Thánh ROSE
PHILIPPINE DUCHESNE
(1769-1852)
Lược sử
Philippine hấp thụ năng khiếu chính trị từ người
cha và nơi người mẹ ngài học được sự thương yêu người nghèo. Về tính tình, chính yếu ngài là một
người cương quyết với ý chí bất khuất,
mà sau này tính khí ấy đã giúp ngài trở nên thánh thiện.
Khi cuộc Cách Mạng Pháp
bùng nổ, tu viện phải đóng cửa. Khi tình thế lắng dịu, chính ngài thuê lại tu
viện cũ, đã đổ nát vì chiến tranh, cốt để làm sống lại sinh hoạt nhà dòng. Nhưng
mơ ước của ngài ngay từ khi còn nhỏ, lúc được nghe biết về công cuộc truyền giáo ở Louisiana, là sang Hoa Kỳ phục vụ
người da đỏ. Ngài thực hiện tham vọng này khi 49 tuổi. Phải là một nữ anh thư
như Mẹ Philippine Duchesne mới kinh qua được những hành trình khủng khiếp trong thời gian truyền giáo.
Sau cùng, vào lúc 71 tuổi,
với sức khoẻ yếu kém và mệt mỏi, ngài đã hoàn thành ước mơ. Một xứ đạo được
thành hình ở Sugar Creek, Kansas, giữa những người thổ dân Potawatomi. Mặc dù
ngài không thể học được tiếng bản xứ, nhưng người thổ dân gọi ngài là "Bà Luôn Cầu Nguyện".
Ngài từ trần năm 1852 lúc
83 tuổi, và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1988.
Suy niệm 1: Tên
Philippine hấp thụ năng
khiếu chính trị từ người cha và nơi người mẹ ngài học được sự thương yêu người
nghèo.
Ngài chào đời ở Grenoble,
nước Pháp, trong một gia đình giầu có, và được đặt tên là Duchesne. Nhưng khi
ngài được lãnh nhận bí tích Rửa Tội tại nhà thờ Thánh Louis, thì ngài có thêm
tên của hai vị thánh là Philippine (Philípphê) và Rose: Rose Philippine
Duchesne, như một tiên báo cho tương lai truyền giáo của ngài sau này.
Thật thế, khi đến Samari
khởi đầu công cuộc truyền giáo (Cv 8,5), thánh Philippine đã gặt hái được nhiều
thành quả, ngay cả thầy phù thủy Simôn cũng tin theo (Cv 8,13). Nhất là ngài được
thiên sứ của Chúa thúc giục chạy theo xe của viên thái giám Êthióp, để dẫn giải
Kinh Thánh và làm phép rửa cho ông (Cv 8,26-38). Còn thánh Rose ở Lima là Vị
thánh đầu tiên của Tân Thế Giới.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quan tâm đến
tên thánh của mình bằng việc học theo các nhân đức của vị thánh bổn mạng.
Suy niệm 2: Thương yêu người nghèo
Philippine hấp thụ năng
khiếu chính trị từ người cha và nơi người mẹ ngài học được sự thương yêu người
nghèo.
Khi cuộc Cách mạng Pháp
bùng nổ, tu viện bị đóng cửa, ngài bắt đầu trở về nhà và đi chăm sóc người
nghèo và bệnh nhân, mở trường học cho các trẻ em đường phố và liều mình giúp đở
các linh mục đang phải lẩn trốn.
Được nung nấu bởi đức ái
trọn hảo, ngài cùng với 4 nữ tu quy tụ thành Dòng Thánh Tâm lên đường truyền
giáo và đã thiết lập trường học miễn phí đầu tiên cho các thiếu nữ ở vùng tả ngạn
sông Mississippi vào năm 1818. Sau mười năm, ngài xây dựng được 6 ngôi trường
dành cho các thiếu nữ ở Missouri và Louisiana. Ngài yêu quý và hết mình phục vụ
họ, nhưng tự thâm tâm ngài luôn ao ước được phục vụ cả người thổ dân da đỏ nữa.
Mãi đến lúc được 71 tuổi, ước mơ ấy mới được hiện thực: Một xứ đạo được thành
hình ở Sugar Creek, Kansas, giữa những người thổ dân Potawatomi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con bền chí sống
đức ái, và Chúa sẽ giúp thực hiện ước mơ yêu thương.
Suy niệm 3: Ý chí bất khuất
Về tính tình, chính yếu
ngài là một người cương quyết với ý chí bất khuất, mà sau này tính khí ấy đã
giúp ngài trở nên thánh thiện.
Ngài có ý chí mạnh mẽ và
cương trực. Ngài vào dòng lúc 19 tuổi mà không cho cha mẹ biết, và dù gia đình
có chống đối, ngài vẫn cương quyết đi tu. Khi cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ, tu
viện phải đóng cửa, ngài không khuất phục thế sự mà sống tinh thần tu trì bằng
việc thực hành đức ái và liều mình giúp đỡ các linh mục đang hoạt động âm thầm.
Khi tình hình lắng xuống
với hiệp ước năm 1801, chính ngài thuê lại tu viện cũ, đã đổ nát vì chiến
tranh, cốt để làm sống lại sinh hoạt nhà dòng. Nhưng bất thành. Chiến tranh đã
tàn phá không chỉ vật chất mà còn ảnh hưởng đến đời sống tâm linh. Nhà dòng chỉ
còn lại bốn nữ tu.
Sau đó vào năm 1804, ngài
nghe nói đến một Tu Hội Thánh Tâm mới được thành lập, mà vị bề trên trẻ tuổi,
Thánh Madeleine Sophie Barat, trở nên một người bạn trong suốt cuộc đời của sơ
Philippine. Ngài cùng 4 chị em xin gia nhập và hiến tu viện cho Tu Hội này. Một
thời gian ngắn sau đó, sơ Philippine làm bề trên nhà dòng và giáo tập.
Ơn Chúa đã trui rèn ý chí
sắt đá và sự quyết tâm của Mẹ Duchesne để trở thành một người khiêm tốn và vị
tha, không muốn sự an nhàn của một đấng bề trên. Tuy nhiên, người ta chỉ nên
thánh bởi sự trau dồi theo thời gian. Truyện kể rằng trong một cuộc tranh luận
với vị linh mục về sự thay đổi nơi cung thánh, ngài cứng đầu đến nỗi vị linh mục
phải đe dọa lấy đi nhà tạm thì ngài mới thôi. Nhưng ngài đã kiên nhẫn chịu đựng
sự chỉ trích của các nữ tu trẻ cho rằng ngài thiếu cấp tiến. Qua tất cả các biến
cố trong quãng đời 31 năm ấy, ngài có được một tình yêu bất khuất và đã trung
thành tuân giữ lời khấn của ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
hiểu rằng người ta chỉ nên thánh bởi sự trau dồi theo thời gian.
Suy niệm 4: Truyền giáo
Rose nghe biết về công cuộc
truyền giáo ở Louisiana.
Vì nghe nói việc truyền
giáo ở Louisiana từ hồi nhỏ, ngài đi Mỹ và làm việc với dân Ấn Độ. Lúc 49 tuổi,
ngài nghĩ đây là công việc của ngài.
Trong một bức thư viết
cho Mẹ Barat, ngài tâm sự về một tiếng gọi thiêng liêng có được từ hồi còn nhỏ
lúc viếng Thánh Thể dịp Thứ Năm Tuần Thánh: Con dành cả đêm mang Chúa Thánh Thể
đi khắp mọi vùng của Tân Thế Giới… Con dâng hiến mọi hy sinh cho họ… Khi nghe
tiếng bảo con: “Giờ Ta sai con đi”, con vội đáp ngay: “Vâng con xin đi”.
Tuy nhiên ngài phải chờ đợi
cho đến năm 1818, ước mơ truyền giáo mới được hiện thực. Ngài được sai đi để đáp
lại lời mời gọi của vị giám mục lãnh địa Louisiana về một nhu cầu rao giảng Tin
Mừng cho giới trẻ Ấn Độ và Pháp thuộc giáo phận ngài.
Vào tháng 7 năm 1842,
ngài phải trở về St. Charles, dầu thâm tâm vẫn còn nồng cháy đam mê truyền
giáo: “Tôi vẫn cảm nhận được một niềm khao khát kiên vững chỉ cho sứ mệnh truyền
giáo chứ không gì khác nữa, niềm khao khát mà tôi đã cảm nghiệm được thời gian
còn ở Pháp khi lần đầu tiên tôi được yêu cầu đến Hoa Kỳ…”
"Chúng tôi chỉ làm được
những điều rất nhỏ trong cánh đồng truyền giáo cho Đức Kitô, nhưng chúng tôi
yêu quý điều ấy, vì biết rằng Thiên Chúa không đòi hỏi phải thành đạt những
công trình lớn lao, nhưng Người muốn một con tim dâng hiến tất cả, không giữ lại
chút gì cho mình... Thập giá đích thực là thập giá mà chúng ta không tự chọn
cho mình... Người có được Đức Giêsu là có được tất cả" (Thánh Rose
Philippine Duchesne).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn xác tín như thánh nhân: Người có được Đức Giêsu là có được tất cả.
Suy niệm 5: Hành trình gian khổ
Những hành trình khủng
khiếp trong thời gian truyền giáo.
Cùng với bốn nữ tu, ngài
lênh đênh trên biển 11 tuần lễ để đến New Orleans, và sau đó họ phải xuôi giòng
Mississippi thêm bảy tuần lễ nữa để đến St. Louis. Đến nơi, ngài chỉ gặp toàn
thất vọng. Đức giám mục địa phương không có chỗ cho các sơ tá túc để hoạt động
cho người thổ dân Hoa Kỳ. Thay vào đó, đức cha lại sai các sơ đến một nơi mà
ngài gọi là "làng hẻo lánh nhất Hoa Kỳ," đó là St. Charles, Missouri.
Tuy nhiên, với bản tính dũng cảm sơ Philippine đã thiết lập trường học miễn phí
đầu tiên cho các thiếu nữ ở vùng tả ngạn sông Mississippi. Nhưng đó là một sai
lầm. Mặc dù các ngài làm việc quần quật như bất cứ người phụ nữ nào trong thời
kỳ khẩn hoang phải rong ruổi trên các toa xe ngựa viễn tây, sự đói khát và lạnh
giá đã đẩy các ngài ra khỏi vùng, lưu lạc đến Florissant, Missouri, là nơi ngài
thiết lập trường Công Giáo Da Đỏ đầu tiên.
Louis E. Callan, người
tìm hiểu về Mẹ Duchesne đã viết: "Trong thập niên đầu khi Mẹ Duchesne đến
Hoa Kỳ, trên thực tế ngài đã phải chịu đựng mọi gian khổ của một người khẩn
hoang, ngoại trừ sự đe dọa của người da đỏ -- không có chỗ ở, thiếu thốn thực
phẩm, nước uống, dầu đốt, tiền bạc, thời tiết thay đổi thất thường, thiếu thốn
mọi tiện nghi, và sự ngỗ nghịch của các trẻ em vì sống trong môi trường thô bạo
và ít được giáo dục".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cảm
nhận được hương vị ngọt ngào khi được cùng uống chén đắng với Chúa (Ed 3,3).
Suy niệm 6: Bà Luôn Cầu Nguyện
Người thổ dân gọi ngài là
"Bà Luôn Cầu Nguyện".
Lúc 71 tuổi, sức khỏe
ngài suy yếu nhưng tinh thần cầu nguyện của người tiên phong không hề giảm sút.
Người ta gọi ngài bằng biệt danh “Bà luôn cầu nguyện”. Khi người khác dạy học
và học hỏi, thì ngài cầu nguyện. Người ta kể rằng các trẻ em da đỏ nghịch ngợm,
lén ra đằng sau lưng ngài khi đang cầu nguyện để ném lên áo những mẩu giấy, và
vài tiếng đồng hồ sau chúng trở lại, các mẩu giấy ấy vẫn còn dính trên áo.
Thật dễ hiểu, vì đời sống
cầu nguyện của ngài đã được hấp thụ và dưỡng nuôi ngay từ thời được giáo dục tại
tu viện Đức Bà Thăm Viếng và dẫn đến một đời sống chiêm niệm. Chính vì thế một
trưởng nhóm truyền giáo Dòng Tên đã nài ép ngài: “Mẹ phải đến; dầu Mẹ không còn
sức để có thể làm được gì nhiều, nhưng Mẹ bảo đảm được thành quả bằng lời cầu
nguyện của Mẹ cho chúng tôi. Sự hiện diện của Mẹ sẽ lôi kéo nhiều hồng ân từ trời
xuống cho công việc chúng tôi”.
Sức khoẻ tinh thần của
ngài thật dồi dào, nhưng sức khoẻ thể xác không thể nào chịu đựng được sự khắc
nghiệt của chế độ sống ở bộ lạc thổ dân. Ngài qua đời ở St Charles, Missouri
vào ngày 18 tháng 11 năm 1852 ở tuổi 83.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
thấy được hiệu lực của việc cầu nguyện cho thành quả của công việc.