Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi
Giữa
sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho mọc lên những hoa trái của
yêu thương, tha thứ. Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao sang nhất của lòng người...
Sau thời cách mạng Pháp, trước
cửa một nhà thờ tại Balê, người ta thường thấy một người hành khất với một dáng
vẻ lạ thường. Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn thấy trên vòng cổ
của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.
Người khách quen thuộc nhất của
người xấu số này là một vị linh mục trẻ. Vị linh mục thường đến dâng thánh lễ tại
nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ông không quên hỏi han và giúp đỡ người
hành khất.
Ngày nọ, vị linh mục trẻ
không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa. Lần mò hỏi thăm, vị
linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét run vì bệnh tật và
đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể lại cuộc đời của
mình như sau: "Khi cách mạng vừa
bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồmg chủ tôi là những
người đạo đức, giàu lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội họ. Quân cách
mạng tìm cách bắt họ. Hai vợ chồng và hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết
án tử hình. Chỉ còn người con trai duy nhất là thoát khỏi".
Nghe đến đây, vị linh mục như
muốn té xỉu, nhưng ông đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của người
hành khất: "Tôi nhìn họ leo lên đoạn
đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một
quái vật khát máu... Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi
bắt đầu đi lang thang khắp các ngả đường để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn
giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây thánh giá tôi đang treo ở
đầu giường là của người chồng, còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ
đây là của người vợ... Xin Chúa tha thứ cho tôi".
Vừa nghe xong những dòng tâm
sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ đã quỳ gối xuống
bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một công thức giải tội, ông
đã nói như sau: "Tôi chính là người
con trai còn sống sót trong gia đình. Ðại diện cho gia đình và với tư cách là một
linh mục, tôi tha thứ cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...".
Câu chuyện tha thứ trên đây
là một trong những mẩu chuyện đã và đang xảy ra ở mọi thời đại và mọi nơi. Giữa
sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho mọc lên những hoa trái của
yêu thương, tha thứ. Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao sang nhất của lòng người...
Sự hiện diện của bà Muzeyen
Agca tại Roma dạo tháng 02/1987 nhắc lại cho chúng ta một biến cố vô cùng đau
thương, nhưng cũng gợi lại một nghĩa cử vô cùng cao quý của vị Cha chung. Ngày
13/5/1981, giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công trường thánh Phêrô
để chờ đón Ðức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ đám đông
đã làm cho mọi người như đứng tim. Ðức Thánh Cha đã gục ngã trên chiếc xe Jeep
mui trần, máu me vọt lên tung toé. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị
Giáo Hoàng bị mưu sát.
Ali Agca, thủ phạm chính của
vụ mưu sát, đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị
giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma. Biến cố đẫm máu trên đây đã ghi đậm sự thù
hận đang sôi sục trong lòng người... Nhưng thế giới không chỉ được nung náu bằng
lò lửa của hận thù. Thiên Chúa đã tạo dựng con người để yêu mến và tha thứ...
Năm 1984, một biến cố khác đã
làm chấn động dư luận thế giới: Ðức Gioan Phaolô II đã đích thân đến nhà giam
Rebibbia để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho anh. Không ai biết hai bên
đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh tượng kẻ sát nhân và
người bị mưu sát đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt của tha thứ, của hòa
giải...
Trích Sách Lẽ Sống