NGÀY 22/11 :
THÁNH CECILIA
(Thế Kỷ III)
Lược sử
Mặc dù Thánh Cecilia là vị tử đạo thời danh trong Giáo Hội Rôma, những câu chuyện quen thuộc về thánh nữ thì không thấy ghi chép
trong văn bản chính thức. Vào thời tiên khởi cũng không thấy dấu vết của sự tôn kính ngài. Chỉ có một mảnh đá thời thế kỷ thứ tư có ghi khắc tên của một nhà thờ mang tên thánh nữ, và ngày lễ kính được cử hành vào khoảng năm 545.
Theo truyền thuyết, Cecilia là một thiếu nữ Kitô Giáo của giai cấp quyền quý kết hôn với một người La Mã tên
là Valerian. Cecilia mặc áo nhặm, ăn chay, và thường cầu khẩn các thánh,
các thiên thần, các trinh nữ xin họ gìn giữ sự trinh tiết của ngài.
Ngài gửi đức lang quân đến gặp Thánh Giáo
Hoàng Urbanô để được rửa tội; và khi
ông trở về nhà, ông thấy Cecilia đang cầu nguyện trong phòng, và cạnh đó là một thiên thần với đôi cánh rực lửa, tay cầm hai triều thiên bằng hoa hồng và hoa huệ đặt trên đầu của hai người, và biến đi. Sau đó, Tibertius, người em của Valerian,
bước vào phòng và ông ngạc nhiên khi ngửi thấy mùi hoa nồng nàn cũng như vẻ mỹ miều của các bông
hoa.
Khi ông này được kể cho biết các chi tiết của câu chuyện, ông cũng muốn được rửa tội. Sau đó, cả hai anh em
ông tận tụy hy sinh
chôn cất các vị tử đạo mà thời ấy xảy ra hàng ngày, dưới quyền tổng trấn Turcius Almachius. [Không có tổng trấn nào mang tên này cả]. Họ bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn, và khi họ từ chối thờ cúng các tà thần họ đã bị chém đầu.
Trong khi đó, Thánh Cecilia, qua lời rao giảng ngài đã đưa bốn trăm người trở lại đạo và được Đức Giáo Hoàng Urbanô rửa tội. Sau đó thánh nữ bị bắt, và bị xử tử bằng cách trấn nước cho đến chết. Ngài bị dìm trong bồn nước một ngày một đêm, sau đó quan cho nổi lửa đun sôi bồn nước, nhưng thánh nữ không hề hấn gì. Khi tổng trấn Almachius
nghe biết điều này, ông
sai người đến chặt đầu thánh nữ ngay trong bồn nước. Lý hình chém đến ba lần mà đầu thánh nữ vẫn chưa đứt. Hắn để mặc cho máu
tuôn đổ. Đám đông đổ xô đến để thấm máu trong
khi ngài vẫn rao giảng cho họ. Ba ngày sau, ngài trút hơi thở cuối cùng, và được Đức Giáo Hoàng
Urbanô và các phó tế chôn cất.
Vào thời Phục Hưng, người ta thường vẽ ngài với đàn vĩ cầm và phong cầm nhỏ.
***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
Suy niệm 1: Tử đạo
Thánh Cecilia là vị tử đạo thời danh trong
Giáo Hội Rôma.
Theo sử gia C. Erbes viết cuốn PASSIO -
THƯƠNG KHÓ, trinh nữ Cecilia tử đạo khoảng năm 229-230, dưới thời hoàng đế Severo Alessandro
(222-235) và quan tổng trấn Turcius Almachius trị vì thành
Roma. Trước đó, trinh nữ đã đem chồng cùng em chồng là Valerian và Tibertius trở lại Kitô Giáo. Sau đó cả ba cùng được hồng phúc lãnh
nhận triều thiên tử đạo.
Cêcilia, Valerian và Tibertius cùng nhau sống đời thánh thiện. Họ phân phát của bố thí cho các Kitô hữu bị bắt bớ, bí mật cầu nguyện với những người bị kết án và khuyến khích họ can đảm chịu cực hình. Đêm về hai anh em
lo chôn cất xác các vị tử đạo. Chẳng bao lâu họ bị phát giác. Tổng trấn Almachius ngac nhiên hỏi: Các người quan tâm tới các tử tội bị ta kết án hay
sao? Cêcilia trả lời: Thật đẹp lòng Chúa
biết bao, nếu chúng tôi xứng đáng được làm nô lệ cho những người mà ngài kết án là tử tội. Quan tổng trấn nhún vai
cho rằng: người đàn bà này mất trí. Ông tách riêng Valerian và Tibertius
và cũng hỏi như vậy. Nhưng các Ngài đã khinh thường danh vọng với sang giàu mà Almachius rất coi trọng. Ông liền kết án trảm quyết các Ngài. Tác giả kể lại cuộc tử nạn các Ngài đã nói: Người ta thấy các Ngài chạy xô tới cái chết như tới dự một đại lễ. Cêcilia thu lượm và chôn cất xác các Ngài. Nàng vẫn tiếp tục bao bọc cho các Kitô hữu bị bách hại. Almachius
liền tống giam
Ngài. Bị vấn danh Ngài
nói: Tôi tên là Cêcilia, nhưng Kitô hữu là tên đẹp hơn nhiều của tôi. Quan tổng trấn bắt nộp tài sản của Valerian và Tibertius. Cêcilia trả lời tất cả đã được phân phát
cho người nghèo rồi. Tức giận Almachius
truyền cho Cêcilia phải dâng hương tế thần ngay nếu không sẽ phải chết. Cêcilia cười trả lời: Chư thần của ông chỉ là đá, đồng chì, và Ngài tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô mà thôi. Các binh sĩ xúc động nghị rằng Ngài sắp phải chết nên nài nỉ: Cô sang trọng và trẻ đẹp, hai mươi tuổi đầu hãy dâng hương tế thần đi, đừng để chết uổng. Nhưng Cêcilia
trả lời họ rằng: Các ông
không biết rằng chết vào tuổi tôi, không
phải là đánh mất tuổi trẻ, nhưng là đổi chác vì Thiên Chúa sẽ trả lại gấp trăm cái người ta dâng cho Ngài sao? Nếu người ta đưa quí kim để đổi lấy vật tầm thường, các ông
có ngập ngừng không?
Nghe Ngài các binh sĩ hoán cải. Almachius mất bình tĩnh truyền giam Ngài vào phòng tắm. Căn phòng đầy hơi nóng. Cêcilia không hề thấy khó chịu. Almachius truyền chém đầu Ngài, lý hình ba lần dùng gươm mà chỉ gây nên được một vết thương ghê rợn. Thánh nữ đã cầu xin để được gặp Đức Giáo Hoàng Urbanô đến lo linh hồn mình. Ngài còn sống được 3 ngày, được gặp Đức Urbanô, rồi lãnh triều thiên
thiên thần đã hứa. Các Kitô hữu chôn táng Ngài và tôn trọng thái độ lúc Ngài tắt hơi, đầu không cúi gục như bông hoa không tàn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con được mạnh mẽ, can đảm làm chứng cho
Chúa như thánh nhân đã chứng minh cho mọi người.
Suy niệm 2: Kết hôn
Cecilia là một thiếu nữ Kitô Giáo của giai cấp quyền quý kết hôn với một người La Mã tên
là Valerian.
Theo lịch sử Giáo hội, Cecilia là con gái quyền quý của một gia đình
quý tộc. Từ nhỏ bà đã nguyện cống hiến cả đời cho Chúa
và giữ giá. Nhưng gia đình đã gả bà cho một nhà quý tộc trẻ tuổi tên là Valerian.
Ngày cưới, Cêcilia mặc chiếc áo nhặm duới lớp áo ngoài sang trọng và khẩn cầu Chúa giữ cho mình được trinh nguyên. Giữa những tiếng ca vui nhộn, Cêcilia vẫn theo thói
quen cùng với các thiên thần ca hát những khúc thánh thi. Bởi đó mà các người Kitô hữu hay nhận Ngài là bổn mạng của các nhạc sĩ. Chúa Giêsu
khấng nghe lời ca trong trắng tự lòng vị hôn thê trẻ dâng lên
Ngài. Khi chiều về, Cêcilia
nói với Valerian: Thưa Chúa công, em có điều này muốn nói với anh, không bàn tay trần tục nào được động tới em, vì em có một thiên thần bảo vệ. Nếu anh tôn trọng em, Ngài cũng yêu mến anh và ban
ân phúc cho anh.
Ngạc nhiên và rất cảm kích, Valerian đã ao ước nhìn thấy thiên thần. Cêcilia mới nói rằng: AnH phải chịu phép rửa tội đã, rồi nàng giải thích mầu nhiệm cứu rỗi các linh hồn do Đức Kitô cho ông nghe. Ngài đề nghị: Anh hãy tới đường Apppianô. Anh sẽ gặp những người nghèo khổ và lấy danh nghĩa em để xin họ dẫn anh tới gặp cụ già Urbanô
đang ẩn náu trong hang toại đạo. Vị Giám mục này sẽ dạy dỗ anh hay hơn em, Ngài
sẽ chúc bình an cho anh, sẽ mặc cho anh bộ áo trắng tinh. Rồi trở lại đây anh sẽ thấy thiên thần của em.
Valerian theo lời vị hôn thê của mình, đến đường Appianô và được dẫn tới vị Giám mục. Ngài dạy đạo và rửa tội cho ông.
Trở về với Cêcilia, ông gặp nàng đang cầu nguyện, có thiên thần bên cạnh, khuôn mặt thiên thần rực sáng, tay cầm hai triều thiên kết bằng hoa huệ và hoa hồng. Ngài đặt một chiếc trên đầu Cêcilia và một chiếc trên đầu Valêriô và
nói: “Hãy giữ lòng trong trắng để xứng đáng bảo vệ những triều thiên này,
chúng từ vườn của Thiên Chúa, không bao giờ tàn tạ, chẳng hề lạt hương.” Thiên
thần còn nói thêm: “Hỡi Valerian, bởi vì anh đã biết nghe lời hiền thê của anh, vậy anh xin điều gì anh muốn.” Valerian
có người em ông yêu thương lắm tên là Tibertius, ông xin: “Con muốn em con cũng biết đạo thật như con” Thiên thần trả lời: Điều anh xin rất đẹp lòng Chúa. Vậy hãy biết rằng:
Tibertius và anh sẽ lên trời với ngành vạn tuế tử đạo.” Ngay lúc ấy Tibertius
xuất hiện. Ông thấy mùi hoa huệ và hoa hồng và muốn biết từ đâu mà có hương thơm như
vậy giữa mùa này,
thứ hương thơm như làm con người ông trẻ lại. Cêcilia đã nói cho ông hiểu sự hư không của các ngẫu thần, đã tỏ cho ông thấy sự rực rỡ của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Tibertius muốn được sự chỉ dạy, và đến lượt ông, cũng đã lãnh
nhận Bí tích Rửa Tội do Đức Giáo Hoàng
Urbanô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị hôn thê biết thánh hóa phu quân của mình
(1Cr 7,14).
Suy niệm 3: Trinh
tiết
Cecilia mặc áo nhặm, ăn chay, và thường cầu khẩn các thánh, các thiên
thần, các trinh nữ xin họ gìn giữ sự trinh tiết của ngài.
Giáo Hội Chúa Kitô được tô điểm bằng muôn vàn vị thánh. Các
thánh là những người đã sống những nhân đức anh hùng, khiến mọi người đều phải công nhận những nét đẹp của các Ngài.
Thánh Cecilia là một trong muôn vàn thánh đã bảo vệ đức khiết tịnh của mình đến nỗi đã trở nên con người anh hùng,
đã hân hoan được phúc tử vì đạo.
Theo sử liệu để lại, thánh
Cecilia thuộc dòng dõi quí phái và có đời sống đạo đức tốt đẹp. Thánh
nhân quyết sống thánh thiện, bảo vệ sự khiết tịnh để dâng hiến toàn thân,
cuộc đời mình cho
Chúa. Với ước nguyện sống trinh tiết để dấn thân trọn vẹn cho Chúa. Thánh nhân dù đã đính hôn với Valerian, một người thuộc gia đình giầu có, nhưng ngài vẫn xác tín một điều là giữ trọn lời đã khấn hứa. Nhờ tinh thần đạo đức, lòng nhiệt thành sốt sắng cầu nguyện, thánh
nhân đã thuyết phục được Valerian và đứa em của Valerian trở về với Chúa, trở về với Giáo Hội. Ðức Giáo hoàng Urbanô đã rửa tội cho Valerian và người em của chàng. Với ơn Chúa và do sức mạnh của Chúa Thánh Thần, họ đã khước từ mọi thú vui
xác thịt để chỉ chuyên chăm việc phụng sự Chúa và tha nhân.
Trong ngày cưới, ngài đã cầu Chúa và xin Người bảo vệ sự trinh tiết của ngài. Lịch sử chép rằng: “Vào ngày mà lễ cưới sắp được tổ chức, khi âm nhạc bắt đầu ngân lên,
ngài đang cầu nguyện một mình rằng: Xin Người giữ trái tim và
thân thể con được trong sạch để con không
phải hổ thẹn.” (McKinnon 46). Lời nguyện cầu của ngài đã được đáp lại, và Valerian sẵn sàng nhận ngài làm vợ mà không phá vỡ lời thề nguyện của ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi nhận bằng chứng Trinh nữ Cecilia
để lại: Để được trông thấy Chúa, cần phải sống trong sạch (Mt 5,8).
Suy niệm 4: Rửa tội
Cecilia gửi đức lang quân đến gặp Thánh Giáo
Hoàng Urbanô để được rửa tội.
Hang toại đạo được trang hoàng thật đẹp cho nghi lễ rửa tội của Valerian và Tibertius (em trai của Valerian). Tất cả các tín hữu Kitô hầm trú của thành Roma đều có mặt. Mọi người biểu lộ nổi xúc động và chia sẻ niềm vui với Cecilia,
đang sung sướng đứng giữa chồng và em chồng. Valerian và
Tibertius đều mặc y phục trắng. Cecilia
cũng mặc chiếc áo trắng tinh.
Trông nàng giống như một Thiên Thần của Trời Cao.
Trước khi được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, Valerian cảm động thưa với Đức Giáo Hoàng Urbano I: "Tâu Đức Thánh Cha, bởi vì chính Đức Thánh Cha đã giảng giải cho con hiểu rõ giáo lý ngời sáng của Đức Tin Kitô,
trong khi Cecilia trao cho con sự dịu ngọt, xin Đức Thánh Cha hãy mở cho con cửa Ơn Thánh. Xin cho con được thuộc về Đức Kitô để con nên giống như vị thiên thần mà Chúa ban làm hiền thê con và xin mở cho con con đường thiên quốc để con bước vào và quên đi tất cả dĩ vãng. Xin Đức Giáo Hoàng đừng trì hoãn nữa. Con tin. Và con nóng lòng tuyên xưng niềm tin để làm vinh
danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta". Cecilia
đưa chồng và em chồng đến gần nơi đặt nước rửa tội. Đức Giáo Hoàng Urbano I lấy nước dội lên đầu Valerian đang nghiêng xuống và đọc công thức rửa tội. Rồi đến lượt Tibertius.
Cecilia khóc vì sung sướng. Trinh nữ mĩm cười và ngước đôi mắt nhìn, nhưng người ta không rõ nàng đang nhìn chồng được diễm phúc lãnh
nhận ơn cứu độ hay đang nhìn một vị vô hình nào đó mà chỉ mình nàng trông thấy ..
Sau khi nghi thức rửa tội kết thúc, cộng đoàn cất tiếng hát bài Thánh Thi chúc tụng. Rồi Đức Giáo Hoàng
Urbano I giơ tay ban phép lành cho mọi người. Xong mọi người đến trao hôn
bình an cho hai tân tín hữu và chúc mừng hai người đã biết can đảm chấp nhận Chân Lý..
Valerian cảm động nói: "Cá nhân tôi không có công gì, tôi, một kẻ ngoại giáo bất hạnh chìm đắm trong lầm lạc. Tất cả mọi công lao đều thuộc về vị hiền thê khả ái của tôi. Vẻ đẹp cùng nét duyên dáng của nàng đã quyến dũ con tim
trai tráng của tôi. Nhưng đức tin và sự trong trắng của nàng đã
chinh phục tinh thần tôi. Tôi muốn trở nên giống như nàng để có thể yêu nàng và hiểu nàng hơn. Từ một người nóng nảy và đam mê,
nàng đã biến đổi tôi thành
một người mà anh chị em trông thấy: một người hiền lành và trong sạch, và tôi hy vọng, với sự giúp đỡ của nàng, tôi sẽ tiến mãi trên đường ngay nẻo chính .. Giờ đây con trông thấy ngài, hỡi vị thiên thần của đức trinh khiết tuyệt vời, vị thiên thần bản mệnh của hiền thê con, và con xin mĩm cười với ngài, vì
ngài đang mĩm cười với con. Giờ đây con trông thấy ngài, vị thiên thần ngời sáng .. Niềm vui được trông thấy ngài vượt xa mọi cay đắng của nổi đau tử đạo .. Cecilia thánh thiện em ơi, em hãy chuẩn bị cho anh lãnh nhận hồng phúc tử đạo. Trên giải khăn trắng tinh này, anh muốn viết bằng máu anh
tên của CON CHIÊN".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu rằng: Phép Rửa Tội trao ban sự
trinh khiết nhưng tín hữu phải biết gìn giữ đức trinh khiết bằng cách sống kết
hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, Đức Lang Quân Chí Thánh của mỗi tâm hồn.
Suy niệm 5: Chôn cất
Cecilia trút hơi thở cuối cùng, và được Đức Giáo Hoàng Urbanô và các phó tế chôn cất.
Thánh Cecilia là vị thánh tử vì đạo đầu tiên có nhục thân được bảo tồn nguyên vẹn không bị hủy hoại.
Người ta tin rằng Thánh Cecilia được chôn tại Catacomb ở Callistus sau khi bà tử vì đạo vào năm 177 SCN. Bảy thế kỷ sau, Giáo
hoàng Pascal I (817-824) đã cho xây dựng Nhà thờ Thánh Cecilia trên quảng trường Trastevere ở Rome, và muốn chuyển di thể bà về đó. Tuy
nhiên lúc đầu, ông không thể tìm thấy di thể bà và tin rằng nó đã bị đánh cắp. Trong một linh ảnh, ngài thấy Thánh Cecilia, vốn thúc đẩy ngài tiếp tục cuộc tìm kiếm, và rằng ngài đã rất gần mộ của bà. Ngài nỗ lực lần nữa, và sớm tìm thấy di thể của vị thánh tử vì đạo được che rèm trong một chiếc màn thêu vàng xa xỉ với những miếng vải thấm máu dưới chân bà,
thay vì được cất giữ tại Catacomb ở Callistus. Thi thể bà, cùng với Valerian (chồng bà),
Tiburtius, và Maximus (một viên chức La Mã), cũng như các Giáo
hoàng Urbanus và Lucius được Giáo hoàng
Paschal I đưa đi chôn cất dưới một án thờ Thánh Cecilia ở Trastevere.
Lần tiếp theo khi
có người quấy nhiễu giấc ngủ của Cecilia là
gần 800 năm sau. Trong đợt phục tích nhà
thờ năm 1599,
Cardinal Sfondrato chịu trách nhiệm phục chế nhà thờ và có sáng kiến khai quật bên dưới án thờ chính, với hy vọng tìm được thi thể của Cecilia và
những người đàn ông tử vì đạo khác được mai táng ở đó bởi Paschal. Ngày 20 tháng 10 năm 1599, những người thợ của Sfondrato
đã đào được quan tài bằng đá cẩm thạch của vị thánh. Trước sự chứng kiến của vài nhân chứng, đích
thân Hồng y đã mở chiếc quan tài bằng gỗ bách bên trong, và nằm nghiêng một bên là chiếc cổ bị thương với một chiếc bùa vàng.
Giáo hoàng Clement đã đặt làm một chiếc quan tài bằng bạc tinh xảo bọc vàng để chứa chiếc quan tài bằng gỗ bách của Cecilia,
và ở ngoài cùng là chiếc quan tài lớn hơn bằng cẩm thạch. Vì sự kính trọng với vị thánh, ngài
không cho phép khám xét thêm về thi thể của vị thánh tử vì đạo.
Sự tái xuất hiện di thể Thánh Cecilia đã gây ra một sự xúc động mạnh cho công chúng ở Rome. Sự cuồng nhiệt của đám đông
vây quanh Hoàng cung La Mã lớn tới mức Cardinal
Sfondrato gần như bị xô đẩy tới chết. Giáo hoàng Clement cuối cùng đã phải cử đội bảo vệ Thụy Sĩ đến khôi phục trật tự. Ngày 22 tháng 11 năm 1599, Clement đã tới Hoàng cung
La Mã để tổ chức một ngày hội vinh danh vị thánh. Sau
khi di hài Thánh Cecilia được mai táng
trở lại bên dưới án thờ, nó đã trở về nơi ban đầu được tìm thấy.
Khi ngôi mộ của vị thánh được mở cửa năm 1599, Stefano Maderno (1566-1636), người xây dựng đài phun
nước ở quảng trường Thánh
Phêrô, nhận nhiệm vụ tạc lại điều mà ông thấy. Lời đề tặng nói: “Hãy
nhìn ngắm di hài của trinh nữ vĩ đại nhất, Cecilia,
người mà tôi đã thấy nằm bất hoại trong ngôi mộ. Tôi để tác phẩm cẩm thạch này biểu lộ vị Thánh trong một tư thế tương tự.” Bà nằm nghiêng bên phải với chiếc đầu đặt sấp và chiếc khăn quấn quanh đầu bà. Cả hai tay bà
đều buông xuống gối và các ngón tay bên phải duỗi ra. Thân
thể bà được lại thấy trong tư thế mà nhà điêu khắc thể hiện.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quan tâm thật nhiều đến sự bất tử của
linh hồn hơn sự bảo tồn nguyên vẹn của nhục thân.
Suy niệm 6: Phong cầm
Vào thời Phục Hưng, người ta thường vẽ Cecilia với đàn vĩ cầm và phong cầm nhỏ.
Cecilia ra đời trong một gia đình quý tộc vào năm 214 thời đế quốc La Mã. Ngay từ thuở thiếu thời, ngài đã tỏ ra say mê
thánh nhạc và đã đóng góp một phần rất lớn khai triển nền thánh nhạc công giáo
với những bản thánh ca đã sáng tác. Trong khi tuổi trẻ ngoại giáo mê say nhạc trần tục, lòng
Cêcilia hướng về Chúa và ca
tụng một mình Người thôi. Vào thế kỷ XVI, các họa sĩ lại vẽ Thánh nữ ôm những nhạc cụ và có năng khiếu về nghệ thuật, thế là nhiều nhạc sĩ đã nhận Thánh nữ là Thánh
Quan thầy. Các ca đoàn cũng chọn Thánh nữ làm Thánh Bổn mạng. Đó là truyền thuyết bắt đầu rất trễ trong Hội Thánh. Vì
thế ngài được coi là vị thánh bảo hộ cho âm nhạc nhà thờ và là vị thánh quan thầy của các nhạc sĩ sáng tác nhạc trong Kitô giáo.
Như bất cứ Kitô Hữu tốt lành nào khác, Thánh Cecilia dùng miệng lưỡi để ca ngợi Thiên Chúa
với tất cả tấm lòng. Ngài
tiêu biểu cho sự tin tưởng của Giáo Hội rằng thánh nhạc là một phần căn bản trong phụng vụ, có giá trị lớn lao hơn bất cứ nghệ thuật nào khác. Trong thời đại hỗn độn của âm nhạc ngày nay, có lẽ chúng ta cần đọc lại những lời của Công Đồng Vatican II dưới đây.
"Hành động phụng vụ thêm cao quý khi các nghi thức thánh được âm nhạc trang trọng hóa, với sự phụ giúp của các thừa tác viên chức thánh và sự tham dự của giáo đoàn... Phải luôn luôn khuyến khích các ca đoàn, nhưng các giám
mục và cha sở phải để ý rằng, bất cứ lúc nào phụng vụ được cử hành với thánh nhạc, toàn thể giáo đoàn
phải có thể góp phần tham dự cách tích cực vì đó là quyền lợi của họ... Bình ca phải có vị trí xứng đáng
trong các nghi lễ, so với các loại nhạc khác. Nhưng điều đó không có nghĩa gạt bỏ các loại thánh nhạc khác, nhất là loại đa âm điệu... Thánh ca dành cho giáo dân phải khéo léo chọn lựa, để trong việc phụng tự và nghi lễ, họ có thể cùng góp tiếng hát" (Sắc Lệnh Về Phụng Vụ, 112-118).
* Lạy Chúa Giêsu, nhân ngày lễ kính Thánh Cecilia, xin Chúa cho chúng con
được xứng đáng hát mừng Danh Thánh Chúa với
lòng yêu mến chân thành.