
chân lý chưa khám phá vẫn còn trải ra trước mắt tôi”.
Cả khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta hiểu được mầu nhiệm
Thiên Chúa, thì chúng ta chỉ mới bắt đầu. Chúng ta vẫn chỉ là những đứa bé chơi
đùa trên bãi biển. Mầu nhiệm tăng lên thay vì giảm bớt với mỗi khám phá mới.
Một số người muốn biết mọi sự, muốn giải thích mọi sự, muốn
tháo gỡ mọi sự thành những sự kiện. Nhưng sống với mầu nhiệm là một điều lý
thú. Albert Einstein đã nói: “Kinh nghiệm
đẹp nhất chúng ta có thể có là kinh nghiệm về điều mầu nhiệm”. Cả khi có đức
tin thì mầu nhiệm, bóng tối về những điều không thể biết vẫn còn. Chúng ta không thể thấy
toàn bộ đời sống. Như lời Van Gogh đã nói: “Trên
trần gian này, chúng ta chỉ nhìn thấy một nửa bán cầu.”