Thế vận hội Olmpic Sydney 2000 đã long trọng khai mạc vào ngày
15/9. Buổi lễ khai mạc đã diễn ra tưng bừng vĩ đại nhất thế kỷ. Vận động viên
các nước về đây tham dự, ai cũng muốn phá kỷ lục thế giới, để được đứng hạng nhất,
đoạt được huy chương vàng. “Nhanh nhất, cao nhất, xa nhất” vẫn luôn là khẩu hiệu
của Olympic.
Thế nhưng ai là người lớn nhất? Đó là vấn đề tranh cãi giữa các
môn đệ của Chúa Giêsu. Cuộc tranh cãi còn kéo dài mãi đến nỗi trong bữa Tiệc ly
Chúa Giêsu đã phải quỳ xuống rửa chân cho các ông để dạy một bài học khiêm tốn
phục vụ.
Theo cái nhìn thông thương, người lớn nhất là người có địa vị cao,
có quyền lực, có nhiều tiền… Và nếu đã là người lớn nhất thì chắc chắn phải được
kính nẻ, tôn trọng, phục dịch, được nhiều quyền lợi hơn.
Chúa Giêsu đã đảo ngược cách nhìn thường tình đó để thay thế bằng
một thang giá trị mới của Nước Thiên Chúa: Trong Nước Thiên Chúa, người trước hết
trở nên sau hết, người sau hết trở nên trước hết. Người cao nhất có thể không bằng
người thấp nhất, và người thấp nhất lại được kính trọng hơn người cao nhất. Điều
quan trọng đối với Chúa Giêsu không phải là làm gì, nhưng là làm như thế nào, với
tinh thần nào, vì mục đích gì? Và cái cao nhất cũng như cái thấp nhất không nắm
trong ngôi thứ bên ngoài nhưng tuỳ vào tinh thần bên trong.
Sự đảo lộn các giá trị nói trên cũng làm đảo lộn theo cách sống
và cách cư xử với tha nhân. Đối với Chúa Giêsu, người lớn nhất phải là người
khiêm tốn nhất, sẵn lòng phục vụ nhất, sẵn sàng chịu thiệt thòi nhất. Lòng
khiêm tốn, thái độ vị tha, tinh thần phục vụ chính là thước đo giá trị của mỗi
người trong Nước Thiên Chúa. Và trong Nước Thiên Chúa chỉ dùng thước đo duy nhất
đó thôi, không dùng thước đo nào khác. “Ai muốn làm đầu thì phải làm hầu thiên
hạ. Ai muốn làm người lớn nhất thì phải làm người nhỏ nhất và phục vụ mọi người”.
“Nghệ thuật làm lớn” của
Chúa Giêsu được đúc kết trong lời khẳng định: “Con Người đến không phải để được
phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Tất cả
cuộc sống của Ngài mình hoạ rõ nét chân lý đó. Biểu hiện rõ nhất của hiến thân
và phụ vụ là thập giá và cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu. Chính khi hiến
thân và phục vụ như vậy, Ngài càng trở nên cao cả và đáng suy tôn là “Đức
Chúa”. Đó là gương phục vụ trọn vẹn. Thiên Chúa phục vụ con người để con người
phục vụ nhau vì Thiên Chúa.
Bài đọc 1 hôm nay nói đến “Người Tôi Tớ đau khổ”, một danh xưng
đã được Ngôn Sứ Isaia sử dụng để tiên báo Đấng Cứu Thế và đã được ứng nghiệm
nơi Chúa Giêsu, Đấng đã trở thành Tôi Tớ của mọi người bằng cuộc sống phục vụ đến
hiến mạng sống cho mọi người. Theo nghĩa thích hợp nhất: Chúa Giêsu là Tôi Tớ của
mọi người.
Chúa Giêsu đã đưa một em bé ra đây để dạy các môn đệ: “Ai tiếp
đón một em bé như em bé này là tiếp đón Thầy. Và ai tiếp đón Thầy thì không phải
là tiếp đón Thầy, mà là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. nhiều lần Chúa Giêsu đồng
hoá với những người nhỏ bé, nghèo hèn. Ở đây Chúa Giêsu đồng hoá với một em bé,
một thành phần không có chỗ đứng trong xã hội Do Thái. Một người nhỏ bé, nghèo
hèn nhất, không đáng kể trước mặt người đời, cũng được Chúa Giêsu coi là hiện
thân của Ngài. Đón nhận người ấy là đón nhận Ngài và là đón nhận Ngài và là đón
nhận chính Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài.
Nếu Thiên Chúa đã tự liên đới với người nhỏ bé, nghèo hèn, không
đáng kể nhất, thì chúng ta còn sợ gì mà không dám làm người rốt hết và làm tôi
tớ mọi người. Phục vụ một người không đáng kể nhất cũng là phục vụ chính Thiên
Chúa. Đó là lý do tại sao trở nên người rốt hết và phục vụ mọi người lại là người
lớn nhất.
Một hoàng đế, một Giáo Hoàng, một tổng thống, một chủ tịch có phải
là người lớn nhất hay không, đó còn tuỳ ở chỗ những người ấy có thật sự là “đầy
tớ của nhân dân” hay không, có thật sự là “tôi tớ của các tôi tớ” hay không?
Anh chị em thân mến,
Con đường tự hạ, làm người bé nhỏ và phục vụ anh em là con đường
để trở nên vĩ đại, trở nên người lớn nhất trước mặt Chúa. Chính Chúa Giêsu là
Con Thiên Chúa, Ngài đã làm người rốt hết, làm người tôi tớ mọi người, đem
chính mạng sống của Ngài mà phục vụ mọi người. “Ngài đã vâng phục đến nỗi bằng
lòng chịu chết và chết trên thập giá, chính vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài
đến tột đỉnh vinh quang; “Đức Chúa” (x.Pl 2,5-11). Ai đi con đường đó với Ngài
sẽ được Ngài đưa tới vinh quang tột đỉnh với Ngài.
Một khi Chúa Giêsu đã tự hạ làm người rốt hết và đồng hoá với cả
những người mà thế gian coi như không có, thì mọi thái độ thống trị đã bị kết
án rồi, vì thống trị, chà đạp bất cứ ai cũng là thống trị, chà đạp Thiên Chúa vậy.