Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 25b


CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN
NĂM B
Kn 2,12. 17-20; Gc 3,16 - 4,3; Mc 9,30-37
BÀI ĐỌC 1: Kn 2,12. 17-20
            Phường vô đạo lên tiếng nói: 12 Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo. 17 Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào. 18 Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. 19 Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. 20 Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm."
ĐÁP CA: Tv 53
Đ. 6b Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.
3 Lạy Thiên Chúa, xin dùng uy danh mà cứu độ, lấy quyền năng Ngài mà xử cho con. 4 Lạy Thiên Chúa, xin nghe con nguyện cầu, lắng tai nghe lời con thưa gửi.
5 Phường kiêu ngạo nổi lên chống đối, bọn hung tàn tìm hại mạng sống con, chúng không kể gì đến Thiên Chúa.
6 Nhưng này có Thiên Chúa phù trì, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ. 8 Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế, lạy Chúa, con xưng tụng danh Ngài, thật danh Ngài thiện hảo.
BÀI ĐỌC 2: Gc 3,16 - 4,3
            3 16 Anh em thân mến, thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa.17 Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.18 Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.
            4 1 Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? 2 Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin;3 anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x. 2Tx. 2,14
Hall-Hall: Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. Hall.
TIN MỪNG: Mc 9,30-37    
            Một hôm, 30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết,31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại."32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
            33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? "34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: 37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."

KHÔNG ĐỔ MÁU, KHÔNG CÓ ƠN CỨU ĐỘ!
(Dt 9,22)
            Thoáng qua Tin Mừng hôm nay, ta tưởng chừng Lời Chúa luôn kết án kẻ có tham vọng làm lớn?! Thực ra “ai cầu mong làm thủ lãnh, người ấy ước mong một điều lành” (x. 1Tm 3,1). Bởi vì Chúa Giêsu đã dạy: “Ai muốn đạt được danh vọng làm thủ lãnh chính đáng, người ấy phải “đổ máu”, sống khiêm nhu phó thác nơi Chúa. Ta lại biết rằng: không phải hễ có đổ máu là tất yếu có ơn cứu độ, bởi lẽ có khi đổ máu lại là hậu quả của tranh giành lợi nhuận đưa đến sự chết. Do đó, chỉ có đổ máu vì phục vụ Tin Mừng, mới đạt được danh vọng của người thủ lãnh, nên giống Chúa Giêsu.
A. ĐỔ MÁU LÀ HẬU QUẢ CỦA TRANH GIÀNH LỢI NHUẬN ĐƯA ĐẾN SỰ CHẾT.
            Cụ thể như các Tông Đồ khi nghe Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn được thực hiện tại Giêrusalem, thì các ông lại nghĩ đã đến lúc Thầy hạ đế quốc Roma để khôi phục vương quyền Israel lên siêu cường (x. Mc 9,30-31: Tin Mừng; Cv 1,6). Do đó các ông tự xếp đặt địa vị cho mình, thế là sinh tranh cãi trong họ (x. Mc 9,33: Tin Mừng: Trở nên nguyên nhân đưa đến đổ máu, thần chết ập đến). Kinh qua sự bất ổn trong Nhóm Mười Hai, thánh Giacôbê cho lời khuyên cụ thể với các tín hữu: “Ở đâu có ghen tương tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ thứ việc xấu xa! Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao” (Gc 3,16t: Bài đọc II).
            Đấu tranh nhau để thỏa mãn khát vọng trần thế của mỗi cá nhân, thì khác nào truyện con cò và con trai đấu nhau: Cò mổ trai, trai khép vỏ lại, kẹp chặt mỏ cò, vì trai nghĩ rằng: ta kẹp mỏ cò ba ngày, nó không đi kiếm ăn được, nó sẽ chết! Còn cò thì nghĩ: ba ngày nữa trời không mưa, trai sẽ chết há miệng ra, lúc ấy ta sẽ mổ ruột nó! Hai con đang găng nhau như thế, thì một ông già đi câu cá ngang qua thấy vậy nên chộp cả hai bỏ vào giỏ!
B. ĐỔ MÁU VÌ ĐỨC KITÔ MỚI CÓ ĐỊA VỊ CAO CẢ VÀ CÓ SỰ SỐNG THẬT SUNG MÃN.
            Có hai loại đổ máu:
I. ĐỔ MÁU ĐÀO.
            Ai muốn làm lớn, họ phải đi chung đường phục vụ với Đức Kitô, như Ngài đã báo trước cho các môn đệ biết: “Con Người (Giê-su) sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau Người sẽ sống lại” (Mc 9,31: Tin Mừng).
            Thánh Phaolô đã cắt nghĩa về con đường tử nạn đi đến vinh quang, mà Đức Giê-su đã báo trước: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang. Mặc lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống phàm nhân.. Người đã tự hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu” (Pl 2,6-9).
            Bởi đó các môn đệ muốn được quyền cao chức cả như Thầy Giê-su, thì họ phải là người rốt hết, và làm kẻ phục vụ mọi người chung con đường phục vụ với Thầy Giêsu (x. Mc 9,35: Tin Mừng).
II. SỐNG KHIÊM NHU PHÓ THÁC NƠI CHÚA.
            Đức Giêsu ôm một em bé vào lòng và Ngài nói: “Ai đón tiếp một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,36-37: Tin Mừng). Như thế để làm lớn trong Nước Thiên Chúa, phải “đón tiếp trẻ nhỏ vì danh Chúa” được hiểu theo hai cách:
-         Được tái sinh làm con Thiên Chúa.
-         Sống tinh thần trẻ thơ mà Kinh Thánh nhắc đến.
1/ Được tái sinh làm con Thiên Chúa.
            Thực vậy, ai không được sinh lại bởi Chúa Giê-su, dù người ấy có địa cao, thì trước mặt Chúa họ cũng chỉ là một sinh vật (x. 1Cr 15,45), chẳng khác gì loài thú đều phải chết (x. Gv 3,18-19). Mà ý định ngàn đời của Thiên Chúa là “con người phải nên giống hình ảnh Ngài” (x. St 1,26). Không phải giống Thiên Chúa vô hình mà là giống Con Thiên Chúa làm người: Đức Giêsu Kitô. Do đó ta phải được tái sinh trong Bí tích Thánh Tẩy và được nuôi dưỡng trong Bí tích Thánh Thể, mới thực sự nên giống Thiên Chúa.
Vì thế, Đức Giêsu nói về ơn tái sinh với ông Nicôđêmô: “Quả thật, quả thật, tôi bảo ông: ai không bởi Trên sinh ra, thì không thể thấy được Nước Thiên Chúa”, làm ông thắc mắc: không lẽ người đã già lại có thể chui vào lòng mẹ lại sinh ra làm con nít? Thì Đức Giêsu lại nhấn mạnh: “Ai không sinh bởi nước và Thần Khí, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa” (Ga 3, 3-5).
            Một khi ta đã được tái sinh làm con Thiên Chúa, nhất là được nuôi dưỡng bởi Bí tích Thánh Thể, ta mới được đồng hóa với Chúa Giêsu (x. Gl 2,20), được cùng một xương thịt với Ngài (x. Dt 2,11), được cùng một sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Ga 6,57), và cùng quyền năng như Thiên Chúa (x. Ga 14,12). Người như thế chắc chắn được Chúa Giêsu khen: “Họ là kẻ nhỏ trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông Gioan Bt, mặc dù ông Gioan là người cao cả nhất trong những người do người nữ sinh ra” (x. Mt 11,11).
            Mà thực trong gia đình, ai nhỏ nhất, người ấy làm vua. Bởi lẽ cả gia đình phải quan tâm chăm sóc, trìu mến đứa bé sơ sinh. Cũng chính vì vậy mà trong ngày Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, báo hiệu ý muốn của Thiên Chúa là loài người phải được sinh lại bởi nước và Thần Khí. Ngày ấy, tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Tiếng ấy, Chúa Cha muốn nói về những người được tái sinh trong Con yêu dấu của Ngài.
2/ Sống tinh thần trẻ thơ mà Kinh Thánh nhắc đến.
a- Sống bằng tình yêu: Trông cậy phó thác vào tình yêu Thiên Chúa như trẻ thơ nép mình trong lòng mẹ (x. Tv 131/130).
      b- Sống lệ thuộc vào Chúa: Trước mỗi quyết định hành động của ta, ta hãy khiêm tốn thân thưa với Chúa để Chúa cho phép và chỉ giáo: Như trẻ nhỏ trong gia đình không khác gì thân phận nô lệ, tuy nó làm chủ trong nhà, nó càng nhỏ mọi người càng phải sợ mà lại yêu nó, và càng phải quan tâm điều nó muốn. Nhưng khi nó còn ở dưới quyền giám hộ hay người quản lý, nó muốn gì, nó làm gì, nó phải được sự đồng ý của người nuôi nấng nó (x. Gl 4,1t).
   c- Sống không đòi được tôn vinh: Cụ thể, người ta trọng nhau lúc ăn uống, thế mà khi Đức Giêsu hóa bánh nuôi dân cho ăn no mà còn dư thừa, lại không kể đàn bà con nít (x. Mt 14,21).
      d- Sống không ác tâm: Thánh Phaolô dạy: “Anh em có bất hòa thì như con nít thôi!” (1Cr 14,20).
      e- Sống thăng tiến tinh thần: Luôn biết đón nhận cái mới cái hay để phát triển trí tuệ, canh tân tâm hồn. Thánh Tông Đồ nói: “Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con, nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con” (1Cr 13,3).          
            Vua Salômôn tác giả sách Khôn ngoan (Bài đọc I: Kn 2,12.17-20) nói về con đường khôn ngoan, khi Đấng Kitô xuất hiện, Ngài làm ứng nghiệm để huấn luyện và dẫn dắt những ai muốn có địa vị lớn lao trong Vương quốc của Ngài.
           

a- Ta gài bẫy hại tên công chính (x. Kn 2,12a).






b- Vì nó chỉ làm vướng chân ta (x. Kn 2,12b).




c- Nó chống lại các việc ta làm (x. Kn 2,12c).



d- Nó tố cáo ta không tuân hành lễ giáo (x. Kn 2,12d).



e- Nếu tên công chính là Con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay thù địch (x. Kn 2,17).



f- Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó để biết nó hiền hòa làm sao! (x. Kn 2,19)



g- Ta kết án cho nó chết nhục nhã, bởi vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm! (x. Kn 2,20)


h- Chúng suy nghĩ như vậy thật sai lầm! (x. Kn 2,21a)

a/ Kẻ ác gài bẫy hại Đức Giêsu: Có nên nộp thuế cho vua không? (x. Mt 22,15t); Có nên ném đá người phụ nữ ngoại tình không (x. Ga 8,1t).


b/ Đức Giêsu cảnh báo: “Đừng ai bắt chước lối sống giả hình của Luật sĩ và Biệt phái” (x. Mt 15).


c/ Đức Giêsu kết án Luật sĩ và Biệt phái là những kẻ mù quáng (x. Mt 15,14).


d/ Đức Giêsu không giữ tập tục tiền nhân, không giữ Luật nghỉ việc ngày Sabbat (x. Mc 7,t).


e/ Kẻ ác gào thét trước tòa án xử Đức Giêsu: “Đóng đinh nó đi, vì nó nói phạm thượng, nó tự xưng mình là Con Thiên Chúa!” (x. Ga 2,19; 19,7).


f/ Đức Giêsu nói với kẻ vả mặt Ngài: “Nếu tôi nói phải, tại sao đánh tôi?” (Ga 18,23)


g/ Những kẻ giết Đức Giêsu nhạo báng Ngài: “Hãy xuống khỏi thập giá, nếu ông là Con Thiên Chúa” (x. Mt 27,40).



h/ Trên thập giá, Đức Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm!” (Lc 23,34)
           
            Khi ta sống đời phục vụ như Đức Giêsu trên đây, ta giống như ông Ab-ra-ham bắt con mình làm của lễ dâng tiến Chúa (x. St 22,1-14), và như thế ta đã đón nhận Đức Giêsu và đón nhận ý Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài vào trần gian.
            Mẹ Têrêsa Calcutta sinh ngày 27/08/1910 tại Anbani, năm 1929 sang Ấn Độ dạy học, và năm 1949 lập dòng Phục Vụ Người Nghèo. Hiện nay có 500 cơ sở trên 80 quốc gia, gồm 5.000 nữ tu và 1.000 nam tu. Mỗi năm mẹ tiêu khoảng 50 triệu USD cho việc từ thiện. Mẹ làm việc với cường độ chóng mặt so với dáng vóc nhỏ nhắn, mẹ cao khoảng 1m50, chỉ nặng có 32kg, có người đã nói đùa rằng mẹ nên đeo thêm vài cục đá kẻo bị gió thổi bay như hạt bụi! Mẹ đã được cả thế giới ngưỡng mộ, đã được trao giải Nobel Hoà Bình năm 1979 và tổng thống Hoa Kỳ đã xin mẹ làm Công Dân Danh Dự, cả đến Quốc Hội Mỹ cũng xin mẹ trở thành Công Dân Ưu Tú của nước họ!
            Thế mà một ký giả người Anh tên Christopher Hisson đã viết cuốn tiểu thuyết “Thiên Thần Hỏa Ngục, Têrêsa Calcutta” vu khống mẹ: kiếm tiền cho Giáo hoàng chứ không cho người nghèo. Lại còn liên kết với các nhà độc tài Duvalier ở Haiti, Enver Hossa ở Albani chống phe cực đoan quá khích!
            Truyện được đóng thành phim chiếu rộng rãi trên bốn kênh đài truyền hình nước Anh tối ngày 08-11-1994!
            Người ta hỏi phản ứng của mẹ, mẹ trả lời: “Mỗi người đều phải quyết định sống thế nào để chuẩn bị cho ngày gặp Chúa. Phần tôi, tôi vẫn tiếp tục công việc.”
            Tối ngày 05-09-1997 mẹ vừa qua đời, thì:
* Tổng thống Pháp Jacques Chirac gởi điện đến Calcutta với lời như sau: “Tối nay, trên thế giới ít tình thương hơn, ít lòng trắc ẩn hơn, ít ánh sáng hơn!”
* Thủ tướng Anh, ông Tony Blair chia sẻ: “Trong một tuần đầy bi kịch, thế giới lại càng buồn hơn, vì một trong những người phục vụ nhiều lòng nhân ái nhất đã mất!”
* Thủ tướng Ấn Độ ra lệnh tổ chức Quốc táng (dù mẹ không phải là người Ấn), mà việc này chỉ dành cho vị nguyên thủ quốc gia mà thôi!
* Cả nước Ấn để tang hai ngày!
* Nước Albani, quê hương của mẹ tổ chức ba ngày Quốc tang!
* Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố: khắp nước phải treo cờ rũ!
* Nước Philippin tổ chức tang lễ trọng thể!
* Trên một triệu người đủ mọi thành phần tôn giáo, sắc tộc trên thế giới đến viếng linh cửu và tiễn đưa mẹ đến nơi an nghỉ. Ai đến viếng cũng đều ghi hàng chữ: “Dáng vóc Têrêsa nhỏ bé, nhưng tinh thần mẹ vĩ đại!”
            Và ngày 19-10-2003, mẹ đã được tôn phong Á thánh.
            Thực ra mẫu người sống đạo của mẹ Têrêsa chưa phải là mẫu Tông Đồ số một của Đức Giêsu. Người Tông Đồ làm lớn nhất phải như thánh Phaolô đã khoe mình với giáo đoàn Côrintô: “Tôi là đứa con sinh non đẻ muộn, không xứng đáng làm môn đệ của Chúa, vì tôi đã vô tri mà bách hại Hội Thánh Ngài, nhưng khi tôi được Chúa thương xót, nhận tôi làm người phục vụ Tin Mừng, tôi đã nhiệt thành không kém các Tông Đồ thượng đẳng” (2Cr 11,5), cũng như ông Phao-lô khoe với Timôthê, môn đệ của mình: “Đức Giê-su bước vào trần gian, để cứu những người tội lỗi, trong số đó tôi là người thứ nhất” (1Tm 1,15).
            Dù mẹ Têrêsa đã bị ông Hisson thêu dệt bôi nhọ mẹ trên màn hình nước Anh! Nhưng ta cũng chưa tìm được người nữ thứ hai trong nhân loại đã được nhiều quốc gia tôn vinh như mẹ Têrêsa, chỉ vì mẹ phục vụ theo đường lối của Đức Giêsu chỉ cho.
            Vậy khi ta thành tâm thiện ý phục vụ hết lòng mà bị chống đối, thì hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ(Tv 54/53,8: Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Ai muốn làm đầu, phải hầu thiên hạ! (x. Mc 9,35-37)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH