Chầu Thánh Thể cnps 5c _ hãy yêu thương nhau


HÃY YÊU THƯƠNG NHAU
Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn:
Trước cuộc khổ nạn, Chúa đã dùng bữa tối với các môn đệ. Đó là bữa trọng trên hết các bữa, bữa chia tay, còn gọi là Bữa Tiệc Ly.
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa lập bí tích Thánh Thể, lập chức linh mục và nói với các môn đệ những lời dặn dò thân tình nhất. Đó là lúc Chúa cho mọi người thấy rõ những gì là tâm huyết nhất, thao thức nhất, và có ý nghĩa nhất cho hết mọi việc Chúa làm, nhất là cho cuộc khổ nạn mà Chúa sắp trải qua.
Chúa cô đọng tất cả giáo lý của Chúa lại trong lời dạy rất thân mật mà cũng hết sức nghiêm túc cho các tông đồ. 
Lời dạy trong giây phút đặc biệt đó vẫn không có gì khác hơn là lời dạy về Đức Bác Ái. Thế nhưng đó là lời dạy đã thực sự làm nên cuộc cách mạng sâu xa và triệt để trên toàn thế giới, xây dựng một thế giới mới, bắt đầu từ lòng người.
Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan, (Ga 13,31-35)
Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: "Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.
Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: "Nơi tôi đi, các người không thể đến được", bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau."
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm: (mời ngồi)
Trong tác phẩm Đường Hy Vọng, ĐHY Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: “Nếu Thiên Chúa chỉ dạy mến Chúa thì hay quá! Nhưng Ngài thêm luật yêu người cũng trọng bằng luật mến Chúa thì thực là vô cùng rắc rối! Phức tạp cho nhiều người.” (ĐHV 775)
Rắc rối và phức tạp không phải là vì người ta không yêu nhau, mà vì Chúa dạy người ta phải yêu như Chúa yêu, yêu thật lòng!
Dấu hiệu của tình yêu thật lòng là yêu bằng việc làm, tình yêu bao hàm sự hy sinh, quên mình, sẵn lòng cho đi. Thánh Gioan tông đồ dạy: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1Ga 3,18)
“Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Đây chính là điểm cốt yếu của luật tình yêu mà Chúa dạy. Điểm mới của điều răn tình yêu nằm ở đó, thế giới mới sẽ bắt đầu từ đó, và đặc điểm của người môn đệ Chúa cũng ở đó!
Tình yêu là hai chữ được mọi người chú ý đến rất nhiều, nhưng thường thì người ta thích được người yêu hơn là yêu người, coi được yêu là điều kiện đầu tiên để yêu một ai. Vì thế mà tình yêu không điều kiện, tình yêu vô vị lợi ngày càng xa lạ với tâm thức con người hôm nay. Chính Chúa đã cảnh báo về tình yêu sai lệch đó: “nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5,46-47)
Mấy lời so sánh trên của Chúa càng làm nổi bật tính cách cốt yếu của tình yêu, là mang lại sự sống, là trao tặng hạnh phúc: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,44-45)
Sao Chúa lại dạy yêu người mà chẳng được gì cho mình, chỉ thấy phải chịu nhiều thiệt thòi, mất mát cho mình? Thế nhưng chính tình yêu đó mới làm cho người ta gặp được Thiên Chúa và tìm lại được chính mình.
Một người được nghe kể rằng Thiên Chúa sống trên một ngọn núi ở tận cùng trái đất. Anh ta đi đến ngọn núi và bắt đầu cuộc hành trình leo lên đỉnh núi. Chính lúc đó, Chúa nghĩ: “Ta có thể làm gì để cho dân Ta thấy Ta yêu thương chúng sâu sắc thế nào?”, và Ngài quyết định đi xuống núi và sống giữa mọi người.
Vì vậy, khi người kia lên tới đỉnh núi, thì Thiên Chúa không có ở đó. Anh ta nghĩ: “Thiên Chúa không sống ở đây, mà cũng chẳng biết Chúa có hay không.” [1]
Người ta tìm mà không gặp được Chúa vì không tìm đúng chỗ: tên Chúa là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Cầu nguyện: (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Thánh Thể,
“Lạy Chúa, con người có là chi, mà Chúa cần biết đến? Phàm nhân đáng là gì, mà Chúa phải lưu tâm?” (Tv 14,3)
Vì yêu thương và chỉ vì yêu thương mà Chúa luôn ở gần chúng con. Chúa đã làm người cũng chỉ vì muốn ở gần với chúng con, và bí tích Thánh Thể là dấu chứng thật mãnh liệt cho tình yêu bao la Chúa dành cho chúng con.
Từ ngàn xưa Dân Chúa đã ca khen tình yêu của Chúa: “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người! Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm. Ha-lê-lui-a.” (Tv 117)
Vì tình yêu mãnh liệt mà Chúa muốn ở cùng chúng con, để chia sẻ thân phận hèn mọn của chúng con cho đến cùng, và trao ban sự sống cho mọi người, để không một ai bất hạnh mà bị bỏ rơi: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân,” (Is 61,1)
Chúa là tình yêu, một tình yêu quảng đại và khoan dung, “cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” Hạnh phúc của Chúa là thấy chúng con được hạnh phúc, là chia sẻ sự sống và được chúng con đón nhận. Thế nhưng, rất nhiều khi chúng con bị đánh lừa bởi Satan mà sống vị kỷ, từ chối tình yêu Chúa, mà tranh giành hơn thua vì những thứ nay còn mai mất.
Khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa đã dạy: “Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Ta”, vì hy lễ cứu độ cần được dâng bởi từng người chúng con, như là chi thể của Chúa, trong mọi hy sinh của đời sống, để hy tế cứu độ của Chúa được thực hiện luôn mãi và ở mọi nơi, trong đời sống chúng con.
Hy tế cứu độ đẹp nhất và có giá trị nhất chúng con có thể dâng là hy tế của tình yêu, kết hợp với Đức Kitô. Đó là dấu hiệu cho niềm tin vào Chúa. ĐTC Phanxicô, trong bài huấn từ đầu tiên đã nêu cao giá trị của hy tế tình yêu: “Khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa!”
Thập giá, tình yêu sẵn lòng hy sinh vì tha nhân, bị thế gian lên án, nhưng đó mới thực là nguồn sức mạnh của Giáo Hội, và là sự sống của niềm tin Kitô, như thánh Phaolô xác tín: “tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.” (1Cr 2,2)
Xin giúp chúng con tuyên xưng niềm tin vào Chúa bằng đời sống yêu thương nhau, yêu như Chúa đã yêu, không biết gì về Chúa ngoài một Đức Kitô chịu đóng đinh, và không có gì để dâng ngoài một tâm hồn sẵn lòng phục vụ tha nhân, phục vụ cả những ai làm phiền lòng chúng con.
Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,35)
Hát: “Đâu có tình yêu thương...”
Lm. HK


[1] Ý thơ của John Donne