Suy niệm lễ kính _ 21/11

LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH VÀO ĐỀN THÁNH
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Ngày lễ Đức Mẹ dâng mình được cử hành ở Giêrusalem từ thế kỷ thứ sáu, và một nhà thờ được xây cất ở đây để kính nhớ. Giáo Hội Đông Phương rất tha thiết với ngày lễ này, trong khi Giáo Hội Tây Phương chỉ mừng lễ này vào thế kỷ 11. Sau đó, có quãng thời gian không thấy ngày lễ này trong niên lịch phụng vụ, và mãi cho đến thế kỷ 16, lễ này mới được chính thức đưa vào lịch Giáo Hội.
Như sự sinh hạ của Đức Maria, chúng ta biết về việc dâng Đức Mẹ vào đền thờ cũng qua các văn bản được gọi là ngụy thư. Trong một văn bản không có giá trị lịch sử là Tin Mừng Tiên Khởi của Giacôbê cho chúng ta biết, khi Đức Maria lên ba tuổi, Thánh Anna và Thánh Gioankim đã lên Đền Thánh để dâng ngài cho Thiên Chúa. Điều này được thực hiện là vì một lời hứa với Thiên Chúa của Thánh Anna khi ngài còn hiếm muộn.
Mặc dù không có giá trị lịch sử, việc dâng Đức Maria vào đền thánh mang ý nghĩa thần học quan trọng. Ngày lễ này được coi như tiếp nối lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội và lễ sinh nhật của Đức Maria. Nó nói lên sự thánh thiện được trao ban cho Đức Maria từ lúc lọt lòng, qua thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.
Suy niệm 1: Nguồn gốc Ngày lễ
Ngày lễ Đức Mẹ dâng mình được cử hành ở Giêrusalem từ thế kỷ thứ sáu.
Nguồn gốc thánh lễ hôm nay là ngày thánh hiến một giáo đường tôn kính Đức Trinh Nữ Maria tại Giêrusalem. Thánh lễ này đã có từ thế kỷ thứ VI trong Giáo hội Đông Phương và được mừng kính như một lễ về Đức Mẹ. Việc Mẹ Thiên Chúa bước vào đền thờ, có nghĩa là việc ông Gioankim và bà Anna, cha mẹ của Đức Trinh Nữ đem và dâng Đức Maria cho Thiên Chúa trong Đền thờ. Truyền thuyết này dựa theo quyển ngụy thư “Phúc Âm thánh Giacôbê”. Giáo Hội Rôma phủ nhận thánh lễ này lúc ban đầu, vì nội dung không đúng tập tục của Thánh Kinh, nhưng từ thế kỷ XIV lại đón nhận và phổ biến rộng rãi.
Đôi khi thật khó để người Tây Phương quý trọng ngày lễ này. Tuy nhiên, Giáo Hội Đông Phương thật dễ đón nhận ngày lễ này và có lúc còn bó buộc phải cử mừng. Mặc dù ngày lễ không có căn bản lịch sử, nó nói lên một chân lý về Đức Maria: Ngay từ lúc đầu đời, ngài đã được dâng hiến cho Thiên Chúa. Chính ngài trở nên một đền thờ cao trọng hơn bất cứ đền thờ nào khác do tay con người làm ra. Thiên Chúa đã đến ngự trong bản thân ngài qua một phương cách kỳ diệu, và thánh hóa ngài vì vai trò độc đáo của ngài trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Đồng thời, sự tráng lệ của Đức Maria lại ảnh hưởng đến con cái của ngài. Họ cũng là những đền thờ của Thiên Chúa và được thánh hóa để có thể vui hưởng và chia sẻ trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, nguyện xin Chúa nhận lời Đức Mẹ chuyển cầu và ban cho chúng con được dư đầy ơn phúc.
Suy niệm 2: Ngụy thư
Chúng ta biết về việc dâng Đức Mẹ vào đền thờ cũng qua các văn bản được gọi là ngụy thư.
Biến cố Trinh Nữ Maria dâng mình trong Đền thờ chỉ được dã sử theo Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê trình thuật tỉ mỉ: "Thánh Gioakim và Thánh Anna son sẻ. Khi một thiên thần hiện ra với Thánh Anna, bà hứa nếu sinh được một người con, bà sẽ dâng cho Chúa. Khi sinh ra Nhi Nữ Maria, bà Anna không cho sơ sinh Maria được tẩy uế theo luật. Ngày tháng qua, Nhi Nữ Maria lên hai tuổi, Thánh Gioakim nói với Thánh Anna: 'Chúng ta hãy đưa Con trẻ lên đền để thể hiện lời hứa của chúng ta, không thì Chúa sẽ giáng hoạ trên chúng ta, và của lễ chúng ta không được chấp nhận.' Thánh Anna trả lời: 'Chúng ta hãy đợi đến năm thứ ba, để Con trẻ không còn lưu luyến cha mẹ.' Thánh Gioakim nói: 'Được!' Và khi Nhi Nữ Maria lên ba tuổi, Thánh Gioakim nói: 'Chúng ta hãy gọi các thiếu nữ Do Thái trinh trong đến và cho mỗi cô một cây đèn thắp sáng để Con trẻ hướng về Đền thờ, không lưu luyến ngó lại.' Và tất cả lên đền. Thầy tư tế ôm hôn và chúc lành Nhi Nữ Maria và nói: 'Chúa đã ca ngợi danh Con giữa mọi thế hệ. Vì Con, Chúa sẽ tỏ lộ ơn Cứu độ cho con cái Israel cho đến ngày tận thế. Rồi thầy tư tế đặt Con trẻ lên cấp thứ ba của bàn thờ và Thiên Chúa đổ ơn xuống trên Con trẻ làm cho Con trẻ nhảy mừng. Toàn thể nhà Israel yêu mến Nhi Nữ Maria. Cha mẹ Nhi Nữ ngạc nhiên, chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa toàn năng, vì Nhi Nữ không trở về với các ngài nữa. Nhi Nữ Maria ở trong Đền thờ được nuôi dưỡng như một chim bồ câu do tay một thiên thần'".
Nói về lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, đức giáo hoàng Phaolô VI viết : "Những lễ dựa trên lời truyền khẩu, nhưng có giá trị gương mẫu cao và đươc Giáo hội Đông phương đặc biệt mừng kính từ xa xưa, đó là lễ Đức Maria dâng mình và đền thánh". Việc Đức Mẹ dâng mình và đền thánh dựa trên sự kiện này, là luật cũ đã nhận các trinh nữ tự hiến mình cho Thiên Chúa tại đền thành. Hơn nữa Đức Trinh nữ còn được đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội ngay từ buổi đầu thai. Sư trinh trong này có thể dẫn tới hiệu quả là trí khôn Đức Maria đã phát triển sớm hơn bình thường, vì không bị ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ. Bởi đó, người ta cho rằng, Mẹ đã dâng mình cho Chúa rất sớm, ngay khi trí khôn ngài có khả năng hiểu biết. Cuốn ngụy thư "Phúc âm về cuộc sinh hạ của Đức Maria" còn cho rằng ngài đã thực hiện cuộc dâng hiến này khi mới ba tuổi. Giottô trong một bức họa đã diễn tả Đức Maria trong những bước chân mạnh mẽ tiến vào đền thánh. Trong niềm tin này, người Hy lạp, Armênia và Latinh, đều mừng lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thánh vào ngày 21 tháng 11 hàng năm. Simon Métaphrate cho rằng lễ mừng đã được thiết lập vào năm 730 ở Constantinople. Năm 1143, hoàng đế Emmanuelđã xếp vào số các lễ được Giáo hội khắp nơi biết đến. Vị đại sứ của vua Chypre bên đức giáo hoàng Grêgoriô XI (ở Avignon) đã thuyết phục, để giáo triều với đức Sixtô IV chấp nhận lễ này từ năm 1372. Kể từ đó, ở nhiều vương quốc và nhiều nhà thờ đã mừng long trọng theo sách nguyện Rôma. Đức giáo hoàng Pio V bãi bỏ và được đức Sixtô V tái lập. Nhiều nhà dòng đã chọn lễ này làm ngày khấn dòng hay lặp lại lời khấn cho các tu sĩ. Cùng với Đức Maria, chúng ta cũng dâng mình cho Chúa một cách mau mắn và quảng đại.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cùng với Đức Maria, chúng con cũng dâng mình cho Chúa một cách mau mắn và quảng đại.
Suy niệm 3: Thánh kinh diễn tả
Mặc dù không có giá trị lịch sử, việc dâng Đức Maria vào đền thánh mang ý nghĩa thần học quan trọng.
Cựu ước. Ngôn sứ Giacaria tiên tri: "Hãy nhiệt liệt nhảy mừng, hỡi thiếu nữ Sion!" (9:9). "Hãy reo lên, hãy vui mừng, hỡi nữ tử Sion!" (2,14). Và Sôphônia tiên báo: "Hãy reo lên, thiếu nữ Sion!" (3,14). Theo một số nhà diễn giải Thánh Kinh, tư tưởng "vui mừng" trong những lời tiên tri trên đây trùng hợp với tư tưởng "vui lên" trong Thánh sử Luca 1,28: "Vào nơi Trinh Nữ Maria ở, thiên thần nói: "Vui lên! Hỡi Người đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Người". Do đó, thiếu nữ Sion là hình ảnh Trinh Nữ Maria. Công Đồng Vaticanô II cũng gọi Người là Thiếu Nữ Sion với những lời đẹp đẽ sau đây: "Người (Đức Maria) trổi vượt trên các người nghèo khó và khiêm nhượng của Chúa, là những người tin tưởng hy vọng và lãnh nhận ơn Cứu rỗi nơi Chúa... Sau thời gian lâu dài trông đợi lời hứa được thực hiện, thời gian đã nên trọn và nhiệm cuộc mới được thiết lập với Người, người Thiếu Nữ Sion cao sang..." (LG 55). Như vậy, Mẹ Maria bắt đầu tham dự vào nhiệm cuộc Cứu rỗi của Con Mẹ từ khi Mẹ dâng mình trọn vẹn cho Thiên Chúa trong Đền thờ rồi được chào mừng: "Vui lên! Hãy nhiệt liệt vui mừng!"
Tân ước. Trong Thánh sử Matthêu 12,46-49: "Chúa Giêsu đang nói với dân chúng... có kẻ thưa Ngài rằng: Mẹ Thầy và anh em Thầy đứng ngoài tìm cách nói với Thầỵ. Đáp lại, Ngài bảo: 'Ai là Mẹ Ta và ai là anh em Ta?' Và giơ tay chỉ các môn đệ, Ngài nói: 'Này là Mẹ Ta và anh em Ta'". Chúa có ý nói rằng ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải từ bỏ mối liên hệ gia đình để thuộc trọn về Thiên Chúa, nhất là từ khi còn nhỏ. Như vậy đối với Trinh Nữ Maria, lý tưởng thuộc trọn về Chúa là tuyệt đối và là thực tại sâu xa nhất của đời sống Người. Và Mẹ bắt đầu sống lý tưởng đó từ khi lên ba tuổi, khi Mẹ dâng mình cho Chúa trong Đền thờ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương Đức Maria dâng mình trọn vẹn cho Thiên Chúa.
Suy niệm 4: Thánh truyền lưu ngôn
Mặc dù không có giá trị lịch sử, việc dâng Đức Maria vào đền thánh mang ý nghĩa thần học quan trọng.
Theo luật Maisen và lời khấn hứa với Thiên Chúa, hai Thánh Gioakim và Anna đã dâng Ấu Nhi Maria cho Thiên Chúa. Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê cho biết Trinh Nữ Maria khi vừa lên 3 tuổi đã được cha mẹ dâng vào Đền thờ Giêrusalem. Tuy còn thơ bé nhưng đã đầy ơn Chúa, Nữ Nhi Maria sung sướng thoăn thoắt bước thang lên đền. Trong dịp đặc biệt này, Nữ Nhi Maria đã khấn cùng Chúa trọn đời sống đồng trinh, tự dâng mình toàn hiến phụng sự Chúa và hoan hỉ ở lại chung sống với các trinh nữ trong Đền thờ. Việc Đức Mẹ dâng mình vào Đền thờ Giêrusalem đã được Thánh Evodiô ghi chép. Thánh Evodiô là một trong bảy mươi hai môn đệ của Chúa Giêsu và là Giám mục thành Antiokia trước Thánh Inhaxiô. Theo truyền thống của Giáo hội, việc Đức Mẹ dâng mình vào Đền thờ là mẫu gương tận hiến phụng sự Chúa cho các linh hồn tận hiến như linh mục, tu sĩ nói riêng, và lứa tuổi thanh xuân nam nữ nói chung.
Theo Thánh Đamascenô, Nữ Nhi Maria lớn dần với đầy đủ mọi nhân đức, bỏ ngoài những tư tưởng phàm tục mà chỉ hưởng hương thơm Thiên đàng, và chân Người nghiêm chỉnh đi trong đường lối giới luật Chúa. Người sống rất gương mẫu về công, dung, ngôn, hạnh, biểu lộ một vẻ diễm lệ "mười phân vẹn mười." Với y phục nết na, dáng điệu đoan trang, tiếng nói dịu dàng, gương mặt tươi sáng luôn phản chiếu một tâm hồn trinh trong đầy đức, xứng đáng với chức phẩm Thiên Mẫu mai sau.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con làm mới lại mỗi ngày lời quyết tâm dâng mình cho Chúa khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội.
Suy niệm 5: Lịch sử Phụng Vụ
Mặc dù không có giá trị lịch sử, việc dâng Đức Maria vào đền thánh mang ý nghĩa thần học quan trọng.
Bên Đông phương, lễ Mẹ dâng mình đã có từ thế kỷ VII, và liên quan tới lễ cung hiến Đền Thờ mới của Đức Trinh Nữ Maria tại Giêrusalem. Đền thờ này được hoàng đế Giustianô (527-565) kiến thiết. Nhưng rồi thánh đường này bị quân Ba Tư tàn phá. Thánh Grêgôriô Nyssa, Thánh Grêgôriô Nazian, Thánh Epiphanô, Thánh Gioan Kim khẩu đã giảng thuyết về lễ Đức Mẹ dâng mình. Đến thế kỷ VIII Thánh Germanô, Thượng phụ Giáo chủ Constantinopoli kiến thiết một đền thờ khác cung hiến và dâng lễ Đức Mẹ dâng mình. Sang thế kỷ IX, Giáo chủ George Nicomedia (chết sau 880) soạn kinh lễ Đức Mẹ dâng mình. Đức Phaolô VI chứng nhận lễ Mẹ dâng mình phát xuất từ Đông phương. Ngài viết: "Còn có những lễ dựa theo truyền khẩu có giá trị tuyệt diệu và gương mẫu và tiếp tục truyền thống đáng kính có ngọn nguồn đặc biệt từ Đông phương, như lễ Rất Thánh Trinh Nữ Maria dâng mình ngày 21 tháng 11".
Bên Tây Phương, lễ Đức Mẹ dâng mình được mừng tại các đan viện miền Nam nước Ý từ thế kỷ IX và bên Anh từ thế kỷ XIV. Quãng năm 1371, Sứ thần Toà thánh tên là Philippê de Maizières tại đảo Cyprô nhận thấy lễ Đức Mẹ dâng mình được mừng trọng thể tại đây, ngài đã xin với Đức Grêgôriô XI ban phép mừng tại giáo triều Avignon (Pháp). Năm 1472 Đức Sixtô IV truyền dạy lễ này được mừng khắp Giáo hội vào ngày 21 tháng 11 hằng năm, nhưng Đức Thánh Piô V đã đình chỉ lại. Năm 1585 Đức Sixtô V đã tái lập lại lễ này.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn học lấy cái hay của người, như một biểu lộ đã dâng mình trọn vẹn cho Chúa không giữ lại cho mình chút gì.
Suy niệm 6: Ý nghĩa phụng vụ
Mặc dù không có giá trị lịch sử, việc dâng Đức Maria vào đền thánh mang ý nghĩa thần học quan trọng.
Đức Trinh Nữ Maria dâng mình trong Đền thờ để trọn đời hiến thân cho Thiên Chúa, và phục vụ công trình cứu chuộc loài người. Thiết lập Lễ Đức Mẹ dâng mình, Giáo hội cảm tạ Thiên Chúa đã tuyển chọn Đức Trinh Nữ Maria trong hàng con cái loài người. Chuẩn bị người lên chức phẩm cao sang làm Mẹ Chúa, và đồng công cộng tác trong công cuộc Cứu thế. Đồng thời, Giáo hội tôn vinh ngợi khen Đức Trinh Nữ đã sẵn lòng tuyệt đối tận hiến mình cho Thiên Chúa và Giáo hội cũng khuyến khích mọi người noi gương Mẹ dâng mình cho Chúa, để sống với Chúa và cho nhiệm cuộc cứu rỗi của Người.
Ngày nay có những dòng tu và từng đoàn người giáo dân nô nức hướng theo lý tưởng cao quí đó bằng việc tận hiến cho Đức Mẹ, để noi gương Mẹ toàn hiến cho Chúa Giêsu. Với những tâm hồn tận hiến như Mẹ Maria, Thiên Chúa được phụng thờ trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23). Cũng như Mẹ Maria, họ áp dụng lời dân Do Thái hứa với ông Maisen: "Mọi điều Thiên Chúa phán, chúng tôi sẽ thi hành và nghe theo" (Xh 24,7). Họ cũng vâng nghe lời Mẹ dạy: "Các con hãy làm bất cứ điều gì Người bảo các con" (Ga 2,5) nghĩa là vâng giữ chẳng những các lời dạy, mà cả những lời khuyên của Phúc Âm. Lời Chúa khuyên dạy quan trọng nhất là: "Các con hãy nên thánh vì Ta là Thánh" (Lv 19,2). Lời này gồm hai ý nghĩa: Thiên Chúa thánh hiến các linh hồn tận hiến để họ chia sẻ sự thánh thiện của Người và ngoan ngoãn đáp lại việc ưu tuyển của Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đáp lại lời Thánh Anphong kêu gọi: "Chúng ta hãy mô phỏng Nữ Nhi chí thánh Maria. Mẹ đã mau mắn và tận hiến toàn thân cho Chúa. Hôm nay chúng ta cũng hãy mau mắn tận hiến toàn thân chúng ta cho Mẹ, và cầu xin Mẹ dâng chúng ta lên Thiên Chúa. Chúng ta đừng sợ Chúa sẽ xua đuổi chúng ta, một khi thấy chúng ta được hiến dâng lên qua tay Mẹ Maria là Đền Thờ của Chúa Thánh Linh, là nguồn hoan lạc của Chúa, và là Mẹ tuyệt vời của Ngôi Lời vĩnh cửu. Chúng ta hãy cậy trông rất nhiều nơi Nữ Vương cao cả và uy linh của chúng ta".