Thánh GIOAN THÁNH GIÁ
(1541-1591)
Lược sử
Sinh ở Tây Ban Nha năm
1542, Gioan hiểu được sự quan trọng của tình yêu tự hiến là nhờ cha mẹ.
Là một tu sĩ dòng Camêlô, ngài cảm
nghiệm sự thanh luyện tâm linh; là vị linh hướng, ngài cảm được cuộc chiến đấu tinh thần nơi người khác;
là một thần học-tâm lý gia, ngài diễn tả và phân tích giá trị của sự đau khổ
trong các văn bản của ngài. Là một thần học-tâm
lý gia, ngài còn được coi là một thi sĩ trữ tình.
Hầu hết các văn bản của ngài
đều nhấn mạnh đến cái giá phải trả của tinh thần kỷ luật, con đường hiệp nhất
với Thiên Chúa là: sống kỷ luật, từ bỏ mình, thanh luyện. Ngài từ trần năm 49
tuổi -- cuộc đời thật ngắn ngủi, nhưng trọn vẹn.
Suy niệm 1: Gioan
Thánh Giá
Gioan hiểu được sự quan trọng của tình yêu
tự hiến là nhờ cha mẹ.
Khi khai sinh ngôi nhà đầu tiên cho các Nam
tu sĩ Cát Minh Nhặt phép ngày 28 tháng 12 năm 1568, tại Duruelo một nơi hẻo
lánh trong tỉnh Avila, Gioan cùng 3 tu sĩ khác sống trong tu viện này. Khi canh
tân lời khấn sống theo Luật đầu tiên dòng Cát Minh, bốn tu sĩ đổi tên; Gioan
lấy tên là Gioan Thánh Giá.
Gioan là thánh vì cuộc đời ngài là một nỗ
lực quả cảm dám sống trọn vẹn với tên của ngài: "Gioan của Thánh
Giá". Sự điên rồ của thập giá cuối cùng đã được thể hiện. Câu nói bất hủ
của Ðức Kitô: "Ai muốn theo ta hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà
theo ta" (Mc 8,34b) là câu chuyện cuộc đời Thánh Gioan. Mầu Nhiệm Vượt Qua
-- từ sự chết đến sự sống -- đã được thể hiện trong cuộc đời Thánh Gioan như
một người cải cách, một nhà thơ thần bí và là một linh mục thần học.
Sinh ở Tây Ban Nha năm 1542, Gioan hiểu
được sự quan trọng của tình yêu tự hiến là nhờ cha mẹ. Cha ngài đã hy sinh của
cải, danh vọng và sự an nhàn khi kết hôn với cô con gái của người thợ dệt và vì
lý do đó đã bị gia đình từ bỏ. Sau khi cha ngài từ trần, mẹ ngài cố gắng đùm
bọc gia đình trong khi họ lang thang đầu đường xó chợ để kiếm việc làm. Những
tấm gương hy sinh ấy đã giúp Gioan theo đuổi tình yêu vĩ đại của chính ngài
dành cho Thiên Chúa. Dù gia đình đã tìm được việc làm, nhưng vẫn không đủ ăn
nên Gioan phải lang thang giữa thành phố giầu có nhất Tây Ban Nha. Năm mười bốn
tuổi, Gioan được nhận vào làm việc trong bệnh viện với nhiệm vụ trông coi các
bệnh nhân bị chứng bệnh bất trị hoặc bị điên dại. Chính trong sự đau khổ và
nghèo nàn này, Gioan đã nhận biết và đã đi tìm hạnh phúc không ở nơi trần gian,
nhưng ở nơi Thiên Chúa. Vì niềm vui chỉ xuất phát từ Thiên Chúa nên Thánh Gioan
tin rằng những ai tìm kiếm hạnh phúc ở trần gian này thì giống như "một
người đang chết đói mà há miệng đớp lấy không khí." Ngài dạy rằng chỉ khi
nào chúng ta dám cắt bỏ sợi dây dục vọng thì chúng ta mới có thể bay lên cùng
Thiên Chúa.
Tuổi thơ đầy gian khổ và tuổi trưởng thành
cũng lắm thánh giá. Thật thế, việc chấp nhận cuộc cải cách đã gây ra nhiều đau
khổ cho cha Gioan Thánh Giá. Năm 1577 cha bị cáo gian, bị bắt cóc và bị giam tù
trong tu viện Cát Minh Toledo. Tại đây, cha được đặt dưới một chế độ tàn bạo
bao gồm bị đánh bằng roi trước mặt toàn thể tu viện ít nhất hàng tuần, và bị
tra tấn ba lần một tuần bởi chính các tu sĩ dòng, bị biệt giam trong một căn
buồng nhỏ xíu ngột ngạt vừa đủ cho thân xác của cha. Trong nhiều tháng trời cha
chịu thiếu thốn và bị áp lực thể lý cũng như luân lý. Trong thời gian này cha
sáng tác Thánh Thi Tinh Thần và nhiều bài thơ khác. Đêm 16 rạng ngày 17 năm
1578, sau chín tháng tù đầy, Cha Gioan vượt ngục bằng lối cửa sổ duy nhất của
xà lim mà cha đã leo lên đó bằng sợi dây được kết bằng tấm vải trải giường, và
đem theo tất cả các bài thơ huyền nhiệm mà cha sáng tác trong thời gian tù đầy.
Cha trốn thoát được và ẩn nấp trong tu viện của các nữ tu Cát Minh Nhặt phép
của thành phố.
Một cách độc đáo và mạnh mẽ, Thánh Gioan
nhấn mạnh đến sự mâu thuẫn của Phúc Âm: Thập giá dẫn đến sự cứu chuộc, đau khổ
dẫn đến sự ngất ngây, tăm tối dẫn đến sự sáng, khi từ bỏ là lúc làm sở hữu, hy
sinh bản thân để kết hợp với Thiên Chúa. Nếu bạn muốn giữ mạng sống mình thì
bạn sẽ mất. Thánh Gioan quả thật là người "của Thánh Giá."
Qua cuộc đời và văn bản, Thánh Gioan đã để
lại cho chúng ta những lời quan trọng. Chúng ta muốn giầu có, an nhàn, thoải
mái. Chúng ta không muốn nghe những chữ như hy sinh, hãm mình, thanh luyện,
khắc khổ, kỷ luật. Chúng ta chạy trốn thập giá. Thông điệp của Thánh Gioan --
cũng như trong Phúc Âm -- thì thật rõ ràng: Ðừng chạy trốn -- nếu bạn thực sự
muốn có sự sống!
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cùng vác thánh giá đến tận đỉnh đồi Can vê để
được cùng phục sinh vinh quang với Chúa.
Suy niệm 2: Tu sĩ
Là một tu sĩ dòng Camêlô, Thánh Gioan Thánh
Giá cảm nghiệm sự thanh luyện tâm linh.
Gioan Thánh Giá sinh năm 1542 trong ngôi
làng nhỏ Fontiveros gần thành phố Avila, tại Vecchia Castiglia, là con ông
Gonzalo de Yepes và bà Catalina Alvarez, một gia đình gốc Do Thái theo đạo Công
giáo với lý do tránh né việc bắt bớ. Gia đình rất nghèo, vì thân phụ tuy là gốc
thượng lưu, nhưng bị đuổi khỏi nhà và bị truất hữu hết tài sản vì đã lập gia
đình với Catalina, là một thiếu nữ khiêm tốn làm nghề dệt tơ lụa. Mồ côi cha
khi lên 9 tuổi, Gioan cùng mẹ và em trai là Franxicô di cư về Medina del Campo
vào năm 1551, gần thành phố thương mại và văn hóa Valladolid. Tại đây Gioan
theo học trường los Doctrinos và làm vài việc lặt vặt khiêm tốn cho các nữ tu
của nhà thờ tu viện thánh nữ Madalena. Sau đó vì các đức tính nhân bản và kết
quả việc học hành, Gioan được thu nhận như là y tá trong nhà thương Concezione,
rồi năm 18 tuổi gia nhập trường các cha dòng Tên, mới được thành lập tại Medina
del Campo, và theo học các khoa nhân văn 3 năm gồm hùng biện và ngôn ngữ cổ
điển. Sau thời gian đào tạo, Gioan nhận ra ơn gọi tu trì của mình và chọn dòng
Camelô.
Năm 1563 thầy Gioan bắt đầu vào tập viện
dòng Cát Minh và lấy tên dòng là Matthia. Năm sau đó thầy được gửi học 3 năm triết
và nghệ thuật tại đại học Salamanca. Thời gian tại đây có lẽ đã ảnh hưởng đến
tất cả các công trình sau này của Gioan vì có giáo sư Luis de León dạy khoa
nghiên cứu Thánh Kinh (giải thích Kinh Thánh Exegesis bằng tiếng Do Thái, tiếng
Aram) tại đại học. León là một trong những chuyên gia hàng đầu trong khoa
Nghiên cứu Thánh Kinh thời đó và đã viết một bản dịch Sách Diễm Ca bằng tiếng
Tây Ban Nha. Thời đó, bản dịch này gây nhiều tranh cãi vì việc chuyển dịch Kinh
Thánh sang tiếng địa phương không được cho phép tại Tây Ban Nha.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên tâm học hành vì đó là một trong những con
đường cần thiết dẫn đến ơn gọi tu trì.
Suy niệm 3: Linh
hướng
Là vị linh hướng, Thánh Gioan Thánh Giá cảm
được cuộc chiến đấu tinh thần nơi người khác.
Năm 1567 Gioan Thánh Giá thụ phong linh
mục, và trở về Medina del Campo để cử thành thánh lễ mở tay trong tình thương
mến của gia đình.
Chính tại đây cha gặp thánh nữ Têrêxa Chúa
Giêsu lần đầu tiên. Cuộc gặp gỡ trở thành định đoạt cho cả hai người, cách
riêng quyết định hướng đi cho cuộc sống của ngài vốn bị lôi cuốn bởi tính chiêm
niệm thinh lặng và ẩn kín. Lúc bấy giờ thánh Têrêxa đang cố gắng đưa dòng
Carmêlô trở về tuân giữ những quy chế đầu tiên, đã viết như sau: “Mặc dù thân
xác nhỏ bé nhưng tôi tin rằng tâm hồn ngài thật quảng đại dưới mắt Thiên Chúa.”
Chị Têrêxa Avila chia sẻ với vị linh mục trẻ chương trình canh tân dòng Cát
Minh và đề nghị cha yểm trợ ”để sáng danh Chúa”. Cha Gioan Thánh Giá bị thu hút
bởi lý tưởng đó và trở thành người nâng đỡ chị Têrêxa. Cả hai đều tin rằng nhà
dòng phải trở về với đời sống cầu nguyện. Hai vị làm việc với nhau trong vài
tháng trời, chia sẻ các lý tưởng và đề nghị để khai sinh ngôi nhà đầu tiên cho
các Nam tu sĩ Cát Minh Nhặt phép ngày 28 tháng 12 năm 1568, tại Duruelo một nơi
hẻo lánh trong tỉnh Avila. Cuối năm 1572 chị Têrêxa Avila xin cha Gioan Thánh
Giá làm cha giải tội cho các nữ tu trong tu viện Nhập Thể Avila, nơi chị làm Bề
Trên. Đó là các năm cộng tác và sống tình bạn tinh thần sâu xa làm giàu cho cả hai
bên. Đây cũng là thời gian chị Têrêxa bắt đầu viết các tác phẩm quan trọng và
cha Gioan Thánh Giá viết các tác phẩm đầu tiên của mình. Gioan tiếp tục công
việc giúp đỡ nữ tu Têrêsa cho đến năm 1577 để lập nên các tu viện mới xung
quanh Tây Ban Nha, năng động giúp đỡ điều hành các tu viện này. Các tu viện
cũng như quá trình cải cách này bị nhiều tu sĩ Dòng Cát Minh chống đối vì họ
nghĩ rằng tu viện mà Têrêxa lập nên quá khắt khe. Thậm chí, một số nữ tu chống
đối này không cho Têrêxa vào các tu viện của họ. Những người ủng hộ công việc
của Gioan Thánh Giá và Têrêxa lúc này tự phân biệt họ với nhóm chống đối bằng
cách gọi mình là các tu sĩ Cát Minh "không mang giày" (hoặc "đi
chân đất") và những người kia là "mang giày".Ngài đã cộng tác
trong công việc đó cho đến khi thánh nữ qua đời (1582).
Chúa luôn có con đường của Người, ý của
Người khác với sự suy nghĩ của con người. Cuộc cải cách của thánh nhân và các
bạn được chấp thuận, thánh Gioan thánh giá được trao cho nhiều chức vụ quan
trọng trong dòng. Cuộc đời của ngài tràn lửa tình yêu, soi chiếu cho dòng
Carmêlô. Ngài đã sống tình yêu và khích lệ mọi tu sĩ trong dòng hãy sống tình
yêu như Chúa đã sống. Quả vậy, cuộc đời của ngài như một ngọn lửa tình yêu soi
chiếu trong đêm tối để hướng dẫn cho dòng Carmêlô. Ngài đã bay lên tới đỉnh
trọn lành và sẵn sàng nâng đỡ những ai bước theo đức tin với một nếp sống đơn
sơ. “Nếu nơi nào không có tình yêu, chúng ta hãy thắp lên một ngọn lửa tình yêu
vào đó và chúng ta sẽ nhận được ánh sáng của tình yêu. Và khi cuộc đời chấm
dứt, chúng ta sẽ được xét xử căn cứ vào tình yêu.” Năm 1591, một cơn bệnh trầm
trọng đã đưa ngài về với Chúa.
Lẽ ra cuộc đời nghèo khổ và tù đầy đã biến
ngài thành một con người yếm thế cay đắng. Nhưng ngược lại, ngài đã trở thành
một người đam mê bí ẩn, sống với sự tin tưởng rằng "Có ai thấy người ta
yêu mến Thiên Chúa bởi sự tàn nhẫn đâu?" và "Ở đâu không có tình yêu,
hãy đem lại tình yêu -- và bạn sẽ tìm thấy tình yêu." Thomas Merton nói về
Thánh Gioan như sau: "Cũng như chúng ta không thể tách rời sự khắc khổ với
sự huyền bí thì nơi Thánh Gioan Thánh Giá, chúng ta tìm thấy sự tăm tối và ánh
sáng, sự đau khổ và niềm vui, sự hy vinh và tình yêu kết hợp với nhau thật chặt
chẽ đến nỗi dường như lúc nào cũng chỉ là một."
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống tâm tình của Chúa vốn không loại trừ ai,
nhưng luôn sát cánh, bảo vệ và hỗ trợ cho đến khi Thiên ý được thể hiện.
Suy niệm 4: Thần
học-tâm lý gia
Là một thần học-tâm lý gia, Thánh Gioan
Thánh Giá diễn tả và phân tích giá trị của sự đau khổ trong các văn bản của
ngài.
Đề cập tới nét chính yếu trong tư tưởng của
thánh Gioan Thánh Giá, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định trước hàng ngàn
tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư
16-2-2011 trong đại thính đường Phaolô VI:
Bất cứ điều gì được tạo dựng nên đều là hư
vô trước Thiên Chúa và không có gì có giá trị ngoài Thiên Chúa ra. Vì thế, kết
quả là để đạt tới tình yêu toàn thiện của Thiên Chúa, mọi tình yêu khác phải
phù hợp với tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Từ đây bắt nguồn sự nhấn
mạnh của thánh Gioan Thánh Giá trên sự cần thiết của việc thanh tẩy và dốc đổ
nội tâm để được biến đổi trong Thiên Chúa, là mục đích duy nhất của sự hoàn
thiện.
Sự thanh tẩy đó không hệ tại nơi việc thiếu
thốn thể lý các sự vật hay việc sử dụng chúng; điều khiến cho linh hồn được
trong trắng và tự do, trái lại, là loại bỏ mọi sự tùy thuộc sự vật một cách vô
trật tự. Tất cả đều được đặt để trong Thiên Chúa như trung tâm và cứu cánh của
cuộc sống. Tiến trình thanh tẩy mệt nhọc dĩ nhiên đòi hỏi cố gắng cá nhân,
nhưng tác nhân chính là Thiên Chúa: tất cả những gì mà con người có thể làm là
”sẵn sàng”, là rộng mở cho hoạt động của Thiên Chúa và không gây chướng ngại
cho hoạt động đó. Khi sống các nhân đức đối thần, con người tự nâng mình lên
cao và trao ban giá trị cho dấn thân của mình.
Chúng ta tự hỏi vị thánh thần bí cao siêu
này, với con đường gian khó hướng tới đỉnh trọn lành, còn có gì để nói với kitô
hữu bình thường sống trong các trạng huống hằng ngày như chúng ta; hay người
chỉ là gương mẫu cho một số linh hồn ưu tuyển có thể bước theo con đường thanh
tẩy đó? Thật ra, cuộc sống của thánh Gioan Thánh Giá đã không phải là chuyện
”bay trên mây trên gió”, nhưng là cuộc sống rất khó khăn gian khổ, thực tế và
cụ thể, trong việc cải cách dòng với biết bao nhiêu khó khăn chống đối, cũng như
trong nhiệm vụ Bề trên tỉnh dòng, hay bị các tu sĩ khác giam tù, bị sỉ vả và
hành hạ. Nhưng chính trong những lúc khổ đau khốn khó đó thánh nhân đã viết ra
các tác phẩm đẹp nhất. Lộ trình với Chúa Giêsu cũng thế. “Con Đường” không phải
là cái gì khó khăn thêm vào gánh nặng cuộc sống thường ngày của chúng ta khiến
cho nó nặng nề hơn, nhưng là một ánh sáng, một sức mạnh giúp chúng ta vác gánh
nặng đó. Nếu một người có tình yêu trong chính mình, thì tình yêu sẽ cho họ đôi
cánh giúp bay cao, và chịu đựng được một cách dễ dàng mọi khốn khó của đời
sống, bởi vì nó đem theo một ánh sáng lớn: đó là đức tin, tin rằng chúng ta
được Thiên Chúa yêu thương và để cho Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong Đức
Kitô Giêsu. Để cho Thiên Chúa yêu thương là ánh sáng giúp chúng ta vác gánh
nặng mỗi ngày.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy luôn để cho Chúa yêu thương.
Suy niệm 5: Thi sĩ
Là một thần học-tâm lý gia, Thánh Gioan
Thánh Giá cũng còn được coi như là một trong những thi sĩ trữ tình quan trọng
nhất của nền văn chương Tây ban nha.
Trong thời gian bị giam giữ, ngài đã sáng
tác một phần lớn của bài thơ nổi tiếng nhất của ngài: Bản Trường ca Thiêng
Liêng. Để cảm nhận được phần nào tính thi sĩ trữ tình của ngài, chúng ta cùng
nêu lên một đoạn trích trong Thánh Thi - Gioan Thanh Giá – do NT Vĩnh An dịch:
Xin Thiêu
Đốt Chúng Con
Lạy Thánh
Thần trào tuôn từ Thiên Chúa,
Xin lửa Ngài thiêu đốt chúng con;
Như cành cây
nhỏ trong lò lửa,
Cho chúng con cháy bỏng tình Ngài.
Xin nhổ bao
cỏ lùng tội lỗi
Trong chúng
con đe dọa hạt mầm,
Mầm sự sống
Ngài đang gieo vãi,
Bằng chính Lời và Bánh trường sinh.
Xin khắc vào
lòng con tên mới:
Danh Giêsu,
Đấng đã Phục sinh
Xin thổi hơi
và chúng con có thể
Ngợi ca Ngài: chân lý hiển vinh.
Năm 1591 cha được chỉ định sang sống trong
tỉnh dòng Mehicô. Nhưng trong khi cùng với 10 tu sĩ khác chuẩn bị cho chuyến đi
xa này, cha bị bệnh nặng và qua đời đêm 13 rạng ngày 14 tháng 12 năm 1591. Xác
cha được đưa về Segovia sau đó. Năm 1675 Đức Giáo Hoàng Clemente X chủ sự lễ
phong Chân Phước cho cha và năm 1726 Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIII tôn phong cha
lên hàng Hiển Thánh. Vào năm 1926, cha được phong Tiến sĩ Hội thánh bởi Giáo
hoàng Piô XI. Giáo hội Anh giáo tưởng nhớ đến cha với tư cách "Thầy dạy
Đức tin".
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín dầu ở đâu và trong hoàn cảnh nào vẫn
luôn có Chúa ở cùng (Mt 1,23).
Suy niệm 6: Văn bản
Hầu hết các văn bản của Thánh Gioan Thánh
Giá đều nhấn mạnh đến cái giá phải trả của tinh thần kỷ luật, con đường hiệp
nhất với Thiên Chúa là: sống kỷ luật, từ bỏ mình, thanh luyện.
Các tác phẩm lớn của thánh nhân gồm các
cuốn: Lên Núi Camêlô, Đêm Tối, Thánh Thi Tinh Thần và Lửa Sống Động Của Tình
Yêu.
Trong ”Thánh Thi Tinh Thần” thánh Gioan
trình bầy con đường thanh tẩy linh hồn, nghĩa là việc chiếm hữu Thiên Chúa từ
từ và tươi vui, cho tới khi linh hồn đến chỗ cảm nhận được rằng nó mến yêu
Thiên Chúa với chính tình yêu nó được yêu mến. Tác phẩm ”Lửa Sống Sộng Của Tình
Yêu” tiếp tục viễn tượng này, bằng cách miêu tả chi tiết hơn tình trạng kết
hiệp biến đổi với Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh ngọn lửa để
so sánh: giống như lửa cháy và thiêu đốt củi đến độ củi trở thành ngọn lửa,
Chúa Thánh Thần cũng thiêu đốt và thanh tẩy linh hồn như thế trong đêm đen; với
thời gian Người soi sáng và sưởi nóng nó như một ngọn lửa. Cuộc sống của linh
hồn là một ngày lễ liên lỉ của Chúa Thánh Thần, là Đấng hé mở cho chúng ta thấy
vinh quang của sự kết hiệp với Thiên Chúa trong sự vĩnh cửu.
Tác phẩm ”Lên Núi Camêlô” giới thiệu lộ
trình thiêng liêng, từ quan điểm của sự thanh tẩy linh hồn từ từ, cần thết để
leo lên đỉnh của sự hoàn thiện kitô được biểu tượng bằng đỉnh núi Camêlô. Sự
thanh tẩy đó được đề nghị như một con đường phải đi, cộng tác với hoạt động của
Thiên Chúa. Để đạt tới sự kết hiệp tình yêu với Thiên Chúa, sự thanh tẩy đó
phải hoàn toàn bắt đầu với các giác quan, rồi tiếp tục với ba nhân đức đối thần
tin cậy mến, thanh tẩy ý hướng, ký ức và ý chí con người. Tác phẩm ”Đêm Tối”
miêu tả khía cạnh ”thụ động” hay sự can thiệp của Thiên Chúa trong tiến trình
thanh tẩy linh hồn. Mục đích tất cả các tác phẩm là miêu tả con đường dẫn đưa
tới sự thánh thiện, là tình trạng toàn thiện mà Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi
người chúng ta. Đối với Thánh Gioan Thánh Giá, mọi sự do Thiên Chúa tạo thành
đều tốt lành. Qua các thụ tạo chúng ta có thể khám phá ra Đấng đã để lại dấu
vết của Người nơi chúng. Nhưng đức tin là suối nguồn duy nhất được ban cho con
ngưới để hiểu biết Thiên Chúa như Người là, như Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi.
Tất cả những gì Thiên Chúa muốn thông truyền cho loài người Ngài đã làm qua Đức
Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Chúa Giêsu là con đường duy nhất và định đoạt
dẫn đưa tới Chúa Cha (x. Ga 14,6).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy luôn đến cùng Chúa để nhờ đó đến được với
Chúa Cha (Ga 14,6).