KHO TÀNG TRÊN TRỜI
Theo tạp chí uy tín Forbes vừa công bố liên tục trong suốt 25
năm qua. Danh sách 1226 tỷ phú đến từ 58
quốc gia và vùng lãnh thổ là những người giàu có nhất hành tinh năm 2012. Từ con số 140 ban đầu, danh sách năm nay đã
ghi nhận mức kỷ lục với con số 1.226 tỷ phú được thống kê với tổng tài sản lên
tới 4.600 tỷ USD. Người giàu nhất thế giới
là ông trùm viễn thông Mexico Carlos Slim tiếp tục dẫn đầu với giá trị tổng tài
sản 69 tỷ USD. Hai vị trí tiếp theo thuộc
về Bill Gates và Warren Buffett. Qua thống
kê cho thấy, người giàu có ngày càng tăng lên với con số là 1.226 tỷ phú.
Sự khát khao và mong muốn được giàu có nơi mỗi con người chẳng
bao giờ ngừng. Điều này đúng với tự
nhiên bản chất con người. Nhưng, đối với
chàng thanh niên giàu có ngày xưa trong Tin mừng thì khác với những người giàu
có ngày hôm nay, là anh ta lại muốn đi gặp Chúa Giêsu và hỏi Ngài: “Tôi phải
làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.
Chúa Giêsu chỉ cho anh ta một cách là: “Anh hãy đi bán hết của cải tài sản
đem cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời, rồi đi theo Ta”. Thật, Ngài đưa ra một quy luật quá khó cho
anh chàng giàu có này. Thế là anh ta buồn
rầu và bỏ đi, vì anh có nhiều của cải.
Làm sao anh ta có thể bỏ được khi anh ta đang có tiền bạc tỷ, nhà cao cửa
rộng, và được nhiều người cung phụng!
Anh ta chẳng dại gì chịu thua lỗ, vì là nhà kinh tế thì đầu óc phải tính
sao cho có lợi chứ! Cho nên, anh ta bỏ
đi và quay trở về với thế giới tiền bạc của anh ta. Với mục đích và ước muốn của người giàu có
này, anh ta không chỉ mong muốn được sự sống đời này mà là cả sự sống đời sau nữa,
nhưng anh ta đã thất bại vì không thể vượt qua được sức mạnh và quyến rũ của đồng
tiền và của cải.
Mặc dù, anh ta là người giữ luật và sống đạo rất chặt chẽ, anh
ta không làm hại ai, không tham lam của ai, không phê bình chỉ trích ai, không
ngoại tình lăng nhăng, nhưng thờ cha kính rất mẫu mực. Tất cả mọi việc anh ta giữ rất tốt. Và chúng ta cho đó là tiêu chí và đáng noi
theo. Nhưng, với những hình thức giữ đạo của anh ta chỉ là những hình thức bên
ngoài, chưa thực sự là sống đạo với yêu thương và chia sẻ. Chính câu hỏi của anh ta và câu trả lời của
Chúa Giêsu cho thấy rõ con người thật của anh ta. Sau đó, Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh đó để
nói với các môn đệ: “Những người giàu có thì khó vào Nước Thiên Chúa biết
bao!” Khi nghe Chúa Giêsu nói điều này,
thì không chỉ các môn đệ sững sờ, ngạc nhiên mà ngay cả chúng ta và các nhà tỷ
phú hôm nay sẽ nghĩ gì? Điều này có vẻ
trái ngược với ước muốn và tham vọng của con người trong thời đại này. Khi người ta đang từng ngày từng giờ để chạy
theo và tìm kiếm cho thật nhiều tiền, để được vinh thăng cuộc đời.
Ngay cả thánh Phê-rô cũng phải lên tiếng rằng: “Thầy coi, chúng
con đã bỏ mọi sự để đi theo Thầy!” Phêrô
phản ứng vì sợ mình không được cứu độ, không được sự sống đời đời. Thế thì, con người ngày nay có còn khát khao
muốn được Thiên Chúa cứu độ như thánh Phê-rô nói: “Chúng con bỏ hết mọi sự để
đi theo Thầy” hay “Bỏ Thầy con biết theo ai?”
Có lẽ, chúng ta cần có những giây phút thinh lặng để hỏi lại chính
mình. Chúng ta đã bỏ gì và đang mang gì
để đi theo Chúa. Sau khi lìa khỏi đời
này, mỗi người chúng ta có được mang gì theo không? Người đời thường bảo nhau: Có nhiều thứ để chúng ta chọn lựa, nhiều nơi
để chúng ta đi, nhưng chỉ có một nơi dành chung cho tất cả mọi người là đi vào
nghĩa trang và nằm dưới mấm mộ. Ngày hôm
nay, người ta có hàng tỷ trong tay, nhưng ngày mai trong tay chẳng nắm được gì,
chẳng mang theo được gì, khi nhắm mắt xuôi tay và lìa đời. Chỉ còn lại một chút tình, một chút nghĩa, một
chút cử chỉ bác ái yêu thương đọng lại trong những người thân, những người
chúng ta yêu thương, quý trọng và chăm sóc khi còn sống. Tất cả là của Chúa, là của Đấng sáng tạo. Ngày nay, chúng ta có thể chọn lựa rất nhiều
thứ, nhưng khi nhắm mắt lìa đời chúng ta không có quyền để chọn lựa cho số phận
của mình.
Nếu Lời Chúa hôm nay đối nghịch với ý tưởng và suy nghĩ của con
người, nhưng chính là chân lý mà Thiên Chúa đã mạc khải cho nhân loại, đó là
quy luật sống cho những ai tin vào Ngài, tin vào sự sống vĩnh củu. Nơi đó của cải sẽ không bị mục nát hay bị hư
mất. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chú ý
thêm về ý nghĩa của sự giàu và nghèo của Tin mừng. Chúa Giêsu không bảo các con cứ sống nghèo
túng và đau khổ cho đến chết thì sẽ được cứu độ, là lên thiêng đàng, nhưng cái
nghèo ở đây chính là sống tinh thần nghèo khó.
Tinh thần nghèo khó nơi Mẹ Maria là khiêm nhường, bác ái, đơn sơ và khó
nghèo. Và khi chúng ta với sống tinh thần
nghèo khó là lúc chúng ta biết yêu thương, chia sẻ và cảm thông với anh em của
mình. Sự quan tâm yêu thương giúp đỡ,
chính là giới răn của Chúa “kính Chúa yêu người”. Chúa Giê-su không bảo anh thanh niên giàu có
bán hết của cải để kinh doanh đầu tư tích lũy, mà là đem cho người nghèo. Trong khi đó, anh chàng thanh niên kia chỉ muốn
giàu có và tích lũy nhiều thêm của cải cho bản thân. Phải chăng hình ảnh chàng thanh niên giàu có
trong Tin mừng hôm nay chính là biểu tượng và hình ảnh của nhiều người trong
chúng ta!.
Để kết thúc bài suy niệm hôm nay, chúng ta cần đến trở lại với
những lời chỉ dẫn của sách Khôn ngoan đã viết:
“Tôi coi
của cải chẳng là gì so với Đức khôn ngoan.
Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức khôn ngoan,
vì vàng trên cả thế giới, so với Đức khôn ngoan cũng chỉ là cát bụi,
và bạc so với Đức khôn ngoan cũng kể như bùn đất...”
Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức khôn ngoan,
vì vàng trên cả thế giới, so với Đức khôn ngoan cũng chỉ là cát bụi,
và bạc so với Đức khôn ngoan cũng kể như bùn đất...”
Lạy Chúa, xin cho chúng con đức khôn ngoan của Chúa, để chúng
con biết chọn lựa những giá trị đích thực trong sống tại thế này, là tìm kiếm
Nước Trời.
Lm. John Nguyễn, Utica, New York.