cntn 23b _ Đức Giêsu, Đấng đem lại tự do


ĐỨC GIÊSU,
Đấng Đem Lại Tự Do Cho Con Người
Tình cờ tôi đọc được một lời nguyện cho người câm điếc như sau: “Lạy Chúa, người ta thường có thiện cảm với kẻ mù, người què, nhưng nổi xung, bực bội với kẻ điếc, nên người điếc luôn phải ẩn tránh bạn hữu và ngày càng phải sống cô đơn…”. Lời kinh này phần nào cho chúng ta thấy được nỗi khổ tâm của những người câm điếc. Bình thường, chúng ta vẫn nghĩ người mù khổ hơn người điếc, nên chúng ta dễ thông cảm với họ hơn. Nhưng theo Helen Keller, một người vừa bị mù vừa bị điếc, thì bà cho rằng điếc khổ hơn mù nhiều, vì các cánh cửa cuộc đời đều bị khoá chặt lại đối với họ: mở radio vô ích, xem truyền hình chẳng thú vị gì, không thể nói chuyện với ai, không thể diễn tả tâm tư tình cảm của mình… và cảm thấy cô đơn chán nản (Minh hoạ lời Chúa, tập 3, trang 70-71). Hay nói một cách khác, những người bị khuyết tật nói chung và câm điếc nói riêng, thường bị mọi người coi thường, khinh rẻ. Họ hầu như bị tách ra khỏi đời sống của cộng đoàn.
Do đó, khi đọc lại câu chuyện Đức Giêsu chữa lành người câm điếc trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội, một lần nữa, cho chúng ta thấy Đức Giêsu đích thực là Đấng đến để đem lại tự do cho chúng ta, giúp chúng ta hội nhập với cộng đoàn. Hay nói như những người Do thái: “Người làm mọi sự thật tốt đẹp”.
1. Nỗi bất hạnh của người câm điếc:
Để có thể thấy rõ hơn tâm tình của Đức Giêsu khi Ngài chữa lành cho một người câm điếc trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ chúng ta cần nhìn lại hoàn cảnh của anh ta. Trong tình trạng bị câm điếc, anh ta thật bất hạnh vì tai anh không hề một lần được nghe lời ru ngọt ngào của mẹ, và miệng anh cũng không thể thốt ra lời yêu thương với những người mà anh yêu thương nhất. Lòng anh có tâm sự gì cho dù là vui hay buồn, chuyện lớn hay chuyện nhỏ cũng không thể chia sẻ thành lời với bất cứ ai. Anh cũng không thể lắng nghe để làm vợi đi nỗi buồn của những người thân yêu. Hơn nữa theo quan niệm của nhiều người, thì những tật bệnh chính là hậu quả của tội lỗi. Nhất là hiện nay, anh đang sống ở miền Thập Tỉnh, nghĩa là vùng đất của dân ngoại, một dân tội lỗi và ô uế theo cách nhìn của người Do thái.
Do đó, một cách nào đó, anh còn bị coi là những kẻ tội lỗi. Mọi người đều coi thường và không muốn tiếp xúc với anh. Anh quả thật là người bất hạnh trong những người bất hạnh. Cuộc đời của anh tưởng chừng như đi vào con đường cùng. Anh đã được sinh ra trong câm lặng, và có thể sẽ chết đi trong cay đắng âm thầm. Suy nghĩ một chút như thế, chúng ta mới có thể phần nào nhận ra được lòng khao khát được “nói”, được “nghe”, nghĩa là được hội nhập vào cộng đoàn của anh.
Do đó, lời Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia: “Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ!... Chính Người sẽ đến cứu thoát các ngươi. Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được” đích thực là một niềm vui và đem lại cho từng người chúng ta một niềm hy vọng tuyệt vời. Đây là lời của niềm vui, và hy vọng vì nó được loan báo ngay lúc dân đang bị lưu đày. Chính trong bối cảnh đau thương đó, vị ngôn sứ đã báo trước cho dân một cảnh thanh bình vào thời của Đấng Thiên Sai: “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Đất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước”.
Tất cả những lời này giờ đây đã thực sự được thực hiện nơi Đức Giêsu. Ngài chính là Đấng đến để đem lại sự giải thoát, phục hồi sự tự do, xoá đi mọi hận thù, chia rẽ và giúp con người hiệp thông với nhau như lời tác giả Thánh vịnh: “Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục,… Thiên Chúa che chở khách kiều cư”.
2. Đức Giêsu, Đấng đem lại tự do cho con người:
Đọc tiếp Tin mừng, chúng ta thấy ngay khi thấy người ta dẫn đến cho Chúa người bị câm điếc, Đức Giêsu lập tức thấy được nỗi cô đơn của anh. Ngài đã không bỏ mặc anh, hay chờ anh năn nỉ, cầu xin. Trái lại, Ngài đã nắm lấy tay và dắt anh ra khỏi đám đông, Ngài còn động chạm đến con người của anh khi đặt ngón tay Ngài vào tai anh, và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Và quả thực như nhận xét của những người Do thái lúc đó: “Người làm mọi sự thật tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe đựơc và người câm nói được”. Ngài đã cho anh một cơ hội để anh hội nhập với cộng đoàn, để anh có cơ hội sống như một con người bình thường.
Đức Giêsu đã đến và phục hồi lại phẩm giá của từng người chúng ta bằng cuộc Vượt Qua của Ngài. Trước mặt Thiên Chúa, mỗi người cho dù là nam hay nữ, giàu sang hay nghèo hèn, người trí thức hay thất học …, tất cả đều có một giá trị tuyệt đối vô song, một giá trị mà cả thế giới cũng không đổi được (x. Mt 16, 26). Do đó thánh Giacôbê trong bài đọc hai nhắn bảo chúng ta: “Anh em là những người tin vào Đức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị”. Chúng ta không được thiên vị, đánh giá người khác qua vẻ bên ngoài theo cách của những người không tin mà thánh Giacôbê đề cập đến: “Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “xin mời ông ngồi chỗ danh dự nầy”. Còn với người anh em nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Và thánh nhân kết luận: “Đó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em sao?”.
Qua một vài chia sẻ trên, chúng ta phần nào thấy được tình trạng khốn khổ của những người câm điếc. Họ không thể nói cũng không thể nghe. Hoàn cảnh của họ thật đáng thương. Tuy nhiên “Nhìn người lại nghĩ đến ta”, mỗi người chúng ta đây, có thể không ai bị câm điếc về thể xác, nhưng chúng ta có thể đang bị câm điếc về tâm linh, khi không thể nói lời chân thật, không thể nói lời yêu thương, và cũng không thể lắng nghe lời Chúa và sự chỉ dạy của người khác.
Chúng ta cũng có thể trở thành câm điếc, khi sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình mà quên mất việc chia sẻ, lắng nghe những thao thức của tha nhân. Chúng ta sẽ trở nên câm điếc khi tự mình tách ra khỏi cộng đoàn bởi những tự ái cá nhân vô lối của chúng ta. Để khỏi rơi vào tình trạng câm điếc tâm linh như thế, giờ đây với cả tấm lòng thành, chúng ta cùng hiệp ý với trẻ Samuel và tông đồ Phêrô để thưa với Chúa: “Lạy Chúa xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời”.
Đức Giêsu đã tỏ rõ lòng nhân hậu của Ngài khi chữa lành cho người bị câm điếc để anh được hội nhập với cộng đoàn. Giờ đây, mỗi người chúng ta cũng hãy thành tâm, mở rộng tâm hồn, sẵn sàng đón Chúa vào lòng nhờ việc hiệp lễ, để Ngài chữa lành bệnh câm điếc thiêng liêng trong tâm hồn chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ trở nên những con người mạnh khoẻ trong tình yêu của Thiên Chúa. Amen.
Câu chuyện minh hoạ
Tạo cơ hội để mọi người được nói, được chia sẻ: bổn phận sửa dạy con cái: câu chuyện một thiếu niên 14 tuổi giết mẹ và tự tử ở Trung Quốc (bồi dưỡng tinh thần 5).
-         Đồng hành với mọi người
-         Cho mọi người một cơ hội để nói
-         Sẵn sàng lắng nghe chúng ta: Giakêu, người mù Bartimê trên đường đi Giêrikhô
-         Giúp cho chúng ta được “nói rõ ràng”
-         Giúp chúng ta nghe Lời Chúa
-         “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.
Đức Giêsu chữa lành người câm và điếc để đưa anh trở lại hội nhập với cộng đoàn.
-         Chúng ta cần biết “lắng nghe”: Lời Chúa;Tha nhân: chồng, vợ, cha mẹ, con cái, những người đang sống quanh ta. Nghe để hiểu và thông cảm.
-         Cộng đoàn hiệp thông, mỗi người hiểu rõ nhau hơn.
-         Một lối sống ích kỷ chỉ nghĩ đến mình.
-         Đánh giá người khác qua vẻ bên ngoài
-         Một số người không có tiếng nói và không được lắng nghe trong cộng đoàn.
-         Không dám lên tiếng bênh vực sự thật và loan báo Tin mừng
-         Sự bất an trong tâm hồn
Người câm là người không nói được, hoặc là chỉ phát ra những âm thanh vô nghĩa. Như vậy, nếu những khi cần nói, chúng ta không nói, hoặc nói không đúng, lúc đó, chúng ta cũng là những người câm.
Người điếc là người không nghe được. Do đó, bất cứ ai không có khả năng lắng nghe, thì cho dù âm thanh có lọt vào tai cũng coi như bị điếc.
Không thể nói, không thể nghe là người không thể hiệp thông với cộng đoàn, tự tách mình ra khỏi cộng đoàn. Vậy, nếu ai chỉ nghĩ đến mình, không biết chia sẻ với anh chị em mình cũng là những người câm và điếc.
Chúng ta những người bình thường, có bao giờ chúng ta cảm thấy hạnh phúc vì chúng ta thấy được, nghe được, nói được không? Hay là chúng ta cứ mãi loanh quanh với biết bao những lo toan về tiền tài, danh vọng, cùng với những đam mê bất chính để rồi cứ mãi “than trời trách đất”. Tự do là điều quý nhất của con người. Tự do cho thấy con người có giá trị và nhân phẩm. Tự do đòi trách nhiệm.
Sau khi nguyên tổ phạm tội, con người trở nên nô lệ của tội lỗi, mất tự do.
Chúa Giêsu đến phục hồi tự do cho con người khi Ngài cho con người có quyền nói và nghe được. Mỗi người đều có giá trị như nhau trước mặt Thiên Chúa (bđ2)
Ngài thực hiện điều này nhờ việc Nhập Thể của Ngài. Ngài dùng chính thân xác của Ngài để đem lại ơn cứu độ: đặt ngón tay vào tai, nhổ nước miếng vào lưỡi, thân xác chịu đóng đinh … Đức Kitô đã dùng những phương tiện hữu hình để thông ban ơn thánh. Đây là điều mà các bí tích thực hiện. Thông qua những dấu hữu hình: nước, dầu, bánh, rượu… bí tích đem lại cho ta chính ân sủng của Đức Kitô Phục Sinh. Đồng thời, điều này cho thấy ơn cứu độ mà Đức Kitô đem đến rất gần chúng ta. Đức Giêsu đang đồng hành với ta (Dt 4, 15).
Như thế, với Đức Giêsu, triều đại của Đấng Thiên Sai mà ngôn sứ Isaia loan báo đã trở thành hiện thực “Mọi sự, Người đã làm cách hoàn hảo”. Điều này gợi nhớ lại trình thuật Sáng tạo. Sau khi tạo dựng, Thiên Chúa thấy “mọi sự đều tốt đẹp”. Đức Giêsu là Đấng tái tạo.
Với Đức Giêsu, ơn cứu độ không còn giới hạn ở dân Do thái, mà mở rộng ra cho hết mọi người. Điều này được thánh Maccô chứng minh qua phép lạ được thực hiện ở vùng Thập tỉnh, bên Đông sông Giocđan, miền đất dân ngoại.
Theo dõi tin tức qua báo chí, và các phương tiện truyền thanh, truyền hình chúng ta thấy hình như thế giới không có lấy một ngày yên ổn. Đặc biệt là cuộc xung đột giữa Israel và Palestin và gần đây là cuộc nội chiến tại Libêria. Biết bao cuộc hội nghị, đàm phán đã diễn ra. Thế nhưng, tiếng súng, tiếng bom đạn vẫn tiếp tục nổ lúc chổ này, lúc chổ khác, khiến cho không biết bao nhiêu gia đình phải ly tán, vợ mất chồng, con mất cha, cha mẹ mất con cái.
Nhìn lại cuộc chiến giữa Israel và Palestin, chúng ta thấy đã có nhiều cuộc trao đổi, hoà giải để mong lập lại hoà bình ở vùng này, nhưng cho đến nay, kết quả cũng chưa có gì khả quan. Điều đó, cho thấy, tuy ngồi chung một bàn đàm phán, nhưng cả hai bên đều không thể nghe nhau nói, và cũng không thể hiểu nhau. Họ giống như hai người câm điếc nói với nhau.
Do đó, họ đã không thể tìm ra một giải pháp hoà bình cho cả hai bên. Không thể nghe và không thể nói đúng, như thế phải chăng những người này, một cách nào đó, cũng đang ở trong tình trạng câm và điếc? Chính vì con người đang trở nên câm và điếc đối với nhau, nên vẫn còn đó những xung đột, bất hoà.
Lm. Trần Thanh Sơn