Lời Chúa cnps 4c _ để chiên được sống

ĐỂ CHIÊN ĐƯỢC SỐNG

Việc cầu xin cho các vị chủ chăn, cho những người Chúa kén chọn, thật là quan trọng. Chúa Kitô đã hy sinh cả cuộc sống mình cho người khác thì mục tử là Chúa Kitô thứ hai cũng phải bắt chước Chúa, hy sinh cuộc đời cho tha nhân.  
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Trong thánh lễ Chúa Nhật hôm nay, chúng ta suy niệm ba điểm sau đây:
·        Chúa thương yêu, săn sóc chúng ta.
·        Chúng ta cầu nguyện cho ơn thiên triệu (linh mục và tu sĩ), đặc biệt là cầu nguyện cho các vị chủ chăn.
·        Mục tử tốt lành trong Giáo Hội.



·        CHÚA THƯƠNG YÊU TA
(Dịch ‘NẺO ĐƯỜNG BÌNH AN’ của Norman Warren suy niệm thánh vịnh 23: Chúa chăn nuôi tôi)
“Làm sao biết được Thiên Chúa lưu ý tới tôi?”
“Làm sao biết được Ngài yêu tôi?”
Hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng chăn chiên lành, cho ta thấy Ngài yêu chúng ta và luôn luôn để ý tới ta.
Đấng chăn chiên lành biết rõ những con chiên của mình. Ngài biết tên từng con chiên một. Ngài quý từng con chiên của Ngài. Ngài chăn nuôi và coi sóc từng con chiên đó. nếu con chiên nào thất lạc, Ngài đi tìm, và chỉ trở về khi đã tìm được con chiên đó.
Thiên Chúa biết mọi vấn đề liên quan tới chúng ta, không có gì lọt khỏi tầm mắt Ngài: dĩ vãng, hiện tại, tương lai của ta.
Khi ta lo sợ, khi ta chán nản cũng như lúc chúng ta tràn trề hy vọng, vui sướng, Ngài đều biết rõ.
Ngài biết rõ tất cả những gì liên quan tới cuộc sống ta.
Ngài yêu từng người chúng ta. Tất cả chúng ta đều có giá trị trước con mắt Ngài. Bất cứ chúng ta ra sao, Ngài cũng nhận. Không cần cố gắng mới đoạt được tình yêu của Ngài. Là vì Ngài yêu chúng ta trước khi chúng ta yêu Ngài, trước khi chúng ta nhận biết Ngài.
Tình yêu của Thiên Chúa khác hẳn với tình yêu loài người, tình yêu của Thiên Chúa hoàn toàn vô vị lợi. Chính thánh Phaolô đã nhắc nhở điều này trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Chúa Kitô đã chết cho chúng ta đang khi chúng ta là những con người tội lỗi.” (Rm 5)
Thiên Chúa không chờ chúng ta trở thành những con người lương thiện rồi mới sai Con của Ngài xuống trần. Ngài biết rõ chẳng bao giờ chúng ta làm được điều này:
Đấng chăn chiên lành đã yêu chúng ta tới nỗi đã hy sinh mạng sống cho ta. Suốt cuộc đời ta, ta hãy ghi nhớ và suy niệm câu nói của Chúa: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.” (Ga 10,28)
·        CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU VÀ CÁC VỊ CHỦ CHĂN
Trước khi sai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa đã nhắc các ông: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, các con hãy xin Chủ ruộng sai thợ gặt đến cánh đồng của Ngài. Như vậy mỗi người chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều người hiến thân phục vụ Chúa và tha nhân.
Một điểm rất quan trọng mà chúng ta ít lưu ý, là phải luôn cầu xin cho các vị chủ chăn.
Đọc Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà Ngài vẫn cầu nguyện.
Nhưng nếu ta đặt câu hỏi: Ngài cầu nguyện nhiều nhất cho ai, thì căn cứ vào các sách Tin Mừng, ta phải trả lời: Ngài cầu nguyện nhiều nhất cho các tông đồ.
Chính thánh Gioan đã dành ra cả một chương, chương 17, thuật lại những lời cầu xin tha thiết của Chúa cho các tông đồ. Chúng ta nhắc lại vài lời cầu đó: “Con cầu nguyện cho họ, vì họ thuộc về Cha.” (Ga 17,9) “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ, để họ nên một như chúng ta.” (Ga 17,11) “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.” (Ga 17,15) “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ.” (Ga 17,17) Rồi trước khi kết thúc chương 17: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17,24)
Đặc biệt đối với thánh Phêrô, vị thủ lãnh các tông đồ, người đứng đầu toàn thể Giáo Hội, thì Ngài lại cầu xin đích danh: "Simon, Simon, kìa Satan đang sàng con như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con để con giữ vững lòng tin, và khi con đã trở lại, hãy củng cố đức tin của anh em con." (Lc 22,31-32)
Vậy đã rõ ràng là việc cầu xin cho các vị chủ chăn, cho những người Chúa kén chọn, thật là quan trọng. Chúa Kitô đã hy sinh cả cuộc sống mình cho người khác thì mục tử là Chúa Kitô thứ hai cũng phải bắt chước Chúa, hy sinh cuộc đời cho tha nhân.
·        MỤC TỬ TỐT LÀNH TRONG GIÁO HỘI
Trải qua hai ngàn năm lịch sử, quả thực đã có biết bao linh mục theo và sống đúng lý tưởng trên. Trong giây phút vắn vỏi ngày, tôi chỉ xin đề cập hai gương sáng của hai vị linh mục đã sống và chết trong thế kỷ 20 này.
-         Gương thứ nhất: Đó là những giây phút sau cùng của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Ở đây tôi không muốn nói tới những ơn lạ lùng do người ta đồn thổi khắp nơi về Cha Diệp, là vì Giáo Hội vẫn giữ thái độ im lặng, không phê phán những ơn lạ đó là đúng hay sai. Tôi chỉ đề cập tới những giây phút sau cùng cuộc đời Cha Diệp.
Linh mục Diệp bị giam với khoảng 80 người, trong số 80 người này, vừa có tín hữu của ngài, vừa có những người ngoài đạo theo ngài vì quý mến ngài. Cha Diệp nghĩ là giây phút sau cùng của tất cả sẽ tới, nên ngoài việc giải tội cho mọi tín hữu, ngài còn dậy tóm tắt mấy điều cần thiết cho những người ngoại đạo và rửa tội cho họ. Rồi ngài đi ra thương lượng, ngài xin chết thay cho tất cả. Lời đề nghị của ngài được chấp thuận. tất cả đã được tha, duy mình ngài đã hy sinh cuộc sống…
-         Gương thứ hai: Đảo Molokai tại Thái Bình Dương có dân cư toàn là người hủi. Đó là những con người xấu số bị hủi làm cụt chân, cụt tay, mắt đui, răng rụng… thân hình trông thật ghê sợ.
Một hôm đức giám mục đặc trách quần đảo lên tiếng kêu gọi các linh mục ở Âu Châu tình nguyện hy sinh sang phục vụ người hủi tại đảo này. Một linh mục trẻ thông minh, khỏe mạnh, hăng hái đáp lời gọi của đức giám mục: đó là cha Damien.
Chiều hôm đó, tại ngôi nhà thờ, đông nghẹt người hủi nước da ngăm đen với mùi hôi nồng nực. đức giám mục đứng trên bàn thờ quay xuống giới thiệu với giáo dân: “Các con thân mến, các con mong ước có một linh mục đến sống với các con, lo lắng cho các con, thì đây cha Damien, một linh mục người Bỉ, sẽ chung sống với các con từ nay đến chết. Các con có vui mừng không?”
Cả nhà thờ xôn xao, ồn ào tiếng nói, cha Damien đứng cạnh đức giám mục không hiểu gì. Rồi họ từ từ tiến lên cung thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Damien càng nhìn thấy họ đến gần thì càng sởn tóc gáy. Họ trông như những thây ma, như những quái thai, không còn dạng người. Họ làm gì đây? Họ tiến đến bên cha, thì thần với nhau, sờ vào mặt, vào tay, vào áo cha. Cha hỏi đức giám mục: “Họ làm gì và nói gì thế?”
Đức cha trả lời: “Họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, không thân thuộc bà con gì với họ, trẻ, đẹp, không bệnh tật, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mảnh đất cùng khốn, đầy đau khổ này. Họ không tin mắt mình nên mới tới sờ vào người cha thử xem cha có bị phong hủi như họ không. Rồi họ nói với nhau: “Không, cha đẹp quá, cha thương chúng ta quá!”
Dần dần, cha Damien hòa đồng với họ, học tiếng của họ. Ngài không còn cảm thấy ghê tởm họ nữa. Đúng hơn, ngài đã yêu Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong họ nên không còn thấy e sợ, xa tránh họ.
Kết quả cha cũng mắc bệnh hủi, thân hình cha trở thành ghê sợ như những người hủi cha đang chung sống.
Báo chí ở Bỉ đăng hình cha, ca ngợi sự hy sinh vĩ đại của cha.
Mẹ của cha, mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình cũng không nhận ra người con yêu quý của mình. bà hỏi cháu: “Hình ai đây mà trông ghê sợ vậy?” Người cháu trả lời: “Đó là một người hủi ở đảo Molokai của bác Damien đấy.”
Cha Damien đã sống tại Molokai với những người hủi cho tới hơi thở sau cùng.
Ngài được quần chúng tặng danh hiệu: Tông Đồ Người Hủi.
Chúng ta cảm tạ Chúa, đã luôn luôn ban cho Giáo Hội những vị chủ chăm gương mẫu, bắt chước Chúa, hy sinh cuộc đời cho Chúa, cho tha nhân. Chúng ta cũng tha thiết cầu xin Chúa cho chính chúng ta, cho các Kitô hữu, cũng là những tư tế của Chúa, biết sống hy sinh vì Chúa, vì người khác.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
* Đề tựa của Lm. HK