Thánh CHARBEL
(1828-1898)
Lược sử
Thánh Charbel tên thật
là Youssef Makhlouf, sinh ngày 8 tháng Năm 1828 ở một làng vùng cao nguyên
Lebanon. Cuộc đời Youssef rất bình thường, cũng đi học, đi nhà
thờ như bất cứ ai khác. Ngài yêu quý Đức Mẹ và siêng năng cầu nguyện. Ngài có hai người chú là đan sĩ. Ngài rất yêu quý Thánh Thể.
Vào ngày 16-12-1898,
trong khi cử hành Thánh Lễ, ngài bị tai biến mạch máu não và tám ngày sau ngài
đã thở hơi cuối cùng vào ngày
24-12-1898.
Phép lạ bắt đầu xảy ra
tại ngôi mộ của vị đan sĩ thánh thiện này. Ngài được phong chân phước năm 1965 và sau cùng, Cha Charbel được Đức
Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên xưng hiển thánh ngày 9-10-1977.
Suy niệm 1: Bình
thường
Cuộc đời Youssef rất bình thường.
Ngài cũng đi học, đi nhà thờ như bất cứ ai
khác, nhưng lại có chí hướng khác thường. Khi gia đình muốn ngài kết hôn vì họ
thấy có một thiếu nữ rất xinh đẹp trong làng mà họ tin sẽ là người vợ lý tưởng
của ngài thì Youssef lại tin rằng đã đến lúc phải theo đuổi ơn gọi làm đan sĩ.
Ngài gia nhập đan viện Đức Mẹ ở Mayfuq khi hai mươi ba tuổi, lấy tên Charbel
của vị tử đạo người Syria. Ngài khấn trọn năm 1853 khi hai mươi lăm tuổi.
Charbel học làm linh mục và được thụ phong năm 1858. Ngài ở tu viện St. Maron trong
mười sáu năm tiếp đó.
Vài năm sau thì ngài xin phép được sống một
cuộc đời ẩn tu. Ngài vào tu ở nơi vắng vẻ và đã sống đời chiêm niệm và cầu
nguyện trong suốt 23 năm liền, tận hiến hoàn toàn trong sự kết hợp với Thiên
Chúa. Ngài là niềm hảnh diện của dân chúng ở miền núi thuộc xứ Lebanon. Hàng
năm trong dịp mừng lễ Noel, họ đều nhắc nhở đến thánh Charbel với lòng sùng
kính và yêu mến như người con vĩ đại của xứ sở mà họ rất hãnh diện mang hình
ảnh trong con tim của họ.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống ở trần gian nhưng không thuộc về thế gian
(Ga 15,19;17,10).
Suy niệm 2: Đức Mẹ
Charbel yêu quý Đức Mẹ và siêng năng cầu
nguyện.
Lòng yêu quý Đức Mẹ của ngài đã phát lộ
ngay từ thuở còn ấu thơ. Hằng ngày ra đồng chăn chiên, ngài vẫn mang theo bên
mình mẫu ảnh Đức Mẹ và tìm đến một hang động, cung kính đặt mẫu ảnh Đức Trinh
Nữ rồi cầu nguyện hằng giờ. Ngài âm thầm cầu xin Đức Mẹ giúp ngài trở thành một
đan sĩ.
Lòng sùng kính Mẹ Maria giúp chúng ta thêm
lòng “Mến Chúa”. Lòng sùng kính Mẹ Maria giúp chúng ta thánh hóa bản thân qua
việc chiêm niệm các nhân đức tuyệt vời của Mẹ, nhất là lòng khiêm nhường, khó
nghèo, vị tha, đời sống khiết tịnh trong bậc tu trì, và vâng theo Thánh Ý Chúa
trong mọi sự. Lòng sùng kính Mẹ Maria cũng giúp chúng ta thêm lòng “Yêu Người”
để củng cố tình yêu vợ chồng, cha mẹ và con cái, cũng như nhiệt thành trong các
công tác xã hội, các việc từ thiện giúp những người nghèo khó, bệnh tật, những
người gặp cảnh khó khăn cần giúp đỡ (Linh Mục Anphong Trần Đức Phương).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương thánh nhân luôn yêu quý và sùng kính
Đức Mẹ.
Suy niệm 3: Cầu
nguyện
Charbel yêu quý Đức Mẹ và siêng năng cầu
nguyện.
Từ thở bé và đặc biệt khi lớn lên, vào
dòng, làm linh mục, Cha Charbel là một người thâm trầm mà sự yêu quý cầu nguyện
là đặc tính nổi bật của ngài. Thỉnh thoảng ngài lui vào nơi ẩn dật của dòng để
cầu nguyện. Và trong hai mươi ba năm cuối đời, Cha Charbel sống rất kham khổ.
Ăn ít, ngủ trên đất, và cầu nguyện lâu giờ. Nhiều khi, Cha Charbel bay bổng
trên không khi cầu nguyện.
Tại sao ta nên cầu nguyện? Ta cần cầu
nguyện để lòng trí ta luôn nhớ đến Ngài và trong đời sống của ta luôn có sự
hiện diện quan trọng của Ngài. Như thánh Gregory thành Nazianzen nói: "Ta
phải nhớ đến Chúa nhiều hơn là ta thở." Giống như ta không thể sống nếu
không có hơi thở, thì ta cũng sẽ chết mòn nếu không có cầu nguyện. Cầu nguyện
bảo đảm kho tàng quí giá của ta là tình bạn giữa ta và Chúa Giêsu; như Chúa đã
nhắc nhở ta: "Kho tàng anh ở đâu thì lòng anh cũng ở đó" (Mt 6:21).
Ta cũng nên nhớ rằng, cầu nguyện không buộc Chúa phải "cập nhật hóa"
với đời sống của ta; như trong Giáo lý đã dạy: "Cha ta trên trời biết ta
cần gì trước khi ta cầu xin Ngài, nhưng Ngài chờ đợi ta cầu xin vì phẩm giá của
con cái Ngài ở nơi sự tự do của họ" (số 2736). Ta cần cầu nguyện để thực
tập ước muốn tự do của mình trong cách thức mà do đó, nó cho ta biết sự ao ước
tối hậu của ta là nên một với Chúa. Trong cầu nguyện, ta tìm ra được phẩm giá
thực sự của mình, đó là " Thiên Chúa đặt ta ở thế gian này để ta nhận
biết, yêu mến và phụng sự Ngài, và do đó ta được lên thiên đàng" (số
1721). Cầu nguyện cho ta biết thực chất về giới hạn và sự yếu đuối của mình. Vì
như thánh Têrêsa Lisieux, một "Bông Hoa Bé Nhỏ" chứng nhận: "Đó
là cầu nguyện, đó là sự hy sinh để cho ta đầy sức mạnh; đó là những vũ khí ma
quỉ không thể thắng được mà Chúa Giêsu ban cho tôi."
Cầu
nguyện thanh lọc và làm cho đời sống ta nên trong trắng khi nó gạt ra ngoài
những thú vui thấp hèn, những gian trá và những lừa đảo của thế gian. Cầu
nguyện cung cấp cho ta một nền tảng vững chắc để xây dựng và gọt chữa tất cả
những liên hệ khác trong đời sống của ta. Cầu nguyện cảnh tỉnh rằng ta không cô
đơn trong đời sống đúc tin. Cầu nguyện không chỉ kéo ta đến gần Chúa, nhưng nó
còn kết hợp ta với từng người thánh thiện khác mà có lòng yêu mến Chúa giống
như ta. Một cách đơn giản, cầu nguyện nhắc nhở rằng ta không thể tiến lại gần
Chúa một mình được, chỉ có ai sống trong tình yêu mến mới gặp được Chúa. Ta cần
nắm chắc việc cầu nguyện để tìm ra được chân lý và hạnh phúc mà ta hằng luôn kiếm
tìm (Lm. Peter John Cameron, OP, Đaminh Nguyễn Việt Hữu chuyển ngữ).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con siêng năng cầu nguyện.
Suy niệm 4: Thánh
Thể
Charbel rất yêu quý Thánh Thể.
Ðể cho con người tin Mình và Máu Thánh là
thịt và máu thật, Chúa làm nhiều phép lạ để chúng ta tin và năng đến với Phép
Thánh Thể:
Mình Thánh bay thoát khỏi tay ăn trộm: Ðời
vua Philippe de Hardi (1362-1404) của nước Pháp, một tên ăn trộm vào nhà thờ
Saint Denis, lấy chén thánh đựng Mình Thánh Chúa định đem ra ngoài đồng trút Mình
Thánh xuống rồi đem chén thánh đi bán. Nhưng Mình Thánh không rớt xuống mà lại
bay chung quanh trên đầu tên ăn trộm. Thấy vậy người ta bắt nó nộp cho quan và
báo cho cha sở. Cha Mattheu de Vendôme báo ngay và kêu gọi Ðức Cha, các linh
mục tu sỹ đến cầu kinh và hát thánh vịnh. Trước sự chứng kiến của đông người,
tự nhiên Mình Thánh từ trên không từ từ hạ xuống tay cha sở họ Saint Gervais.
Ngày nay, hằng năm, tại nhà thờ Saint Gervais vẫn hát lễ trọng vào Chúa nhật
đầu tháng 9 để kỷ niệm phép lạ này. (Bđd)
Không ăn vẫn sống: Thánh Nikolas de Flue có
tên gọi thân mật là Bruder Klaus (1417-1487), bổn mạng nước Thụy Sỹ, trước khi
qua đời 20 năm, coi như một phép lạ về Phép Thánh Thể. Trong 20 năm, Ngài đã
từng sống hạnh phúc trong bậc gia đình với vợ và 10 con, giàu sang và chức
quyền. Năm 1467, nghe tiếng Chúa gọi, với sự ưng thuận của vợ con, Ngài từ giã
gia đình, bỏ hết mọi sự sống đời ẩn tu, nhiệm nhặt, chay tịnh, ở miền Alsace.
Suốt 20 năm không ăn không uống gì cho đến khi qua đời. Xưa và nay, nghe vậy người
ta cho là khó tin? Thời ấy, hay tin, dân chúng đã đến bao vây hang động Ranft,
một tháng, nơi ngài tu trì, xem có ai ra vào tiếp tế gì không. Sau một tháng
canh giữ, không thấy gì, người ta mới cho đó không phải là chuyện bịa đặt. Về
Giáo quyền, trước những tin ngược xuôi, đã cử Ðức Cha Thomas, giám mục phụ tá
Konstanz, đến tận nơi gặp thánh nhân xem sao. Ðức Cha đem theo bánh rượu để thử
nghiệm. Sau khi tìm hiểu về ơn gọi của Nicolas, Ðức Cha hỏi Nicolas: Theo
Nicolas, nhân đức nào quan trọng. Nicolas thưa: đức vâng lời. Ðức Cha liền lấy
bánh và rượu giấu trong cặp mang theo, bẻ làm 3, đưa cho Nicolas, và bảo: hãy
vâng lời, ăn đi. Nicolas cầm một miếng bánh, bẻ làm 3 miếng nhỏ nữa. Lâu ngày
không ăn, khó khăn lắm, Nicolas mới ăn hết phần nhỏ bánh và uống chút rượu.
Nhưng vừa nuốt khỏi miệng, liền ói ra ngay. Kinh ngạc Ðức cha kính phục Nicolas
không ăn không uống mà vẫn sống.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vững tin Chúa là bánh hằng sống (Ga 6,48).
Suy niệm 5: Chết
Charbel đã thở hơi cuối cùng vào ngày
24-12-1898.
Ngài từ giả cuộc đời lúc 70 tuổi. Một chứng
nhân di quan tên là George Emmanuel Abi-Saseen ghi lại: Ngài mất vào ngày áp lễ
giáng sinh. Trời đổ tuyết nhiều và mây phủ đầy. Khi chúng tôi di quan thì bỗng
nhiên mây tan và trời quang đãng. Khi ngài qua đời thì ngài tu viện trưởng đã
cho khắc lời tiên tri như sau trên mộ của ngài ở Annaya: “Tôi không có gì để
viết về người đan sĩ này. Những gì mà người đan sĩ này thực hiện sau khi qua
đời, sẽ nói lên về cuộc sống của người mà tôi không cần thiết phải viết lên.”
Chỉ trong một thời gian sau thì có những ánh sáng tỏa ra trên mộ ngài, thân xác
ngài tỏa ra một mùi thơm thoang thoảng như hoa đồng nội. Dân chúng đến viếng
thăm càng ngày càng đông đảo và nhiều người được ơn chữa lành bệnh.
Thánh Charbel là gương mẫu một cuộc sống ẩn
dật và khiêm nhượng, không để lại một di tích hoặc sách vở gì, nhưng lòng đạo
đức và yêu mến Chúa đã lớn lên “như cây sồi vĩ đại của xứ Lebanon”. Cuộc đời
của ngài là một tấm gương sáng và sự an nghĩ đời đời trong Thiên Chúa là niềm
hy vọng cho tất cả mọi người tín hữu (PhóTế Huỳnh Mai Trác).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống sao để được an nghĩ đời đời trong Chúa.
Suy niệm 6: Được
phong
Cha Charbel được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI
phong chân phước năm 1965 và sau cùng được tuyên xưng hiển thánh ngày
9-10-1977.
Vào năm 1925, Đức Piô XI mở án phong thánh
cho ngài. Một vài phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bàu của ngài, như trường hợp
của bà Nohad El Shami, 55 tuổi bị bán thân bất toại. Bà kể vào một đêm kia bà
nằm mơ thấy hai vị đan sĩ đứng cạnh giường bà. Một vị đặt tay ở cổ bà và tiến
hành phẫu thuật làm bà hết đau, trong khi vị kia đặt một chiếc gối dưới lưng
bà. Thức dậy, bà phát hiện hai vết thương ở cổ mỗi vết một bên. Bà hoàn toàn
hồi phục và có thể đi lại được. Bà tin chính Thánh Charbel đã chữa lành bà, còn
vị kia thì bà không nhận ra. Đêm sau, bà lại mơ thấy Thánh Charbel vốn nói với
bà: Tôi thực hiện ca mỗ này cho bà để giúp người người sống lại niềm tin. Tôi
xin bà hằng tháng viếng thăm tu viện vào mỗi ngày 22, và thường xuyên hiệp dâng
Thánh lễ trong quảng đời còn lại của bà. Hiện nay quần chúng quy tụ hằng tháng
vào ngày 22 để cầu nguyện và dâng lễ tại tu viện của Thánh Charbel ở Annaya.
Vào năm 1950, mồ hôi máu từ thi hài ngài
chảy ra thấm ướt quần áo ngài. Vào năm 1954, Đức Piô XII ký sắc lệnh phê chuẩn.
Vào ngày 5.12.1965, Đức Phaolô VI cử hành nghi thức phong Chân Phước cho ngài
tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô dịp bế mạc Công đồng Vaticanô II. Và đến
năm 1976, Đức Phaolô VI ký sắc lệnh phong thánh cho ngài và tuyên xưng hiển
thánh ngày 9-10-1977 tại Vaticanô. Đức giáo hoàng giải thích rằng: bằng chính
đời sống của mình, Thánh Charbel đã dạy chúng ta con đường đích thực đến với
Thiên Chúa. Trong khi xã hội chúng ta tuyên dương sự giầu sang và tiện nghi, Thánh
Charbel, qua gương mẫu đời sống, ngài đã dạy chúng ta các giá trị khi trở nên
nghèo khó, hy sinh và siêng năng cầu nguyện.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấy được và sống các giá trị khi trở nên nghèo
khó, hy sinh và siêng năng cầu nguyện.