Một chút suy tư _ tham lam & quảng đại


THAM LAM – QUẢNG ĐẠI
Tham lam – Che mờ căn tính của mình
Theo triết gia Plato[1], “Trong mỗi con người dường như có một có một sức mạnh vô hạn luôn luôn thúc đẩy con người nhằm tìm thỏa mãn chính mình.” Chính sức mạnh này cũng ảnh hưởng đến tính tham lam mà ít nhiều ai ai cũng bị chi phối. Khi chưa có, thì muốn cho có; khi đã có rồi, thì muốn nhiều hơn và hoàn thiện hơn. Điều này đúng không chỉ trong khía cạnh vật chất tiền của, nhưng nó cũng đúng trong đời sống tinh thần và tình cảm. Khao khát được lấp đầy, được làm chủ hết điều này đến điều khác là một sức mạnh tiềm ẩn có thật trong từng người chúng ta. Vậy không lạ gì, tham lam tiền của vật chất cũng bị chi phối bởi sức mạnh này.
Theo thánh Thomas Aquinas, “Tham lam là khao khát một vật gì quá mức, nó có thể là tiền bạc hoặc một vật gì đó mà ta khao khát sở hữu nó.”[2] Nói cách khác, tự bên trong, tham lam là đặt mọi suy nghĩ của mình vào một sự vật đó và khao khát chiếm hữu nó. Bao lâu ta chưa sở hữu được nó, ta còn bị nó chi phối trong suy nghĩ và hành động. Xét về phương diện bên ngoài, tham lam ảnh hưởng đến cách cư xử của ta với tha nhân, nó đảo lộn trật tự tình yêu và bản chất con người, vốn được dựng nên để yêu thương và phục vụ tha nhân, thay vì là mong được yêu thương và được phục vụ; như thế, ít hay nhiều, tham lam làm đảo lộn trật tự công bằng trong xã hội.
Vườn Nho Của Ông Na-Vốt (I Vua 21:1-16)
 Sau những sự việc đó, thì xảy ra chuyện ông Naboth người Jezreel có một vườn nho bên cạnh cung điện vua Ahab, vua Samaria. Vua Ahab nói với ông Naboth rằng: "Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta, để ta làm vườn rau, vì nó ở ngay sát cạnh nhà ta. Ðể bù lại, ta sẽ cho ngươi một vườn nho tốt hơn, hay là, nếu ngươi muốn, giá bao nhiêu, ta sẽ trả bằng bạc." Nhưng ông Naboth thưa với vua Ahab: "Xin Ðức Chúa đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài!"
Vua Ahab trở về nhà buồn rầu và bực bội vì lời ông Naboth đã nói với vua: "Tôi sẽ không nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho vua." Vua nằm trên giường, quay mặt đi, và không chịu ăn uống gì. Hoàng hậu Jezebel đi vào, nói với vua: "Tại sao tâm thần vua buồn rầu, và vua không chịu ăn uống gì như vậy?" Vua trả lời: "Tôi đã nói chuyện với Naboth người Jezreel và bảo nó: Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta mà lấy tiền, hoặc, nếu ngươi muốn, ta sẽ đổi cho một vườn nho khác. Nhưng nó lại nói: "Tôi không nhượng vườn nho của tôi cho vua được." Bấy giờ hoàng hậu Jezebel nói với vua: "Vua cai trị Ít-ra-en hay thật! Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên! Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Naboth người Jezreel.
Bấy giờ, bà nhân danh vua Ahab viết thơ, rồi dùng con dấu của vua mà đóng ấn, và gửi cho các kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành với ông Naboth. Trong thơ bà viết rằng: "Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh và đặt Naboth ngồi ở hàng đầu dân chúng. Hãy đặt hai đứa vô lại ngồi đối diện với nó, để chúng tố cáo nó: "Ông đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua. Và hãy đem nó ra ngoài ném đá cho chết."
Dân chúng, kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành làm theo lệnh bà Jezebel như trong thơ bà đã viết gửi cho họ. Họ công bố thời kỳ chay tịnh và đặt ông Naboth ngồi ở hàng đầu dân chúng. Rồi có hai kẻ vô lại đi vào, ngồi đối diện với ông. Những kẻ vô lại ấy tố cáo ông Naboth trước mặt dân rằng: "Naboth đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua." Họ liền đưa ông ra ngoài thành và ném đá ông. Ông đã chết. Họ sai người đi nói với bà Jezebel: "Naboth đã bị ném đá chết." Khi bà Jezebel nghe biết ông Naboth đã bị ném đá chết, thì nói với vua Ahab: "Xin vua đứng dậy và chiếm đoạt vườn nho của Na-vốt, người Jezreel, kẻ đã từ chối không chịu nhượng cho ngài để lấy tiền, vì Naboth không còn sống nữa, nó chết rồi." Khi nghe biết ông Naboth đã chết, vua Ahab đứng dậy, xuống chiếm đoạt vườn nho của ông Naboth, người Jezreel.
Câu chuyện từ sách Các Vua cho ta thấy sự nguy hiểm và sức mạnh của tính tham lam. Ahab dù đã làm vua của một nước, nhưng vẫn chưa thỏa mãn với những gì mình có. Một vườn nho bé nhỏ thấm vào đâu so với tài sản và nhiều vườn nho khác mà ông đang có trong tay. Thế nhưng cái ông muốn không chỉ là vườn nho của Naboth, nhưng chính là muốn thỏa mãn cái tôi của mình, muốn được người khác vâng lệnh, và muốn uy quyền của mình được thể hiện. Lợi dụng quyền uy mà mình được Thiên Chúa ban tặng và cộng đoàn tính nhiệm, cộng với việc dùng quyền uy để phục vụ cho lợi ích cá nhân, Ahab bị vườn nho bé nhỏ của Naboth che mờ không nhận ra phẩm giá làm vua của mình và là người quản lý của Thiên Chúa. Khi quyền hành và lòng tham chiếm ngự trong tâm hồn, mối nguy hiểm không chỉ xảy đến cho đương sự ấy, mà còn cho cả cộng đoàn mà mình đang phục vụ. Như Ahab, một khi khi con người bị cuốn vào “được” một ước nguyện, con người khao khát để mong “chiếm hữu” ước nguyện tiếp theo. Không nhận thấy ân huệ và quà tặng của cuộc đời mà cứ loay hoay khao khát tham lam để chiếm đoạt những điều ngoài giới hạn của mình là điều khốn khổ nhất của kiếp người. Khi bị “cắn câu” vào thứ ma lực này, con người dễ bị phạm lỗi đức bác ái, đức công bằng ngay trong gia đình và người thân của mình.
Mối nguy hiểm của tham lam chính là làm cho tâm trí ta bận tâm tới những kế hoạch toan tính làm cách nào để có thêm nữa. Sau khi đã sở hữu được điều ta mơ ước hôm qua, thì lại xuất hiện những kế hoạch khác để muốn có cho được điều này điều nọ vào ngày mai. Cuộc sống trở nên bận rộn không phải vì ta thiếu thốn, vất vả lao động, nhưng nó mệt nhọc và không hài lòng vì do ta chạy theo sự khao khát vô tận trong con tim mình. Nói tóm lại, tham lam đẩy con người ra khỏi đời sống hiện tại và vẽ lên những ảo tưởng an toàn trong tương lai; và nơi đó, không có người thân hiện diện. Nói một cách khác, tham lam là biểu hiện của sự sợ hãi, thiếu an toàn, và mất niềm tin.
Cũng như đã được trình bày trong bài mở đầu, sợ hãi là căn nguyên của các loại tội. Vì thế, chính sợ hãi cũng thúc đẩy lòng tham con người  đến chỗ phạm lỗi đức công bằng. Theo số thống kê của  SIPRI vào năm 2010[3],  các nước trên thế giới chi phí cho quân sự lên đến 1.63 ngàn tỉ dollar. Như thế, tính ra một người dân trên thế giới chi phí cho quân sự khoảng 236 dollar một năm. Nhưng thực ra, hơn 3 tỉ người trên thế giới chưa có đủ 2.50 dollar để sống trong một ngày; 1 tỉ trẻ em đang sống trong tình trạng nghèo đói.[4] Phải thú thật với nhau rằng, số tiền chi phí cho quân sự lên cao như thế là biểu hiện của một quốc gia khiếp nhược và không an toàn. Nói cách khác, đó là một quốc gia sống trong sợ hãi và đầy tham vọng cho tương lai. Vì những chính sách tham lam muốn thống trị này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình và xã hội ngay trong quốc gia ấy. Dù muốn dù không, chính lối sống này làm cho đời sống con người cứ phải bon chen hơn để “hơn” người khác thì mới “cảm thấy an toàn”. Đó là một cuộc chạy đua làm giàu ảo tưởng, dễ dàng phá hoại nền tảng đời sống gia đình và xã hội. Các gia đình dễ dàng bị cuốn vào dòng xoáy tìm sự an toàn qua phương tiện kỹ thuật do xã hội cung cấp. Nhưng thực ra, khi chạy theo ảo tưởng “an toàn” này, con người đang đánh mất nền tảng gia đình mà hơn lúc nào hết xã hội đang cần nó đứng vững.
Theo Học thuyết Xã hội của Giáo hội, chính việc nhắm mắt chạy theo kiểu làm giàu này, mà nhiều quốc gia đang đẩy người dân của họ vào thảm cảnh chia lìa đau sót vì quá vất vả chạy theo ma lực của vật chất.
Thật đáng buồn khi thế giới hôm nay thâu hẹp ý nghĩa của sự phát triển chỉ đơn thuần được hiểu trong lĩnh vực kinh tế. Nên nhớ rằng, việc gia tăng tài sản cho mỗi cá nhân và quốc gia không phải là mục tiêu cuối cùng của con người. Ngày nay, chúng ta thấy có nhiều quả tim chai cứng và tâm hồn đóng kín khi có nhiều người không còn gặp gỡ nhau trong tình bạn nhưng chỉ là vì tư lợi, dễ dàng dẫn đến đối nghịch và bất đồng. Vì thế, việc thao thức kiếm tìm của cải đã trở thành chướng ngại vật để hoàn thành sứ mạng cá nhân và giá trị chân thật của con người (cf. Populorum Progressio, # 19)[5].
Như thế đó, tham lam che mờ căn tính của con người và làm lạc hướng đi tìm hạnh phúc của chính họ. Tâm hồn, gia đình, người thân, bạn hữu, và đồng nghiệp mới là những nhân tố giúp cho con người hạnh phúc, tự do, chứ không phải vật chất tiền của, chiếm hữu. Thật chí lý khi Dante[6], một nhân vật trong văn chương cổ của người  Ý miêu tả người tham lam như một người bị xiềng xích quay lưng lên trời, còn đôi mắt thì dán chặt vào mặt đất. Chính vì bị hạn hẹp trong cách nhìn đời, nên người tham lam không thể hiểu được hay cảm nghiệm được tình yêu; vì bản chất của tình yêu là cho đi, còn tham lam là gom góp tích trữ. (Còn tiếp)
Br. Huynhquảng