LƯỠI VÀ TAI
Báo Tuổi Trẻ có đăng bài xã luận về “Cái
lưỡi và cái tai” như sau:
Một hôm trong lúc đang ngồi uống trà và
hàn huyên tâm sự với nhau, tự nhiên tôi thấy ông Hai Hưu Trí có vẻ tư lự và
phát biểu như sau:
-
Người đời thường hay đổ
thừa mọi điều xằng bậy là do tội của “cái lưỡi không xương nhiều điều lắt léo”.
Nhưng tôi nghĩ nếu chỉ có cái lưỡi thì cũng chẳng có vấn đề! Anh cứ ngẫm lại mà
coi, nếu chỉ có mấy cái lưỡi lươn lẹo, xu nịnh thường hay múa may với nhau thì
bất quá cũng chỉ làm điếc tai hàng xóm láng giềng mà thôi. Cái lưỡi chỉ có thể
làm nên những chuyện tày trời nếu nó được hỗ trợ của những “cái tai” không biết
phân biệt tốt xấu, thật giả của mấy ông: “Nhà báo nói láo ăn tiền”.
Nhưng họ lại quên không chê mấy ông cấp
trên quan liêu chỉ khoái được nghe những bài báo cáo thành tích khi chưa kiểm
tra thực hư! Nếu chỉ chuyên có cái lưỡi thì chắc sẽ không thể “vẽ vời” để biến
một công ty đang từ tình trạng làm ăn thua lỗ, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng
cho nhà nước, bỗng dưng trở thành một công ty đang trên đà phát triển và làm ăn
khấm khá. Nếu có những cái tai thực sự ngay chính thì những lời đường mật như vậy
làm sao có khả năng gây ra biết bao thiệt hại được.
Nghe ông Hai Hưu Trí triết lý một hồi
như vậy, tôi liền thêm vào:
-
Hôm nay Bác Hai nói thật
là chí lý thậm phải!
Ông Hai Hưu Trí bèn cười lên một tiếng lớn
rồi ôn tồn nói:
-
Nè nhá, cũng bởi cái
tai của chú mày chỉ khoái nghe những chuyện xốc hông xiên xỏ, nên cái lưỡi của
lão già rách việc này mới có cơ hội múa may như từ nãy đến giờ, phải không chú
em?
Lưỡi và tai là hai cơ quan truyền thông
của con người. Kẻ “câm và điếc” hoàn hoàn bị tước đoạt hai phương tiện cần thiết
này. Lưỡi họ như bị một sợi dây vô hình trói buộc, tai họ dường như có một cánh
cửa khóa chặt. Họ không hiểu được ai và cũng chẳng ai hiểu được họ. Có thể nói,
họ bị tách khỏi thế giới bên ngoài. Hôm nay, Đức Giêsu chữa cho một người câm
điếc. Người phán: “Ep-pha-ta” nghĩa là “Hãy mở ra” lập tức tai anh mở ra, lưỡi
anh như hết bị trói buộc.
Chẳng ai muốn mình bị điếc, nhưng trong
thực tế không thiếu người mắc bệnh này. Chúng ta bị điếc khi để mình mất khả
năng lắng nghe kẻ khác. Chúng ta bị điếc khi chúng ta nghe người khác nhưng lại
cố hiểu theo ý mình. Chúng ta bị điếc khi lắng nghe mà không nhận thức được đúng
sai, hay dở. Vậy điều quan trọng không nằm ở nơi người nói, mà ở chỗ người nghe
suy nghĩ và quyết định ra sao. Nắm được tâm lý của con người nên hãng bảo hiểm
Prudential mới chọn khẩu hiệu: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.
Vì thế, chỉ nghe bằng tai thôi không đủ,
mà phải lắng nghe với cả trái tim. Chỉ có trái tim yêu thương, chân thành và quảng
đại mới có thể hiểu đầy đủ, hiểu chính xác những thông điệp mà người nói muốn
truyền đạt. Hơn nữa, không phải thông tin nào cũng nên nghe. Cần phải chọn lựa
những thông tin bổ ích hữu dụng; không gây phương hại, vẩn đục cho tâm hồn.
Cha Mark Link có viết: “Chúng ta không thể luôn tin vào những gì
nghe bằng đôi tai, nhưng luôn có thể tin vào những gì thấy bằng con tim của
mình”.
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái