NGÀY 4/10
THÁNH PHANXICÔ ASSISI
(1182-1226)
Lược sử
Thánh Phanxicô Assisi là
một người nghèo hèn nhưng đã làm bàng hoàng và phấn chấn Giáo Hội bởi ngài sống
sát với phúc âm-không trong ý nghĩa cực đoan, nhưng thực sự sống theo những gì
Đức Giêsu Kitô đã nói và hành động, một cách vui vẻ, không giới hạn và không
một chút tự tôn.
Cơn trọng bệnh đã giúp
chàng thanh niên Phanxicô nhận ra sự trống rỗng của một đời sống vui nhộn khi
còn là người lãnh đạo nhóm trẻ ở Assisi.
Từ thánh giá trong một
nguyện đường bỏ hoang ở San Damiano, Đức Kitô nói với ngài, "Phanxicô, hãy
đi xây dựng nhà của Thầy, vì nó đã gần sụp đổ." Phanxicô trở nên một người
hoàn toàn khó nghèo và là người lao động thấp hèn.
Trong những năm cuối cùng
của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng.
Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương thực sự
của Đức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài.
Trong giờ phút cuối cùng,
ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, "Ôi lạy Chúa,
con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần." Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã
đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần
truồng trên mặt đất, giống như Đức Giêsu Kitô.
***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
Suy niệm 1: Nghèo hèn
Thánh Phanxicô Assisi là
một người nghèo hèn nhưng đã làm bàng hoàng và phấn chấn Giáo Hội bởi ngài sống
sát với phúc âm.
Thánh Phanxicô Assisi trở
nên nghèo hèn chỉ vì ngài muốn giống Đức Kitô. Ngài yêu quý thiên nhiên vì đó
là một công trình mỹ miều của Thiên Chúa. Ngài hãm mình phạt xác để có thể hoàn
toàn phó thác cho thánh ý Chúa. Sự khó nghèo của ngài đi đôi với sự khiêm tốn,
mà nhờ đó ngài hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nhưng tất cả
những điều ấy chỉ để dẫn vào tâm điểm của đời sống tâm linh của ngài: sống đời
sống phúc âm, đã được tóm lược nơi lòng thương xót của Chúa Giêsu và được tỏ lộ
cách tuyệt hảo nơi bí tích Thánh Thể.
Thánh Phan-xi-cô được mời
gọi tiến tới một sự trần trụi tối thượng, một sự nghèo khó triệt để. Một sự
nghèo khó không chỉ liên quan đến của cải vật chất, nhưng đụng chạm đến bản
chất thâm sâu nơi con người. Thánh Phan-xi-cô tin tưởng lời Chúa. Và với đức
tin của người nghèo, ngài trao phó hoàn toàn Hội Dòng cũng như bản thân trong
bàn tay Thiên Chúa (Lạy Chúa con, Lạy Chúa con, Chúa là ai? Và con là ai?) Yêu
và yêu nhiều đều chưa đủ. Phải học trở nên nghèo khó trong tình yêu, nhất là
trong tình yêu. Không chiếm hữu sự gì. Không chiếm hữu người nào. Bấy giờ, tình
yêu mới đạt tới đỉnh trọn lành.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống
nghèo không chỉ liên quan đến của cải vật chất, nhưng đụng chạm đến bản chất
thâm sâu nơi con người.
Suy niệm 2: Phúc âm
Thánh Phanxicô Assisi là
một người nghèo hèn nhưng đã làm bàng hoàng và phấn chấn Giáo Hội bởi ngài sống
sát với phúc âm.
Thật vậy, Phan-xi-cô khám
phá thấy Đức Ki-tô khiêm nhường và nghèo hèn đang lần bước giữa loài người và
mặc khải cho họ tình yêu của Chúa Cha. Gương mẫu của Đức Ki-tô trở nên ánh sáng
chói loà cho đời sống ngài: ngài đặt gương mẫu ấy trên con đường đưa đến tình
huynh đệ đích thật. Phan-xi-cô dấn thân đến cùng trên con đường khó nghèo và
khiêm hạ. Và một đoàn mộn đệ sớm theo ngài. Điều lôi cuốn tất cả những người
nam và những người nữ chính là phẩm chất của lối sống mới mà ngài đề nghị, một
lối sống loại trừ mọi hình thức thống trị trong các tương quan nhân loại: tất
cả là anh em. Cũng vậy, trong lòng một Giáo hội còn mang tính phong kiến và
lãnh chúa trong cách thức cai quản và tương giao với con người, người con của
công xã, khi đọc Tin Mừng với một sự nhạy cảm của thời đại, đã tạo nên điều
mới; ngài khai sáng một nếp sống chung không có thống trị và ngôi thứ. Tóm lại,
ngài kiến tạo huynh đoàn.
Kinh nghiệm sống Tin Mừng
của thánh Phan-xi-cô không chỉ là một giai đoạn trong lịch sử ki-tô giáo nhưng
có giá trị mẫu mực và tiên tri. Kinh nghiệm đó là một sự đánh thức trong Giáo
Hội thế kỷ thứ 13 và hôm nay vẫn còn duy trì một năng lực đổi mới và trẻ trung
hoá. Thật thế, kinh nghiệm đó không ngừng lôi cuốn và gợi hứng cho một số đông
người nam nữ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không
chỉ nghe hoặc đọc Phúc Âm mà chủ yếu là sống.
Suy niệm 3: Trọng bệnh
Cơn trọng bệnh đã giúp
chàng thanh niên Phanxicô nhận ra sự trống rỗng của một đời sống vui nhộn khi
còn là người lãnh đạo nhóm trẻ ở Assisi.
Truyện kể rằng, một ngày
kia cơn bệnh nặng đã làm Phanxicô, một trong những tràng trai trẻ nổi bật ở
thành Assisi, nhìn thấy sự trống rỗng trong cuộc đời phóng túng của mình. Từ đó
chàng bắt đầu qùi gối cầu nguyện - chàng thường cầu nguyện lâu giờ và đôi khi
rất khó khăn - nhưng nhờ những giờ cầu nguyện với Chúa mà chàng đã nhìn ra được
viễn tượng là phải tự từ bỏ hết tất cả như chính Chúa Giêsu đã trút bỏ hết mọi
sự.
Thế rồi một ngày kia - có
thể gọi là cao điểm trên con đường kiếm tìm Chúa - là lúc mà Phanxicô gặp mặt
một người cùi trên đường, Phanxicô đã làm một quyết định ôm và ấp ủ người đó
vào lòng. Cử chỉ này biểu hiệu một sự tùng phục và dấn thân trọn vẹn của
Phanxicô đối với những gì mà Phanxicô đã nghe được trong lời cầu nguyện: “Hỡi
Phanxicô! Mọi sự mà con đã yêu thích và đã ước muốn nơi thân xác con, thì bổn
phận của con giờ đây là khinh bỉ và ghét bỏ nó, nếu con muốn biết được ý định
của Ta. Và khi con bắt đầu được, thì tất cả những gì mà giờ đây con xem là ngọt
ngào và yêu kiều đối với con, chúng sẽ trở nên không dung thứ và cay đắng,
nhưng tất cả những gì mà trước con thường tránh né thì giờ đây lại trở nên ngọt
ngào và vô cùng hoan lạc”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận
ra giá trị của bệnh tật trong kế hoạch tình thương và diệu kỳ của Chúa.
Suy niệm 4: Thánh giá
Từ thánh giá trong một
nguyện đường bỏ hoang ở San Damiano, Đức Kitô nói với ngài, "Phanxicô, hãy
đi xây dựng nhà của Thầy, vì nó đã gần sụp đổ." Phanxicô trở nên một người
hoàn toàn khó nghèo và là người lao động thấp hèn.
Chắc chắn ngài đã nghi
ngờ ý nghĩa sâu xa của câu "xây dựng nhà của Thầy." Nhưng ngài không
bằng lòng chấp nhận việc đi xin từng cục gạch về xây lại nguyện đường hoang phế
ấy. Ngài từ bỏ tất cả những gì ngài có, ngay cả đống quần áo ngài cũng trao lại
cho cha của mình (là người đòi Phanxicô bồi thường những gì ngài đã cho người
nghèo), để ngài hoàn toàn thuộc về "Cha trên trời." Câu cầu nguyện
thời danh của Phanxicô là “Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con thờ lậy và chúng con
chúc tụng Chúa, nơi đây và trong tất cả các nhà thờ trên thế giới, bởi vì Thánh
giá Chúa đã cứu chuộc thế giới”.
Thời gian ấy, ngài bị coi
là một người đạo đức "gàn dở", ngài đi ăn xin từng nhà khiến các bạn
cũ phải buồn rầu và ghê tởm, và bị những người thiếu suy nghĩ nhạo cười. Nhưng
sự thực dần tỏ lộ. Người ta bắt đầu nhận ra rằng con người này đang cố gắng trở
nên một Kitô Hữu đích thực. Ngài thực sự tin vào điều Đức Kitô dạy: "Hãy
đi công bố nước trời! Đừng mang theo vàng bạc, tiền của trong túi, đừng mang
theo bao bị, giầy dép, gậy gộc" (x. Lc 9,1-3).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết
luôn lắng nghe và thực hành lời Chúa mời gọi.
Suy niệm 5: Mù
Trong những năm cuối cùng
của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù .
Khi thấy bệnh đau mắt của
mình tới giai đoạn trầm trọng, Phanxicô phải để người ta mời một nhà phẫu thuật
đến chữa trị, mang theo một y cụ để nung đỏ trong lò lửa. Thấy vậy toàn thân
ngài run sợ hãi hùng. Để phục hồi dũng cảm, Phanxicô kêu gọi lửa: “Anh lửa ơi,
Đấng Tối cao đã ban cho anh một vẻ huy hoàng mà mọi tạo vật đều thèm muốn.
Người đã dựng nên anh là vật hữu ích, hùng mạnh và đẹp đẽ. Xin anh hãy đối xử
tốt và nhã nhặn đối với tôi, bởi lẽ cho tới nay tôi hằng yêu mến anh trong
Chúa. Nguyện xin Đức Chúa uy phong, là Thiên Chúa tạo ra anh, đoái thương làm
dịu bớt nhiệt tính của anh, hầu tôi đủ sức chịu đựng cái vuốt ve nóng bỏng của
anh”.
Cầu nguyện xong, thánh
Phanxicô làm dấu thánh giá chúc lành cho ngọn lửa và dũng cảm chờ đợi, không
run sợ nữa. Nhà giải phẫu cầm lấy y cụ đỏ rực. Anh em bỏ chạy không dám đứng
xem (…) Phanxicô mỉm cười bảo: “Sao anh em nhát gan, khiếp nhược thế ! Tôi bảo
thật các anh, tôi không cảm thấy bị bỏng, da thịt tôi không đau đớn !” Rồi quay
lại phía y sĩ, Phanxicô nói: “Nếu chưa đủ chín thì anh có thể làm nữa !” (2 Cel
166).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết
từ điều xấu rút ra điều tốt, từ sự dữ kéo ra sự lành, nhìn kẻ thù nhận ra bạn
hữu.
Suy niệm 6: Năm dấu thánh
Hai năm trước khi chết,
ngài được in năm dấu thánh.
Tháng tám năm 1224, hai
năm trước khi chết, thánh Phan-xi-cô cùng với các anh Lêô, Ăngrờ và Mátxêô lên
đường tiến về núi Anvécna, miền Tốtcan. Lên núi Anvécna, ngài có ý định chuẩn
bị mừng lễ Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bằng một mùa chay tự nguyện vì lòng
đạo đức. Nhưng khi vừa đến đây, ngài liền bị thu hút bởi cuộc khổ nạn của Chúa
Kitô. Và những suy tưởng về cuộc khổ nạn không rời bỏ ngài nữa. Cuộc khổ nạn
xuất hiện trong tâm trí ngài như một mặc khải về Tình yêu vô biên hằng thôi
thúc trọn cả con người ngài. Ngài cảm thấy nẩy sinh trong lòng một nỗi khao
khát vời vợi muốn kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Ngài cầu nguyện như
thế này: Lạy Chúa, ước gì mãnh lực nồng cháy và dịu dàng của tình yêu Chúa
chiếm ngự tâm hồn con và giải thoát tâm hồn con khỏi mọi sự dưới bầu trời này,
để con chết vì yêu Tình yêu của Chúa, như Chúa đã chết vì yêu tình yêu của con.
Thế rồi vào một buổi sáng
- vào dịp lễ suy tôn Thánh Giá - trong khi ngài cầu nguyện trên sườn núi, ngài
thấy từ trời xuất hiện một thực thể có cánh, một thực thể bằng lửa và ánh sáng:
thần Xêraphim có sáu cánh chói ngời như trong thị kiến của ngôn sứ Êdêkien. Đó
là một trong các thực thể bất tử chầu chực trước ngai Thiên Chúa và là sự chiếu
tỏa vinh quang của Người. Nhưng điều lạ lùng là những thực thể vinh quang và
sáng ngời ấy cũng đau khổ: tay chân đều bị đâm thâu.
Trước thị kiến ấy, tâm
hồn thánh Phanxicô như bị chia cắt bởi những tình cảm trái nghịch. Vẻ đẹp của
thần Xêraphim và ánh mắt dịu dàng của người làm cho thánh nhân chan chứa niềm
vui, nhưng sự đau đớn của đấng chịu đóng đinh đồng thời cũng khiến tâm trí ngài
rã rời. Một thực thể rạng ngời vinh quang như thế làm sao có thể chịu đau khổ
được? Thánh Phanxicô chỉ biết suy tưởng. Và bỗng nhiên, Đau khổ và Vinh Quang,
kết hợp với nhau một cách kỳ lạ trong thị kiến ấy, vồ bắt ngài như một con chim
săn mồi.
Thị kiến vụt tắt. Bấy
giờ, cúi mắt xuống, ngài thấy đôi tay và đôi chân đã bị đâm thủng. Vinh quang
Thiên Chúa đã chạm đến ngài. Ngài mãi mãi là con người bị đóng đinh. Tất cả
cuộc đời ngài là một sự chiêm ngưỡng Đức Kitô lâu dài và nồng nàn. Và sự chiêm
ngưỡng ấy kết cuộc đã biến đổi ngài hoàn toàn theo hình ảnh Đấng Chịu Đóng
Đinh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hằng
chiêm ngưỡng Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, để biết tự đóng đinh tính xác thịt của
chúng con (Gl 5,24).