DẤU ẤN CỦA ĐAU KHỔ
Đức Kitô đã bước vào sự chết
và sống lại. Chúa nhật phục sinh không phải chỉ đến sau ngày thứ sáu tuần
thánh, mà còn là một sự tiếp nối, một kết quả, một hoa trái.
Tôi không ngạc nhiên trước lời đòi hỏi của Tôma. Điều làm
tôi suy nghĩ trong lúc này đó là tại sao thân xác phục sinh của Đức Kitô lại
còn mang những thương tích, những dấu ấn của đau khổ?
Tôi cứ nghĩ rằng: sau khi sống lại, thân xác vinh quang của
Đức Kitô hẳn không còn vết tích nào của những cực hình phải chịu.
Bởi vì, sau cuộc thương khó là sự sống lại, sau đau khổ là
vinh quang, sau ngày thứ sáu tuần thánh là sáng Chúa nhật phục sinh. Sự tương
phản mãnh liệt đến độ chúng ta tưởng như có một bước nhảy vọt, cắt đứt và chia
lìa giữa hai tình trạng kể trên, như thể sự phục sinh và vinh quang là phần thưởng
cho những đau khổ Ngài đã phải chịu trong suốt cuộc thương khó, để rồi chúng ta
sẽ dần dần quên đi những kỷ niệm bi đát ấy.
Trong cuộc sống chúng ta thấy người ta thường tặng thưởng
huân chương cho những kẻ can đảm cứu vớt người bị chết đuối hạy gặp phải tai
ương hoạn nạn. Tấm huân chương xứng đáng với những hy sinh mà kẻ ấy đã phải
gánh chịu. Thế nhưng, đó cũng chỉ là một qui ước do xã hội đặt ra.
Sự phục sinh của Đức Kitô thì khác. Đó không phải chỉ là một
dấu chứng của chiến thắng, của phần thưởng mà thôi, nhưng còn là một diễn tiến
liên tục nơi thân xác Đức Kitô. Chính Ngài đã cắt nghĩa:
-
Như hạt lúa mì rơi xuống
đất, có mục nát đi thì mới trổ sinh nhiều bông hạt.
Giữa hạt giống được gieo trồng và bông lúa chín vàng dưới ắng
nắng mặt trời có một sự liên tục trong phát triển. Bông lúa chỉ là kết quả của
hạt giống được gieo trồng.
Nơi khác, Ngài cũng nói:
-
Như người đàn bà lo âu
khi giờ của mình đã đến, nhưng sau đó thì vui mừng vì đã sinh được một người
cho thế gian.
Sự sinh nở chỉ là kết quả của việc thai nghén. Giữa hai sự
kiện này luôn có một sự liên tục trong phát triển.
Cũng thế, Đức Kitô đã bước vào sự chết và sống lại. Chúa nhật
phục sinh không phải chỉ đến sau ngày thứ sáu tuần thánh, mà còn là một sự tiếp
nối, một kết quả, một hoa trái.
Chính vì thế, chúng ta hiểu được tại sao Tôma có thể nhìn
thấy những dấu ấn của đau khổ, của cực hình trên thân xác sống lại của Đức
Kitô.
Vinh quang xuất phát từ thập giá và những dấu đanh đã không
làm xấu đi, trái lại còn làm đẹp thêm cho thân xác phục sinh của Ngài.
Cũng giống như trên khuôn mặt nhăn nheo của một cụ già. Những
nếp nhăn ấy chính là kết quả những năm tháng dài của cuộc đời với những khổ đau
và tang tóc, những hy sinh và gian khổ, những yêu thương và phục vụ. Những nếp
nhăn ấy tạo nên vẻ đẹp của kinh nghiệm, của già dặn và chín chắn. Và rồi cặp mắt
của cụ già sáng lên niềm hy vọng được gặp lại chính cái nhìn của Thiên Chúa.
Để kết luận, chúng ta hãy suy gẫm lời Chúa đã phán để hiểu
được toàn bộ cuộc đời của Ngài, đó là Con người phải chịu đau khổ, và phải chết
đi trước khi được bước vào vinh quang.