Học làm người _ vị tổng thống trung thực


VỊ TỔNG THỐNG TRUNG THỰC
Tổng thống Abraham Lincoln đã từng được biết đến như là một “Tổng thống trung thực”, ông cũng được nhìn nhận như là một con người luôn yêu thích sự thật.
Ngày kia, một vị khách đến thăm viếng nhà ông, người này có thói quen xấu là không biết giữ lời hứa.
Ông ta muốn bế một cháu bé là một trong những đứa con của Tổng Thống, nên đã vỗ về cháu bằng cách hứa sẽ cho cháu sợi dây chuyền mà ông đang đeo và chiếc đồng hồ của ông.
Cháu bé vui mừng leo lên lòng ông. Cuối cùng, khi người khách đó đứng lên ra về, Tổng Thống Lincoln đã nói với ông ta:
-         Ông có định giữ lời hứa của ông đối với con trai tôi không?
Vị khách hỏi:
-         Thưa Tổng Thống, lời hứa gì ạ?
-         Ông nói rằng ông sẽ cho cháu bé sợi dây chuyền này.
-         Nhưng đây không chỉ là một sợi dây chuyền có giá trị, mà còn là một món đồ vật gia bảo của tôi nữa.
Tổng Thống Lincoln nói nghiêm nghị:
-         Ông hãy cứ đưa cho cháu bé đi. Tôi không muốn cho cháu nghĩ rằng tôi đã đón tiếp một người không hề quan tâm gì đến lời nói của mình.
Người khách đó đỏ mặt lên, lặng lẽ cởi sợi dây chuyền ra, đưa cho cháu bé, và ra về với một bài học mà chắc chắn ông ta không thể nào quên được.
(3000 Illutrations)
Một lời nói cũng như một hành động sẽ để lại một dấu ấn, đặc biệt lời nói hành động ấy nói với giới thiếu nhi lại cần sự tế nhị hơn, vì trong bất cứ lời nói cử chỉ nào của người lớn luôn ẩn chứa trong lòng các em sự tin tưởng. Đừng nghĩ rằng nó là bé, là con nít, người lớn muốn hứa, muốn nói sao cũng được.
Ngay từ khi biết con trẻ biết nhận thức, chúng đã được cha mẹ, thầy cô dạy phải thật thà trung thực. Em nào cũng ngoan ngoãn vâng lời, và được cha mẹ khen thưởng sau mỗi lần biểu hiện một hành động thật thà. Cho đến một ngày vì mê chơi, chạy đùa chơi ú tim trong nhà vướng vào dây điện chiếc TV rớt xuống bể tan tành, em sợ lắm nhưng vẫn can đảm thành thật thú lỗi, tưởng là sau khi thú lỗi sẽ được cha mẹ tha thứ, nhưng lại không đúng như em nghĩ, và hậu quả là đón nhận sự nóng giận của ông bố cho một trận đòn chí tử. Từ ngày đó nét đẹp ngoan ngoãn về sự thành thật không còn mạnh dạn như ngày trước nữa. Mỗi khi làm lỗi em tìm đủ mọi cách để chống chế, để thoát khỏi sự nóng giận của cha mẹ. Nhân câu chuyện trên xin được nêu vài cảm nhận giữa sinh hoạt đời thường, để mong sao người lớn chúng ta sẽ mãi là tấm gương sáng cho con cái, cho đàn em.
Người lớn đừng để con trẻ nghĩ nó bị lừa dối khi:
-         Người lớn hứa thưởng cho nó rồi người lớn chẳng bao giờ thưởng.
-         Người lớn dạy nó không bao giờ được chửi thề, nhưng rồi người lớn cứ mở miệng là có câu “đệm mạnh”.
-         Người lớn nhắc nó sáng nào cũng phải dậy đi lễ, nhưng người lớn thì cứ an giấc trong chăn ấm.
-         Người lớn bắt con phải học kinh, học giáo lý cho thuộc, nhưng ôi người lớn chẳng biết, chẳng hiểu.
-         Người lớn dạy con phải ngăn nắp trật tự, nhưng người lớn về đến nhà là bừa bộn trăm thứ.
-         Người lớn dạy con phải hiếu thảo, nhưng người lớn mở miệng nói với ông bà chúng chẳng ra gì.
-         Người lớn dạy con phải ăn nói nhẹ nhàng, nhưng người lớn mở miệng ra là quát tháo.
-         Còn biết bao những cái khác người lớn bắt chúng phải nghe, phải làm, mà chính người lớn chẳng bao giờ giữ. Ôi cứ như những tấm gương ấy thì thử hỏi tương lai của những mầm non mai sau của Giáo Hội cũng như Xã Hội mai này sẽ đi đến đâu?
Hình ảnh trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã yêu thương các em nhỏ như thế nào? Khi những người lớn mang các trẻ em đến với Chúa để Ngài chúc phúc, các tông đồ đã la rầy chúng, nhưng chính Chúa lại ôm chúng vào lòng và nói: “Hãy để chúng đến với Ta, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mt.19. 15). Chúa yêu thương, trìu mến chúng biết dường nào. Bởi trẻ em là những tâm hồn đơn sơ, trinh trắng. Mong rằng người lớn xin đừng vì đôi khi vô tình vô ý, đã để lại những tấm gương mù, qua hành động, lời nói nhuộm vào tâm hồn các em những vết nhơ, như vị khách ở trên đã không giữ được sự trung thực trong lời hứa của ông, hoặc thái độ của ông bố vì sự thành thật của con mà phải lãnh trận đòn chí tử, và đã vô tình làm cho con mất đi sự trung thực trong cuộc sống.
Chúa Giêsu đã nói lên sự trung thực, dạy chúng ta đừng mưu mô gian dối. Chúa Giêsu đã nói : “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc nhỏ thì cũng bất lương trong việc lớn”(Lc 16,10). Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta đừng xem thường những việc nhỏ. Việc tuy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng đến việc lớn, nhiều khi việc nhỏ lại làm nên thành công của việc lớn lao.
Abraham Lincoln đã để lại cho tôi một bài học về sự trung thực. Ước mong xin Chúa sẽ ban cho con luôn biết trung thực trong cuộc sống, cũng như cho con biết trân trọng những điều trung thực của những người khác. Vì tôn trọng sự trung thực đó chính là thước đo nhân cách của con người. Amen!
Pet. PBH