Suy niệm hạnh thánh _ 02/12

Chân phước RAFAL CHYLINSKI
(1694-1741)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Sinh ở Buk trong tỉnh Poznan, Ba Lan, ngay từ nhỏ cậu Melchior đã cho thấy những dấu hiêu thánh thiện, và mọi người trong gia đình thường gọi cậu là "thầy nhỏ." Sau khi học xong ở trường của các cha Dòng Tên ở Poznan, Melchior gia nhập đoàn kỵ binh, và chỉ trong vòng ba năm, ngài đã được lên chức chỉ huy.
Vào năm 1715, trái với sự khuyên lơn của các sĩ quan đồng đội, Melchior gia nhập dòng Phanxicô ở Krakow, lấy tên là Rafal, và hai năm sau đó ngài được thụ phong linh mục. Ở những nơi đặt chân đến, ngài đều nổi tiếng về sự đơn sơ, các bài giảng bộc trực, sự độ lượng cũng như sự siêng năng giải tội.
Cha Rafal có tài chơi đàn thụ cầm, đàn "lute" và "mandolin" để phụ họa cho các bài thánh vịnh. Ngài được phong chân phước ở Warsaw vào năm 1991.
Suy niệm 1: Thầy nhỏ
 Mọi người trong gia đình thường gọi Rafal là "thầy nhỏ."
 Sở dĩ ngài được gọi như thế là vì ngay từ nhỏ, ngài đã có những biểu hiện của một đời sống thánh thiện như một thầy.
 Thật vậy Đức Giêsu, Đấng thánh tuyệt đối, thuở ấu thơ hằng sống vâng phục Thánh Giuse và Đức Maria trong gia đình Nadarét (Lc 2,51). Ngài cũng nêu lên tinh thần ham học hỏi, vì thế khi có cơ hội được hội kiến các bậc thầy, Ngài tận dụng triệt để (Lc 2,46). Nhất là Ngài nghiêm túc giữ luật lệ đề ra, do đó mãi đến lứa tuổi được phép là 12, Ngài mới có thể theo gót cha mẹ đi dự lễ Vượt Qua được tổ chức hằng năm ở Đền Thánh Giêrusalem (Lc 2,41-42).
 Theo gương thánh thiện của Đức Giêsu, Rafal cũng sống ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ trong gia đình. Đến trường, ngài cũng chăm chỉ học hành, đặc biệt không có thái độ gian dối khi trả bài hay làm bài, và tuyệt đối không bỏ học trốn đi rong chơi dầu có bị bạn bè xấu nết cù rũ. Trong giáo xứ, ngài siêng năng đi đọc kinh dâng lễ, nghiêm trang với các cử chỉ đứng, quỳ, ngồi, và giữ im lặng trong nhà thờ lúc không phải thưa hoặc hát, chuyên cần và chăm chỉ học giáo lý theo sự sắp xếp của Cha Quản Xứ, tuyệt đối không bao giờ đùa nghịch hay phá phách.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp giới thiếu nhi biết sống đạo đức ngay từ nhỏ để chuẩn bị cho một tương lai thánh thiện sẽ tới theo tuổi.
Suy niệm 2: Đơn sơ
 Rafal đều nổi tiếng về sự đơn sơ, các bài giảng bộc trực, sự độ lượng cũng như sự siêng năng giải tội.
 Thế nào là đơn sơ thực sự theo quan điểm của Thánh Phanxicô Assisi:
Đức đơn sơ là con của ơn thánh, em của đức khôn ngoan, mẹ của đức công bằng. Đấng thánh gắng sức thực thi nhân đức ấy nơi bản thân và yêu mến những ai có nhân đức ấy. Không phải bất cứ thứ đơn sơ nào cũng được ngài đề cao, song phải là đơn sơ tìm được thỏa nguyện nơi một mình Thiên Chúa, và xem thường mọi sự khác. Nhân đức này đặt niềm tự hào trong lòng kính sợ Thiên Chúa, và không làm hay nói điều gì xấu. Nhân đức này tự xét lấy mình và không xét đoán lên án bất cứ ai. Nhân đức này thích làm hơn là nói hoặc dạy. Trong việc giải thích các luật lệ Chúa truyền, nhân đức đơn sơ bỏ qua những lời lẽ dài dòng, văn vẻ hoa mỹ, những thứ phô trương kiến thức, khoe khoang và cầu kỳ. Đức đơn sơ không tìm cái da bên ngoài nhưng tìm cái cốt tủy, không tìm cái vỏ mà tìm cái nhân, không tìm lượng cho đông mà tìm phẩm cho tốt, đi tìm điều thiện hảo tối cao và trường cửu.
Nhân đức này là điều Cha Thánh muốn thấy hơn cả nơi các anh em, dù là giáo sĩ hay giáo dân. Ngài không nghĩ rằng sự đơn sơ trái ngược với đức khôn ngoan, nhưng đúng thực là em của khôn ngoan, tuy những ai nghèo về học thức có được đức đơn sơ dễ dàng hơn và họ đem ra ứng dụng cũng mau chóng hơn. Vì thế trong bài kinh Kính Chào Các Nhân Đức do ngài soạn, có câu: "Kính chào Nữ Hoàng Khôn Ngoan! Nguyện xin Chúa bảo vệ bà cùng với Người Em của bà là thánh đức Đơn Sơ tinh tuyền!"
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống hiền lành và đơn sơ như chim bồ câu (Mt 10,16).
Suy niệm 3: Bài giảng
 Rafal đều nổi tiếng về sự đơn sơ, các bài giảng bộc trực, sự độ lượng cũng như sự siêng năng giải tội.
 Bài giảng của ngài có sức thu hút là vì ngài đã sống những gì ngài rao giảng. Người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội đều bị thu hút bởi lối sống đầy hy sinh trong thiên chức linh mục của ngài. Chính vì thế sau khi ngài từ trần, nhà thờ dòng Phanxicô ở thành phố ấy trở nên địa điểm hành hương của mọi người dân trên khắp nước Ba Lan.
 Chính Đức Giêsu đã đánh giá việc giảng mà không sống là giả hình, khi khuyên bảo quần chúng: hãy giữ những gì họ nói, nhưng đừng làm theo những việc họ làm (Mt 23,3). Biết để trình bày thì tốt, nhưng quan trọng hơn là phải thực hiện sự hiểu biết ấy (Lc 10,28). Đồng thời hãy ý thức rằng không nói về bản thân mà nói về Thiên Chúa như chính Lời của Thiên Chúa (1Pr 4,11), do đó cũng hãy tự xét lời ấy phát xuất từ cá nhân hay tù Thiên Chúa (1Cr 14,36).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống lời giảng trước khi giảng.
Suy niệm 4: Độ lượng
 Rafal đều nổi tiếng về sự đơn sơ, các bài giảng bộc trực, sự độ lượng cũng như sự siêng năng giải tội.
 Độ lượng thì khác với khoan dung. Khoan dung có nghĩa là có lòng nhân đạo, khoan hồng, tha thứ cho một người nào đó do bị phạm tội mà biết sửa chữa lỗi lầm của mình. Còn độ lượng có nghĩa là con người có lòng rộng lượng, tốt bụng, có chừng mực và mức độ rõ ràng để giúp đỡ mọi người gặp khó khăn trong công việc, trong cuộc sống hằng ngày.
 Sau khi thi hành mục vụ trong chín thành phố, cha Rafal trở về Lagiewniki (thuộc miền trung Ba Lan), là nơi ngài sống 13 năm còn lại trong quãng đời ngắn ngủi, không kể đến 20 tháng chăm sóc nạn nhân lũ lụt và bệnh dịch ở Warsaw. Khi ở Lagiewniki, ngài phân phát thực phẩm, đồ tiếp tế và quần áo cho người nghèo. Chinh lối sống độ lượng của ngài đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gói ghém trong bài giảng lễ phong chân phước một lời nguyện rằng: "Xin Chân Phước Rafal luôn nhắc nhở chúng ta rằng mỗi một người chúng ta, dù là kẻ tội lỗi, cũng được mời gọi để nên thánh và sống bác ái" (Trích trong tờ L'Observatore Romano, 1991, tập 25, số 19).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống độ lượng theo gương thánh nhân như một bước đường nên thánh.
Suy niệm 5: Giải tội
 Rafal đều nổi tiếng về sự đơn sơ, các bài giảng bộc trực, sự độ lượng cũng như sự siêng năng giải tội.
Giải tội tập thể là gì? Theo LM Gioan Bùi Thái Sơn Đại Diện Tư Pháp giáo phận Sài gòn: “Giải tội tập thể” hay “xá giải chung” (general absolution) là việc linh mục cử hành nghi thức Giải Tội bí tích cho một tập thể hối nhân, mà trước đó không có xưng tội riêng từng người. Đây là một trường hợp rất đặc biệt, không phải là việc được phép thực hành thường xuyên trong Giáo hội.
Kể từ Công đồng Tridentinô vào thế kỷ XVI, Giáo hội Công giáo khẳng định: “Việc xưng tội riêng (cá nhân) và xưng tội đầy đủ cùng với việc xá giải là cách duy nhất và thông thường, nhờ đó một tín hữu ý thức mình có tội trọng được hòa giải với Thiên Chúa và Giáo hội; chỉ có sự bất lực thể lý hay luân lý mới miễn chuẩn việc xưng tội như trên; trường hợp này, việc hòa giải cũng có thể được thực hiện bằng những cách khác”. Như vậy, lý do duy nhất có thể miễn xưng tội riêng là bất lực thể lý hay luân lý; chẳng hạn: tình trạng bản thân đau ốm hay không có linh mục giải tội nào có thể gặp được; hay lý do tâm lý như hối nhân quá sợ hãi đến mức tâm thần (hysteria) khi xưng tội cá nhân.
“Giải tội tập thể” trở thành ngoại lệ đầu tiên vào năm 1915 và 1939, khi Đức Bênêđictô XV và Đức Piô XII dành cho các vị Giám Mục năng quyền đặc biệt để: các linh mục tuyên úy quân đội được Giải Tội tập thể cho các quân nhân trước khi ra trận. Hiện nay, các quy định về “Giải tội tập thể” được nêu trong Bộ Giáo Luật 1983 điều 960-963; và Đức Gioan Phaolô II đã giải thích chi tiết trong tông thư dưới dạng motu proprio Misericordia Dei (07.02.2002).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con yêu quý Bí tích Hòa Giải vốn có thể giúp chúng con sống phù hợp với những lời của Đức Kitô đã ảnh hưởng đến đời sống chúng con.
Suy niệm 6: Chơi đàn
 Cha Rafal có tài chơi đàn thụ cầm, đàn "lute" và "mandolin" để phụ họa cho các bài thánh vịnh.
 1. Giáo Hội đã nói gì về nhạc cụ dùng trong Phụng Vụ ? Từ lâu Giáo Hội vẫn quý trọng và đề cao việc dùng Đại quản cầm trong phụng vụ. Âm thanh của loại đàn này làm “tăng vẻ huy hoàng cho các lễ nghi lại có hiệu lực nâng cao tâm trí lên cùng Chúa và những sự trên trời.Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, ta vẫn có thể dùng những nhạc cụ khác tùy theo sự phán đoán và phê chuẩn của thẫm quyền địa phương, miễn là đã hoặc có thể thích hợp để dùng vào việc Thánh, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của thánh đường và thật sự giúp cảm hóa các tín hữu.
2. Ban Thánh nhạc HĐGMVN đã nói gì về nhạc cụ dùng trong PV ?Ở Việt Nam, việc xử dụng nhạc cụ trong PV đã được thẫm quyền địa phương “phán đoán và phê chuẩn” như thế nào? Cho đến nay, ta chưa hề thấy có một thông cáo nào chính thức đề cập đến nhạc cụ dùng trong PV, ngoại trừ Thông Cáo số 1 của HĐGMVN về Thánh Nhạc. “Trong khi chờ đợi những quy định cụ thể của HĐGM, cần lưu ý và thi hành ngay những điều sau đây:
a.Tiếng hát trong PV chiếm ưu thế, nên luôn phải rõ ràng, các nhạc cụ khác chỉ là đệm theo nên “không bao giờ được lấn át tiếng hát” (Tự sắc Tra le Sollecitudini, số 16). Không được vuốt tay lên phiếm đàn, nhất là organ và piano.
b.Chúng ta có thể dùng organ điện tử trong PV, nhưng: - Những nút “điệu” chỉ nhắm dùng cho sinh hoạt đời. Do đó không nên dùng trong PV. Tuy nhiên có thể dùng lúc luyện tập để quen giữ đúng nhịp. - Phải lựa chọn các nút âm thanh thích hợp với thánh ca (ví dụ organ, violin…), tránh dùng những âm thanh xa lạ với phượng tự vì sẽ gây chia trí hơn là giúp cầu nguyện.- Khi xử dụng các nhạc khí như organ điện tử, guitar, dàn trống, dàn kèn, dàn nhạc hòa tấu…không được dùng các điệu jazz và các điệu phát xuất từ đó để đệm cho người hát khi cử hành phụng vụ.” Từ khi có thông cáo của HĐGMVN về thánh nhạc cho đến nay, ngót muời hai năm, vẫn chưa thấy có “những quy định cụ thể ” nào về nhạc cụ xử dụng trong Phụng Vụ. Hiện tại, có lẽ đàn organ điện tử được dùng nhiều nhất trong Phụng vụ, hầu hết trong các nhà thờ xứ, cũng như trong các dòng tu và các Đại Chủng Viện. Tiếng đàn thích hợp với thánh ca đã được Ban thánh nhạc đề nghị trước tiên là tiếng organ. Tại sao thế? Tại sao tiếng organ lại chiếm ưu thế trong phụng vụ mà không phải là âm thanh của các nhạc cụ khác? Thiết tưởng là vì từ trước, đàn harmonium đã được dùng rất lâu trong phụng vụ ở Việt nam, nó đã có một chỗ đứng trong văn hóa của người Công Giáo Việt Nam. Nên chọn tiếng organ vì so với nhiều tiếng đàn khác đã được lưu ở organ điện tử, tiếng organ xem ra gần giống với tiếng harmonium. Trong khi đó thì những âm thanh khác không quen thuộc, gợi lên một sự chia trí, làm cho các tín hữu khó tập trung để cầu nguyện. (Sr Maria Đông An).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng các nhạc cụ làm sao để đạt được kết quả: hát là cầu nguyện hai lần.