Phải Chăng Có Chút Nghi Ngờ
Nơi Người Tin Tưởng
Nơi Người Tin Tưởng
Sống đức tin là học sống với
những nghi ngờ, những thắc mắc, những bực mình, khó chịu trong đời sống... Điều
mà đức tin có thể mang lại là nhìn sự vật dưới ánh sáng và khía cạnh khác.
Có bao giờ ta ta cảm thấy như Chúa đi vắng? Có bao giờ ta
nghĩ: nếu Chúa hiện hữu, sao Chúa không làm phép lạ như Chúa đã làm trong thời Cựu
ước hay thời các thánh tông đồ cho người ta tin tưởng? Có bao giờ ta tự hỏi: nếu
Chúa hiện hữu sao Chúa để cho những tai hoạ xẩy ra trong thế giới như thiên
tai, động đất, lụt lội, đắm tàu, rớt máy bay, dịch bệnh làm cả hàng trăm, hàng
ngàn người gồm cả trẻ con chết chóc. Đa số mỗi người đều có chút khuynh hướng hồ
nghi về sự hiện diện của Chúa, hoặc giáo lý của Người. Không ít thì nhiều trong
đời sống có những lúc ta hồ nghi, đặt câu hỏi về sự hiện diện của Chúa như
không biết Chúa có hiện hữu thật không, không biết việc giữ đạo Chúa có ích lợi
gì không?
Như vậy xem ra ta cũng giống như ông Tôma. Khi các tông đồ
loan báo cho ông Tôma là Chúa đã hiện ra với các họ, ông Tôma nhất định không
tin. Sống trong một thời đại mà mọi sự xem ra phải đặt thắc mắc và thử nghiệm,
sẽ gây ra cái cảm nghĩ không chắc về nhiều phương diện trong đời sống. Sống đức
tin mà không giải đáp được những vấn nạn trong cuộc sống, thì không phải là
chuyện dễ. Sống đức tin không hoàn hảo như vậy là chuyện khó khăn. Khi mà xã hội
trở nên phức tạp và xáo trộn thì khiến cho việc giữ vững tín lý và giáo lý truyền
thống về đức tin trở nên khó khăn hơn. Khi mà người ta sống trong cái xã hội đa
chủng, đa diện, đa văn hoá, đa tôn giáo như vậy với nhiều chủng tộc, màu da,
văn hoá, ngôn ngữ và triết lý sống có vẻ mời gọi ta thử xem thế nào. Xem ra lối
sống của họ có vẻ có gia vị hấp dẫn hơn nếp sống đức tin thường ngày đều đặn của
ta, khiến ta muốn thử nếp sống đạo của người khác xem sao. Trong một xã hội như
vậy thì có nhiều tiếng mời gọi từ báo chí, sách vở, truyền thanh, truyền hình,
phim ảnh, mạng tin bảo ta điều gì phải tin, điều gì không nên tin, điều gì phải
được xét lại, điều gì nên làm, điều gì không nên làm.
Có những lúc mà tin tưởng xem ra có vẻ dễ dàng khi mà mọi sự
xẩy ra theo ý muốn, khi ta có thể nhìn thấy những dấu chỉ của Chúa quan phòng.
Tuy nhiên lúc nào đó sẽ đến hay đã đến khi sóng gió bão táp trong tâm hồn nổi dậy,
khi bóng tối bao trùm tâm trí ta. Và đó chính là lúc đức tin của ta sẽ bị thử
thách như thánh Tôma trả lời các tông đồ: Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người,
nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người,
tôi chẳng có tin (Ga 20:25). Trước đó ông Tôma cũng một lần đã thắc mắc hỏi
Chúa: Chúng con không biết Thày đi đâu, làm sao chúng con biết đường lối? (Ga
14:5). Lần này Chúa đã chiều ông Tôma đến độ đích thân hiện ra với ông và nói với
ông, để ông thấy và nghe và sờ vào vết đinh và vết thương trên mình Người để cứu
vãn đức tin của ông hầu như đã bị dập tắt. Còn các tông đồ khác, lúc đầu cũng tỏ
ra hồ nghi khi bà Maria Mađalêna loan báo về việc Chúa không còn trong mồ nữa
mà đã sống lại. Các tông đồ cho rằng đó là sản phẩm của trí tưỏng tượng đàn bà.
Nhìn thấy Chúa hiện ra với các ông, các tông đồ mới tin.
Sống đức tin là học sống với những nghi ngờ, những thắc mắc,
những bực mình, khó chịu trong đời sống. Đức tin không tuỳ thuộc vào việc hiểu
biết những chân lý mạc khải về đạo giáo vì đức tin và hiểu biết thuộc hai lãnh
vực khác nhau. Đức tin không phải là cái gì ta có thể nắm chắc trong tay hay có
thể bỏ vào hộp an toàn ở nhà băng, nhưng phải tiếp tục tìm kiếm và bảo toàn. Đức
tin không bảo đảm hạnh phúc ở đời này. Điều mà đức tin có thể mang lại là nhìn
sự vật dưới ánh sáng và khía cạnh khác. Như vậy nếu ta cũng có những lúc hồ
nghi, thì đừng vội trách thánh Tôma. Nhờ cái hồ nghi của thánh Tôma mà ta có thể
kêu lên với lòng tin được đổi mới của thánh Tôma: Lạy Chúa của con, lạy Thiên
Chúa của con (Ga 20:28).