LỪA
DỐI
1. Lừa dối là một hiện tượng xấu đang phát triển mạnh trong mọi
hình thức. Lời nói lừa dối. Hành động lừa dối. Thái độ lừa dối. Nếp sống lừa dối.
Lừa dối cũng đang lan rộng trong nhiều lãnh vực.
Nhưng lừa dối cả trong những lãnh vực cao quý như tình nghĩa,
tình yêu, thì đó là thảm hoạ.
Nếu lừa dối lại xảy đến trong lãnh vực tôn giáo, ở những người
mang danh thánh thiện, ở những việc gọi là thánh thiêng, ở những nơi gọi là đã
thánh hoá, thì quả là quá tồi tệ.
Mình lừa dối người khác. Mình bị người khác lừa dối. Mình tự lừa
dối chính mình. Cả ba hình thức lừa dối đó đều đang xảy ra một cách không ngờ,
rất phức tạp. Xem như lừa dối đang được coi như chuyện bình thường. Với đà này,
đạo đức sẽ đi về đâu? Ở đây tôi xin bắt đầu bằng sự chính mình tự lừa dối mình.
2. Xin được nêu lên vài thí dụ.
Tôi tưởng điều gì tốt thì tôi sẽ làm được, điều gì xấu thì tôi sẽ
tránh được. Nhưng tưởng như thế là tự lừa dối mình. Bởi vì thực tế bắt tôi phải
thú thực như thánh Phaolô xưa: “Muốn điều thiện, thì tôi có thể muốn, nhưng làm
thì không. Sự thiện tôi muốn làm, thì tôi không làm. Nhưng sự ác tôi không muốn,
thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19).
3. Tôi tưởng những ai được ở bên Chúa Giêsu, những ai có lòng tốt
với các tông đồ Chúa, đều không thể bị quỷ Satan khống chế. Nhưng tưởng như thế
là tự lừa dối mình. Bởi vì thực tế cho thấy đã có những trường hợp những người ở
bên Chúa Giêsu và phục vụ các tông đồ đã bị quỷ Satan lôi kéo. Hơn nữa, Kinh
Thánh còn quả quyết: Họ bị quỷ Satan nhập tâm.
Thánh sử Gioan viết về tông đồ Giuđa Iscariôt: “Y vừa ăn xong miếng
bánh Chúa mời ăn, thì quỷ Satan liền nhập vào y” (Ga 13,27).
Tông đồ Công vụ viết về ông Khanania là người bán đất của mình,
rồi đưa tiền dâng cúng cho các tông đồ, nhưng giấu giữ lại một phần. Ông bị
thánh Phêrô mắng: “Anh Khanania, sao anh để Satan xâm chiếm lòng anh, khiến anh
lừa dối Thánh Thần” (Cv 5,2).
4. Tôi tưởng Hội Thánh của tôi đang tiến bước một cách êm ả, với
tinh thần canh tân toàn diện. Nhưng tưởng như thế là tự lừa dối mình. Bởi vì thực
tế cho thấy đang có những suy thoái trầm trọng, không những nơi những cá nhân,
mà cả nơi cơ chế. Đức cố Hồng Y Carôlô Martini dám nói lên sự thực đó với lời lẽ
xót xa: “Giáo Hội chậm trễ đến 200 năm”.
Tự lừa dối mình, đó là một sự thực đau lòng và nguy hiểm. Tình
trạng như thế không được phép kéo dài. Chúng ta phải làm gì?
5. Thưa, trước hết chúng ta phải coi tình trạng tự lừa dối mình
là có thật. Nếu chối là không có, thì lại thêm một sự lừa dối mình nữa. Và sự lừa
dối đó sẽ dẫn tới hậu quả rất trầm trọng có liên quan đến tồn vong của Hội
Thánh địa phương, và liên quan đến cả phần rỗi đời đời của ta và của nhiều người.
Chính mình lừa dối mình, đó là điều rất nguy hiểm, phải khiêm tốn
nhìn sự thực ấy. Đó là bước đầu cần thiết. Bước tiếp theo là gì?
6. Theo thiển ý của tôi, mọi bước tiếp theo đều sẽ là: Tất cả những
gì gọi là lừa dối đều phải xa tránh.
Kinh nghiệm cho thấy: Lừa dối nào cũng xấu. Lừa dối này kéo theo
lừa dối kia. Kẻ quen lừa dối, sẽ không ngại lừa dối mình, lừa dối người dưng, lừa
dối người thân, lừa dối dư luận, lừa dối cả Thiên Chúa.
Động cơ lừa dối thường là tìm lợi ích riêng. Lợi ích riêng gồm
nhiều thứ, như tiền của, địa vị, danh vọng, tình cảm, tình yêu, chức tước.
Khi lợi ích riêng vượt khả năng mình, hoặc đụng chạm đến lợi ích
chung hoặc lợi ích người khác, nhưng người ta cứ muốn tìm nó về cho mình bằng bất
cứ giá nào, thì sẽ khó tránh được lừa dối, thủ đoạn và xung đột, nếu thiếu đạo
đức.
Quá tìm lợi ích riêng đã là không tốt. Phương chi còn dám tìm lợi
ích riêng bằng lừa dối thì quả là xấu quá.
7. Satan xưa đã lừa dối ông Adong và bà Evà trong vườn địa đàng.
Satan xưa cũng đã muốn lừa dối Chúa Giêsu, khi Chúa ăn chay 40
ngày trong sa mạc.
Satan vẫn mãi dùng sự lừa dối để làm hại con người, nhất là phá
hoại Hội Thánh Chúa. Vì thế chúng ta hãy luôn luôn cảnh giác, đừng để mình đi
vào sự lừa dối, bất cứ dưới hình thức nào.
8. Những gì tôi vừa nói trên đang xảy ra rải rác trong Hội Thánh
Việt Nam
chúng ta. Những chỗ nào có liên quan đến chức tước, địa vị, tiền bạc, danh vọng,
tranh đấu, sùng mộ, đều có nhiều cơn cám dỗ rình rập. Cám dỗ nhìn những chỗ đó
như cơ hội tốt, để tìm kiếm lợi ích riêng. Cám dỗ sáng kiến ra những cách nhằm
đạt được lợi ích riêng. Cám dỗ những sáng kiến đó chấp nhận nhiều ít lừa dối được
che giấu một cách tinh vi.
Phải nói ngay là rất nhiều người đã can đảm và trong sáng trước
những cơn cám dỗ như thế. Nhưng bên cạnh những gương sáng ấy, chẳng may cũng có
những người sa ngã. Số kẻ lừa dối người khác thì không đông. Nhưng số người bị
lừa dối thì vô kể. Họ rất tốt và rất đáng thương.
Satan sẽ kiên trì trong việc lừa dối. Xin hãy tỉnh thức và cầu
nguyện. Đồng thời hãy luôn nhớ lừa dối là điều rất xấu.
9. Lúc này, với tâm tình tin tưởng, tôi xin được chia sẻ ba điều
sau đây, mà tôi đã thực hiện để đối phó với các cám dỗ lừa dối của Satan.
Một là tôi biết tôi rất tội lỗi, yếu đuối, hèn mọn, như một vực
thẳm hôi tanh. Chính sự nhìn nhận này đã giúp tôi nhìn lên Chúa với lòng cậy
trông vô bờ.
Hai là tôi biết tình yêu thương của Chúa rất bao la, như một vực
thẳm thơm ngát rộng hơn gấp ngàn lần vực thẳm của tôi. Nếu tôi bám vào lòng
thương xót Chúa, chắc chắn Chúa sẽ cứu tôi. Tôi nhớ Lời Chúa gọi: “Tất cả những
ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta. Ta cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”
(Mt 11,28). Tôi đã đến với Chúa, đã đặt gánh nặng đời tôi vào lòng Chúa. Và thực
sự Chúa đã đỡ nâng tôi. Tôi rất tin vào lòng thương xót Chúa.
Ba là tôi biết Đức Mẹ chẳng bao giờ bỏ những đứa con bệnh nạn cậy
trông ở Mẹ. Chính do Đức Mẹ cầu bầu mà tôi nay được ơn biết trân trọng niềm tin
vào Đức Kitô và được đau khổ cùng với Đức Kitô, như lời thánh Phaolô xưa: “Nhờ
Đức Kitô, anh em đã được phúc chẳng những tin vào Người, mà còn được chịu đau
khổ với Người” (Pl 2,29).
Lạy Chúa, xin thương cứu chúng con.
+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN