Lời Chúa cnps 3c _ sức mạnh của Đức Kitô


SỨC MẠNH CỦA ĐỨC KITÔ
Lúc nào Đức Kitô cũng đang cầm bánh trao cho mọi người ăn. Tấm bánh Ngài trao là chính Ngài được bẻ ra vì sự sống của mọi người.
Đức Cha Jean Cassaigne (Gioan Sanh), giám mục giáo phận Sài gòn (1942-1955), là một tấm gương sáng về tinh thần bác ái Kitô giáo. Khi mới qua Việt nam năm 1926, ngài được bổ nhiệm coi xứ đạo Di linh. 
Lúc đó xứ đạo Di linh chỉ là một giáo điểm với 5 Kitô hữu. Dân ở Di linh toàn là người K’Ho, mà tiếng K’Ho thì không mấy ai biết, người K’Ho cũng chẳng mấy ai biết tiếng Kinh, biết làm sao để truyền giáo cho họ đây? Thế nên Cha Sanh đã phải vất vả thật nhiều để học tiếng K’Ho mà giảng đạo cho họ.
Một năm sau, số giáo dân lên tới 48 người. Tuy chưa biết nhiều, ngài cũng cố dịch một vài kinh cần thiết, như kinh Lạy Cha, kinh Tin kính, … Nhưng đến khi kiểm tra giáo lý, khi nghe mấy người dự tòng nói Chúa Giêsu đã đóng đinh quan Philatô, ngài mới biết được có chỗ dịch sai.
Ngài vội sửa lại chỗ sai trong bản dịch, rồi tập họp họ lại mà dạy đọc và hiểu cho đúng, là quan Philatô đã lên án đóng đinh Chúa Giêsu, chứ không phải Chúa Giêsu đóng đinh quan Philatô. Ngay lúc đó, một cụ già xin phát biểu ý kiến, cụ nói: “Xin cha cứ để đọc như cũ, đừng sửa lại, vì Chúa Giêsu là Con Đức Chúa Trời, phép tắc vô cùng, Ngài đóng đinh mười quan Philatô cũng được, chứ một quan Philatô thì đã vào đâu!”
Không chỉ có ông già K’Ho đó mới nói như thế mà, ngay từ đầu lịch sử Giáo hội, đã có nhiều người không muốn chấp nhận mầu nhiệm thập giá! Ngay cả thánh Phêrô, tông đồ cả, mà còn ngăn cản Chúa Giêsu khi nghe Ngài báo trước về cuộc thương khó?
Chúa đi tới uy quyền và vinh quang bằng con đường từ bỏ đến cùng, sức mạnh, chiến thắng và vinh quang của Đức Kitô là ở đó: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc.”
“Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta”! (Tv 118,23)
Sự từ bỏ chính mình vì tình yêu là sức mạnh của Đức Kitô. Đức Kitô đã hiến thân vì tình yêu trong mầu nhiệm nhập thể, trong cuộc tử nạn - phục sinh; và mãi mãi còn hiến thân trong bí tích Thánh Thể. Lúc nào Đức Kitô cũng đang cầm bánh trao cho mọi người ăn. Tấm bánh Ngài trao là chính Ngài được bẻ ra vì sự sống của mọi người.
“Còn tình yêu nào cao quí hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu?” Ai lại không bị thu hút trước sức mạnh của tình yêu hiến thân?  
Tình yêu hiến thân đó đã chiếm đoạt Phêrô và hoàn toàn biến đổi con người ông: Hôm qua ông còn ngăn cản Chúa chịu tử nạn, mà hôm nay ông lại “hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Đức Giêsu”. Đó là sức mạnh của Giáo hội và tất cả những ai làm việc tông đồ. Trong huấn từ Lễ Tro năm 2004, ĐGH Gioan Phaolô II đã nói: “Để trở thành những đồ đệ đích thực của Chúa Kitô, thì điều cần thiết là biết từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình mọi ngày mà theo Chúa.”
Tình yêu nơi các môn đệ Chúa đã tạo nên một cảnh tương phản thật rõ nét: thầy Thượng tế, dù đang nắm quyền lực, vẫn thấy sợ hãi khi hỏi các ông: “các ngươi còn muốn cho máu người đó đổ trên chúng tôi ư?” Ngược lại, các tông đồ, được tình yêu Đức Kitô thúc đẩy, lại hân hoan khi chịu bách hại.
Vâng! Không ai tự do hơn, mạnh mẽ hơn người để tình yêu Chúa làm chủ cuộc sống mình. Đó là hạnh phúc của người được cứu độ trọn vẹn!
Tình yêu đó xoá tan mọi nỗi thù oán, mọi sự tranh giành, làm cho các tông đồ thanh thản nghĩ đến những gì tốt đẹp cho những ai đang bách hại mình: “Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Đấng Cứu độ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội”; Tình yêu đó cũng giúp các ông thấy được giá máu cứu độ của Đức Kitô nơi mọi người, không trừ một ai: Các nhà sinh vật học Hy lạp thời xưa cho rằng chỉ có tất cả 153 loài cá, nên số cá mà các tông đồ bắt được là một con số mang ý nghĩa tượng trưng: Tất cả nhân loại là đối tượng của việc truyền bá ơn cứu độ. Đức Kitô đã đến vì mọi người, không một ai bị loại khỏi tay lưới yêu thương của ơn cứu độ.
Trong bài viết về nỗi khổ của người cùi, đăng trên Báo Lâm Đồng số ra ngày 16/5/1997, phóng viên Kim Anh đã phải thốt lên lời thán phục Đức Cha Cassaigne: “Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi bệnh phong được xem là bất trị và dễ lây lan nhưng vẫn có một số người tự nguyện chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân. Chẳng nói đâu xa, trại phong này được tạo dựng vào năm 1927 bởi con người có tấm lòng nhân hậu (Giám mục Cassaigne) để cưu mang những người cùi đang sống lẩn khuất, đói khổ trong rừng sâu. Và cha đã gắn bó với người cùi suốt 48 năm ròng cho đến lúc mất (1973).”
Tình yêu hiến thân tuy phải gánh chịu nhiều đau khổ, nhưng ngoài Đức Cha Cassaigne, còn có rất nhiều người để mình chịu lôi cuốn vào cuộc sống hiến thân như Đức Kitô. Bởi vì yêu đến quên mình là con đường duy nhất mang lại sự sống tràn đầy hạnh phúc và tự do.
Hãy để tình yêu Chúa trở nên lẽ sống của tôi, và cả đời tôi sẽ vang mãi lời tạ ơn: “Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con”.
Lm. HK