NGÀY 8/10
THÁNH GIOAN LEONARDI
(1541?-1609)
Lược sử
Thánh Gioan Leonardi sinh ở Diecimo, nước Ý. Ngài làm phụ tá thầy thuốc ở
Lucca, đi tu và thụ phong linh mục năm 1572. Sau khi chịu chức, ngài rất tích
cực hoạt động tông đồ, nhất là ở bệnh viện và nhà tù.
Phấn khởi với luồng gió cải cách mà Công Đồng Triđentinô đề ra, Cha Gioan
và các linh mục bạn đề nghị một tổ chức cho các linh mục triều. Vào năm 1621,
tổ chức này được chính thức đặt tên là Các Tu Sĩ Chuyên Nghiệp của Mẹ Thiên
Chúa.
Ngài chết khi mới 68 tuổi vì bị lây bệnh dịch khi chăm sóc các bệnh nhân ở
Rôma. Ngài được sùng kính vì những phép lạ và lòng đạo đức nhiệt thành của
ngài, và được coi là một trong những sáng lập viên của Thánh Bộ Truyền Bá Đức
Tin. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1938.
***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
Suy niệm 1: Thầy thuốc
Thánh Gioan Leonardi sinh ở Diecimo, nước Ý. Ngài làm phụ tá thầy thuốc ở
Lucca, đi tu và thụ phong linh mục năm 1572.
Là một thầy thuốc, ngài chuyên tâm điều trị các căn bệnh nhằm chấm dứt
những đau đớn tác động trên thân xác các bệnh nhân. Ngài cảm nhận được tầm ảnh
hưởng không nhỏ của sức khoẻ thể xác trên tinh thân con người, vì con người là
một hữu thể gồm có cả xác và hồn.
Thật thế một chiếc răng đau cũng làm cho đầu óc bệnh nhân quay cuồng không
thể cầm trí hay suy nghĩ gì được. Một học sinh bị tai nạn trên đường đến trường
phải được điều trị ở bệnh viện đành chấp nhận bỏ học thậm chí bỏ cả thi cử
trong suốt thời gian ấy. Đúng là lực bất tòng tâm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhất là giới trẻ đừng ỷ lại vào sức
khoẻ đang tốt để rồi lãng phí vào các cuộc vui chơi không lành mạnh.
Suy niệm 2: Linh mục
Thánh Gioan Leonardi sinh ở Diecimo, nước Ý. Ngài làm phụ tá thầy thuốc ở
Lucca, đi tu và thụ phong linh mục năm 1572.
"Tôi chỉ là một con người! Tại sao tôi phải làm mọi việc? Điều đó có
ích gì cho tôi?" Ngày nay, cũng như bất cứ thời đại nào, người ta thường
cảm thấy khó chịu khi rơi vào tình trạng khó xử vì bị liên lụy. Nhưng Thánh
Gioan Leonardi đã trả lời những câu hỏi trên trong một phương cách độc đáo.
Ngài chọn trở nên một linh mục.
Ngoài lý do nhằm trả lời cho những vấn nạn đến trong cuộc đời, một nguyên
nhân khác khiến ngài chọn con đường làm linh mục, đó là việc ngài đang hành
nghề y. Qua kinh nghiệm, ngài nhận thấy yếu tố tâm linh cũng đóng góp một phần
đáng kể trong việc điều trị bệnh nhân, nếu không nói đền một số bệnh tâm lý.
Mỗi người có thể làm được những gì? Theo ý định và hoạch định của Thiên
Chúa cho mỗi người, điều chúng ta có thể làm thì ngoài sức tưởng tượng của
chúng ta. Mỗi người, như Thánh Gioan Leonardi, có một nhiệm vụ phải chu toàn
trong hoạch định của Thiên Chúa cho thế gian. Mỗi người chúng ta thì độc đáo và
được ban cho các khả năng để phục vụ anh chị em chúng ta trong việc xây dựng
Nước Trời.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sử dụng hết khả năng Chúa ban dầu chỉ
là một nén, và cọng tác vào ơn Chúa vì ơn Chúa luôn đủ thì sẽ làm được những
điều hữu ích cho xã hội và Giáo Hội.
Suy niệm 3: Hoạt động tông đồ
Gioan Leonardi rất tích cực hoạt động tông đồ.
Là một linh mục xuất thân từ nghành y, ngài thấu hiểu nỗi đau của các bệnh
nhân thân xác lẫn tâm lý. Vì thế ngài mở đường hướng hoạt động tông đồ ở lãnh
vực bệnh viện và nhà tù, một cách tích cực đến mức cuối cùng ngài chết khi mới
68 tuổi vì bị lây bệnh dịch, khi chăm sóc các bệnh nhân ở Rôma.
Sự tận tụy và gương mẫu đời sống của ngài đã thu hút vài người trẻ, và họ
bắt đầu tiếp tay với ngài. Sau này chính họ cũng trở thành linh mục. Cùng với
họ, ngài đi giảng dạy giáo lý cho thanh thiếu niên và chuẩn bị hành trang đức
tin cho những người trưởng thành, có đủ đức tin, có đủ kiến thức để đương đầu
với những trào lưu của thệ phả, của tin lành đang lan tràn. Ngài nhiệt thành,
hăng say chống lại các tệ đoan xã hội, chống lại những thói hư tật xấu của con
người trong tập thể, ngoài xã hội.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhiệt thành và hăng say trong nỗ lực
đẩy lùi bệnh tật thể xác và tinh thần.
Suy niệm 4: Công Đồng Triđentinô
Phấn khởi với luồng gió cải cách mà Công Đồng Triđentinô đề ra.
Công Đồng Triđentinô là Công Đồng Chung thứ 19 của Giáo Hội Công Giáo Rôma,
nhằm khôi phục sự hiệp nhất của Giáo Hội trước thảm họa của giáo phái Tin Lành,
được Đức Giáo Hoàng Paul III triệu tập ngày 22/5/1542, nhưng chỉ được bắt đầu
vào ngày 13/12/1546. Công Đồng kéo dài 18 năm với 25 khóa họp và dưới triều đại
của 5 vị Giáo Hoàng (Đức Paul III, Đức Jules III, Đức Marcel II, Đức Paul IV và
Đức Pie IV).
Nhằm đối phó với Tin Lành, Công Đồng Triđentinô có những quyết định về một
số giáo điều: Tội Nguyên Tổ, Sự Công Chính Hóa, Thẩm Quyền Kinh Thánh, Bảy Bí
Tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể. Đồng thời Công Đồng Triđentinô cũng thống
nhất vấn đề thiết lập các chủng viện địa phận để đào tạo các linh mục.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín về giá trị của các Công Đồng
bằng việc tích cực học hỏi, đào sâu và thực hành trong cuộc sống.
Suy niệm 5: Các Tu Sĩ Chuyên Nghiệp
của Mẹ Thiên Chúa
Tổ chức này được chính thức đặt tên là Các Tu Sĩ Chuyên Nghiệp của Mẹ Thiên
Chúa.
Hồi đó tại Lucca, tinh thần đạo đức của dân chúng còn bị hoang mang vì lạc
thuyết của Bernađinô thành Sienne gieo vãi. Là linh mục còn đầy nhiệt huyết,
Cha Gioan đã tìm cách chấn hưng bằng việc chăm lo giảng dạy và ngồi tòa. Hơn
nữa Cha còn lập “hội giáo lý” quy tụ những người có thiện chí lo việc dạy giáo
lý cho các thanh thiếu niên. Tuy nhiên, là giáo dân, các hội viên của hội giáo
lý còn bị nhiều giới hạn và không thể làm được hết mọi việc. Năm 1574, ngài
thành lập một hội dòng, đặt trụ sở tại nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi.
Vào năm 1583, tổ chức của ngài được Đức Giám Mục Lucca công nhận với sự phê
chuẩn của Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII. Cha Gioan được sự trợ giúp của Thánh
Philíp Nêri và Thánh Giuse Calasanctius, và vào năm 1595, tổ chức này được Đức
Giáo Hoàng Clêmentê VIII châu phê luật dòng, và đức giáo hoàng đã giao cho Cha
Gioan công việc chấn chỉnh các tu sĩ ở Vallombrosa và Monte Vergine. Vào năm
1621, tổ chức này được Đức Phaolô V chính thức đặt tên là Các Tu Sĩ Chuyên
Nghiệp của Mẹ Thiên Chúa. Năm 1626, Đức Grêgôriô XV đặt tu hội ngang hàng với
các dòng tu kỳ cựu khác.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn gắn kết với Đức Kitô nhờ Mẹ Maria
để giữ vững đức tin dầu gặp phải bao phong ba bảo tố.
Suy niệm 6: Thánh Bộ Truyền Bá Đức
Tin
Cha Gioan Leonardi được coi là một trong những sáng lập viên của Thánh Bộ
Truyền Bá Đức Tin.
Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV chú trọng đặc biệt việc truyền giáo và thiết lập
(Ủy Ban Truyền Bá Đức Tin) Thánh Bộ Truyền Giáo, với mục đích nuôi dưỡng và
phối hợp với các trụ sở truyền giáo đây đó trên toàn thế giới. Thánh Bộ Rôma
được ngài thành lập ngày 22/6/1622 qua Tông Hiến Inscrutabili Divinae
Providentiae. Mục đích là để đảm bảo việc truyền bá đức tin trong thế giới và
cai quản những Hội truyền giáo hoặc các Giáo Hội phụ thuộc. Tiền thân là Ủy Ban
các Hồng Y do Đức Piô V và Đức Grêgôriô XIII thành lập vào thời hậu Công Đồng
Triđentinô. Ngày nay người ta gọi Thánh Bộ này Thánh Bộ Phúc Âm Hóa thế giới.
Thật vậy năm 1622 là khúc ngoặc quan trọng trong lịch sử truyền giáo của
Hội Thánh. Trước những lạm dụng của các vị vua Bảo Trợ, Tòa Thánh lấy lại quyền
điều hành việc truyền giáo, và thiết lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin. Thánh Bộ
đã kiểm tra lại toàn bộ sinh hoạt truyền giáo trên thế giới, và cung cấp nhiều
phương tiện truyền giáo như mở nhà in đa ngữ, hỗ trợ tài chính, gởi các sách
phụng vụ và giáo lý, lập chủng viện Urbano 1627, để đào tạo các chủng sinh ở
các miền truyền giáo gởi về, lập ra chức Giám Quản Tông Tòa cho các Giám Mục
miền truyền giáo, trực thuộc Tòa Thánh.
Phương pháp truyền giáo ở các nơi đều phải tuân theo sự hướng dẫn của Thánh
Bộ, dựa trên bản Huấn Thị 1659, với những chỉ thị tích cực:
Các thừa sai phải được huấn luyện theo luật bác ái Tin Mừng, biết thích
nghi với phong tục và tính tình người khác… Công việc trước mắt của chư huynh
là đưa những người địa phương xứng đáng lên chức Linh Mục và cả Giám Mục nữa…
Hãy rao giảng cho tín hữu bổn phận trung thành với chính quyền… Đừng đưa vào
nước họ đất nước của mình mà là Đức Tin. Đức Tin này không hề khai trừ hay làm
tổn thương những nghi lễ tập tục của bất cứ dân tộc nào cả.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tuân thủ nghiêm túc các chỉ thị
tích cực của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin.