Chầu Thánh Thể cnmc 02c _ quê hương chúng ta ở trên trời


QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA Ở TRÊN TRỜI
Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn:
Ai cũng muốn được hạnh phúc và vinh quang, nhưng con đường dẫn đến hạnh phúc và vinh quang lại thường có nhiều thử thách, gian khổ. Thế nên người xưa mới có những câu ca dao, tục ngữ để cảnh báo cho những ai muốn  thành đạt mà ngại khổ cực phải cố gắng hơn: “có công mài sắt có ngày nên kim; có chí thì nên; thao trường đổ mồ hôi, chiến trường thôi đổ máu…”.
Biết vậy, nhưng tính tự nhiên ai cũng lánh nặng tìm nhẹ nên người ta mới thắc mắc: tại sao Chúa là Đấng Toàn Trí Toàn Năng mà lại không nghĩ ra được con đường nào đỡ khổ hơn để dẫn con người đến hạnh phúc mà cứ phải là con đường thập giá, không có chọn lựa nào khác: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trong giờ gặp gỡ thân mật với Chúa trong mùa thao luyện tâm hồn này, xin cho chúng con hiểu được sự khôn ngoan kỳ diệu của Chúa trong mầu nhiệm thập giá, để chúng con mạnh dạn và hân hoan bước vào con đường chính Chúa đã đi.
Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca, (Lc 9,28b-36)
Khi ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!" Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm: (mời ngồi)
Thời nay ai cũng đề cao tự do, ngay cả những nhà độc tài cũng thích nói đến tự do. Tự do là không phải chịu một áp lực nào, là dễ dàng làm được những gì mình muốn. Người có quyền thường có thể làm theo ý mình muốn một cách dễ dàng nên ai cũng thích làm người có quyền. Nô lệ thì trái ngược lại, nô lệ không được làm theo ý mình muốn mà nhất nhất phải theo ý chủ, và vì quyền lợi của chủ! Nô lệ là người chẳng được sống cho mình mà phải sống cho người khác. Chẳng ai thích làm nô lệ!
Thế mà Đức Kitô, còn được gọi là Đấng Cứu Thế, lại tự nguyện “hủy bỏ chính mình, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.”  
Và khi loan báo Tin Mừng, kêu gọi mọi người theo mình với lời hứa về sự sống đời đời và hạnh phúc thật, Chúa lại luôn đòi hỏi cái điều kiện hết sức khó nghe đó, là ai muốn theo Chúa phải từ bỏ chính mình, vác thập giá - hình phạt dành cho dân nô lệ - mà theo. Tại sao vậy?
Épictète là một triết gia-nô lệ tại xứ Syracuse. Vua của Syracuse rất độc tài, nhưng khi đọc sách của Épictète, nhà vua thấy hay quá nên mới ra quyết định giải thoát cho Épictète, không bắt ông làm nô lệ nữa. Thế mà Épictète lại bảo nhà vua:
-       Vua hãy tự giải thoát chính mình đi.
-       Nhưng ta là vua mà?, ông vua độc tài ngạc nhiên.
-       Một nhà độc tài là kẻ phải làm nô lệ cho các dục vọng của mình, còn một người nô lệ làm chủ được các dục vọng của mình mới là một người tự do. Hỡi Đức Vua, hãy tự giải thoát chính mình đi.
Câu trả lời thâm thúy của Épictète cho thấy không dễ mà phân biệt giữa nô lệ và tự do. Có khi ta tưởng mình được tự do, được làm theo ý riêng mà đâu ngờ rằng mình lại đang tự buộc mình vào con đường dẫn đến cái chết của tâm hồn; ngược lại, có những người bước vào con đường thoạt trông là đau khổ mà lại tìm được sự tự do và hạnh phúc thật.
Quyền hành, danh vọng đời này có cao tới trời, của cải tài sản có đầy tay, lạc thú có phỉ chí giang hồ, thì đã phải là hạnh phúc chưa? Thưa rằng chưa, vì chẳng biết bao nhiêu là đủ cho lòng tham. Có nhiều bao nhiêu cũng chẳng đủ cho lòng tham, tuy có nhiều mà chẳng bền thì có hơn gì không có, “một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình!” (Tv 103,16)
Hơn nữa, hạnh phúc thế gian ban tặng luôn đi kèm với nỗi sợ đánh mất! Đến và đi, được và mất là luật của đất trời: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy” (Gv 3,1-4)
Niềm vui đến rồi đi, nỗi buồn đến rồi hết, còn gì ở lại? Ai đặt tất cả hy vọng vào đời này chẳng được gì hơn một con số không to tướng, và hai bàn tay sạch bách. Cái tiền đồ trống rỗng đó làm cho những ngày sống ở trần gian trở thành một hành trình ra đi, đi mãi đi hoài mà chẳng được gì ngoài sự mỏi mệt: “bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” Đi mãi đi hoài vì không biết đâu là nơi mình đến, vì vẫn còn tìm kiếm một điều gì đó ở ngoài mình.
Những cuộc ra đi loanh quanh mỏi mệt đó càng làm nổi bật nét ưu việt trong hành trình thập giá của Đức Kitô: Thập giá là tình yêu đến quên mình vì người mình yêu! Mọi điều có thay đổi, có đến và có đi, nhưng nơi nào tình yêu còn ở lại là còn tất cả, tình yêu không có là chẳng còn gì! Chính khi hủy bỏ chính mình, mặc lấy thân nô lệ mà Đức Kitô làm sáng rõ hơn hết thần tính của Ngài, là Thiên Chúa tình yêu. Chính khi cùng vác thập giá với Đức Kitô mà mỗi người về lại với chính mình, gặp lại hình ảnh Thiên Chúa hoàn hảo nơi mình.
Thánh Phaolô đã đuổi bắt những người tin vào Đức Kitô, nhưng cuối cùng ông đã tìm được ý nghĩa cho cuộc sống mình khi gặp được tình yêu của Đức Kitô: “tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô.” (Pl 3,8)
Vâng, niềm tin Kitô mở ra cho ông một con đường thênh thang dẫn đến hạnh phúc thật - con đường thập giá - và mọi sự khác đều phải coi là thiệt thòi. Ông đau buồn vì vẫn còn có nhiều người đuổi theo những điều ông đã quẳng đi: “bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,18-20)
Cầu nguyện: (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Ngày nay, nhiều lúc chúng con lúng túng khi có người mỉa mai, coi chuyện thiên đàng như là một điều viễn vông, ảo tưởng. Họ thích sống thực tế, đối với họ chẳng có gì quan trọng hơn là cái bụng. Phần chúng con, lạy Chúa, cũng đôi lúc tỏ ra xấu hổ khi bày tỏ niềm tin vào Chúa.
Thế nhưng, lạy Chúa, sống niềm tin vào Chúa mới là cách sống thực tế nhất: Người không tin vào Chúa chẳng muốn nhớ đến một chuyện rất thực tế là ngày ra đi khỏi thế gian này. Ngày đó làm cho những điều cao trọng họ đang đuổi theo trở nên vô nghĩa. Không tin vào Chúa, “chung cục là họ sẽ hư vong”.
Tạ ơn Chúa đã cho chúng con tin vào Chúa và biết hành trình đời mình sẽ đi về đâu, về quê thật ở trên trời. Trời đây là tình yêu Chúa đã gieo vào lòng chúng con, là sự thân mật chia sẻ đời sống thần linh với Chúa, là những gì cao quí còn lại sau khi mọi sự qua đi. Đây là một hồng ân tuyệt vời không thể tưởng tượng được mà Chúa ban cho chúng con, hồng ân đưa chúng con trở về quê hương và gặp được con người hoàn hảo được dựng nên theo hình ảnh Chúa nơi mình.
Trên núi Tabor, chính Chúa đã biến hình trước mắt các tông đồ thân tín như bảo chứng cho hạnh phúc Nước Trời mà Chúa đã hứa ban cho những ai theo Chúa, và như một khích lệ các tông đồ vững tin trước biến cố cuộc khổ nạn của Chúa.
Nhưng, lạy Chúa,
Chúa đã làm người và Chúa hiểu thấu sự khó khăn của chúng con khi sống niềm tin vào Chúa, và sống ơn gọi làm con Chúa.
Niềm tin vào Chúa đòi buộc chúng con phải tìm kiếm những sự trên trời, phải sống yêu thương. Nhưng chúng con lại hết sức yếu đuối trước những cám dỗ rất mạnh của thế tục, như chính thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7,19)
Bất chấp bao thử thách, gian nguy cũng như bao yếu đuối mà thánh Phaolô cảm nghiệm trong từng thớ thịt của mình, trong ân sủng và tình yêu Chúa mà thánh nhân tìm được sức mạnh của niềm tin để vui tươi, hăng say, và hân hoan loan báo Tin Mừng cho mọi người: "Chính khi tôi yếu đó là lúc tôi mạnh".
Chính nơi Lời Chúa và bí tích Thánh Thể mà chúng con tìm gặp được Chúa, nguồn mạch cho sự sống, sức mạnh và hạnh phúc của chúng con, như lời dạy của Đức Thánh Cha Bênêđictô trong tông thư Năm Đức tin: “Con người ngày nay, cũng giống như người phụ nữ Samaria, có thể cũng lại cảm thấy cần phải đến bên giếng nước để lắng nghe Chúa Giêsu, Đấng mời gọi hãy tin vào Người và múc lấy nước hằng sống từ Người trào ra (x. Ga 4, 14). Chúng ta phải tìm lại niềm vui thích nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa được Giáo hội trung thành truyền lại, và bằng Bánh Hằng Sống, được ban cho để nâng đỡ tất cả những ai làm môn đệ Chúa (x. Ga 6, 51).” (Porta Fidei 3)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con đến đây gặp Chúa và xin tăng thêm đức tin cho chúng con để mỗi người chúng con sẵn lòng và hân hoan bước vào con đường thập giá Chúa đã đi. Trên con đường yêu đến quên mình này, mỗi người chúng con sẽ gặp được chính Chúa là ý nghĩa và hạnh phúc thật của mình.
"Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống." (Tv 27,13)
Hát: “Lạy Chúa, con tin…” (bài hát năm đức tin)