Chân phước JOHN FRANCIS BURTÉ
và ĐỒNG BẠN
Lược sử
Các linh mục này là
nạn nhân của cuộc Cách Mạng Pháp. Mặc dù
họ tử đạo trong thời gian khác nhau, nhưng được Giáo Hội mừng kính cùng một lúc
vì tất cả đã hy sinh mạng sống với cùng một lý do. Hiến Chương Dân Sự về Tu Sĩ (1791) của nhà cầm quyền
buộc tất cả các linh mục phải tuyên thệ những điều chung qui là chối bỏ đức
tin. Họ đã từ chối và đã bị hành quyết.
John Francis Burté gia
nhập dòng Phanxicô lúc 16 tuổi và sau khi thụ phong linh mục ngài dạy thần học cho các đệ tử sinh.
Sau này ngài là giám đốc tu viện lớn ở Balê cho đến khi ngài bị bắt và bị giam
trong tu viện dòng Camêlô.
Appolinaris Posat sinh
năm 1739 ở Thụy Điển. Ngài gia nhập dòng Capuchin và nổi tiếng là một người
thuyết giảng, một cha giải tội và nhà giáo dục các tu sĩ. Được sai sang Đông
Phương để truyền giáo, ngài đến
Balê để học các ngôn ngữ Đông Phương khi cuộc Cách Mạng Pháp bắt đầu. Từ chối
không chịu tuyên thệ, ngài bị bắt và bị giam trong tu viện Camêlô.
Severin Girault, một
người Dòng Ba, là tuyên úy cho một
số các nữ tu ở Balê. Bị cầm tù với những người khác, ngài là người đầu tiên bị
chết trong cuộc tàn sát ở tu viện.
Ba vị này cùng với 182
người khác -- kể cả vài giám mục và nhiều linh mục dòng cũng như triều -- đã bị
thảm sát tại tu viện Camêlô ở Balê ngày 2 tháng Chín, 1792. Tất cả được phong
chân phước vào năm 1926.
John Baptist
Triquerie, sinh năm 1737, gia nhập Đan Viện Phanxicô. Ngài là tuyên uý và là
cha giải tội cho các
tu sĩ dòng Thánh Clara Khó Nghèo trong ba thành phố trước khi ngài bị bắt vì
không chịu tuyên thệ. Cùng với 13 linh mục triều, ngài bị chém đầu ở Laval ngày
21 tháng Giêng 1794. Ngài được phong chân phước năm 1955.
Suy niệm 1: Cách
Mạng Pháp
Các linh mục này là nạn nhân của cuộc Cách Mạng Pháp.
"Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ" là châm ngôn của cuộc Cách Mạng
Pháp. Nếu mỗi cá nhân có "các quyền lợi không thể thay đổi", như Bản
Tuyên Ngôn Độc Lập khẳng định, thì những quyền này không thể xuất phát từ những
thỏa ước của xã hội (có thể rất mong manh) nhưng phải được phát xuất trực tiếp
từ Thiên Chúa. Chúng ta có tin điều đó không? Chúng ta có hành động theo điều
đó không?
"Biến động xảy ra ở Pháp vào cuối thế kỷ 18 đã tàn phá mọi sự thiêng
liêng và đã xúc phạm cũng như trút sự tức giận lên Giáo Hội và các mục tử.
Những người vô đạo đức lên nắm quyền đã che đậy sự giận dữ Giáo Hội dưới chiêu
bài triết lý lừa bịp... Dường như thời bách hại tiên khởi đã trở lại. Giáo Hội,
nàng dâu không tì vết của Đức Kitô, trở nên lộng lẫy với các triều thiên tử đạo"
(Sử Liệu Tử Đạo).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
mọi người trên thế giới luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo vì đó cũng là một
nhân quyền.
Suy niệm 2: Một lý
do
Tất cả đã hy sinh mạng sống với cùng một lý do.
Hiến Chương Dân Sự về Tu Sĩ (1791) của nhà cầm quyền buộc tất cả các linh
mục phải tuyên thệ những điều chung qui là chối bỏ đức tin. Họ đã từ chối và đã
bị hành quyết.
Giáo Hội mừng kính các ngài cùng một ngày, mặc dù họ tử đạo trong thời gian
khác nhau, cũng như với nhiều chức trách khác nhau: người thì giáo sư thần học,
người thì nhà truyền giáo, tuyên úy hoặc cha giải tội… Nhưng tất cả đều tử đạo
vì cùng một lý do chung.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con thà chết chứ không chối bỏ đức tin chân chính.
Suy niệm 3: Dạy thần
học
John Francis Burté dạy thần học cho các đệ tử sinh.
Là một giáo sư chân chính và nghiêm túc, ngài không chỉ nhằm truyền đạt
kiến thức mà còn giáo dục cho các đệ tử được thành nhân và thánh nhân.
Hơn thế là một cha giáo chuyên dạy môn thần học không phải cho các học sinh
mà là các đệ tử sinh đang tìm hiểu và trau dồi ơn gọi tu trì, ngài còn sống như
một chứng nhân gương mẫu cho những gì mình giảng dạy. Vì thế với bối cảnh đang
xảy ra, ngài đón nhận cái chết anh dũng vì đức tin.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
cho chúng con có được những nhà giáo dục đúng nghĩa để được hưởng nhờ nhiều lợi
ích.
Suy niệm 4: Truyền
giáo
Appolinaris Posat được sai sang Đông Phương để truyền giáo.
Vì sứ mạng truyền giáo, ngài phải đến Balê để học các ngôn ngữ Đông Phương.
Như thế là người Thụy điển, ngài lại có mặt tại Pháp đúng khi cuộc Cách Mạng
Pháp bắt đầu. Thế là ngài bị bắt và chịu hy sinh.
Sứ mạng truyền giáo của ngài vừa khởi sự nhưng đã sớm kết thúc bằng một
thành quả tốt đẹp, không bằng lời giảng dạy nhưng bằng cái chết chứng nhân đức
tin với giá trị vượt xa lời rao giảng, vì giọt máu tử đạo luôn có hiệu năng trổ
sinh con nhà có đạo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con ý thức thế giá bài giảng kém xa cuộc sống chứng nhân.
Suy niệm 5: Tuyên úy
Severin Girault, một người Dòng Ba, là tuyên úy cho một số các nữ tu ở
Balê.
Với trách nhiệm của một vị tuyên úy, ngài chăm sóc ân cần đời sống thiêng
liêng cho các nữ tu ở Balê. Để cho thì phải có trước đã, chắc hẳn ngài phải
luôn tăng triển sự sống thiêng liêng cho chính ngài ở mức độ mỗi lúc mỗi cao
thêm.
Nhờ thế khi biến cố bách hại xảy ra, ngài không hề nao núng khi bị cầm tù
với những người khác, và nhất là ngài đón nhận vinh dự là người đầu tiên bị
chết trong cuộc tàn sát ở tu viện, như mở đường cho bao người anh dũng nối gót.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con theo gương Chúa luôn tiên phong tiến lên trên đường chịu tử nạn (Lc
19,28).
Suy niệm 6: Giải tội
John Baptist Triquerie là cha giải tội cho các tu sĩ dòng Thánh Clara Khó
Nghèo.
Là cha giải tội, ngài có dịp tiếp xúc với nhiều tội nhân. Ngài càng cảm
nhận đậm nét thân phận yếu đuối của con người, trong đó có chính ngài, trước bao chước cám dỗ tinh quái của quỷ ma.
Để rồi ngài không chỉ ban lời khuyên bảo cùng việc đền tội cho các hối
nhân, mà còn cho chính mình. Cụ thể ngài tự nguyện làm các việc đền tội vừa cho
chính mình vừa thay cho hối nhân. Nhưng bao nhiêu là đủ? Cơ hội đến, ngài vui
lòng đón nhận cái chết bị chém đầu vì đức tin, với ước mong xóa sạch được tội
lỗi cùng các hình phạt hữu hạn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con biết tự nguyện gia tăng việc lành phúc đức như một việc đền tội nhằm
xóa bớt các hình phạt hữu hạn đi kèm với tội, dầu tội đã được tha sau lời xá
giải.