Vu
khống còn tệ hại hơn tội lỗi và là cách thể hiện rõ nét của Satan: “Tất cả
chúng ta đều là tội nhân. Tất cả chúng ta đều phạm tội. Nhưng tội vu khống còn
có cái gì xấu xa hơn thế nữa."
Kể
từ ngày Đức Phanxicô lãnh nhận thừa tác vụ thánh Phêrô, người tín hữu khám phá
nơi ngài nhiều nét lạ. Một trong những nét lạ ấy là ngài dâng Thánh Lễ và chia
sẻ Lời Chúa hằng ngày với cộng đoàn. Những bài giảng hằng ngày ấy không nặng chất
thần học cho bằng những cảm nghiệm thiêng liêng và dấu nhấn mục vụ, gần gũi với
đời sống. Một trong những đề tài được Đức Phanxicô nhấn mạnh là tội nói hành,
nói xấu người khác.
Chỉ
trong vòng một tháng đầu thi hành thừa tác vụ, đã ba lần ngài bàn đến đề tài
này. Lần đầu tiên, ngài cho việc nói xấu người khác là hành động bán rẻ người
khác như bán một món hàng, và ngài lấy Giuđa làm ví dụ, người đã bán thầy của
mình để lấy 30 đồng bạc. Ít ngày sau, ngài lại nhắc đến việc nói hành người
khác và coi đó là cơn cám dỗ của ma quỷ, vì nó không muốn Thánh Thần Chúa ngự
trong tâm hồn và ban bình an cho chúng ta.
Mới
đây, một lần nữa, Đức Phanxicô bàn đến đề tài này và nhấn mạnh đến tội vu khống
người khác. Theo ngài, vu khống còn tệ hại hơn tội lỗi và là cách thể hiện rõ
nét của Satan: “Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Tất cả chúng ta đều phạm tội.
Nhưng tội vu khống còn có cái gì xấu xa hơn thế nữa. Dĩ nhiên, đó cũng là một tội,
nhưng còn hơn thế nữa”. Tại sao vậy? Đức Phanxicô giải thích: “Tội vu khống nhắm
mục đích hủy hoại công trình của Thiên Chúa, và nó phát xuất từ một điều rất xấu
xa là sự thù ghét. Mà thù ghét là hoạt động của Satan. Tội vu khống hủy hoại
công trình của Thiên Chúa nơi con người, trong linh hồn họ. Vu khống sử dụng
gian dối để đi tới”. Cho nên ngài kết luận: “Đừng nghi ngờ gì nữa. Ở đâu có vu
khống, ở đó có Satan hiện diện”.
Rồi
Đức giáo hoàng minh họa bằng trường hợp của thánh Têphanô. Thánh nhân là nạn
nhân của vu khống, bị tố cáo gian và bị xử tử. Thế nhưng vị tử đạo đầu tiên
trong lịch sử Hội Thánh đã không lấy gian dối đáp lại gian dối; thay vào đó,
ngài ngước nhìn lên Chúa và vâng theo lề luật, sống trong bình an và chân lý của
Đức Kitô. Đó chính là cách thế của các thánh tử đạo đích thực và của biết bao
chứng nhân Tin Mừng ngày nay.
Nói
thế, vì theo Đức Phanxicô, thời kỳ tử đạo chưa chấm dứt: “Kể cả ngày nay, chúng
ta có thể nói thật rằng Hội Thánh có nhiều vị tử đạo hơn những thế kỷ đầu
tiên”. Trong Hội Thánh, “có nhiều anh chị em bị vu khống, bị bách hại, bị giết
vì người ta ghét Chúa Giêsu, ghét đức tin tôn giáo… Có người bị giết vì dạy
giáo lý, người khác bị giết vì mang Thánh giá trên người… Họ là anh chị em của
chúng ta trong thời tử đạo này”.
Điều
đáng lưu ý là khi nói đến tội nói hành, nói xấu, vu khống người khác, Đức
Phanxicô cũng nhắc đến ma quỷ, điều mà nhiều người ngày nay cho là “mê tín”!
Ngài từng nói: chiến thuật tinh vi nhất của ma quỷ là làm cho người ta tin rằng
không có ma quỷ. Cũng có thể do ảnh hưởng linh đạo thánh Inhaxiô nên vị giáo
hoàng dòng Tên thường xuyên lưu ý mọi người về sự hiện diện và tác động của ma
quỷ. Ở đây là hoạt động khôn khéo của nó trong việc xúi giục người ta nói hành,
nói xấu, vu khống người khác.
Chắc
chắn không phải vô tình khi Đức Phanxicô thường xuyên nhắc nhở các tín hữu về tội
nói hành, nói xấu và vu khống người khác. Với kinh nghiệm phong phú của một mục
tử, ngài thấy rõ sự tàn phá của những thói xấu này trong tâm hồn con người,
trong các mối tương giao, cũng như trong đời sống Giáo Hội. Khi liên kết những
thói xấu này với hoạt động của Satan, ngài giúp các tín hữu ý thức rằng đây là
công cụ hiểm độc mà ma quỷ sử dụng để phá hủy công trình của Thiên Chúa, nhất
là trong thời đại internet ngày nay. Khi chưa có internet, những lời nói hành,
nói xấu và vu khống chỉ gây tác động trong một không gian nhỏ; còn ngày nay,
qua mạng internet, những lời vu khống trên có thể gây tác hại trên diện rộng
toàn cầu. Một đàng, người môn đệ Chúa Giêsu được khuyến khích sử dụng internet
để loan báo Tin Mừng tình yêu và chân lý; đàng khác, phải ý thức rằng ma quỷ có
thể vận dụng phương tiện này hết sức tinh vi để đánh tráo sự thật, gieo rắc
nghi nan, cổ võ hận thù. Ý thức đó giúp chúng ta tỉnh thức và thận trọng khi tiếp
cận và sử dụng các nguồn thông tin.
“Ở đâu có vu khống, ở đấy có ma quỷ”. Ngược lại,
“Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”. Đây chính là con đường mà người
môn đệ Chúa Giêsu phải bước đi để chống lại ma quỷ: con đường yêu thương và hiệp
nhất. Cách riêng trong tháng 5 – vẫn được gọi là tháng Hoa – chúng ta ngước
nhìn lên Đức Maria để tìm sự chở che và hướng dẫn. Có lần Đức giáo hoàng
Phanxicô nhắc đến bức ảnh thánh bên Nga, bức ảnh mô tả Đức Mẹ đang lấy vạt áo của
mình che chở Dân của Chúa, và ngài kêu gọi: “Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ che chở
chúng ta, và trong thời nhiễu loạn thiêng liêng này, không có chỗ nào bình an
cho bằng nép dưới áo Mẹ. Mẹ là người mẹ chăm sóc Hội Thánh và trong thời tử đạo
này, Mẹ là Đấng bảo vệ chúng ta. Hãy thưa với Mẹ: Lạy Mẹ, Hội Thánh cần đến sự
che chở của Mẹ, xin Mẹ chăm sóc Hội Thánh”.
HTT