Suy niệm hạnh thánh _ 30/11

Thánh ANRÊ
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Trong Phúc Âm không nói nhiều về Thánh Anrê.
Truyền thuyết nói rằng chính Thánh Anrê đã rao giảng Tin Mừng ở những nơi mà bây giờ là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, và bị chết trên thập giá ở Patras.
Suy niệm 1: Phúc Âm
 Trong Phúc Âm không nói nhiều về Thánh Anrê.
Anrê theo tiếng Hy Lạp có ý nghĩa là: trượng phu và thanh nhã. Ngài được nhắc tới một số lần trong Tân Ước. Thánh Anrê là anh của Thánh Phêrô, và cả hai được Chúa Giêsu gọi cùng một lúc (Mt 4,18-20) và như thế là con của ông Giôna (Mt 16,17). Các ngài được sinh ra ở Bếtxaiđa và cả hai đều là ngư phủ nên Chúa kêu gọi họ làm những kẻ lưới người như lưới cá (Mt 4,19). Anrê cũng được đề cập đến như một trong các tông đồ được hiện diện gần gũi với Chúa Giêsu vào một ít trường hợp: Chúa Giêsu ở đền thờ ra đi và nói tiên tri về sự tàn phá thành Thánh, Anrê đã hỏi Chúa xem khi nào việc đó sẽ xảy ra (Mc 13,4). Sau khi Chúa sống lại, Anrê và các tông đồ khác lên đường rao giảng Tin Mừng (Mc 16,20). Người ta nói rằng: để cải hóa một tâm hồn, Ngài ăn chay 5 ngày.
 Riêng Thánh Sử Gioan mô tả Thánh Anrê như một môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả, vốn đã giới thiệu Anrê và môn đệ khác với Chúa Giêsu. Sau khi nhận ra Chúa là Đấng Mêsia, Anrê vội vã giới thiệu Chúa cho em mình (Ga 1,38-40). Lập tức Anrê và Phêrô đã bỏ mọi sự mà theo Chúa. Trong phép lạ bánh hoá nhiều, chính Anrê là người cho biết về đứa bé trai có một ít bánh và cá (Ga 6,8-9). Khi dân ngoại muốn đến gặp Đức Giêsu, họ đến với ông Philíp trước, nhưng ông Philíp lại bàn hỏi với ông Anrê (Ga 12,20-22).
 Cũng như các thánh tông đồ khác, ngoại trừ Thánh Phêrô và Gioan, Phúc Âm không cho chúng ta biết gì nhiều về sự thánh thiện của Thánh Anrê. Ngài là tông đồ. Như vậy là đủ. Ngài được đích thân Đức Giêsu mời gọi để loan truyền Tin Mừng, để chữa lành nhờ quyền năng của Đức Giêsu cũng như để chia sẻ sự sống và sự chết của Người. Ngày nay, sự thánh thiện cũng không có gì khác biệt. Đó là một món quà bao gồm lời mời gọi hãy lưu tâm đến Nước Trời, và một thái độ dấn thân với lòng ao ước không muốn gì khác hơn là chia sẻ sự giầu có của Đức Kitô cho tất cả mọi người.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn mau mắn đáp lại tiếng Chúa kêu mời.
Suy niệm 2: Thánh Anrê-tông đồ trước nhát
 Trong Phúc Âm không nói nhiều về Thánh Anrê.
Lễ Thánh Anrê là lễ trước nhất trong lịch sử phụng vụ chư thánh, Ngài là người trước nhất đi theo Đức Giêsu và là người trước nhất tuyên bố Đức Giêsu là Đấng Messia. Thánh Gioan kể nhiiều chi tiết về Thánh Anrê hơn Thánh Matthêu cho chúng ta biết thái độ của Thánh Anrê: Anrê là anh của Simon. Ngài đã thuộc nhóm đạo đức của Thánh Gioan tiền hô. Ngài cùng với Thánh Gioan đi tháp tùng Thánh Gioan Tiền Hô. Khi Thày thấy Đức Giêsu đi ngang qua, thày đã nói: “Đây Chiên Thiên Chúa. Anrê đã bỏ thày lại và đi theo Đức Giêsu, đến nơi ở của Người và họ đã ở lại với Người từ ngày đó!” Ngày hôm sau, khi em mình là Simon, Ngài nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu” (Ga 1, 41-42). Theo truyền khẩu Ngài chết ở Patras Hy Lạp, bị đóng đinh vào thập giá hình chữ X.
Ngày nay, ta luôn luôn có cảm tưởng rằng để noi gương các thánh, chúng ta phải thực hành nhân đức đặc sắc của các ngài. Đúng thế! Nhưng suy nghĩ về các Thánh mà chúng ta biết điều thúc giục chúng ta là luôn cầu nguyện theo gương các Ngài, như phụng vụ gợi lên cho chúng ta. Tờ kê khai các nhân đức của các ngài thì dài vô tận và chúng ta sẽ như chim chích vào rừng, nói thế không phải chuyện dỡn! Nhưng thay vì lạc vào rừng, hãy theo Thánh Anrê, cũng như các thánh. Các ngài muốn dạy chúng ta bài học độc nhất là: gặp gỡ Đức Ki-tô và yêu mến Người. Đó là đúng nhất. Không còn bài học nào khác, cũng không phải tìm ai nữa, ngài đã tìm được Đấng giải thích cho lý trí của ngài: “Tôi đã gặp được Đấng tôi yêu và yêu tôi”. “Tôi yêu Người trọn vẹn vì lý do đó.” Anrê nghĩa là dâng hiến, là trung tín, là tất cả trong tình yêu, tình bạn khiêm tốn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nắm và sống bí quyết nên thánh, là hằng gặp gỡ Chúa và yêu mến Người.
Suy niệm 3: Truyền thuyết-Georgia
Truyền thuyết nói rằng chính Thánh Anrê đã rao giảng Tin Mừng ở những nơi mà bây giờ là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
 Truyền thống Giáo Hội Georgia đánh giá Thánh Anrê như vị rao giảng Tin Mừng đầu tiên cho lãnh thổ Georgia cũng như là vị sáng lập tiên khởi của Giáo Hội Georgia. Truyền thống này xuất phát rõ rệt từ các nguồn Byzantine, đặc biệt từ Nicetas of Paphlagonia (mất năm 890), vốn khẳng định: Thánh Anrê rao giảng ở Iberians, Sauromatians, Taurians, và Scythians cũng như mỗi miền và thành phố thuộc Biển Đen cả phía Nam và Bắc. Trình thuật được Giáo Hội Georgia thừa nhận vào thế kỷ 10-11, cũng như được phổ biến với nhiều chi tiết trong sử biên Georgia.
 Câu chuyện kể về cuộc truyền giáo của Thánh Anrê ở lãnh thổ Georgia liên quan đến việc ngài xuống ơn phù giúp George the Hagiorite chống lại cuộc xâm lăng của Antiochian. Sự kiện này được ghi nhận trong tấm kính ảnh màu của nhà thờ Georgia. Một tu sĩ Georgia tên là Ephraim the Minor đã làm một luận án minh xác sự kiện này như một căn nguyên giúp người Georgia trở lại vào thế kỷ IV và Thánh Nino giải thích là “cuộc rửa tội lần thứ hai”. Luận án này có giá trị kinh điển trong công đồng của Giáo Hội Georgia vào năm 1103.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhờ thánh nhân chuyển cầu để được nhiều ơn phù giúp.
Suy niệm 4: Truyền thuyết-Cyprus
Truyền thuyết nói rằng chính Thánh Anrê đã rao giảng Tin Mừng ở những nơi mà bây giờ là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Truyền thống Cyprus xác nhận một chiếc thuyền đang chở Thánh Anrê bị mắc cạn. Ngài đánh vào một tảng đá và một nguồn nước nóng phun ra. Viên thuyền trưởng vốn bị chột một mắt khi uống vào thì được phục hồi nhãn quan. Vị trí đó biến thành chỗ hành hương và một tu viện được xây dựng lên vào thế kỷ 12. Vào thế kỷ 15, một ngôi nhà thờ được mọc lên sát bờ biển.
 Nhiều cuộc hành hành hương vẫn tiếp diễn. Chuyện được kể vào năm 1895, quý tử của Maria Georgiou bị bắt cóc. 17 năm sau, bà nằm mơ thấy Thánh Anrê bảo bà cầu nguyện cho con bà trở về. Đang sống tại Anatolia, bà đáp thuyền trực chỉ đến Cyprus với đoàn người đông đảo. Một linh mục trẻ tên Dervish thích thú với câu truyện được kể trong suốt hành trình, nên hỏi bà cậu ấy có dấu chứng gì để nhận ra, bà lấy quần áo cậu ra, và thế là hai mẹ con được trùng phùng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết yêu thương nhau, vì đó là dấu chứng dễ nhận ra là người môn đệ của Chúa (Ga 13,35).
Suy niệm 5: Truyền thuyết-Scotland
Truyền thuyết nói rằng chính Thánh Anrê đã rao giảng Tin Mừng ở những nơi mà bây giờ là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào năm 832, Óengus II chỉ huy một đoàn quân chiến đấu với Æthelstan. Nhận thấy binh lượng của mình quá sút kém đối với quân địch, vào một đêm trước cuộc chiến, Óengus cầu nguyện và khấn hứa nếu được thắng trận, ông sẽ tôn vinh Thánh Anrê là Thánh quan thầy của Scotland. Vào sáng hôm xuất binh, ông thấy xuất hiện một đám mây hình X bao phủ cả bầu trời. Hiện tượng này được giải thích là chính hình thánh giá Thánh Anrê đã chịu tử vì đạo. Ông và cả đạo binh phấn khởi và thêm dũng lực vững tin vào sự trợ giúp của Thánh Anrê qua điềm lạ ấy. Dầu quân số ít hơn, nhưng vẫn toàn thắng. Óengus thực hiện lời hứa, và để biểu hiện việc tôn vinh này, ông cho thiết kế lá cờ quốc gia Scotland với hình thánh giá X màu trắng trên nền xanh để nhắc nhở về điềm lạ ấy. Tuy nhiên lòng sùng kính Thánh Anrê đã có từ trước đó rồi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biểu hiện lòng sùng kính thánh thân bằng việc sống theo gương thánh nhân.
Suy niệm 6: Thập giá
 Thánh Anrê bị chết trên thập giá ở Patras.
Chúng ta không có được những sử liệu về cuộc hành trình truyền giáo của ngài, trừ một một đoạn văn sau đây đề cập đến cuộc tử đạo của ngài: "Quan lãnh sự Akai bắt trói thánh nhân vào cột đá để cho chết dần chết mòn. Dân chúng nhất quyết can thiệp để xin quan tha cho ngài, nhưng thánh nhân muốn vui lòng chấp nhận cái chết anh dũng vì danh Chúa để nên giống như Chúa". Năm 357, Giáo Chủ thành Alexandrie đem hài cốt ngài về Constantinople. Nhiều nhà thờ ở La Mã và bên Anh đã được xây cất dâng kính thánh Anrê, Giáo Hội đã ghi tên ngài vào "Lời nguyện hiệp nhất" trong thánh lễ.
Đây là tục truyền kể lại cuộc tử đạo của thánh Anrê ở Taurida: Egêa, tổng trấn tỉnh đó cho biết vị tông đồ có mặt ở Patras, thủ phủ của ông, ông liền vội vã tới nơi: kẻ ngoại lai này muốn phá hủy đền thờ các thần minh ư? Nhưng Anrê không sợ gì Egêa. Ngài đã nắm vững được chân lý. Ngài nói: Tôn thờ loài người chỉ là dị đoan điên khùng. Ông đã lãnh quyền xét xử người ta, trước hết ông phải biết đến vị thẩm phán xét xử mọi người chúng ta ở trên trời và ông phải tôn kính ca ngợi Người. Egêa vặn lại: Vị thẩm phán anh nói là Chúa Giêsu mà lời ông ta thường giảng dạy đã làm cho ông ta phải chết trên thập giá chứ gì? Vậy nếu anh không dâng hương tế thần, anh cũng sẽ phải chết trên thập giá như vậy. Không hề sợ sệt, Anrê như rạng rỡ vì hạnh phúc: làm sao Ngài để mất danh dự được đóng đinh vào cùng một khổ giá như thày mình được? Khi bắt đầu những tra tấn đầu tiên, lòng dũng cảm còn tăng thêm, Ngài nói với Egêa: Cực hình cuối cùng ông đe dọa sẽ được tiếp liền bằng vinh quang bất diệt. Khi thấy thập giá mình sẽ phải chết trên đó, thánh nhân hớn hở chào kính mà người ta thích lập lại lời chào ấy: Ôi thánh giá tốt lành, thánh giá bấy lâu mong chờ, thánh giá nhiệt tình yêu mến, hãy đưa ta tới Thầy Chí Thánh là Đấng đã nhờ ngươi mà cứu chuộc ta. Dịu dàng Anrê giang tay ra. Ngài bị cột bằng giây để cái chết tới chậm hơn. Hình phạt sẽ kéo dài hai ngày và người ta còn nghe Ngài tiếp tục rao truyền đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Dân chúng vây quanh Ngài với niềm thán phục đã xin quan tổng trấn tháo giây cho Ngài. Họ nói: Hãy trả con người thánh thiện cho chúng tôi. Đã hai ngày bị treo, Ngài không ngừng nói những lời tốt lành, đừng giết con người yêu quí của Thiên Chúa. Nhưng Anrê không muốn được trả về cuộc sống khốn cực trần gian này. Ngài cầu nguyện: Lạy Chúa Kitô hãy đón nhận con, ôi thầy con yêu, con biết con ước ao được gặp thầy, trong Thày mà con được thế này. Hãy nhận lấy hồn con, lạy Chúa Giêsu Kitô. Và những người tham dự thấy linh hồn vị tông đồ trong hào quang đã bay về với Chúa tạo thành và cứu chuộc của mình. Tương truyền thánh Anrê đã bị cột vào thánh giá đã có từ thế kỷ XII và chỉ vào thế kỷ XIV... người ta mới tưởng tượng thánh giá đó hình chữ X. Dụng cụ cực hình ấy được mệnh danh là thánh giá thánh Anrê.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con yêu mến thánh giá Chúa và chấp nhận sống chết vì lòng yêu mến này.