Suy niệm hạnh thánh _ 26/11

Thánh LEONARD Ở CẢNG MAURICE
(1676-1751)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Leonard, người được Thánh Alphonsus Liguori gọi là "nhà truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 18", cũng là một tu sĩ Phanxicô cố gắng đến truyền giáo ở Trung Quốc nhưng thất bại, và ngài đã thành công lớn trong một số công việc khác.
Cha của Leonard là một thuyền trưởng mà gia đình sinh sống ở cảng Maurice nằm về phía đông bắc của bờ biển nước Ý. Vào lúc 13 tuổi, Leonard đến Rôma sống với người chú là Agostino và học tại trường Roman College. Leonard là một sinh viên giỏi mà cha mẹ muốn ngài theo đuổi ngành y khoa. Tuy nhiên, vào năm 1697, ngài gia nhập dòng Phanxicô, trái với sự chống đối quyết liệt của người chú.
Sau khi thụ phong linh mục, Leonard bị mắc bệnh lao và được gửi về nhà để tĩnh dưỡng hoặc chờ chết. Ngài hứa rằng nếu được khỏi bệnh ngài sẽ tận hiến cho việc truyền giáo và hoán cải kẻ tội lỗi. Không bao lâu, ngài được lành bệnh và bắt đầu quãng đời 40 năm tận tụy rao giảng trong các cuộc tĩnh tâm, trong mùa Chay và trong các cuộc canh tân giáo xứ (tuần đại phúc) trên toàn nước Ý.
Sau những lần tổ chức tĩnh tâm, để duy trì lòng đạo đức sốt sắng của giáo dân, Cha Leonard thường cổ võ việc Ngắm Đàng Thánh Giá, mà thời ấy rất ít người tham dự. Ngài cũng thường rao giảng về Thánh Danh Giêsu.
Cha Leonard được phong thánh vào năm 1867; vào năm 1923, ngài được đặt làm quan thầy cho những ai chuyên đi giảng về tuần đại phúc.
Suy niệm 1: Truyền giáo
Thánh Leonard, người được Thánh Alphonsus Liguori gọi là "nhà truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 18".
Với ý thức không tín hữu nào lên thiên đàng một mình, ngài nỗ lực tâm huyết mang Chúa đến cho tha nhân bằng con đường truyền giáo. Tâm huyết này được thể hiện qua việc ngài gia nhập Dòng Phanxicô vốn có chương trình này lúc bấy giờ, và đặc biệt qua lời hứa khi lâm trọng bệnh. Chính vì đọc được tâm huyết này của ngài mà Thánh Alphonsus Liguori gọi ngài là "nhà truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 18".
Thật thế dầu công cuộc truyền giáo theo nghĩa đen của ngài bị thất bại ở Trung quốc, nhưng ngài lại gặt hái thành công ở một đường hướng khác của việc truyền giáo với cùng một mục tiêu là đem nhiều người trở về với Chúa, đặc biệt những người tội lỗi, qua những tuần đại phúc.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống sứ mạng truyền giáo bằng việc song hành vừa giúp người vừa giúp mình hằng trở về với Chúa.
Suy niệm 2: Bệnh lao
Sau khi thụ phong linh mục, Leonard bị mắc bệnh lao và được gửi về nhà để tĩnh dưỡng hoặc chờ chết.
Bệnh lao phổi là gì ? Bệnh lao phổi gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis hay Bacille de Koch (BK) tấn công bất cứ phần nào của cơ thể nhưng thông thường nhất là phổi. BK lan truyền trong không khí từ người này sang người nọ bởi bệnh lao phổi, họng mỗi khi hắt hơi. Những người gần đó hít phải BK sẽ trở nên bị nhiễm lao phổi. Những người mắc bệnh lao phổi có thể chữa khỏi một khi họ chịu đi khám bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh lao phổ. Bệnh lao phổi do vi khuẩn gọi là mycobacterium gây ra. Người khoẻ mạnh bị truyền vi khuẩn lao phổi qua đường hô hấp trong môi trường không khí từ ho hoặc hắt hơi từ phía người nhiễm bệnh. Thời kỳ đầu nhiễm vi khuẩn thông thường không xuất hiện triệu chứng gì cả. Triệu chứng bệnh lao phổi: Ho và sốt nhẹ. Mệt mỏi. Giảm cân. Ho ra máu. Sốt và đổ mồ hôi đêm. Ho đờm dãi. Đau ngực. Đổ mồ hôi quá nhiều, đặc biệt ban đêm. Thở khò khè.
Điều trị bệnh lao phổi. Nếu bạn bị lao phổi, nên ở nhà một thời gian nhằm tránh lây lan cho những người khác. Bệnh lao phổi hiện nay có thể chữa khỏi được bằng thuốc nhưng bạn phải tuân thủ đúng theo những lời dặn của bác sĩ điều trị. Những loại thuốc thường dùng để trị bệnh lao phổi là: Isoniazid, Rifampin, Pyrazinamide, Ethambutol, Strpetomycin…
 * Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cẩn trọng không làm gương xấu gây lây nhiễm cho bao người trong môi trường sinh sống làm thiệt hại linh hồn của chính mình và tha nhân, thật đáng tội chết (Mt 18,6).
Suy niệm 3: Hứa
Leonard hứa rằng nếu được khỏi bệnh ngài sẽ tận hiến cho việc truyền giáo và hoán cải kẻ tội lỗi.
Tại sao lại cần đến một lời hứa? Có những lời hứa thật ngọt ngào, trở thành một thứ gia vị mới của cuộc sống. Thế nhưng suy cho cùng, dù là lời hứa vô tình thốt ra, hay lời hứa với tràn đầy sự chân thành, thì đó vẫn là một sự cam kết thực hiện đến cùng. Mà nếu là vậy, thì đâu có sự cam kết nào không là ràng buộc, là trách nhiệm? Phải dùng đến lời hứa để ràng buộc nhau, lẽ nào niềm tin ta trao nhau là chưa đủ?
Thường thì, những người trao lời hứa sẽ quên đi, còn người nghe sẽ giữ lời hứa đó lại để mà hi vọng. Có lẽ hứa ra sao, thực hiện lời hứa đó như thế nào lại là một trong những bài học căn bản nhất để trưởng thành. Một người dù đã 18, 25 hay 50 tuổi, nếu như vẫn quên đi những lời đã hứa, thì cũng vẫn chỉ như một đứa trẻ lên 5 đang học cách làm quen với cuộc sống.
Có lẽ vậy, chỉ nên hứa khi đã trả về cho nó những giá trị ban đầu. Bởi những khi như thế, ta mới có thể trưởng thành, và những tin yêu mới thực sự ý nghĩa.
Nhưng dẫu vậy, hãy chỉ tin vào những lời đã hứa để ta biết hi vọng, biết tin yêu, chứ đừng vin vào đó để làm cái cớ buộc tội người khác. Bởi những điều họ mất nếu quên đi lời đã hứa sẽ còn nhiều hơn ta: ta mất đi một lời hứa, nhưng họ lại mất đi một cơ hội để trưởng thành. Lời hứa chỉ có giá trị thực sự khi cả hai cùng muốn nhớ, và dấu chấm chưa được đặt sau bất cứ mối quan hệ nào. Có lẽ cũng có một chút tàn nhẫn, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng, dù là lời hứa mãi mãi, cũng chẳng bao giờ đi được đến điểm tận cùng.
Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà còn nhiều người nữa cũng muốn hỏi: hứa để làm gì? Để cho ta an lòng, cho những hoài nghi trong lòng người tan biến, hay lời hứa đã trở thành thói quen, trở thành một câu đùa cửa miệng? Không phải điểm kết thúc nào của lời hứa cũng là sự phản bội hay lãng quên của một người. Thế nhưng, tại sao ta phải cần đến một lời hứa mới có thể tin? Hay là vì trong lòng ta vẫn còn nhiều nghi ngại? Nếu thực sự cảm thấy yên lòng, sao lại cần hứa hẹn, để rồi ta lại hi vọng về nó, rồi lại đau khổ nếu lỡ một ngày, người đó quay lưng bỏ đi?
Có phải ta đã sống quá gấp gáp không, khi phải cần đến ngôn ngữ mới có thể khiến ta chậm lại, để ta vững lại niềm tin? Qua biết bao lâu rồi cái thời chỉ cần nhìn vào mắt nhau ta hiểu đó chính là một lời hứa? Và đã bao lâu rồi ta có thể cảm nhận sự cam kết của một người qua từng hành động? Là vì ta lười cảm giác, hay là vì ta chưa đủ hiểu nhau? Phải làm sao để quay về ngày đó, khi ta hứa và cảm nhận lời hứa bằng chính con tim?
Hãy cứ hứa đi, vì dù thế nào lời hứa vẫn luôn có những giá trị của nó. Nhưng hãy chỉ nên hứa khi hiểu ta đã hứa gì và sẽ có thể chắc rằng sẽ không bao giờ bỏ đi khi lời hứa chưa thành hiện thực. Và cũng hãy cứ tin vào những lời ai đó hứa, nếu như ta biết dùng lời hứa đó để nuôi lớn bản thân, chứ không dùng nó để quy trách nhiệm. Và dù lời hứa có đến từ ai, thì cũng đừng giữ lời hứa đó bằng sự cả tin của con tim, mà còn phải biết tin bằng sự tỉnh táo của lý trí.
Nhưng nếu bạn không thể hoàn thành, thì cũng xin đừng cố ở lại và thực hiện lời hứa, vì điều đó càng khiến lòng người đau hơn. Đừng cố ở bên một ai đó chỉ vì một lời đã hứa. Bởi cao hơn lời hứa, thứ người ta cần là sự yêu thương. Chỉ có sự sánh đôi giữa thương yêu và trách nhiệm mới có đủ tư cách để đền đáp lại những tin yêu và hi vọng.
Cảm nhận đi, cả những lời hứa mãi không là sự thực, cả những lời hứa xuất phát từ trái tim để hiểu hết những điều kỳ diệu của nó- để biết tin, biết yêu, biết hi vọng, biết sống có trách nhiệm một cách trọn vẹn hơn. Và hãy học cả cách bao dung cho những lời hứa không thành. Để mang lời hứa trả về đúng với những giá trị thiêng liêng ban đầu của nó. Để biết tin và biết hứa bằng chính lòng thành.
Để khi đó ta không còn phải loay hoay tự hỏi mình rằng: phải qua bao nhiêu lời hứa, ta mới đủ tin yêu? (Mai Hiền).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi nhận rằng: Lời hứa- nó luôn có những giá trị rất thiêng liêng của riêng mình...
Suy niệm 4: Tĩnh tâm
Thánh Leonard bắt đầu quãng đời 40 năm tận tụy rao giảng trong các cuộc tĩnh tâm.
Sự thành công của một người đến rao giảng trong buổi tĩnh tâm thì tùy thuộc vào lòng nhiệt thành của họ có bền bỉ với thời gian hay không. Điều khác biệt là sự hoán cải của người tham dự. Đối với Thánh Leonard, việc Ngắm Đàng Thánh Giá và xưng tội thường xuyên sẽ giúp giáo dân giữ được lòng đạo đức mà ngài đã khơi dậy qua lời rao giảng.
Cuộc tĩnh tâm thường kéo dài từ 15 đến 18 ngày và ngài thường ở lại thêm một tuần nữa để giải tội. Một nét độc đáo đáng lưu tâm trong bí tích giải tội, đó là lòng từ nhân. Có lần Thánh Leonard nói: "Nếu vào lúc tôi chết, Thiên Chúa khiển trách tôi vì quá nhân từ với kẻ tội lỗi, tôi sẽ thưa: 'Lạy Chúa Giêsu, nếu nhân từ với kẻ tội lỗi là một sai lầm thì đó là sự sai lầm con học được từ Ngài, vì Chúa không bao giờ khiển trách bất cứ ai đến với Ngài để xin được thương xót" (Trích trong cuốn Thánh Leonard ở Cảng Maurice, t. 9, của Leonard Foley, O.F.M.)
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nêu bật khía cạnh lòng nhân từ trong bí tích Hòa Giải.
Suy niệm 5: Ngắm Đàng Thánh Giá
Cha Leonard thường cổ võ việc Ngắm Đàng Thánh Giá, mà thời ấy rất ít người tham dự.
Chúa vì chúng ta mà chịu khổ nhục treo mình trên thập giá mà đền tội cho thiên hạ. Chúng ta hiệp ý ngắm đàng thánh giá để tưởng niệm và đền bù những tội lỗi mà chúng ta đã phạm. Thập giá đã đưa Đức Kitô đến phục sinh. Sau khi đã tự hạ vâng lời cho đến chết, Đức Kitô đã được suy tôn cùng với uy quyền và vinh quang. Còn các thánh tử đạo thì sao? Dù các ngài chưa thể sống lại trong thân xác như Đức Kitô, nhưng cũng đã đạt tới sự sống vinh quang của Ngài, bởi vì ngay lúc chết, các ngài đã được tham dự vào sự sống vinh quang của Đức Kitô phục sinh chỉ còn phải chờ đợi ngày được tỏ hiện mà thôi. Sự liên đới với Đức Kitô trong cái chết chắc chắn sẽ tạo nên sự liên đới trong sự sống.
Dù trong cảnh ngộ nào, Đức Kitô và các môn đệ Ngài cũng vẫn chung một số phận: Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng Ngài phục sinh. Nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị. Vẫn là một quy luật muôn thuở của Nước Trời: Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất còn ai liều mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Trong mùa gặt phong phú của Giáo Hội Việt Nam thời sơ khởi, các thánh tử đạo đã loan truyền mầu nhiệm thập giá một cách kiên trì trên mảnh đất thân yêu.
* Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn con đường thập giá, xin cho chúng con cũng biết can đảm và quảng đại đi trọn con đường thập giá đời mình mà theo Chúa.
Suy niệm 6: Thánh Danh Giêsu
Cha Leonard cũng thường rao giảng về Thánh Danh Giêsu.
Môt bài hát thật quen thuộc, nhưng đầy ý nghĩa: "Chúa Giêsu là vua" có câu:" Khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, cả bầu trời bừng sáng, cả tà thần chạy trốn, khắp trái đất khiếp run.". Danh Thánh Chúa Giêsu quả cao siêu mầu nhiệm. Chỉ mới nghe Danh Thánh Chúa Giêsu: tà thần, ma quỉ đã chạy trốn, cả trái đất khiếp run. Vì ma quỉ là bóng tối, ánh sáng luôn tiêu diệt bóng tối. Ma quỉ xưa trong vườn địa đàng đã lấy hình rắn để cám dỗ bà Evà. Rắn đã thắng Ông Adong và Evà vì hai ông bà kiêu ngạo, tự mãn, muốn bằng Thiên Chúa. Thánh Danh Chúa Giêsu ngọt ngào êm dịu.
Con người mỗi lần nhắc tới Thánh Danh Chúa Giêsu như có một sức mạnh huyền nhiệm nâng cao con người lên. Chỉ nhắc tới Thánh Danh Chúa Giêsu, con người đã thấy được an bình vì nơi tên Giêsu ơn cứu chuộc chứa chan. Mỗi lần làm dấu thánh giá: "Nhân danh Chúa Cha, nhân danh Chúa Con và nhân danh Chúa Thánh Thần", mầu nhiệm Ba Ngôi bừng sáng lên và như thế, nhân loại lãnh nhận được ơn giải thoát. Thánh Danh Chúa Giêsu đi đôi với sinh mạng cứu chuộc của Ngài: "Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta" "Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu"( Ga 15, 13 ). (Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT).
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Thần để chúng con mãi mãi tôn vinh Danh Thánh Chúa Giêsu vì chỉ có Chúa mới mang lại cho mỗi người chúng con sự sống đời đời.