CỨ MÃI LÀ MÙA THU
Tôi
nhớ lại ý kiến của một linh mục trẻ đang dấn thân trên miền truyền giáo, ngài
chia sẻ với tôi rằng “phải trở nên người Dân tộc, là người Dân tộc, được người
Dân tộc thương, lúc đó mới nói Tin Mừng được”.
Tuần Thánh năm nay tôi trải nghiệm ở vùng
cao nguyên Pleiku, nơi vùng tôi đến có nhiều giáo điểm của cả người Kinh lẫn
người Dân tộc. Sợ tôi không quen, hơn nữa khí hậu mùa hẻ nóng nực, anh em bảo
tôi ở lại điểm lớn nơi nhà cửa tạm ổn định, cộng đoàn giáo hữu đông đảo và các
phương tiện tương đối tốt hơn các giáo điểm khác, tuy nhiên cuối cùng tôi vẫn
được vào dâng lễ Chúa nhật Phục Sinh ở một ngôi làng không hẻo lánh mấy trên đường
đi Pleime nhưng rất nhỏ bé, đơn sơ, thiếu thốn đủ điều.
Ngay khi đọc tên Pleime với chiều dài đường
20 km trên cột cây số, lòng tôi đã rộn ràng nghĩ về những trận đánh ác liệt
trên vùng cao này, trong đó Pleime là tên tuổi gây kinh hoàng cho tuổi trẻ
chúng tôi ngày ấy, tôi nhớ đến những người bạn nằm xuống vĩnh viễn trên cao
nguyên đầy lửa đạn vì cuộc chiến tranh phi lý huynh đệ tương tàn. Tôi cầu nguyện
cho họ được bình an, cả “bên thắng” lẫn “bên thua cuộc”, tôi nhắc lòng sẽ cầu
nguyện đặc biệt trong Thánh lễ sáng nay.
Làng Ia Drieng đón tôi bằng một khung cảnh
mộc mạc, một mảnh đất bằng phẳng không cây không cỏ, chỉ có đất đỏ và một ngôi
nhà nguyện nhỏ bé nghèo nàn rêu phong rệu rã, chân tường đỏ kè vì mưa làm văng
đất đỏ lên. Dân làng ngơ ngác trước một ông to lớn quần áo tươm tất, họ nhìn
tôi chăm chú và chắc họ đoán là ông cha đến dâng lễ chứ người làng đâu có ai
“béo tốt” như vậy ! Nhưng không ai đám lại gần vì hình như giữa tôi và họ khác nhau
quá, những mái đầu rối bù, những bộ quần áo cũ kỹ với lớp hoa văn sặc sỡ đã
phai nhạt theo thời gian. Tôi hiểu thế nào và vì sao những người anh em của tôi
trên các vùng truyền giáo luôn chọn lựa một thái độ ứng xử, một cách sinh hoạt
xem ra không hợp mấy với người thành phố. Để gần với anh em mình, mình phải nên
như họ.
Khi cho chịu lễ chúng tôi đặt tay chúc lành
cho các em bé chưa đến tuổi được rước lễ và các anh chị em dự tòng chưa đến
ngày thanh tẩy. Ở thành phố, tôi thường tủm tỉm cười khi bọn con trai hầu hết
mang đầu đinh, tóc ướt đẫm mồ hôi vì nghịch ngợm, ngay cả khi lên để được chúc
lành chúng vẫn nghịch, tay tôi chạm vào những đầu tóc lởm chởm. Các em làm tôi
nhớ đến tuổi thơ năm xưa của mình, cũng nghịch không kém, cũng ướt át áo quần
không kém các em ngày nay. Bọn con gái thì ngoan hơn, nhu mì hơn, nhưng nhiều lúc
tôi phải phì cười vì những cái áo theo thời trang của người lớn, quá người lớn,
có em mặc áo hai dây mà cũng có em chẳng có dây nào, xúng xính đi lên như người
lớn, thậm chí tóc còn xịt keo bóng lộn!
Bọn trẻ Dân tộc ở các làng quê thì khác,
con trai cũng như con gái, tóc cháy vàng vì nắng gió, rít rịt vì hình như không
gội đầu, hoặc có gội thì chẳng có sữa gội, vẫn bọn con trai với cái dầu loay
hoay không yên, vẫn bọn con gái mắt mở to ngơ ngác nhìn Ama (Cha) lạ chúc lành
cho chúng, có đứa chẳng chịu cúi mà còn ngước nhìn, không có chỗ cho sự đặt tay
vì chúng cứ nhìn Ama lạ. Hôm ở Ia Drieng, một bà mẹ Dân tộc bế con lên chịu lễ,
cho bà rước lễ xong tôi đặt tay chúc lành cho đứa bé, nhưng nó nhất định không
chịu, quay đi khi tôi cố với đặt tay cho nó, cuối lễ ra ngoài sân tôi gặp lại
hai mẹ con, thằng bé đang khóc thút thít, tôi hỏi tại sao cháu khóc, bà mẹ trả
lời bằng một tràng tiếng dân tộc tôi không hiểu, khi có người dân tộc khác đến
nói chuyện, anh ta cho tôi biết nó đang hờn mẹ nó vì chưa được chúc lành, sở dĩ
nó không cho tôi chúc lành vì tôi không phải là Ama của nó, Ama của nó là vị
linh mục đang chịu trách nhiệm vùng truyền giáo này, đối với nó như thế là hôm
nay nó chưa được chúc lành. Tôi nhớ lại ý kiến của một linh mục trẻ đang dấn
thân trên miền truyền giáo, ngài chia sẻ với tôi rằng “phải trở nên người Dân tộc,
là người Dân tộc, được người Dân tộc thương, lúc đó mới nói Tin Mừng được”.
Trong mỗi chuyến đi lên vùng cao nguyên,
tôi bị trăn trở vì mênh mông những bản làng chưa biết Chúa, tôi bị thôi thúc rất
nhiều vì trùng điệp núi đồi chưa có ánh sáng Tin Mừng, tôi biết nhiều anh chị
em linh mục tu sĩ đã dấn thân miệt mài cho công cuộc truyền giáo, tôi biết nhiều
anh chị em tín hữu đã hiến dâng đời mình cho việc loan báo Tin Mừng, nhưng còn
nhiều quá, quá nhiều những con người cần được ánh sáng Tin Mừng chiếu soi, quá
nhiều núi đồi cần bóng thập giá. Ước gì chúng ta bớt đi những phí uổng công sức
cho những nơi thừa bứa tiện nghi, ước gì chúng ta bớt đi những vấn đề không
đáng đã làm hao tổn công sức của Giáo Hội, để Giáo Hội dồn sức cho hơn nữa những
vùng cần đến lời Chúa, cần đến ơn cứu độ.
Ước gì chúng ta bớt chăm chút cho hình dáng
bên ngoài của những cộng đồng miền xuôi, để chia ít nhiều cho những ngôi nhà
nguyện lụp sụp tăm tối, những nơi không có nhà nguyện phải che mảnh nhựa dâng lễ
trong sân nhà một Bok (già làng) nào đó, những nơi chị em Dân tộc phải địu con
thơ đi bộ nhiều
cây số để tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật, rồi trở về dưới cái
nắng gay gắt của miền cao.
Tôi trở về thành phố nhưng vẫn mang theo những
cái đầu tóc cháy vàng rít rịt, những mái tóc cứng như rễ cây xoắn tít vào nhau,
cái cảm giác nham nhám và khô cứng theo tôi mãi, tôi như đang chạm vào những thảm
lá vàng của múa thu nào đó, chẳng lẽ cứ mãi là mùa thu ?
Lm.
Vĩnh Sang, dcct.
07/04//2013
07/04//2013