ĐỨC TIN
Lẽ ra Tolstoy phải rất hạnh phúc. Thế nhưng ông lại cảm thấy
bất hạnh. Ông thấy đời mình thật vô nghĩa lý. Một câu hỏi luôn ám ảnh ông: “Liệu
trong đời mình có cái gì có ý nghĩa mà không bị sự chết hủy diệt đi không?”
Khủng hoảng
đức tin là chuyện thường gặp. Tôma đã gặp, và Tolstoy cũng đã gặp, như câu chuyện
sau đây:
Năm 1879,
Tolstoy 51 tuổi. Khi đó ông có đầy đủ mọi lý do để thỏa mãn về đời mình. Ông đã
viết nhiều tác phẩm, đặc biệt hai bộ “Chiến tranh và Hòa bình”, và “Anna
Kerenina”. Những tác phẩm ấy đã khiến ông nổi tiếng và bảo đảm cho ông một vị
trí nổi bật trong lịch sử văn chương thế giới. Ai cũng công nhận ông là người
có thiên tài và đầy óc sáng tạo.
Lẽ ra
Tolstoy phải rất hạnh phúc. Thế nhưng ông lại cảm thấy bất hạnh. Ông thấy đời
mình thật vô nghĩa lý. Một câu hỏi luôn ám ảnh ông: “Liệu trong đời mình có cái gì có ý nghĩa mà không bị sự chết hủy diệt
đi không?”. Khoảng thời gian ấy thật khủng khiếp đối với Tolstoy, đến nỗi
ông đã tính đến việc tự tử. Ông đi tìm câu trả lời trong mọi lãnh vực kiến thức
loài người. Ông tìm kiếm suốt ngày đêm, giống như người sắp chết đi tìm đường sống.
Nhưng tìm mãi mà ông chẳng gặp gì cả. Thế rồi ông tìm nơi những niềm tin Kitô
giáo.
Thực ra ông
đã được sinh ra và lớn lên trong đức tin Kitô giáo nhưng ông cũng đã bỏ nó từ
lâu, lý do là ông thấy nó quá vô nghĩa trong môi miệng những người sống ngược hẳn
với đức tin của họ. Tuy nhiên cũng chính đức tin ấy lại thu hút ông khi ông
nhìn những tín hữu sống đức tin ấy. Ông viết: “Tôi đã nghĩ rằng chẳng có sự thật chắc chắn nào trong đời. Nhưng rồi
tôi đã tìm thấy một nguồn sáng chắc chắn, ấy là Tin Mừng. Tôi đã lóa mắt vì sự
sáng ngời của Tin Mừng. Những lời dạy của Chúa Giêsu quả thực là một giáo huấn
tinh tuyền nhất và trọn vẹn nhất cho đời sống. Từ 2000 năm nay, những lời dạy
cao quí ấy đã tác động lên biết bao người một cách tuyệt vời không thể tìm được
nơi bất cứ ở nơi nào khác. Từ đó một ánh sáng đã bừng chiếu trong tôi và quanh
tôi, và ánh sáng ấy không bao giờ rời xa tôi nữa”.
Có nhiều
người được sinh ra trong đức tin, và trải qua bao năm tháng đức tin ấy vẫn cứ vững
mạnh. Thật là một ơn ban vô cùng quí giá. Nhưng cũng có nhiều người mà đức tin
luôn là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Họ phải trải qua những cơn khủng hoảng đức
tin rồi mới có được một đức tin sâu sắc và xác tín.
Nói cách lý
thuyết, chỉ có đức tin mới trả lời được cho những câu hỏi sâu xa về cuộc đời.
Nhưng trên thực tế, chúng ta không nên hy vọng rằng đức tin sẽ giải quyết hết mọi
vấn đề của chúng ta. Không phải chỉ vì chúng ta tin mà chúng ta có được mọi câu
trả lời. Tuy nhiên chúng ta đâu cần biết hết mọi câu trả lời, vì tin là tín nhiệm
chứ không phải là chắc chắn.
Câu chuyện
của văn hào Tolstoy giúp chúng ta nhận thức rằng đức tin được chứa đựng trong một
chiếc bình dễ vỡ như thế nào. Nó cũng giúp ta hiểu thêm rằng đức tin Kitô giáo
chủ yếu không phải là tin vào một mớ giáo điều, mà là tin vào một Đấng đã yêu
thương chúng ta – những thương tích của Ngài chứng tỏ điều đó. Hơn nữa Thánh
Kinh còn cho ta biết điều quan trọng không phải là niềm tin chúng ta đặt vào
Thiên Chúa mà là niềm tin mà Thiên Chúa đặt vào chúng ta.