ĐAU KHỔ
Thời Chúa Giêsu, vác thập giá là một cực
hình khổ nhất, nhưng thông dụng nhất mà người Rôma đế quốc đã đem áp dụng ở Do
thái. Vậy nói tới thập giá, đối với thời Chúa Giêsu, là một khổ hình và chắc chắn
chết nhục nhã. Người nào vác thập giá là người bị đưa tới pháp trường để chịu
đóng đinh mình vào cây thập giá đó. Vác thập giá lên vai có nghĩa là bắt đầu đi
đến chỗ chết. Vác thập giá cũng có nghĩa là bắt đầu đau khổ thực sự. Vì thế, những
đau khổ trong cuộc đời chính là thập giá Chúa bảo chúng ta phải vác mà đi theo
Ngài. Đây chính là vấn đề chúng ta muốn hiểu biết : vấn đề đau khổ trong cuộc đời.
Từ xưa đến nay, có một vấn đề gai góc, một
vấn đề nan giải, một vấn đề làm cho nhiều người thắc mắc và thất vọng. Đó là vấn
đề đau khổ. Người ta sinh ra trong tiếng khóc, trải qua cuộc đời đầy nước mắt,
rồi âm thầm nằm xuống trong tiếng khóc chân thật hay giả dối của người khác.
Cho nên, Kinh Thánh nói : “Đời là thung lũng nước mắt”. Đã là thung lũng nước mắt
thì cũng là bể khổ, vì sao vậy ? Xưa nay các nhà hiền triết đã nát óc đi tìm một
câu trả lời thỏa đáng. Đức Phật Thích Ca đi tu cũng vì muốn tìm một câu trả lời
cho câu hỏi gai góc ấy.
Không hiểu lý do sự đau khổ, người ta
tìm cách hủy diệt người đau khổ mà họ cho là những chiếc gai phản tiến hóa. Đã
có một thời chính phủ Nhật Bản ra lệnh tập trung tất cả những người mắc bệnh
phong cùi trên một hòn đảo nằm ở giữa biển Thái Bình Dương và tưới xăng thiêu rụi
cả hòn đảo chứa đầy bệnh nhân ấy. Họ mắc bệnh nan y, họ không có quyền sống.
Trong thế chiến thứ hai, nhà độc tài Hitler đã ra lệnh cho giám đốc bệnh viện
Bê-then thủ tiêu tất cả mọi bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, vì họ là thành phần vô
dụng, ăn hại xã hội và quốc gia. Không tin ở Thiên Chúa thì người ta không làm
sao hiểu nổi vấn đề đau khổ. Và người ta có thể tuyệt vọng khi không làm sao
tránh được đau khổ và bệnh tật. Văn hào vô thần Hen-ri đờ Mông-thơ-lan, thuộc
hàn lâm viện Pháp, lúc về già, bị mù. Vì không chịu được sự đau khổ ấy, ông đã
dùng súng lục bắn vào họng tự sát.
Vấn đề đau khổ, ai sẽ đem lại cho chúng
ta một câu trả lời thỏa đáng ? Chỉ có một Đấng là Chúa Giêsu mới có thể trả lời
cho chúng ta. Và nhờ ánh sáng Tin Mừng của Chúa chúng ta mới hiểu được nguyên
do của đau khổ, đó chính là tội lỗi. Đau khổ đã xuất hiện từ khi loài người bắt
đầu phạm tội và sẽ còn mãi cho đến tận thế. Mở trang đầu của Kinh thánh, chúng
ta thấy Chúa dựng nên vạn vật, chim trời, cá biển, cầm thú và con người, rồi
Kinh Thánh kết luận : “Mọi sự Chúa dựng nên đều tốt đẹp, rất tốt đẹp”. Nhưng rồi
chương trình tốt đẹp ấy đã bị đổ vỡ. Tội lỗi đã len vào thế gian. Và vì tội thì
có sự chết nữa. Nghĩa là từ ngày nguyên tổ phạm tội thì đau khổ báo trước sự chết
và sự chết đã ngự trị trên trần gian. Mỗi ngày có biết bao nhiêu tiếng khóc, có
biết bao nhiêu dòng nước mắt. Mỗi ngày có hàng vạn người chết. Bản án còn vang
lên : “Vì ngươi đã phạm tội thì trái đất sẽ sinh gai góc, ngươi phải làm ăn vất
vả, đổ mồ hôi trán mới có ăn và ngươi là tro bụi thì sẽ hoàn về tro bụi”. Từ
đó, đời là bể khổ, đời là thung lũng nước mắt. Đau khổ là do tội lỗi phát sinh.
Chúa Giêsu đến trần gian, Ngài gánh lấy tội lỗi nhân loại. Nhờ sự chết và sống
lại, Ngài đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Nhưng Ngài không cất đi hình phạt của tội
lỗi là gian nan đau khổ. Hơn nữa, Ngài dùng đau khổ làm giá cứu chuộc chúng ta.
Vì thế, đời sống Chúa Giêsu là một đời đầy gian lao đau khổ. Cuộc sống ấy đi dần
đến một cái chết ghê sợ nhất trên đời, nhưng Ngài chấp nhận. Ngài mong chờ nữa,
vì không có máu đổ ra thì không có ơn cứu chuộc.
Chúa đã chịu đau khổ để đền tội chúng
ta, thì Ngài cũng thánh hóa sự đau khổ để nêu gương sáng cho chúng ta. Hơn nữa,
Ngài lấy sự nhẫn nại chịu đau khổ như là một điều kiện để theo Ngài, để làm môn
đệ của Ngài : “Ai muốn theo tôi, hãy vác thập giá mình mà theo”. Từ đây không
ai có thể tự hào là môn đệ Chúa mà không tham gia vào cuộc thương khó của Chúa,
không vui lòng lãnh nhận phần đau khổ riêng tư của mình. Vì thế, khi gặp đau khổ,
Chúa dạy chúng ta đừng buông xuôi, đừng thất vọng, đừng lồng lộn rủa trời, chửi
đất mà hãy đến cầu xin với Chúa : Hãy đến với tôi, hỡi những ai khó nhọc và
gánh nặng, tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho”.