Suy niệm hạnh thánh _ 12/11

Thánh JOSAPHAT
 (1580?-1623)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Josaphat, vị giám mục theo lễ điển Đông Phương, được coi là vị tử đạo cho sự hợp nhất giáo hội vì ngài cố gắng đưa Chính Thống Giáo về hợp nhất với Rôma.
Giữa những xáo trộn ấy, Thánh Josaphat là một tiếng nói hòa bình.
Josaphat được thế chỗ Rutsky làm tu viện trưởng. Nhân cơ hội này, Josaphat thi hành kế hoạch cải tổ.
Khi là vị giám mục đầu tiên ở Vitebsk và sau đó ở Polotsk vào năm 1617, Đức Giám Mục Josaphat phải đối diện với nhiều khó khăn.
Vào tháng Mười 1623, Đức Giám Mục Josaphat quyết định trở về Vitebsk để đích thân lắng dịu vấn đề. Ngài biết rất nguy hiểm nhưng cho biết: "Nếu tôi xứng đáng được phúc tử đạo, thì tôi không sợ chết." Họ kéo lê ngài ra sông và quăng xuống đó cùng với xác con chó của ngài.
Vào năm 1867, Đức Giám Mục Josaphat là vị thánh đầu tiên của Giáo Hội Đông Phương được Rôma tuyên phong hiển thánh.
Suy niệm 1: Tử đạo
Thánh Josaphat, vị giám mục theo lễ điển Đông Phương, được coi là vị tử đạo cho sự hợp nhất giáo hội vì ngài cố gắng đưa Chính Thống Giáo về hợp nhất với Rôma.
Martyr danh từ gốc Hy Lạp có nghĩa là chứng nhân, người làm chứng. từ này được dùng để chỉ những người bị giết hại vì đức tin hay vì luân lý Kitô giáo. Trong tiếng Việt, thường dịch là “kẻ chết vì đạo, kẻ chết vì nghĩa, kẻ chịu đọa đày, liệt sĩ”, hoặc “người chịu chết vì đạo, đấng tử vì đạo, đấng tử đạo…” trong nhà đạo thường dịch là “tử đạo”, như các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Khi dịch như vậy về mặt ngôn ngữ thì có thể có vấn đề. Ví dụ: tử chiến (chiến đấu cho đến chết), tử hình (hình phạt chết), tử thi (thây người chết), tử thương (bị thương đến phải chết), tử tù (bị xử tội chết nhưng còn giam trong tù), tử trận (chết trên chiến trường). Vậy tử đạo có phải là đạo chết không? Các từ điển phần lớn chỉ có từ tử vì đạo, và không có từ tử đạo, ngoại trừ cuốn Việt Nam Tự Điển của Lê văn Đức. Chúng ta có thể tìm được một từ khác trong từ điển cho chữ martyr, đó là tuẫn đạo hay tuận đạo.
Tử có nhiều ý nghĩa trong tiếng Việt, nhưng liên quan đến martyr thì chỉ có nghĩa là “chết, không hoạt động”. Tuẫn đọc là tuận nhưng quen đọc là tuẫn, có nghĩa là “liều chết vì một việc gì; chôn người sống theo người chết”. Ví dụ: tuẫn danh (chết vì danh), tuẫn đạo (chết vì đạo), tuẫn lợi (chết vì tiền), tuẫn tiết (chết vì tiết nghĩa), tuẫn táng (chôn người sống theo người chết). Tóm lại tuẫn hay tuận có nghĩa là: đem người sống chôn theo người chết, theo, mưu cầu, xả thân mà làm, liều chết vì một việc gì,
Dịch chữ martyr là tuẫn đạo, nghĩa là chết vì đạo, vì “tuẫn” là “chết vì”. Xem ra sát nghĩa, dễ hiểu. Còn dịch chữ martyr là tử vì đạo hay tử đạo, và hiểu là chết vì đạo. Xem ra có gút mắc, vì chữ “tử” có nghĩa là “chết”, còn chữ “vì” thì do đâu mà ra? Thiết nghĩ các nhà chuyên môn về ngữ pháp Hán Việt có thể giải thích thấu đáo vấn đề này hơn nữa chăng? (Lm Stêphanô Huỳnh Trụ).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không quan tâm nhiều đến từ ngữ mà đến cuộc sống của một chứng nhân đức tin.
Suy niệm 2: Hợp nhất
Thánh Josaphat, vị giám mục theo lễ điển Đông Phương, được coi là vị tử đạo cho sự hợp nhất giáo hội vì ngài cố gắng đưa Chính Thống Giáo về hợp nhất với Rôma.
Mầm mống chia rẽ được bắt đầu vào thế kỷ thứ tư, khi Đế Quốc La Mã bị chia cắt làm hai phần Đông và Tây. Không một lý do nào có thê biện minh cho sự phân ly hiện nay trong Kitô Giáo, mà trong đó 64 phần trăm là Công Giáo Rôma, 13 phần trăm là các Giáo Hội Đông Phương (hầu hết là Chính Thống Giáo) và 23 phần trăm Tin Lành, trong khi 71 phần trăm dân số thế giới chưa được biết đến Đức Kitô thì họ phải là những người được mục kích sự hợp nhất Kitô Giáo và đức bác ái của những người mệnh danh là Kitô Hữu!
Bài học cổ nhân để lại trải qua bao kinh nghiệm vốn rất quen thuộc với mọi người: đoàn kết thì sống mà chia rẽ thì chết. Hơn thế Đức Giêsu còn nêu mạnh hơn một trường hợp: ngay cả nước ma quỷ với quyền phép và sức mạnh vô địch vẫn không thể tồn tại nếu chia rẽ nhau (Mt 12,26). Ngược lại có đoàn kết thì có sức sống mãnh liệt khiến ba cây chụm lại thành hòn núi cao, hoặc bền chặt vô cùng khiến không người con khoẻ mạnh nào có thể bẻ gãy được cả bó đũa gộp chung làm một, như câu chuyện kể về bài giáo huấn của một thân phụ sắp lìa đời đối với đàn con.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấy được giá trị của tình đoàn kết hiệp nhất và tai hại của việc chia rẽ, để luôn sống kết đoàn với nhau.
Suy niệm 3: Hòa bình
Thánh Josaphat là một tiếng nói hòa bình.
Vào năm 1054, một sự chia cắt chính thức được gọi là đại ly giáo đã xảy ra giữa Giáo Hội Đông Phương ở Constantinople và Giáo Hội Tây Phương ở Rôma vì những bất đồng về thần học và đời sống độc thân của giáo sĩ. Cho đến năm thế kỷ sau, một giáo chủ Chính Thống Giáo ở Kiev và năm giám mục Chính Thống Giáo quyết định đưa hàng triệu người Chính Thống Giáo dưới quyền về hợp nhất với Rôma. Khi Thượng Hội Đồng ở Brest Litovsk khai mạc vào năm 1595 thì Thánh Josaphat Kunsevich lúc ấy chỉ là một cậu bé trai, nhưng đã được chứng kiến các kết quả tích cực cũng như tiêu cực của thượng hội đồng.
Hàng triệu Kitô Hữu đã không đồng ý với các giám mục về sự hiệp thông với Công Giáo, và cả đôi bên đều tìm cách giải quyết sự bất đồng, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng vũ lực. Do đó cả hai phía đều có nhiều người đã tử vì đạo. Giữa những xáo trộn ấy, Thánh Josaphat là một tiếng nói hòa bình. Thông thường, sự bạo động luôn luôn có hậu quả trái ngược. Vì hối hận và kinh hoàng về cuộc bạo động khiến họ mất đi một vị giám mục thánh thiện nên công chúng lại hướng về sự hợp nhất với Rôma. Và sau cùng, đức tổng giám mục mà phe ly khai dựng lên là Meletius Smotritsky cũng đã hòa giải với Rôma.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn cố gắng giải quyết mọi bất đồng bằng con đường hòa bình hơn là vũ lực.
Suy niệm 4: Cải tổ
Josaphat thi hành kế hoạch cải tổ.
Khi còn niên thiếu, nhờ sự khuyến khích của hai vị linh mục dòng Tên nên ngài đã gia nhập tu viện Holy Trinity ở Vilna năm 1604. Trong thời gian này, ngài quen thân với Joseph Benjamin Rutsky, là người trở lại Kitô Giáo sau một thời gian theo phái Calvin. Cả hai đều muốn sự hợp nhất trong giáo hội và cải tổ đời sống tu trì.
Sau đó, Josaphat được gửi đi trông coi một cơ sở ở Rôma, còn Rutsky được làm tu viện trưởng ở Vilna. Khi Rutsky được làm giáo chủ của Kiev, thì Josaphat lại được thế chỗ Rutsky làm tu viện trưởng. Nhân cơ hội này, Josaphat thi hành kế hoạch cải tổ, nhưng đường hướng cải tổ phản ảnh một đời sống nghiêm nhặt và khắc khổ của ngài, nên không mấy ai hưởng ứng. Ngay cả một tu hội còn dọa ném ngài xuống sông!
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị nhiệt thành cải tổ luôn biết chọn thời điểm và nhất là đi theo đúng đường hướng của Thiên Ý.
Suy niệm 5: Khó khăn
Đức Giám Mục Josaphat phải đối diện với nhiều khó khăn.
Có thể nói giáo hội lúc ấy thật thối nát, giáo sĩ tái hôn đến hai ba lần, và họ không lo lắng gì đến việc mục vụ hoặc đời sống gương mẫu. Trong vòng ba năm, Đức Giám Mục Josaphat phải chấn chỉnh lại giáo hội qua các thượng hội đồng, phân phát sách giáo lý khắp nơi, và áp đặt những quy luật cho hàng giáo sĩ. Nhưng đáng kể hơn cả là chính đời sống của ngài mà hầu như lúc nào cũng đi rao giảng, giáo dục đức tin, thăm viếng những kẻ đau ốm.
Bất kể công việc và tiếng tăm của Đức Giám Mục Josaphat, những người Chính Thống Giáo ly khai đã bầu một tổng giám mục của họ ngay ở cùng một thành phố. Thật đau lòng cho Đức Giám Mục Josaphat khi thấy những người ngài phục vụ bị phân ly trong những cuộc bạo loạn. Ngay cả giáo phận cũ của ngài ở Vitebsk cũng chống đối sự hợp nhất và chống chính ngài. Đau khổ hơn cả, là chính người Công Giáo mà ngài tìm cách hợp nhất cũng chống đối ngài, chỉ vì họ không thích lễ điển Byzantine mà ngài chủ trương thay vì lễ điển Rôma. Vì sợ hãi hoặc vì ngu dốt, vị chưởng ấn của Lithuania, tin lời đồn đãi rằng ngài xúi giục dân chúng nổi loạn, nên thay vì giúp đỡ thì lại lên án Đức Giám Mục Josaphat. Thực sự ngài chỉ dùng đến quyền lực khi các người ly khai chiếm nhà thờ Mogilev và ngài xin nhà cầm quyền giúp phục hồi lại quyền bính.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấu hiểu rằng đời người không thiếu những khó khăn, điều quan trọng là đón nhận và vượt qua.
Suy niệm 6: Đích thân
Đức Giám Mục Josaphat quyết định trở về Vitebsk để đích thân lắng dịu vấn đề. Ngài biết rất nguy hiểm nhưng cho biết: "Nếu tôi xứng đáng được phúc tử đạo, thì tôi không sợ chết."
Những người ly khai coi đây là cơ hội để trừ khử Josaphat và làm ngài mất uy tín nếu họ xúi giục được phe của ngài nổi loạn trước và coi đó là cái cớ để chống lại. Sự đe dọa tính mạng của ngài quá lộ liễu đến nỗi ngài phải lên tiếng: "Quý vị muốn giết tôi sao. Quý vị phục kích tôi trên đường phố, trên cầu cống, trong chợ búa, ở khắp mọi nơi. Chính tôi đây. Tôi đến với quý vị như một mục tử. Quý vị biết là tôi rất vui mừng để hy sinh cho quý vị. Tôi sẵn sàng chết cho sự hợp nhất của Giáo Hội dưới quyền Thánh Phêrô và các giáo hoàng kế vị."
Khi người ly khai thấy kế hoạch thất bại, họ lập mưu bằng cách đưa một linh mục tên Elias đến nơi tụ họp của phe đức giám mục để lên tiếng sỉ vả bất cứ ai đi ngang qua, nhất là vu khống Đức Giám Mục Josaphat và Giáo Hội Công Giáo, cốt để chọc tức. Biết được thâm ý của họ, Đức Giám Mục Josaphat giữ im lặng và cầu nguyện nguyên ngày. Qua ngày hôm sau, Elias lại đến nữa và các người phục dịch của đức giám mục đã bắt nhốt Elias trong một căn phòng khi ngài đi vắng. Trở về nhà, thấy vậy ngài đã mở cửa phòng cho Elias trốn đi. Nhưng đã quá trễ. Đám ly khai chỉ chờ có thế để báo động cả thành phố đến bao vây với gậy gộc trên tay.
Khi bước ra sau vườn, ngài thấy đám du côn đánh đập các người phục dịch và các linh mục khác, ngài lớn tiếng kêu: "Này các con, các con làm gì những người đó vậy? Nếu các con muốn chống đối cha, thì có cha đây, đừng đụng đến những người ấy!" Sau tiếng hô to: "Hãy giết tên theo giáo hoàng", bọn họ đánh đập Đức Giám Mục Josaphat với gậy gộc, sau đó họ dùng rìu và cuối cùng bắn vào đầu ngài. Thi thể đầy máu của ngài bị họ kéo lê ra sông và quăng xuống đó cùng với xác con chó của ngài.
Những anh hùng vô danh trong thảm kịch này là các người Do Thái ở Vitebsk. Họ đã liều mạng xông vào tòa giám mục để can gián và cứu những người trong tòa giám mục khỏi bị sát hại. Nhờ sự can đảm của họ, nhiều người đã được cứu sống. Cũng chính những người Do Thái này đã công khai lên án các tên sát nhân và thương tiếc Đức Giám Mục Josaphat, trong khi người Công Giáo ở thành phố lại trốn chui trốn nhủi vì sợ hãi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị chủ chăn theo gương Chúa đích thân và tiên phong lên đường đi vào cuộc tử nạn vì đàn chiên (Mc 10,32).