HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ MỤC VỤ NĂM ĐỨC TIN
Kính gửi Cộng Đồng Dân Chúa tại Việt Nam
Anh chị em rất thân mến trong Đức Kitô,
Hội
Đồng Giám Mục Việt Nam họp Hội nghị thường niên kỳ II-2012 tại Tòa giám
mục Thanh Hóa, từ ngày 8 đến 12 tháng 10 năm 2012. Từ hội nghị này,
chúng tôi xin gửi đến anh chị em lời chào chan chứa tin yêu và hi vọng.
Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha
và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.
Trong
thư này, chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài thông tin về
những sinh hoạt của Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo Hội Việt Nam, đồng
thời cùng anh chị em suy tư về Năm Đức Tin như Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI kêu gọi.
Thông tin
1. Như
anh chị em đã biết, vào ngày 15 tháng 8 năm 2012, Lễ trọng kính Đức Mẹ
Hồn Xác Lên Trời, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã long trọng tổ chức Nghi
Thức Đặt Viên Đá Đầu Tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường tại Trung Tâm
Hành Hương Đức Mẹ La Vang. Đây là một công trình lớn, chỉ có thể hoàn
thành nhờ ơn Chúa và sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa, trong nước
cũng như hải ngoại. Nhờ lời cầu nguyện và sự giúp đỡ của anh chị em, hi
vọng trong tương lai không xa, chúng ta có thể hoàn tất công trình xây
dựng Đền thờ này, như mái nhà thân thương của Đức Mẹ La Vang, luôn rộng
mở đón tiếp mọi người hành hương đến cùng Mẹ, không phân biệt lương
giáo.
2. Trong
những ngày này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng triệu tập Thượng Hội
Đồng Giám Mục Thế Giớihọp tại Rôma, từ ngày 7 đến 28 tháng 10 năm 2012,
về đề tài Tân Phúc Âm Hoá để thông truyền đức tin Kitô giáo. Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam đã cử hai giám mục tham dự. Các ngài sẽ thay mặt chúng
tôi để lắng nghe, học hỏi những kinh nghiệm truyền giáo của các Giáo
Hội địa phương trên toàn thế giới, đồng thời chia sẻ với Thượng Hội Đồng
kinh nghiệm sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam.
3. Ngoài
ra, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu sẽ
tổ chức Đại hội tại Tòa giám mục Xuân Lộc từ ngày 18 đến 24 tháng 11
năm 2012. Đại hội sẽ cử hành lễ bế mạc tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà
Sài Gòn vào ngày lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, 25 tháng 11 năm 2012. Xin anh
chị em cầu nguyện cho Đại hội được tiến hành tốt đẹp, phát huy sự hiệp
thông giữa các Giáo Hội địa phương tại châu Á và đẩy mạnh việc loan báo
Tin Mừng trên châu lục mênh mông này.
Năm Đức Tin
4. Trong
Hội nghị thường niên kỳ II này, với ý thức trách nhiệm chăm sóc đời
sống đức tin của Dân Chúa, chúng tôi đã suy nghĩ về hồng ân đức tin và
việc sống đạo ngày nay. Từ những suy nghĩ đó, chúng tôi muốn chia sẻ với
anh chị em đôi điều.
Nhân
dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vaticanô II và 20 năm xuất
bản Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, qua Tự sắc Cửa đức tin (Porta
fidei), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố quyết định mở Năm Đức
Tin, bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 năm 2012 đến ngày 24 tháng 11 năm 2013,
lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Mục đích của Năm Đức Tin là giúp các tín hữu
tái khám phá hành trình đức tin trước cuộc khủng hoảng sâu sắc về đức
tin Kitô giáo trong thế giới ngày nay[1].
5. Tại
Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn trung thành dự lễ Chúa nhật, kể cả
ngày thường. Đa số các gia đình công giáo vẫn là cái nôi nuôi dưỡng và
thông truyền đức tin cho con cái. Tuy nhiên, nơi một số người, việc giữ
đạo chỉ theo tập tục và thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và
động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống. Nơi một số người
khác, đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số
thực hành nghi lễ và luân lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời đại đề cao
lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ công giáo ngày nay cảm
thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không
còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái.
Vì
thế, cùng một nhịp bước với Giáo Hội toàn cầu, Năm Đức Tin phải là cơ
hội thuận lợi cho mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam củng cố đức tin
của mình, hoán cải và đổi mới đời sống, trở về với Chúa là Đấng Cứu độ
duy nhất của thế giới[2]. Khi chúng ta tái khám phá niềm vui đức tin,
chúng ta sẽ hăng say dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa[3] loan báo
Tin Mừng cho 93% người Việt Nam chưa biết Chúa, đem tinh thần Phúc Âm
thấm nhập mọi lãnh vực đời sống, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh
theo những giá trị Tin Mừng và truyền thống văn hoá của dân tộc[4].
6. Một
đức tin toàn diện phải bao gồm các mặt: tuyên xưng, cử hành, sống và
làm chứng. Phải tuyên xưng đức tin Kitô giáo cách trọn vẹn và với niềm
xác tín, đồng thời phải cử hành đức tin ấy trong phụng vụ, đặc biệt nơi
bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh và nguồn mạch đời sống Kitô hữu. Ngoài
ra, đức tin ấy còn phải được thể hiện trong cuộc sống, một đời sống phù
hợp với nội dung tuyên xưng và có khả năng làm chứng trước mặt mọi người
về vẻ đẹp của đức tin[5].
Để
đạt được mục tiêu trên, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến tầm
quan trọng của Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Thật vậy, để chấp
nhận và sống đức tin cách trưởng thành, mỗi tín hữu cần phải hiểu rõ
những nội dung đức tin[6]. Sách Giáo Lý trình bày cách hệ thống những
nội dung cơ bản của đức tin công giáo, cung cấp một tổng hợp phong phú
những giáo huấn mà Giáo Hội đã đón nhận, ân cần gìn giữ và loan báo cho
mọi người suốt hai ngàn năm qua[7]. Vì thế sách này là chuẩn mực chắc
chắn để giảng dạy và là dụng cụ đích thực nâng đỡ đức tin[8]. Do đó
trong Năm Đức Tin, mọi thành phần Dân Chúa đều được mời gọi học hỏi và
đào sâu nội dung cơ bản của đức tin được trình bày trong Sách Giáo
Lý[9]. Bản dịch tiếng Việt Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã được
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hiệu đính và phát hành từ hai năm nay và được
đón nhận cách tích cực.
Cùng
với Sách Giáo Lý, chúng ta còn phải quan tâm đến những văn kiện
của Công đồng Vaticanô
II. Các văn kiện này là ánh sáng chỉ đường cho
việc canh tân đích thực của Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Trong thời
gian qua, chúng tôi đã tiến hành việc hiệu đính bản dịch những văn kiện
Công đồng và chính thức phát hành vào dịp khai mạc Năm Đức Tin. Ước
mong Sách Giáo Lý và những văn kiện Công đồng sẽ được tiếp nhận cách
thấu đáo hơn nơi mọi thành phần Dân Chúa[10].
7. Năm
Đức Tin cũng mời gọi chúng ta nhìn lại hành trình đức tin trong lịch
sử rất lâu dài: từ Đức Maria và Thánh Cả Giuse đến các thánh tông đồ,
các vị tử đạo và vô số tín hữu đã sống và làm chứng cho đức tin trong
mọi môi trường[11]. Tại Việt Nam, làm sao chúng ta có thể quên tấm gương
sống động của Các Thánh Tử Đạo và biết bao người “đã làm chứng cho Đạo
yêu thương bằng đời sống thấm đẫm tinh thần cầu nguyện và bằng cả sự
hiến dâng mạng sống”[12]? Nhờ ôn lại lịch sử, chúng ta biết trân trọng
hơn gia sản đức tin mà các bậc tiền nhân để lại, đồng thời can đảm giữ
vững và làm chứng cho Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.
Cách
riêng, trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, đức tin của người công giáo cần
được thể hiện qua việc thực thi bác ái. Đức Tin và Đức Mến cần đến nhau
và hỗ trợ cho nhau: “Chính đức Tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô và
chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta chạy đến phục vụ Chúa mỗi khi
Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc
sống”[13]. Được Lời Chúa soi sáng và tình yêu Chúa thấm nhập trong suy
nghĩ cũng như hành động, chúng ta sẽ trở nên những chứng tá đáng tin
trong xã hội ngày nay[14].
Giáo Hội Việt Nam cử hành Năm Đức Tin
8. Để thực hiện những mục tiêu trên, chúng tôi đề nghị một số điểm cụ thể :
Hội
Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ long trọng cử hành Thánh Lễ Khai mạc Năm Đức
Tin tại Nhà thờ chính toà Thanh Hóa, ngày 12 tháng 10 năm 2012. Các giáo
phận sẽ khai mạc Năm Đức Tin vào ngày 18 tháng 10, lễ kính thánh sử
Luca. Các giáo xứ sẽ cử hành lễ khai mạc vào Chúa nhật Truyền Giáo, 21
tháng 10. Tuy nhiên, mỗi giám mục có thể chọn thời điểm thích hợp theo
nhu cầu và hoàn cảnh của địa phương.
Trong
suốt Năm Đức Tin, các giáo phận sẽ đưa ra những sáng kiến mục vụ, nhằm
giúp các tín hữu củng cố và đào sâu đức tin, hoán cải và đổi mới đời
sống, nhiệt thành và hăng say loan báo Tin Mừng.
Đồng
hành với các giáo phận, chúng tôi ước mong các Ủy ban trực thuộc Hội
Đồng Giám Mục cố gắng cung cấp những tư liệu cần thiết trong lãnh vực
của mỗi ủy ban, để mỗi giáo phận tùy nghi sử dụng cho những hoạt động
mục vụ.
9. Cách riêng, chúng tôi muốn ngỏ lời với các linh mục, tu sĩ, và các bậc cha mẹ trong gia đình công giáo.
Giáo
dục đức tin là trách nhiệm gắn liền với thừa tác vụ linh mục đến nỗi
“các linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý
Phúc Âm mà các ngài đã nhận được từ nơi Chúa”[15]. Do đó, trong sự hiệp
thông với giám mục và linh mục đoàn giáo phận, anh em linh mục hãy dành
thời giờ, năng lực và nhiệt tâm cho công việc hết sức quan trọng và cần
thiết này, đặc biệt trong việc giảng Lời Chúa và dạy giáo lý cho thiếu
nhi và giới trẻ. Anh em cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo đội ngũ
giáo lý viên, những người trực tiếp cộng tác với chúng ta trong việc
thông truyền đức tin cho thế hệ trẻ.
Tu
sĩ là “những người mong muốn bước theo Đức Kitô gần gũi hơn, dâng hiến
bản thân cho Thiên Chúa là Đấng đáng mến trên hết mọi sự, và theo đuổi
sự trọn hảo của Đức Mến để phục vụ Nước Trời”[16]. Vì thế, hơn ai hết,
anh chị em là chứng nhân đức tin bằng chính đời sống hiến dâng và bằng
công việc tông đồ trong nhiều môi trường và lãnh vực khác nhau. Ước mong
Năm Đức Tin sẽ tạo một đà lực mới cho đời sống chứng tá và sứ vụ loan
báo Tin Mừng mà anh chị em đã cam kết.
Trong
suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo Hội công giáo tại Việt Nam, gia
đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo
lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh
trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối
diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì
và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình công giáo. Hãy xây
dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin,
và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh
chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà Chúa Giêsu đã trao phó
cho Giáo Hội và từng người chúng ta.
Kết luận
10. Kết
thúc thư này, chúng tôi mời anh chị em hướng lòng lên Đức Maria. Mẹ có
phúc hơn mọi người nữ vì đã tin rằng Lời Chúa phán cùng Mẹ sẽ được thực
hiện (x. Lc 1,42). Trong ngày Truyền Tin, Mẹ dạy chúng ta sống đức tin
khiêm tốn và vâng phục: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa thực hiện
nơi tôi điều thiên sứ truyền” (Lc 1,38). Bằng những bước chân vội vã lên
đường thăm viếng bà Elisabeth, Mẹ thúc đẩy chúng ta sống đức tin dấn
thân loan báo Tin Mừng, đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người. Dưới chân
thập giá, Mẹ nêu gương cho chúng ta về đức tin chứa chan hi vọng.
Nhờ
Mẹ và với Mẹ, chúng ta hãy bước vào Năm Đức Tin với tâm tình tạ ơn về
hồng ân đức tin đã lãnh nhận, vui tươi phấn khởi và nỗ lực sống Tin
Mừng, góp phần xây đắp nền văn minh tình thương và sự sống trên quê
hương đất nước chúng ta.
Làm tại Tòa giám mục Thanh Hóa, ngày 11 tháng 10 năm 2012
+ Cosma Hoàng Văn Đạt
Giám mục Bắc Ninh
Tổng thư ký HĐGMVN
|
+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Tổng giám mục Hà Nội
Chủ tịch HĐGMVN
|