Tôi phải suy nghĩ về chọn lựa của mình một
lần nữa. Và một lần nữa, tôi đã chọn, hay đúng hơn, tôi để mình được chọn bởi,
con đường tu trì. Hiện tượng này mà không xẩy ra mới bị coi là chuyện bất bình
thường.
Tin mới nhất cho thấy Đức Phanxicô đã chỉ
thị cho giới chức Vatican phải triệt để giải
quyết tai tiếng lạm dụng tình dục đang được truyền thông thế tục hết sức chú ý.
Đây là quan tâm hàng đầu của Đức Phanxicô. Tuy nhiên, khi còn là bề trên Dòng
Tên tại Argentina và TGM Buenos Aires, việc đào tạo linh mục luôn được Đức
Phanxicô hết sức quan tâm. Cuộc phỏng vấn của giáo sĩ Do Thái Giáo Abraham
Skorka, viện trưởng Chủng Viện Do Thái của Châu Mỹ La Tinh, về đề tài này đã được
đăng trong cuốn Sobre el Cielo y la Tierra (“Về Trời và Đất”) xuất bản năm 2012
bởi Nhà Xuất Bản Sudamericana.
Độc
thân
Trong cuộc phỏng vấn này, Đức HY Bergoglio
tiết lộ bí quyết sống độc thân một cách hạnh phúc của ngài. “Lúc tôi còn là một
chủng sinh, tôi bị lóa mắt bởi một cô gái tại đám cưới của một ông chú. Tôi
bàng hoàng trước vẻ đẹp và trí thông minh của nàng… quả đúng thế, tôi bàng
hoàng một thời gian khá lâu. Tôi luôn nghĩ đến nàng không thôi. Sau đám cưới ấy,
tôi trở lại chủng viện, nhưng đến cả một tuần lễ sau, tôi vẫn không cầu nguyện
được, vì mỗi lần cố gắng cầu nguyện thì cô gái lại xuất hiện trong đầu tôi. Tôi
phải suy nghĩ lại xem tôi đang làm gì đây. Tôi vẫn còn tự do vì mới chỉ là chủng
sinh thôi, nghĩa là tôi có thể trở về gia đình, thế là xong. Nhưng tôi phải suy
nghĩ về chọn lựa của mình một lần nữa. Và một lần nữa, tôi đã chọn, hay đúng
hơn, tôi để mình được chọn bởi, con đường tu trì. Hiện tượng này mà không xẩy
ra mới bị coi là chuyện bất bình thường.
Và khi nó xẩy ra, người ta bắt buộc phải rà
lại hướng đi của mình một lần nữa. Đây là vấn đề ta phải chọn lựa lại hay cho rằng
‘Không, điều tôi đang cảm xúc thật là đẹp. Tôi sợ sau này mình sẽ không trung
thành với ơn gọi, do đó, nên rời chủng viện là hơn’. Nếu việc này xẩy ra cho một
chủng sinh, tôi thường giúp họ ra đi bằng an để trở thành một Kitô hữu tốt, chứ
không thành một linh mục xấu. Trong Giáo Hội Tây Phương mà tôi thuộc về, các
linh mục không thể kết hôn như trong các giáo hội Byzantine, Ukrainian, Nga hay
Hy Lạp. Trong các giáo hội này, các linh mục có thể kết hôn, nhưng các giám mục
thì phải ở độc thân. Các linh mục của họ đều là những người tốt lành. Đôi lúc,
tôi nói đùa với họ, bảo họ rằng ở nhà, họ có vợ con, nhưng họ đâu có hiểu là bù
lại, họ cũng có các bà mẹ vợ nữa. Trong Công Giáo Tây Phương, một số tổ chức
đang thúc đẩy việc thảo luận thêm về vấn đề này. Nhưng cho đến nay, luật độc
thân vẫn còn giá trị. Một số người dựa vào lý do thực tiễn cho rằng chúng ta
đang mất nhân lực. Giả thiết nếu trong tương lai, Công Giáo Tây Phương có duyệt
lại vấn đề độc thân, thì tôi nghĩ chỉ là vì các lý do văn hóa (như tại Phương
Đông) chứ không thể qui thành chọn lựa phổ quát được.
Hiện nay, tôi vẫn ủng hộ việc duy trì luật
độc thân, với đầy đủ các lý do ủng hộ và chống đối, vì chúng ta có tới 10 thế kỷ
thành công tốt đẹp, chứ không phải thất bại… Truyền thống có sức nặng và giá trị
của nó. Các giáo sĩ Công Giáo trong quá khứ đã từ từ tiếp nhận kỷ luật độc thân
này. Cho tới năm 1100, một số chọn nó, một số không. Sau đó, tại Phương Đông,
người ta theo truyền thống coi việc giáo sĩ kết hôn như một chọn lựa bản thân,
còn tại Tây Phương, người ta theo truyền thống ngược lại. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ
là vấn đề kỷ luật, chứ không phải vấn đề đức tin. Nghĩa là có thể thay đổi được.
Bản thân tôi thì không bao giờ có ý nghĩ kết hôn cả. Nhưng nhiều người nghĩ đến
việc này. Như trường hợp Fernando Lopez, Tổng Thống Paraguay chẳng hạn. Ông ta là người
rất sáng chói. Nhưng khi còn là một giám mục, ông ta sa ngã và đã xin từ nhiệm.
Đây là một quyết định trung thực. Đôi khi ta thấy các linh mục rơi vào hoàn cảnh
này”.
Về những linh mục này, Đức HY Bergoglio cho
hay: “nếu ai trong số họ đến cho tôi hay đã làm cho một phụ nữ có thai, tôi sẵn
sàng lắng nghe và giúp ông được an tâm rồi từ từ, tôi sẽ giúp ông hiểu ra rằng
luật tự nhiên đã lấn át chức linh mục của ông. Do đó, ông phải rời bỏ thừa tác
vụ để chăm sóc đứa trẻ kia, cho dù ông quyết định không kết hôn với người phụ nữ
đó. Vì đứa trẻ có quyền có một người mẹ thế nào, thì nó cũng có quyền có một
người cha như thế. Tôi cam kết sẽ dàn xếp mọi giấy tờ cho ông ở Rôma, nhưng ông
phải rời bỏ mọi sự. Còn nếu linh mục nào cho tôi hay đã sa ngã, nhưng muốn ăn
năn, tôi sẵn sàng giúp ông trỗi dậy. Có những linh mục trỗi dậy được, có những
linh mục không trỗi dậy được. Thậm chí có những linh mục không chịu nói chi với
giám mục của mình”.
Trỗi dậy là sao? “Là làm việc đền tội, duy
trì việc độc thân của mình. Sống hai mặt là điều chẳng tốt đẹp gì cho tất cả
chúng ta. Tôi không thích lối sống ấy vì nó có nghĩa sống bằng giả dối. Bởi thế,
tôi thường nói: ‘nếu không thắng vượt được, thì nên quyết định đi”.
Ấu
Dâm
Riêng ấu dâm lại là chuyện khác. Tuy nhiên
“cần loại bỏ ý niệm cho rằng ấu dâm là hậu quả của việc sống độc thân. Hơn 70%
các vụ ấu dâm xẩy ra trong gia đình và chòm xóm: ông, chú, cha kế, hàng xóm. Vấn
đề này không liên hệ gì tới việc sống độc thân. Nếu một linh mục ấu dâm thì là
vì ông ta ấu dâm trước khi làm linh mục.
Nhưng khi nó xẩy ra, ta không nên bao giờ
làm ngơ nó. Bạn không thể ở địa vị có quyền thế để rồi hủy hoại đời một người
khác. Trong giáo phận của tôi, chưa xẩy ra việc này, nhưng một giám mục kia có
gọi điện thoại hỏi tôi xem phải làm gì trong một hoàn cảnh như thế, tôi bảo
ngài phải lấy lại “bài sai”, không cho phép người đó thi hành chức linh mục nữa,
và nên khởi sự một phiên tòa theo giáo luật. Tôi nghĩ đó là việc phải làm ngay.
Tôi không tin vào việc chủ trương rằng cần phải duy trì một tinh thần hợp đoàn
để tránh gây thiệt hại cho hình ảnh của định chế. Giải pháp ấy có lần đã được đề
xuất tại Hoa Kỳ, mục đích để hoán chuyển các linh mục qua các giáo xứ khác. Đây
là một ý tưởng ngu xuẩn; vì với cách này, linh mục sẽ mang vấn đề của mình tới
bất cứ nơi nào ông đến. Phản ứng hợp đoàn sẽ dẫn tới hậu quả ấy, cho nên tôi
không đồng ý với những giải pháp như thế. Gần đây, có những trường hợp xẩy ra
cách nay khoảng 20 năm, vừa bị khám phá tại Ái Nhĩ Lan, và Đức Giáo Hoàng hiện
nay (Đức Bênêđíctô XVI) đã nói rất rõ: ‘tuyệt đối không khoan nhượng đối với tội
ác đó’. Tôi ngưỡng mộ sự can đảm và chính trực của Đức Bênêđíctô về vấn đề này.