+Gm. Gioan B Bùi Tuần
Trở về với Chúa một cách đích thực là từ bỏ những gì không phải
là thánh ý Chúa, mà chỉ thi hành thánh ý Chúa mà thôi. Thực tế cho thấy có những
việc coi như bám vào Chúa, nhưng lại bị Chúa chối từ, bởi vì không hợp ý Chúa.
Chúa Giêsu quả quyết: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa,
là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng
ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy
rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên
tri, mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ
tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn
làm điều gian ác” (Mt 7,21-23).
2. Theo lời Chúa Giêsu quả quyết trên đây, trở về với Chúa không
chỉ là phải bỏ những tội lỗi, mà cũng phải bỏ cả những việc coi như việc lành
nhưng không hợp thánh ý Chúa. Chúa gọi những người làm những việc nói tiên tri,
trừ quỷ, làm phép lạ không hợp thánh ý Chúa, là “bọn làm điều gian ác”. Biết đâu
nhiều việc lành chúng ta đang làm như đọc các kinh, những lễ lạy, những tổ chức,
những xây cất, những tranh đấu, những khoá học hỏi, cũng bị Chúa ruồng bỏ, lý
do vì không hợp ý Chúa.
3. Những người làm một số việc lành nổi nang lại bị Chúa gọi là
bọn gian ác. Như thế, rõ ràng là họ đã quá chủ quan và tự mãn. Chúa trách họ vì
họ không thi hành ý Chúa. Tôi nghĩ là họ có đức tin và cũng làm theo đức tin.
Nhưng đức tin của chọ là đức tin đã biến chất, đã tha hoá. Do vậy họ đã không
thi hành ý Chúa. Đó chính là điều khiến tôi phải sợ cho tôi và cho mọi người
trong Hội Thánh của tôi hiện giờ. Bởi vì hiện nay bệnh chủ quan và tự mãn đang
lan tràn rất mạnh.
Sự sợ hãi của tôi là lành mạnh. Nó giúp tôi tìm những thái độ trở
về với Chúa, khởi đi từ việc nhận mình có thể có những biến chất và tha hoá
trong đức tin.
4. Dưới đây là vài thái độ được chọn:
Thái độ thứ nhất là khiêm nhường.
Tôi hay đau bệnh. Rất nhiều khi, tôi bệnh mà không biết rõ bệnh
tình của mình. Nhưng bác sĩ chuyên môn thì biết rõ. Cũng vậy, có thể tôi mắc bệnh
về đức tin, nhưng tự mình không thể thấy được. Và nếu có thấy, thì cũng không tự
mình chữa lành được. Nên tôi cần phải rất khiêm nhường. Hội Thánh giúp tôi tìm
thái độ đó, khi dạy tôi hãy năng đọc kinh sám hối: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi
tại tôi mọi đàng”.
Ở đây, tôi nhớ lại dụ ngôn Chúa Giêsu nói về hai người lên đền
thờ cầu nguyện (x. Lc 18,9-14). Người được tiếng là đạo đức, tự hào về đức tin
của mình, lại bị Chúa ruồng bỏ. Bởi vì đức tin của họ là đức tin đã biến chất,
đã tha hoá, do tự mãn về những việc mình làm. Còn người mang tiếng là tội lỗi,
lại đã được Chúa thứ tha. Bởi vì đức tin của họ là đức tin đích thực do khiêm
nhường nhận mình hèn kém, chỉ tin vào Chúa xót thương mà thôi.
5. Thái độ thứ hai là nghèo khó.
Thái độ nghèo khó là thái độ dứt lìa những ham muốn quyền lực, bất
cứ loại quyền lực nào.
Phúc Âm dạy tôi về thái độ dứt lìa đó trong việc Chúa Giêsu bị
quỷ Satan cám dỗ trong sa mạc. Quỷ cám dỗ Chúa về quyền lực kinh tế, khi dụ Người
biến đá thành bánh. Nhưng Người từ chối. Quỷ cám dỗ Chúa về quyền lực thiêng
liêng, khi dụ Người nhảy từ đỉnh cao đền thờ xuống đất. Nhưng Người từ chối. Quỷ
cám dỗ Chúa về quyền lực chính trị, khi dụ Người lạy quỷ, để được quyền cai trị
toàn thế giới. Nhưng Người từ chối (x. Lc 4,1-10).
Dứt lìa ham muốn mọi thứ quyền lực vẫn được một số môn đệ Chúa mọi
thời cố gắng thực hiện. Nhưng bên cạnh đó, phần đông lại coi việc chạy theo quyền
lực là bình thường. Tệ hại nhất là lạm dụng những quyền lực đó nhân danh đức
tin, trong lãnh vực truyền giáo và mục vụ. Đó chính là đức tin tha hoá, biến chất,
do đi ngược lại tinh thần khó nghèo của Phúc Âm.
Nếu lại hãnh diện về những quyền lực, thích dùng để phô trương
thành tích những gì mình phục vụ cho Hội Thánh, thì quả là một đức tin đã tha
hoá trầm trọng.
Càng là đức tin biến chất và tha hoá, khi cậy vào quyền lực nọ
kia, để khinh thường, thậm chí còn loại trừ những ai không nịnh bợ mình trong đời
sống cộng đoàn và liên đới mang danh nghĩa Chúa.
Xem ra mọi cơ chế đời đạo hiện nay đều có khuynh hướng đề cao
quyền lực. Trong một tình hình như thế, tinh thần nghèo khó đòi hỏi phải dứt
lìa mọi ham muốn về bất cứ quyền lực nào sẽ là một việc cực kỳ khó khăn. Biết
thế, nhưng người môn đệ Chúa sống đức tin đích thực, muốn thi hành trọn vẹn
thánh ý Chúa, vẫn phải trung thành với ý Chúa, để rao giảng Nước Thiên Chúa chỉ
là tình yêu, ân sủng, cứu độ, công lý và bình an.
6. Thái độ thứ ba là đón nhận.
Với tinh thần nghèo khó và khiêm nhường, người môn đệ Chúa khát
khao đón nhận mọi ơn Chúa giúp cho mình được gặp gỡ Chúa Giêsu. Bởi vì căn bản
của đức tin đích thực là gặp gỡ Chúa Giêsu một cách sống động và thân mật. Đức
tin lúc đó không phải là tin điều gì, mà là tin ai. Tôi tin Chúa Giêsu. Tin
Chúa Giêsu là tin mọi lời Người phán, tin gương đời sống của Người, tin vào
tình yêu và quyền năng của Người, tin Người chính là con đường, là sự thật và
là sự sống. Tôi bước theo Người.
Chúa Giêsu đến với tôi qua Phúc Âm, qua các Bí tích, qua Hội
Thánh, qua các biến cố, qua những tiếp xúc, qua những cầu nguyện, qua những hồi
tâm. Tôi phải tỉnh thức để gặp Người. Gặp được Người, tôi đã nhận ra Người là
Tin Mừng đích thực cho tôi. Tin Mừng đó như một biến cố quan trọng biến đổi đời
tôi, để tôi đi về tương lai với hy vọng trần thế.
7. Tới đây, tôi có thể kết luận thế này: Thi hành thánh ý Chúa
là hãy trở về với đức tin đích thực, một đức tin có căn bản là gặp gỡ sống động
với Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ. Chỉ đức tin đích thực mới chiếu sáng chân lý
đích thực, con đường đích thực và sự sống đích thực, là Chúa Giêsu Kitô. Chúa
chúng ta.
Vấn đề xem ra đang được lịch sử cứu độ hiện nay coi là trung tâm
gây nên khủng hoảng, chính là con người sống đức tin tha hoá. Nếu đúng là như vậy,
thì Năm Đức Tin không nên tránh né việc xem xét lại đức tin của từng người, của
từng cộng đoàn, của từng địa phương. Đức tin đích thực đang bị chia cắt ra từng
nhiều mảnh nhỏ. Mỗi người, mỗi nơi dùng một mảnh nhỏ mình thích, để thêu dệt
thêm vào đó bao nhiêu thứ riêng tư xa lạ với đức tin đích thực. Cứ thế thành
nên những tổ chức và những cơ chế khác nhau mang danh đức tin, nhưng sống phân
hoá, thậm chí còn chống lại nhau, nhiều khi chống phá chính đức tin đích thực
và phản lại Tin Mừng đích thực là Chúa Giêsu. Thảm cảnh đó đang xảy ra tại nhiều
nơi.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội. Thế mà trên đường
sống đức tin đích thực, Mẹ đã phải chịu biết bao đau đớn. Còn con mang thân phận
tội lỗi yếu hèn, sống trung thành với đức tin đích thực là luôn trở về. Ngay
trên đường trở về, con cũng gặp phải muôn vàn khó khăn đòi nhiều phấn đấu hy
sinh, xin Mẹ thương dắt dìu và nâng đỡ con. Con tin ở Mẹ.