BÓNG TỐI VÀ ĐỨC TIN
Đức tin dấn thân đòi tôi phải vượt qua
nhiều bóng tối. Đó không phải là những gì xa lạ, mà chỉ là những suy tính đi ngược
với Phúc âm để có được nhiều lợi ích trần thế.
Blaise Pascal (1623-1662) là một nhà
toán học lỗi lạc, một nhà vật lý uyên bác, và cũng là một triết gia thời danh.
Ông mất năm 39 tuổi khi đang soạn một tác phẩm minh đạo.
Tác phẩm chưa hoàn thành, người ta
chỉ tìm thấy những mảnh vụn ghi các nhận xét, các lý luận mà ông chuẩn bị cho
tác phẩm. Chúng được in ra thành cuốn “Pensées.” Trong đó có nhiều tư tưởng về
niềm tin Kitô giáo, như: “Chúa Giêsu là
con người, mà Ngài lại dám bắt người khác phải yêu Ngài, bắt họ bỏ tất cả để
theo Ngài, thế mà Ngài đã thành công, như vậy Ngài đúng là một vị Thiên Chúa.”
Mặc dù ngay từ đầu, Phúc âm Gioan đã
xác định: “Ngôi Lời là Thiên Chúa”
(Ga 1,1), nhưng Gioan cũng cho thấy những bóng tối của đức tin. Qua Maria
Mađalena và Tôma, Phúc âm Gioan trình bày đức tin như là một tiến trình gồm hai
giai đoạn, đi từ sự nghi hoặc đến đức tin, từ bóng tối đến ánh sáng làm biến đổi
tận căn và triệt để cuộc sống.
Ngay từ đầu, sự phục sinh không được
những người theo Chúa nghĩ đến hay mong đợi: Tại mồ Chúa, Maria Mađalena thấy
ngôi mộ trống và chỉ biết khóc (Ga 20,11); cả khi được thấy Chúa, dù rất thân
quen, nàng vẫn không nhận ra được ngay. Còn Tôma, dù đã được các bạn cho biết,
vẫn không đón nhận như một tin vui hay ít ra là một điều mình đang mong đợi, mà
còn đòi xem chứng cứ.
Bóng tối làm cho rõ hơn đức tin là một
ân sủng: Trong lúc người ta nghi hoặc, khi chưa biết phải làm gì, thì Chúa đã
đi bước trước, chính Ngài tìm đến với con người. Ngài đã lên tiếng gọi tên
Maria Mađalena; rồi hiện ra cách riêng cho Tôma, giữa các môn đệ.
Một người tìm đến nhà giảng thuyết
Mc Leod Campbell, bạn ông, trong tâm trạng bối rối: “Này anh, xin anh cho tôi biết làm sao mà anh luôn tìm thấy Chúa?”
Campbell trầm ngâm một lát rồi nói: “Làm
sao mà tôi luôn tìm thấy Chúa ư? Không đâu, tôi không luôn tìm thấy Chúa đâu,
nhưng tôi biết là Chúa luôn tìm kiếm tôi!”
Đức tin trước hết là một ân sủng. Cả
Maria Mađalena lẫn Tôma, cũng như nơi mọi người, chẳng ai có thể tự mình vượt
qua sự mù tối để tin rằng Đức Kitô đã sống lại, và là Thiên Chúa, nếu không có ơn
Chúa.
Vâng, Chúa đã ngỏ lời với con người,
và câu trả lời đẹp nhất từ con người là đức tin - sự ưng thuận một cách có ý thức
và tự do.
Chẳng những Tôma tin Đức Kitô sống lại,
mà ông còn thưa với Chúa bằng chính những từ dành riêng cho Giavê (Tv 35,23). Đức
tin làm xảy ra trong lòng ông một cuộc biến đổi trào dâng niềm vui: Hôm qua còn
thất vọng về người thầy chịu tử nạn mà hôm nay lại vững tin rằng đó là Đức
Kitô, Người đã phục sinh, và là Thiên Chúa của mình!
Sự ưng thuận của đức tin “nhất định không phải là một hành động mù
quáng của tâm trí” (GLCG 156), nhưng cũng luôn có những mầu nhiệm đức tin vượt
quá tâm trí con người. Các mầu nhiệm gồm chứa cả bóng tối, nhưng Charles
Nicolle, bác sĩ đoạt giải Nobel Y học năm 1928, đã nói: “May mắn thay trong tôn giáo có những bí nhiệm! Nếu không tôi sẽ hoài
nghi nó, vì cho rằng tôn giáo là do trí loài người tạo ra. Bí nhiệm làm tôi vững
tâm. Đó là dấu ấn của Thiên Chúa.”
Đúng thế, sự nghi hoặc đi trước niềm
tin của Tôma lại củng cố niềm tin của bao người vào mầu nhiệm phục sinh của Đức
Kitô, .
Phúc âm Gioan mở đầu với “Ngôi Lời là Thiên Chúa,… Ngôi Lời đã trở
nên người phàm” (Ga 1,1.14), và đã kết thúc rất đẹp với lời tuyên tín của
Tôma “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của
con” (Ga 20,28)
Nhưng tin Đức Kitô Phục Sinh không
chỉ là việc làm của tâm trí, mà là sự dấn thân của cả con người. Niềm tin đó
đòi hỏi một sự thay đổi triệt để trong cuộc sống: Phải vượt lên trên lý trí và
tình cảm thông thường mà bỏ sự an toàn trần gian qua một bên, bỏ đi tất cả những
giá trị cũ để theo đuổi những giá trị mới mà Đức Kitô đã rao giảng trên núi. Đó
cũng là một bóng tối dễ làm cho người ta thấy sợ: “Không một ai khác dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì lại ca tụng họ”
(Cv 5,13).
Điêu khắc gia đại tài Michel Ange đã
tạc những pho tượng trên nóc vòm nhà thờ Milan, dù là không ai có thể thưởng thức
những chi tiết đó từ bên dưới, ông vẫn tỏ ra rất kỹ lưỡng trong những chi tiết
nhỏ nhặt. Có người đã hỏi ông: “Công phu
như thế làm gì? Ở dưới có ai xem thấy đâu!” Nhà điêu khắc đại tài trả lời: “Ở dưới không ai xem thấy, nhưng đã có Thiên
Chúa thấy! Và thế là đủ rồi.”
Cũng thế, đức tin dấn thân đòi tôi
phải vượt qua nhiều bóng tối. Đó không phải là những gì xa lạ, mà chỉ là những
suy tính đi ngược với Phúc âm để có được nhiều lợi ích trần thế. Chúng
làm cho tôi không thấy Chúa, cũng như hạnh phúc ngàn sau. Đó là lúc Chúa tha
thiết nói với tôi: “Phúc cho những ai
không thấy mà tin.”