Bắt chước Thánh Giuse
TẾ
NHỊ TRONG MỌI TƯƠNG QUAN
Tất
cả những gì thánh Giuse dạy tôi về sự tế nhị đã giúp tôi rất nhiều trong đời
sống tu đức, mục vụ và truyền giáo.
Đức Cha GB Bùi Tuần
1. Thánh Giuse là một đấng thánh mà tôi yêu mến cách riêng ngay từ hồi tôi còn
thơ ấu. Tôn sùng thánh Giuse rất sớm như thế là do cha mẹ truyền lại.
Cha mẹ tôi hay nói với các con là thánh Giuse rất thương những người nghèo
khổ. Tôi tin lời đó của cha mẹ. Rồi tôi thấy lời
cha mẹ dạy đó là rất đúng, bởi vì thánh Giuse thực sự đã thương cứu giúp gia
đình tôi, nhất là khi gia đình tôi rơi vào cảnh túng nghèo.
Riêng tôi cũng đã được thánh Giuse thương một cách đặc biệt.
Tôi cảm nghiệm được sự thực ngọt ngào đó trong nhiều trường hợp ngặt nghèo lúng
túng mà tôi mắc phải, nhưng đã được Ngài thương giải thoát.
2. Không kể những ơn đặc biệt tôi nhận được trong những trường hợp đặc biệt do
thánh Giuse, tôi còn thường xuyên nhận được từ thánh Giuse nhiều bài học hữu
ích cho đời sống đức tin của tôi. Một trong những bài học hữu ích đó, là sự tế nhị
trong các tương quan.
Thực vậy, thánh Giuse đã rất tế nhị với Đức Mẹ Maria, với
những người khác và với Thiên Chúa của Ngài.
3. Đối với Đức Mẹ Maria, thánh Giuse đã rất tế nhị một cách khác thường.
Tế nhị của Ngài đối với Đức Maria là quyết tâm bảo vệ danh dự của người
mình yêu. Phúc Âm kể: “Ông Giuse chồng bà, là người
công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt
1,19).
Tế nhị của Ngài đối với Đức Maria là đón Đức Maria về nhà
mình với lòng tin tưởng và kính trọng đầy yêu thương,
sau khi được thiên thần Chúa báo mộng (x. Mt 1,19-24).
Tế nhị của Ngài đối với Đức Maria là đảm đương gánh chịu mọi nhọc nhằn
khổ cực, để Đức Maria được an tâm lo cho hài nhi
Giêsu trên đường trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13).
Tế nhị của Ngài đối với Đức Maria là tự nguyện lao động vất vả, để đời sống gia đình tại Nagiarét được đầy đủ, đỡ phần nào lo lắng cho Đức
Mẹ (x. Mt 2,19-23).
Sự tế nhị của thánh Giuse đối với Đức Mẹ đã tạo nên cho Đức
Mẹ một bầu khí tâm linh an bình hạnh phúc, nhất là trong hoàn cảnh phức tạp khó
khăn tăm tối. Sự tế nhị đó của thánh Giuse dạy tôi điều này: Sự thánh thiện và
sống đức tin hệ tại rất nhiều ở sự biết tế nhị trong tương quan đối với những
người thân của mình. Tế nhị cả trong những sự rất nhỏ bé. Tế nhị ít là ở sự cố
gắng đừng làm điều gì gây đau
lòng cho họ, hơn nữa cố gắng làm điều gì gây được niềm vui cho họ. Tế nhị như thế trong mọi ngày không phải chuyện dễ. Nhưng thiết tưởng
đó chính là sự thánh thiện.
4. Đối với Đức Mẹ Maria, thánh Giuse rất tế nhị như vừa thấy phần nào. Còn đối
với những người khác thì sao? Tôi thấy Ngài vẫn là con người tế nhị.
Tế nhị của thánh Giuse đối với xóm làng
là hoà mình và chia sẻ. Ngài hoà mình vào đời sống lao động của xóm nghèo. Ngài
chia sẻ nếp sống của nền văn hoá địa phương.
Tế nhị của thánh Giuse đối với dòng tộc
là trung thành nhận mình thuộc dòng tộc vua Đavít, nên dù nghèo cũng cứ trở về
quê gốc là Belem, để khai tên mình và người bạn trăm năm của mình vào sổ sách
Nhà Nước (x. Lc 2,1-5).
Tế nhị của thánh Giuse đối với giáo quyền
là tuân giữ cặn kẽ mọi luật lệ về cắt bì, về thanh tẩy cho con, về trẩy hội lên
đền thờ Giêrusalem (x. Lc 2,21-45).
Thánh Giuse là một công dân tốt, và là một giáo dân tốt.
Tốt ở chỗ không những giữ đúng luật, mà còn giữ luật với một tâm hồn tế nhị. Tế
nhị ở chỗ toả ra tấm lòng khiêm tốn hiền hoà qua việc giữ luật. Giữ luật mà tạo
nên được một bầu khí xây dựng yêu thương, bình an và liên đới, thì thiết tưởng
đó là sự thánh thiện.
5. Sau cùng, sự tế nhị của thánh Giuse đã dạy tôi nhiều nhất là ở thái độ của
Ngài đối với Thiên Chúa của Ngài.
Tế nhị của Ngài đối với Thiên Chúa là ở sự Ngài tin tưởng tuyệt đối và
mau lẹ những gì Chúa truyền dạy cho Ngài.
Phúc Âm dùng từ “chỗi dậy ngay, ban đêm” để nói về thánh
Giuse, khi vừa được Thiên Chúa truyền dạy trong báo mộng (x. Mt 2,13-21). Ngài
vâng phục mà không hỏi lý do, không tính toán hơn thiệt. Tế nhị như thế đối với
Chúa nhất là trong những trường hợp khó khăn, chính là sự thánh thiện.
Tất cả những gì thánh Giuse dạy tôi về sự tế nhị đã giúp
tôi rất nhiều trong đời sống tu đức, mục vụ và truyền giáo.
Tôi hiểu tế nhị ở đây là cái gì tinh tế chuyển tải một
cái hồn đạo đức truyền cảm. Tôi xin đưa ra một ví dụ:
Hai người cùng hát một bài ca. Cả hai cùng hát đúng nốt đúng lời. Nhưng một người
hát với sự tinh tế của giọng điệu, có sức tạo nên cho người nghe một bầu khí
thinh lặng nội tâm, tập trung vào cái hồn của bài ca, có một sức truyền cảm
linh thiêng. Người tế nhị trong đời sống đạo đức cũng được hiểu như thế.
Phúc Âm thánh Luca kể lại dụ ngôn người Samari tốt lành.
Có ba người cùng đi trên một con đường. Cả ba người cùng nhìn thấy một nạn nhân
nằm bên vệ đường. Người thứ nhất thấy, liền tránh qua bên kia đường mà đi. Người
thứ hai cũng thấy, cũng tránh qua bên kia đường mà đi. Người thứ ba thấy liền dừng
lại, chăm sóc người bị thương (x. Lc 10,29-37). Người thứ ba chính là người tế
nhị được Chúa ca ngợi và được Chúa nêu gương. Dụ ngôn trên đây làm tôi liên tưởng
đến thánh Giuse, con người tế nhị trên đường đời, trong tương quan với những
người đau khổ.
6. Theo kinh nghiệm của tôi, sự tế nhị trong đời sống đạo đức, như thánh Giuse
đã nêu gương, không dễ thực hiện được chỉ do học tập, mà phải có ơn Chúa. Chúa sẽ ban ơn tế nhị cho những ai khiêm nhường, nghèo khó, khát khao sự
công chính. Cho đến lúc này, tôi vẫn còn lỗi lầm thiếu sót về sự tế nhị. Tôi vẫn
phải bắt đầu lại.
Lạy thánh Giuse, xin thương cầu bầu cùng Chúa cho con được
sự tế nhị của Ngài, ít là một phần nào. Con rất yếu đuối, xin Ngài thương đỡ
nâng con.