Thánh SABAS
(439-532)
Lược sử
Sinh ở Cappadocia (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ), Thánh Sabas là
một trong những thượng phụ đáng kính của các đan sĩ Palestine và được coi là một
trong các vị sáng lập lối sống ẩn tu của Đông Phương.
Sau thời thơ ấu thiếu hạnh phúc mà ngài thường bị đánh đập
và bỏ nhà một vài lần, sau cùng Sabas đã đến trú ẩn trong một tu viện. Mặc dù
gia đình đã nhiều lần dụ dỗ trở về nhà, người thiếu niên ấy cảm thấy bị thu hút
bởi đời sống đan viện. Và mặc dù là một đan sĩ trẻ nhất trong cộng đoàn, ngài
trổi vượt về nhân đức.
Vào năm 18 tuổi, ngài đến Giêrusalem, tìm hiểu biết thêm về
lối sống cô độc. Không bao lâu, ngài xin được làm đệ tử của một vị ẩn tu nổi tiếng
ở địa phương, dù rằng lúc đầu ngài được coi là quá trẻ để có thể theo được lối
sống khắc khổ.
Trong nhiều năm trời, Sabas đi khắp Palestine, rao giảng đức tin chân chính và đem
được nhiều người về với Giáo Hội. Vào lúc 91 tuổi, theo lời thỉnh cầu của Đức
Thượng Phụ Giêrusalem, Sabas thực hiện cuộc hành trình đến Constantinople cùng
lúc với cuộc nổi loạn của người Samaritan và sự đàn áp đầy võ lực. Ngài cảm thấy
đau yếu và, sau khi trở về nhà không lâu, ngài từ trần tại tu viện Mar Saba. Ngày nay tu viện này vẫn còn các đan sĩ của
Giáo Hội Chính Thống Giáo, và Thánh Sabas được coi là một trong những nhân vật
sáng giá của đời sống ẩn tu thời tiên khởi.
Suy niệm 1: Ẩn tu-ơn gọi
Thánh Sabas được coi là một
trong các vị sáng lập lối sống ẩn tu của Đông Phương.
Ngài sinh ở Mutalaska, gần
Caesarea thuộc Cappadocia, con của John và Sophia. Thân phụ ngài là một sĩ quan
trong quân đội được lệnh thuyên chuyển đến Alexandria, Ai Cập. Ông chỉ mang
theo vợ, nên gởi gắm ngài lúc ấy mới được 5 tuổi cho ông cậu Hermias chăm sóc.
Không chịu nổi thái độ quá cay nghiệt, ba năm sau, ngài chạy tìm đến sống với
ông bác Gregory với hy vọng được an bình hơn, khiến xảy ra cuộc kiện cáo và
kình địch giữa họ. Quá đau lòng và được ơn Chúa thúc giục, ngài quyết định xin
vào đan viện Flavian ở xa ba dặm. Đan viện trưởng thấu hiểu hoàn cảnh nên rộng
tay đón nhận và dạy ngài về khoa học thánh cũng như quy luật đan viện.
Sau 10 năm thụ huấn, ngài
được gởi đến Giêrusalem để tìm hiểu biết thêm về lối sống cô độc. Ngài sống suốt
mùa đông ở đan viện Passarion với đan viện trưởng Elpidius. Cả cộng đoàn hâm mộ
nhân đức của ngài nên ước mong được ngài ở lại đó với họ, nhưng nỗi cuồng nhiệt
yêu thích lối sống ẩn dật khiến ngài phải chọn cách sống của một vị ẩn tu nổi
tiếng ở địa phương là Thánh Euthymius hơn, đến mức ngài quỳ gối dưới chân thánh
nhân vừa khóc vừa khẩn xin được nhận làm đệ tử. Không bao lâu, ngài được nhận lời,
dù rằng lúc đầu ngài được coi là quá trẻ để có thể theo được lối sống khắc khổ.
Thánh nhân truyền ngài đến đan viện dưới ngọn đồi với sự dẫn dắt của
Theoctistus như một tập sinh. Trong thời gian ở tu viện, vào ban ngày ngài làm
việc quần quật và ban đêm ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Là con người
cường tráng, ngài phụ giúp anh em trong mọi công việc, ngài nhiệt tình kiếm củi
và nước cho cả nhà, ngài thân ái chăm sóc bệnh nhân, và nhất là ngài là người đến
sớm nhất và về muộn nhất trong các giờ phụng vụ cũng như mọi bổn phận theo quy
luật.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
nhận ra và hết mình sống ơn gọi của mình.
Suy niệm 2: Ẩn tu-sống ơn gọi
Thánh Sabas được coi là một
trong các vị sáng lập lối sống ẩn tu của Đông Phương.
Khi được 30 tuổi, một niềm
khao khát sống cô độc mãnh lệt xâm chiếm ngài. Ngài được phép dành năm ngày mỗi
tuần để sống trong một hang động thật xa vắng, để cầu nguyện và lao động chân
tay dưới hình thức đan rổ rá. Tuy nhiên mỗi thứ bảy ngài phải quay về đan viện để
tham dự các giờ phụng vụ và cùng ăn chung với anh em. Sau khi vị linh hướng là
Thánh Euthymius từ trần, Sabas đi sâu vào sa mạc hơn nữa, gần Jericho. Ở đây
ngài sống trong một hang động gần con suối Cedron mà lối ra vào chỉ là sợi dây
thừng, còn thức ăn là rau cỏ dại mọc trên đá sỏi. Thỉnh thoảng có người đem cho
ngài các thực phẩm và đồ gia dụng cần thiết, trong khi ngài phải tự đi tìm nước
uống.
Một số người đến với ngài
để xin gia nhập đời sống ẩn dật. Lúc đầu ngài từ chối. Nhưng không lâu sau khi
ngài cho phép, những người theo ngài lên đến trên 150 người, tất cả đều sống
trong các túp lều tranh riêng rẽ quây quần thành một cộng đoàn, gọi là laura.
Trong thời gian ngài khoảng
50 tuổi, đức giám mục thuyết phục Sabas chuẩn bị chịu chức linh mục để ngài có
thể phục vụ cộng đoàn đan viện của ngài tốt đẹp hơn trong vai trò lãnh đạo. Mặc
dù điều khiển một cộng đoàn đan sĩ với tư cách tu viện trưởng, ngài vẫn cảm thấy
ơn gọi sống đời ẩn dật. Hàng năm -- thường vào mùa Chay -- ngài bỏ cộng đoàn
trong một thời gian khá lâu khiến các đan sĩ thật lo lắng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
biết lui vào nơi ẩn dật nội tâm để lấy sinh khí phục vụ cộng đoàn xã hội.
Suy niệm 3: Ẩn tu-phép lạ
Thánh Sabas được coi là một
trong các vị sáng lập lối sống ẩn tu của Đông Phương.
Nhờ lời cầu nguyện của
ngài, nhiều phép lạ đã xảy ra: tại đan viện, lúc trời hạn hán và giếng nước khô
cạn thì nhiều trận mưa đổ xuống, nhiều bệnh nhân và người bị quỷ ám đều được chữa
lành.
Dầu là tập sinh trẻ nhất
trong nhà, ngài lại trổi vượt về lòng nhiệt thành và nhân đức, cũng như đức ái
thật cao độ. Một hôm ngài phụ giúp làm làm bánh mì với một anh em, vốn đặt chiếc
áo ướt trong lò để hong khô rồi quên nên bị bốc cháy. Thấy bạn lúng túng trước
thảm cảnh này, ngài đưa tay vào lò lấy ra mà cả tay và áo không bị hề hấn gì.
Lúc ở sa mạc Scythopolis,
gần sông Gadara, ngài tiến vào một cái hang lớn để cầu nguyện. Hóa ra đó là nơi
trú ẩn của một con sư tử hung dữ mà ngài không biết. Vào nửa đêm, con thú về và
thấy ngài. Nó không dám đụng vào da thịt ngài mà chỉ nhẹ nhàng gặm vào áo quần
như muốn lôi ngài ra. Ngài chẳng tỏ ra sợ hãi mà bắt đầu lớn tiếng đọc thánh vịnh
đêm. Con sư tử liền lặng lẽ ra khỏi hang cho đến khi ngài dứt giờ kinh sáng, nó
trở vào lại và cũng muốn đuổi ngài ra như lần trước. Ngài khẻ bảo: Hang này đủ
rộng chỗ cho cả hai chúng ta mà! Con thú nghe xong thì không còn gây khó dễ cho
ngài nữa. Một số kẻ trộm phát hiện ngài ở trong động của chúng lại cảm kích trước
mẫu gương và lời giảng dạy của ngài, nên đã sám hối đời sống.
Suy niệm 4: Bạc mệnh
Sau thời thơ ấu thiếu hạnh
phúc mà Sabas thường bị đánh đập và bỏ nhà một vài lần, sau cùng Sabas đã đến
trú ẩn trong một tu viện.
Câu nói “hồng nhan bạc mệnh”
có thể được bổ túc bằng câu thơ “chữ tài liền với chữ tai một vần” thiết tưởng
thích hợp cho một nam nhân như ngài hơn. Thật thế ngay từ nhỏ chẳng những ngài
không được cha mẹ chăm sóc mà lại được giao cho một người cậu không có lối hành
xử tốt. Khi lớn lên cha mẹ lại muốn thuyết phục ngài theo binh nghiệp mà từ bỏ
con đường tu trì, thậm chí còn dùng đến tiền bạc dụ dỗ để ngài lập gia đình.
Ngài cương quyết thưa lại: Cha mẹ có muốn con mang tội đào tẩu khi rời bỏ Chúa
mà con đã hiến thân phụng sự Người không? Nếu có người nào rời bỏ quân đội của
các vua trần thế thì phải bị nghiêm phạt, vậy thì con không xứng đáng để bị trừng
trị nếu con rời bỏ quân đội của Vua trên trời sao?
Đã hy sinh sở nguyện sống
ẩn dật để phục vụ cộng đoàn, thế mà một nhóm đan sĩ khoảng 60 người rời bỏ tu
viện, thành lập một cộng đoàn ở gần đó mà không có phương tiện cần thiết. Dầu vậy,
khi ngài nghe biết về các khó khăn họ phải gánh chịu, ngài đã rộng lượng cấp dưỡng
cho họ và giúp đỡ xây dựng cộng đoàn. Lòng nhân ái tuyệt vời này đã đánh động
lòng họ khiến họ hồi tâm, thú nhận lầm lỗi, quay về thần phục ngài, và nhờ sự hướng
dẫn của ngài đã trở thành một đan viện mới rất kỷ luật.
Một số người trong chúng
ta muốn chia sẻ niềm khao khát sống ở hang đông trong sa mạc của thánh nhân, nhưng
phần lớn thỉnh thoảng lại hoang phí thì giờ cho những địa điểm khác. Thánh nhân
hiểu điều đó. Sau cùng khi ngài đạt được lối sống cô tịch như ước mong, một cộng
đoàn tức khắc bắt đầu quy tụ quanh ngài khiến ngài phải nắm lấy vai trò chỉ đạo.
Ngài quả là một mẫu gương kiên nhẫn và nhân ái cho bất cứ ai có yêu cầu về thì
giờ và năng lực, nghĩa là cho tất cả chúng ta.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
biết sống quên mình vì Chúa và vì tha nhân.
Suy niệm 5: Khắc khổ
Sabas được coi là quá trẻ
để có thể theo được lối sống khắc khổ.
Để gia tăng nhân đức,
ngài thực hành phương cách khắc khổ ngay từ bước đầu. Ngày kia, đang làm vườn,
ngài thấy một cây trĩu nặng những quả táo tươi đẹp và hấp dẫn. Ngài hái một quả
và định ăn thì chợt nghĩ đây là một chước cám dỗ của ma quỷ. Ngài liền ném xuống
đất và đạp nát. Hơn nữa, để tự trừng phạt mình và để đánh bại địch thù, ngài hứa
sẽ không bao giờ ăn táo bao lâu còn sống. Từ cuộc thắng mình này, ngài tiến cao
trên các nhân đức khác, ban ngày thì tập làm việc song hành với việc cầu nguyện
và ban đêm thì chuyên tâm suy niệm, chỉ ngủ vừa đủ để phục hồi sức khoẻ.
Lúc 30 tuổi, khi được
phép sống 5 ngày một mình trong hang động, ngài chẳng ăn gì mà hết mình cầu
nguyện và làm việc. Khi rời đan viện vào chiều Chúa Nhật, ngài mang theo những
cành lá non, để rồi khi trở về vào sáng thứ bảy với 50 rổ rá làm được như một
quyết định cho riêng mình với tiêu chuẩn một ngày mười cái.
Theo lệnh thánh
Euthymius, ngài thực hiện cuộc tĩnh tâm dài ngày tại sa mạc Rouban kể từ 14/1 đến
Chúa Nhật lễ Lá mới quay về đan viện. Trong lần tiên khởi này, ngài nhiệt tình
chay tịnh đến mức kiệt sức gần chết do khát nước. Cảm thương cho đệ tử đầy nhiệt
huyết này, thánh Euthymius khẩn xin Đức Kitô xót thương chiến sĩ trẻ đang được
thao luyện này, một suối nước liền vọt lên. Nhờ uống nước đó, ngài dần hồi phục
và tiếp tục chịu đựng được sự khắc nghiệt của cuộc tĩnh tâm.
Theo gương thánh
Euthymius, hằng năm ngài rời xa các đệ tử của ngài từ sau tuần bát nhật lễ
Giáng Sinh và sống suốt Mùa Chay không gặp ai và cũng chẳng ăn gì ngoại trừ rước
mình Thánh Chúa vào mỗi Thứ Bảy và Chúa Nhật như một cách thực hành sự khắc khổ.
Thời gian ở Nicopolis,
ngài sống dưới các cành cây với bóng mát của cây và chỉ dùng trái cây như là thực
phẫm. Trước lối sống khắc khổ này, ma quỷ nỗ lực quấy phá ngài bằng cách hiển
hiện dưới nhiều hình dạng của mãng xà và thú dữ khác nhau; nhưng với vũ khí là
cầu nguyện và niềm tin, ngài đã thắng vượt được hết mọi cuộc tấn công của ma quỷ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
biết dùng phương cách khắc khổ để không phải sa chước cám dỗ.
Suy niệm 6: Tu viện
Tu viện này vẫn còn các đan
sĩ của Giáo Hội Chính Thống Giáo.
Đan viện Lavra của Thánh
Sabas cũng còn được gọi là Mar Sabas, được thành lập vào năm 438 ở Mutalaska
thuộc Cappadocia. Đó là một trong những đan viện cỗ nhất trên thế giới còn có đan
sĩ hiện nay gồm khoảng 20 vị, cũng như còn giữ được các truyền thống xưa cũ với
khu vực cấm nữ giới bước vào, vốn chỉ được vào một địa điểm duy nhất được gọi
là Tháp Phụ Nữ nằm ở gần cổng chính. Đó là một đan viện còn có ảnh hưởng nhất ở
nhiều nơi và sản sinh ra nhiều đan sĩ nổi bật, trong đó có Thánh Gioan
Damascus. Đan viện có thế giá trong lịch sử phát triển nền phụng vụ của Giáo Hội
Chính Thống, mà quy luật của thánh Sabas trở thành mẫu mực cho cả Giáo Hội
Chính Thống và Công Giáo Đông Phương theo Nghi Thức Byzantine.
Thánh tích của ngài được
các Thập Tự Quân chiếm lại vào thế kỷ 12 và được lưu giữ ở Ý mãi cho đến lúc Đức
Giáo Hoàng Phaolô VI cho thỉnh về đan viện vào năm 1965 như một thiện ý đối với
Chính Thống Giáo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
nhận ra sự kỳ diệu của Chúa qua đời sống diệu kỳ của mỗi thánh nhân, để đáp lại
lời Chúa hằng mời gọi chúng con nên thánh.