Suy niệm hạnh thánh _ 29/12

Thánh TÔMA BECKET
 (1118-1170)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Là một người kiên quyết dù có đôi lúc giao động, nhưng sau đó biết rằng không thể hòa giải với tội lỗi, ngài trở nên một giáo sĩ hăng say, bị tử đạo và được tuyên xưng là thánh -- đó là cuộc đời Thánh Tôma Becket, Tổng Giám Mục của Canterbury, bị giết ngay trong vương cung thánh đường của ngài vào ngày 29-12-1170.
Ngài nổi tiếng vì lối sống xa hoa và phung phí, nhưng khi Vua Henry chọn ngài làm giám mục chính tòa Canterbury thì cuộc đời ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài được thụ phong linh mục chỉ một ngày trước khi được tấn phong giám mục. Và ngài quyết liệt thay đổi đời sống bằng sự khổ hạnh. Không bao lâu, ngài đụng độ với vua về vấn đề quyền lợi của Giáo Hội và hàng giáo sĩ.
Ngài trốn sang Pháp và sống ở đó trong bảy năm. Khi trở về Anh ngài biết mình sẽ bị chết. Vì ngài từ chối không miễn tội cho các giám mục được vua sủng ái, vua Henry đã tức giận kêu lên: "Không có ai đưa tên giáo sĩ rắc rối này khuất mắt ta hay sao!" Bốn hiệp sĩ đã thể hiện lời nguyện ước của vua, và đã hạ sát Đức Tổng Giám Mục Tôma ngay trong vương cung thánh đường Canterbury.
Suy niệm 1: Ân nhân
Tôma Becket là một người kiên quyết dù có đôi lúc giao động.
Ngài sinh ra tại Luân đôn năm 1118. Cha ngài là Gilbert Becket là một hiệp sĩ người Normandy, đã trở thành thương gia giàu có ở Luân đôn. Mẹ ngài cũng là người Normandy. Ngài có ít là hai chị em mà một người sau này làm tu viện trưởng barking, Ngài thừa hưởng từ người mẹ lòng đạo đức, lòng sùng kính đức mẹ và lòng quảng đại đối với người nghèo khó. Từ người cha, ngài thừa hưởng một tính khí kiêu hùng và cương quyết. Dáng người cao ráo, đẹp trai, hấp dẫn và thông minh.
Ngài theo học ở cả hai trường đại học Luân Đôn và Ba lê. Sau cái chết của người cha, ngài bị khánh tận, Đức Tổng Giám Mục Canterbury là Thaobald, là người đã từng sai ngài đến Rôma một vài lần, đã cấp dưỡng và cho ngài theo học giáo luật. Sau khi theo học tại Oxford, Đức Tổng Giám Mục Cantebury đã triệu mời ngài làm quản trị, lo những chuyện liên hệ với Ro Ma. Trong khi làm tổng phó tế cho giáo phận Canterbury, vào lúc 36 tuổi ngài được Vua Henry II, là bạn của ngài, chọn làm thủ tướng Anh, là nhân vật quyền thế thứ nhì trong nước, chỉ sau vua.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có được những ân nhân giúp vượt qua thời điểm khó khăn.
Suy niệm 2: Giám mục
Vua Henry chọn ngài làm giám mục chính tòa Canterbury.
Tổng Giám Mục Theobald qua đời. Nhà vua ép ngài lên chức Tổng giám mục Cantorbéry, nhưng ngài đã từ chối và đáp lại: “Nếu Thiên Chúa muốn hạ thần làm Tổng giám mục Cantorbéry, hạ thần sẽ mất hết ơn nghĩa với hoàng thượng, và lòng ưu ái hoàng thượng dành cho hạ thần trước đây sẽ biến thành sự thù ghét. Hoàng thượng sẽ đòi tôi nhiều điều, và hoàng thượng đã làm nhiều điều chống lại Giáo Hội mà tôi sẽ không thể chịu nổi Tình cảm của hoàng thượng sẽ sớm đổi thành thù hận không chấm dứt nổi”.
Dù thế, vâng lệnh Tòa Thánh, ngày 3.6.1162, ngài thụ phong linh mục và ngày hôm sau được làm Tổng giám mục Cantorbéry. Kẻ nô bộc của các hoàng tử đã trở thành nô bộc của Giáo Hội. Ngài trở nên khiêm tốn hơn, mặc áo nhặm, tha thiết yêu thương kẻ nghèo và xa cách đối với người giàu. Nhưng các điều lo ngại của ngài không tự biện minh mãi được.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn vâng lời Chúa hơn vâng lời người đời.
Suy niệm 3: Đụng độ với vua
Tôma Becket đụng độ với vua về vấn đề quyền lợi của Giáo Hội và hàng giáo sĩ.
Đối với Becket, sự tự do của Giáo hội quan trọng hơn là tình bạn đối với vua, cho dù cả hai rất tâm đắc. Cuộc xung đột nảy sinh trầm trọng khi nhà vua muốn tịch thu tài sản của Giáo hội, và nhất quyết nắm lấy quyền điều khiển Giáo Hội. Có khi, vì cố giữ hòa khí, Đức Tổng Tôma phải nhượng bộ. Ngài tạm thời chấp nhận Hiến Chương Clarendon năm 1164, muốn đặt quyền xét xử của Giáo Hội dười quyền Hoàng Gia, không cho phép giáo sĩ được xét xử bởi một tòa án của Giáo Hội và ngăn cản họ không được trực tiếp kháng án lên Rôma. Nhưng sau cùng Đức Tổng Giám Mục Tôma tẩy chay Hiến Chương này. Tức giận, nhà vua triệu vời các giám mục vương quốc lại. Trong căn phòng tụ họp, hiện ra những con người mang khí giới như sẵn sàng tiêu diệt các ngài. Các giám mục và các lãnh chúa kinh hoàng khẩn xin vị giáo chủ nhượng bộ.
Ngài viết thư xin phán định của Đức Thánh Cha, vốn kết án tất cả những ai đã phát thệ. Thế là ngài cương quyết vâng lời Thẩm Quyền Giáo Hội, và cực lực phản đối Hiến Chương Clarendon. Thất vọng nhà vua hô hoán: “Hoặc là ta mất ngôi, hoặc là con người ấy không còn là tổng giám mục nữa”. Các hiệp sĩ gọi ngài là kẻ phản bội. Ngài đã trả lời cho một người trong bọn họ: “Nếu đôi tay này không phải đôi tay của một linh mục thì ông phải biết”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm vâng phục quyền bính Giáo Hội.
Suy niệm 4: Trốn sang Pháp
Ngài trốn sang Pháp và sống ở đó trong bảy năm.
Trong một công đồng ở Nerthampton năm 1164, ngài lại tỏ ra chống đối và khi bị đe dọa đến mạng sống hoặc tù tội. Một đêm kia, ngài đã trốn thoát. Lang thang nhiều ngày, ngài tới bờ biển và được một thuyền đánh cá tiếp nhận và đưa qua Pháp. Vua Louis VII đã hân hạnh tiếp đón ngài, ông nói: “Nước Pháp có thói quen nuôi dưỡng và bảo vệ những người chịu đau khổ, nhất là những người bị lưu đày vì công chính”.
Ngài lưu tại tu viện Pontiguy và tăng nếp sống khắc khổ, đến nỗi có thể nói được đây là cuộc “hoán cải thứ nhì, từ đạo đức đến thánh thiện”. Ngài có giờ để cầu nguyện và suy gẫm. Ngài tuân theo luật và nếp sống của tu viện. Dầu vậy cuộc trả thù của nhà vua vẫn tiếp tục. Vua Henri loan báo là sẽ tiêu diệt mọi nhà dòng Xitô, nếu một nhà dòng Xitô nào còn tiếp tục dung duõng Ngài. Toma Becket liền đến một nữ tu viện Bênedictô ở Sens. Những năm tháng đau khổ và trơ trọi nối tiếp nhau.
Trong khi đó, nhà vua bị Đức Thánh Cha đe dọa, tỏ ra muốn giao hòa với ngài vào những tháng cuối cùng năm 1169. Một thứ hòa hoãn chẳng dễ gì. Nhưng ngài đã nói với những người muốn ngăn cuộc hồi hương của mình rằng: “Dù có biết chắc mình sẽ bị chặt thành trăm mãnh, tôi vẫn trở về. Đã 6 năm rồi, đoàn chiên của tôi vắng bóng chủ chăn”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hoán cải để tiến từ đạo đức đến thánh thiện.
Suy niệm 5: Trở về Anh
Khi trở về Anh ngài biết mình sẽ bị chết.
Khi tới Canterbury, dân chúng chen lẫn nhau giữa những khúc thánh ca và những hồi chuông đổ dồn để đến lãnh phép lành của ngài. Những lời đầu tiên ngài nói trên tòa giảng là: “Tôi đã tới để chịu chết giữa anh em”.
Nhà vua tức giận với cuộc trở về khải hoàn này của ngài, vốn là một con người không thể lay chuyển trong mọi việc bảo vệ những quyền tự do của Giáo Hội, và nhất là vì ngài từ chối không miễn tội cho các giám mục được vua sủng ái, vua Henry đã tức giận kêu lên: "Không có ai đưa tên giáo sĩ rắc rối này khuất mắt ta hay sao!" Dựa trên một phát biểu thiếu khôn ngoan và vô ý thức của nhà vua, bốn hiệp sĩ trung thàng của ông, đến đại thánh dường Cantorbery, hạ sát thánh nhân giữa buổi kinh chiều ngày 29.12.1170.
Không ai có thể trở nên thánh mà không phải chiến đấu, nhất là với chính bản thân. Thánh Tôma biết ngài phải giữ vững lập trường khi bảo vệ đức tin và quyền lợi Giáo Hội, dù có phải hy sinh mạng sống. Chúng ta cũng phải giữ vững lập trường khi đối diện với những áp lực -- chống với sự bất lương, gian dối, hủy diệt sự sống -- mà hy sinh tham vọng muốn nổi tiếng, muốn đầy đủ tiện nghi, muốn được thăng quan tiến chức và ngay cả muốn giầu của cải.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con lòng quảng đại, dám hy sinh tính mạng vì công lý.
Suy niệm 6: Hạ sát
Bốn hiệp sĩ đã thể hiện lời nguyện ước của vua, và đã hạ sát Đức Tổng Giám Mục Tôma ngay trong vương cung thánh đường Canterbury.
Trong kịch bản "Cuộc thảm sát trong nhà thờ chính tòa", xuất bản năm 1935, văn sĩ Thomas Eliot đã dựng lại cuộc tử đạo của thánh Thomas Becket như sau:
Khi được báo tin là những kẻ muốn giết ngài đang kéo đến nhà thờ chính tòa, từ trong thánh đường, ngài đã ra lệnh cho những người trung thành với ngài như sau: "Hãy kéo cửa lên, hãy mở rộng cửa ra, tôi không muốn rằng nơi cầu nguyện và là cung thánh phải biến thành một pháo đài. Nhà thờ bảo vệ các tín hữu theo cách thế của nó, chứ không như gỗ đá, bởi vì gỗ đá sẽ sụp đổ, còn nhà thờ thì tồn tại, nhà thờ cần phải được mở ra, ngay cả cho kẻ thù, anh em hãy mở rộng cửa". Khi thấy một số người còn chần chờ và muốn tử thủ, ngài đã khuyên mọi người hãy có cái nhìn siêu nhiên và chiến đấu bằng khí giới siêu nhiên, ngài nói: "Chúng ta đã chiến đấu chống lại quái vật và chúng ta đã chiến thắng, chúng ta cần phải chinh phục duy chỉ bằng sự đau khổ mà thôi. Đây là chiến thắng dễ dàng nhất, đây là giờ khải hoàn của Thập Giá, tôi ra lệnh cho anh em hãy mở cửa".
Khi ấy bốn hiệp sĩ tiến đến gặp và nhục mạ ngài, nhưng ngài nói: “Đừng mất thời gian đe dọ tôi. Để sát cánh chiến đấu, các người sẽ thấy tôi luôn luôn ở trong trận chiến của Chúa”. Các giáo sĩ trách ngài làm cho họ phải chết, ngài nói với họ: “Tất cả chúng ta hoặc phải chết. Đừng để sự sợ hãi làm cho chúng ta xa rời sự công chính. Tôi sẵn sàng chết vì tình yêu chúa mà những người này giết tôi không phải vì tình yêu như vậy”.
Và khi nghe bước chân và tiếng kêu của các hiệp sĩ có võ trang, ngài leo lên thang nhà thờ chánh tòa, ngài nói: “Tôi ra tiền tuyến, tôi sẵn sàng chết vì Chúa, vì lẽ công bằng và để bảo vệ Giáo Hội... Tôi sẽ hạnh phúc biết bao nếu nhờ cái chết của tôi mà Giáo Hội được tự do và an bình”. Và trả lời cho những lăng nhục, ngài nói: “Tôi không phải là kẻ phản bội, nhưng là một linh mục. Tôi sẵn sàng vì Danh Đấng đã lấy máu cứu chuộc tôi. Nhưng vì Danh Thiên Chúa, đừng động tới những người này của tôi”.
Dựa lưng vào cột, ngài chống lại những người muốn đưa ngài đi. đẩy những người tấn công ngã xuống đất, ngài nói: “Tôi không đi đâu hết, hãy làm việc đó ở đây đi”. Họ ngập ngừng. Vị tử đạo lớn tiếng phú mình cho Chúa và Giáo Hội: “Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa”. Hai nhát gươm tiếp liền, ngài ngã xuống miệng còn nói: “Vì Danh Chúa Giêsu và vì Giáo Hội, tôi bằng lòng chịu chết”. Và ngài nằm chết cạnh bàn thờ.
Cuộc tử đạo của thánh Tôma Becket như được ghi lại trên đây nêu bật ý nghĩa đích thực của mọi cuộc tử đạo: tử đạo là chết vì yêu thương và yêu thương ngay cả kẻ thù của mình. Thánh Becket đã muốn nói lên ý nghĩa ấy khi kêu gọi những kẻ trung thành với ngài hãy mở cửa nhà thờ chính tòa. Ngài đã nói: "Nhà thờ cần phải được mở ra ngay cả cho những kẻ thù của chúng ta". Trước cái chết anh dũng của Đức Tổng Giám mục Tôma Becket, Vua Henry II hối hận, tổ chức lễ quốc tang cho ngài. Chỉ ba năm sau (1173), ngài được phong thánh do Đức Alexandre III, và ngôi mộ của ngài trở thành điểm hành hương của Anh Quốc. Đức Tôma Becket vẫn là một thánh nhân anh hùng trong lịch sử Giáo Hội cho đến ngày nay.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chấp nhận chết vì yêu thương và yêu thương ngay cả kẻ thù của mình.