“Giáng sinh là một thời gian vui vẻ hân hoan và một dịp
để suy tư sâu sắc,” Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nói.
“Của
Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” là câu trả lời của Đức
Giêsu khi được hỏi về việc đóng thuế. Dĩ nhiên, những kẻ hỏi Người đang gài bẫy
Người. Họ muốn buộc Người phải đứng về phía nào trong cuộc tranh luận chính trị
nảy lửa về việc cai trị của Rôma tại đất nước Israel. Cái bẫy nằm ở chỗ này: Nếu
Đức Giêsu quả thực là Đấng Mêsia được mong đợi từ lâu, thì Người chắc chắn sẽ
chống lại những kẻ thống trị Rôma. Cho nên câu hỏi đã được suy tính nhằm làm
cho Đức Giêsu phải lộ diện như một mối đe dọa đối với chế độ hoặc như một kẻ lừa
đảo.
Câu trả lời
của Đức Giêsu khéo léo chuyển cuộc tranh luận lên một bình diện cao hơn, nhẹ
nhàng khuyến cáo đừng có chính trị hóa tôn giáo lẫn thần thánh hóa quyền lực nhất
thời, để mà mê mải tìm kiếm của cải. Những kẻ đang nghe Người nói cần được nhắc
nhở rằng Đấng Mêsia không phải là Xêda, và Xêda không phải là Thiên Chúa. Vương
quốc mà Đức Giêsu đã đến để thiết lập thuộc về một lĩnh vực hoàn toàn cao hơn.
Như Người đã bảo Phongxiô Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”.
Những câu truyện Giáng
sinh trong Tân ước nhằm chuyển tải một sứ điệp tương tự. Đức Giêsu sinh vào thời
có chiếu chỉ “kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ” của Xêda Augúttô, vị
hoàng đế nổi tiếng với việc mang Pax Romana (nền hòa bình của đế quốc Rôma –
người dịch) đến các vùng đất dưới quyền thống trị Rôma. Thế nhưng, hài nhi này,
được sinh ra ở một góc hẻo lánh và xa xôi của đế quốc, sẽ cống hiến cho thế giới
một nền hòa bình lớn lao hơn nhiều, có phạm vi thực sự mang tính hoàn vũ và vượt
trên mọi giới hạn về không gian và thời gian.
Đức Giêsu được trình
bày với chúng ta như người thừa kế của Vua Đavít, thế nhưng sự giải thoát mà
Người mang lại cho dân Người lại không phải về việc đánh đuổi quân thù; sự giải
thoát của Người là về việc chiến thắng vĩnh viễn tội lỗi và sự chết.
Việc Đức Kiô giáng sinh
thách thức ta đánh giá lại các ưu tiên của ta, các giá trị của ta, chính cách sống
của ta. Hiển nhiên Giáng sinh là một khoảng thời gian để ta vui vẻ hân hoan,
nhưng đó cũng là một dịp để ta suy tư sâu sắc, thậm chí để ta vấn tâm xét mình.
Vào cuối một năm rất khó khăn về kinh tế đối với nhiều người, ta có thể học được
gì từ cảnh khiêm hạ, nghèo khó, đơn sơ của hang Bêlem?
Giáng sinh có thể là thời
gian để ta học đọc Tin Mừng, học biết Đức Giêsu không những chỉ là hài nhi nơi
máng cỏ, mà còn là hài nhi trong đó ta nhận ra Thiên Chúa đã làm người. Chính
nơi Tin Mừng các Kitô hữu tìm thấy nguồn linh hứng cho cuộc sống hàng ngày của
mình và tham gia các việc trần thế – cho dù tại Quốc hội hay thị trường chứng
khoán. Người Kitô hữu không được xuất thế xa lánh thế gian; họ cần nhập thế. Thế
nhưng việc họ tham gia chính trị và kinh tế cần phải vượt lên trên mọi hình
thái ý thức hệ.
Người Kitô hữu đấu
tranh chống nghèo đói, xuất phát từ sự nhìn nhận phẩm giá tối cao của mỗi con
người, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được dành ban cho sự sống đời
đời. Họ cộng tác nhằm chia sẻ công bằng hơn các tài nguyên của trái đất, xuất
phát từ niềm tin rằng – với tư cách người quản lý các tạo thành của Thiên Chúa
– chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc những người yếu nhất và dễ bị thương tổn nhất.
Các Kitô hữu chống lại sự tham lam và bóc lột, xuất phát từ niềm xác tín rằng sống
quảng đại và yêu thương vô vị kỷ, như Đức Giêsu Thành Nazareth đã dạy và đã sống,
là con đường dẫn đến sự sống viên mãn. Niềm tin vào vận mệnh siêu việt của mỗi
người khiến cho công tác cổ vũ hòa bình và công lý cho mọi người trở nên khẩn cấp.
Vì các mục tiêu này được
biết bao người chia sẻ, nên việc hợp tác sinh hoa kết quả giữa các Kitô hữu và
những người khác là điều có thể thực hiện được. Thế nhưng người Kitô hữu chỉ trả
lại cho Xêda những gì thuộc về Xêda, chứ không phải những gì thuộc về Thiên
Chúa. Trong lịch sử, đôi khi người Kitô hữu không thể tuân thủ những đòi hỏi của
Xêda. Từ thói tôn thờ hoàng đế thời cổ đại Rôma đến những chế độ toàn trị trong
thế kỷ qua, các Xêda đã cố chiếm đoạt vị trí của Thiên Chúa. Khi người Kitô hữu
từ chối cúi mình trước các thần ngụy tạo được đề xuất thời nay, thì điều đó
không xuất phát từ một thế giới quan cũ mèm. Sở dĩ như vậy là vì họ hoàn toàn tự
do thoát khỏi những kiềm tỏa của ý thức hệ, và được linh hứng bởi tầm nhìn về vận
mệnh con người, cao quý đến nỗi họ không thể nào thỏa hiệp với bất kỳ điều gì
đe dọa tầm nhìn đó.
Tại Ý, người ta dựng
nhiều cảnh hang Bêlem nổi bật trước hậu cảnh các phế tích dinh thự Rôma thời cổ
đại. Điều này cho thấy sự ra đời của hài nhi Giêsu đã đánh dấu sự kết thúc trật
tự cũ, thế giới ngoại giáo, trong đó các yêu cầu của Xêda hầu như không thể tranh
cãi được. Bây giờ đã có một vì vua mới, vị vua này không cậy vào sức mạnh của
vũ khí, nhưng dựa vào sức mạnh của tình yêu.
Người mang hy vọng đến
cho tất cả những ai, cũng giống như Người, đang sống bên lề xã hội. Người mang
hy vọng đến cho tất cả những người dễ bị thương tổn trước các biến động kinh tế
của một thế giới bấp bênh. Từ máng cỏ, Đức Kitô kêu gọi chúng ta hãy sống như
những công dân của nước trời do Người lập, một vương quốc mà tất cả các người
thiện chí đều có thể góp phần xây dựng tại đây, trên trái đất.
Tác giả là Giám mục
Rôma và tác giả “Đức Jesus Thành Nazareth:
Các Trình Thuật Thời Thơ Ấu”
Bài của Đức giáo hoàng
Bênêđictô XVI
Đan Quang Tâm dịch