Ta Thấy Hạnh Phúc ở Giữa Loài Người
“Ba
Ngôi trở nên một thực tại trong ta như vị khách của tâm hồn. Tại sao lại đi tìm
Thiên Chúa ở bên ngoài các vì sao đang khi Ngài ở rất gần ta, bên trong ta?” Carlo
Carretto.
Nhà văn Robert Louis Stevenson kể chuyện về một con tàu chở khách bị bão
đánh giạt gần bờ, có nguy cơ bể tan vì lao vào bờ đá.
Giữa cảnh kinh hoàng đó, một hành khách băng qua con tàu. Dò dẫm trên
boong, ông tìm đến phòng thuyền trưởng, và thấy một cảnh tượng đáng nhớ: Thuyền
trưởng nắm chặt bánh lái, xoay con tàu từng chút một ra biển
... và mỉm cười với ông.
Người hành khách đó quay lại phòng của hành khách, và động viên mọi người
đang co quắp vì sợ hãi: “Tôi đã thấy mặt
thuyền trưởng, và ông ấy mỉm cười với tôi. Mọi sự đều tốt đẹp.”
Chỉ một nụ cười mà làm yên bão tố! Sức mạnh của nụ cười nằm ở tình yêu
mà nó muốn diễn tả, một tình yêu liên kết mọi người nên một trong giông tố, thử
thách. Đó chính là nét đẹp của con người được dựng nên theo hình ảnh Chúa, được
chia sẻ hạnh phúc của chính Ngài.
Vâng, sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa nằm ngay trong bản tính yêu
thương của Ngài. Thiên Chúa là tình yêu nên cuộc sống Ngài giả thiết những
tương quan, những tương quan giả thiết các ngôi vị, và do đó, cuộc sống của
Thiên Chúa có thể được sánh ví như một gia đình: “cùng với Con Một Chúa và Chúa Thánh Thần, Chúa là Thiên Chúa và Chủ tể
duy nhất, duy nhất không phải trong một ngôi đơn độc, nhưng trong Ba Ngôi cùng
một bản thể.” (Kinh nguyện Thánh Thể)
Không chỉ được chia sẻ đời sống gia đình của Thiên Chúa khi được dựng
nên theo hình ảnh Ngài, cuộc sống của nhân loại còn được liên kết mật thiết với
sự sống của Thiên Chúa đến nỗi hạnh phúc của Ngài cũng gắn liền với hạnh phúc của
nhân loại.
Sự khôn ngoan của Chúa nói rõ điều ấy: “Ta nhàn du trên quả địa cầu và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài
người.” (Hc 8,31), và Thánh Thần Chúa chăm sóc sự sống trong tâm hồn con
người: “vì lòng mến Chúa được Thánh Thần,
Đấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta” (Rm 5,5)
Con người nói làm sao cho hết được sự ngạc nhiên trước hồng ân trời bể
đó: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm
nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,4-5)
Dù được coi là một thần học gia thuộc trường phái đạo đức mang vẻ sầu muộn,
nhưng tình yêu Chúa vẫn làm cho Soren Kierkegaard hướng về Thiên Chúa với một
cái nhìn sáng màu hy vọng: “Lạy Cha ở
trên trời, khi ý nghĩ về Cha thức dậy trong lòng con, xin đừng để con bị đánh
thức như một con chim lẩn quẩn bay trốn trong sợ hãi, nhưng như một đứa trẻ thức
dậy với nụ cười thiên cung.”
Ơn gọi làm người đã được Lời Chúa mạc khải: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang
danh dự làm mũ triều thiên” (Tv 8,6)
Chẳng thua kém thần linh là mấy, nói cách khác, sự sống và hạnh phúc của
Chúa là điều người ta được mời gọi tiến đến; không chỉ được mời gọi, con người
còn được đưa vào sự sống và hoạt động của cả Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha dựng
nên ta, Chúa Con cứu chuộc ta, Chúa Thánh Thần thánh hoá ta.
Năm 1945, tại nhà ga Verona, Italia, dân chúng đang chờ đợi các binh sĩ
trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Chuyến xe lửa đầu tiên xuất hiện
làm vang lên những tiếng reo vui tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt.
Từ trên xe lửa những tấm thân tiều tuỵ bước xuống sân ga giữa những tiếng
cười pha lẫn tiếng khóc của người thân. Cuối cùng một anh lính trẻ mò mẫm bước
đi từng bước. Anh từ từ tiến về phía một người đàn bà già yếu, và chỉ đủ sức thốt
lên tiếng ‘Mẹ’.
Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau… Người mẹ xót xa:
- Làm
sao một người mù như con lại có thể tìm đến mẹ?
- Thưa
mẹ, con không nhìn thấy mẹ bằng đôi mắt, anh lính mù trả lời, nhưng trái tim
con đã hướng dẫn con.
Sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã nhập thể, sống giữa nhân loại để nên ánh
sáng cho tôi: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng
thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối”, và ánh sáng đó đã nên hoàn hảo
trong Thánh Thần được ban cho tôi: “Khi
Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật.”
Còn gì vui hơn khi tôi cũng có thể thốt lên, cùng với thầy tiểu đệ Carlo
Carretto: “Ba Ngôi trở nên một thực tại
trong ta như vị khách của tâm hồn. Tại sao lại đi tìm Thiên Chúa ở bên ngoài
các vì sao đang khi Ngài ở rất gần ta, bên trong ta?”
Lm. HK