Lời Chúa cntn 22b _ sự tự do của con cái Chúa


Sự tự do của con cái Chúa
Ơn Tạo Dựng
Cha Ðỗ Ðình Bộ (Dourisboure) thuộc hội Thừa Sai Ba Lê kể câu chuyện ông Hồ Mua (Hmur) là người dân tộc Bana đầu tiên trở lại đạo Công Giáo năm 1853.
Ông Mua được cha Cung (Combes) dậy đạo. Cha này nhìn nhận ông là người "rất trung thực, rất công bằng, rất thù ghét điều gian dối". Ðặc biệt về giới răn thứ sáu, ông tỏ ra là người bén nhạy cách lạ thường. Một hôm cha Cung dạy ông hơi nhiều về giới răn đó. Phản ứng của ông Mua là: "Ồ, thưa ông cố, về điều này, từ lâu tôi đã biết điều gì được phép làm hay không được phép, kể cả trong suy nghĩ. Xưa kia, khi còn là một thanh niên, và trên đường đi đâu đó, nếu tôi gặp một người con gái thì tôi quay mặt lại để khỏi nhìn cô ấy, và khỏi có những ước muốn xấu."
Ơn Cứu Chuộc
Nhưng không thể nói như vậy về vấn đề mê tín dị đoan. Tất cả những tập tục của dân Bana đều có mê tín dị đoan thấm nhuần. Và ông Hồ Mua mang nặng sư thấm nhuần đó. Khi ông Mua nghe cha Cung trình bày chi tiết đạo thánh Chúa, ông liền tỏ lòng khâm phục và muốn theo liền. Nhưng khi biết rằng tất cả những tập tục dân tộc Bana không thể đi đôi với việc ông gia nhập đạo công giáo, ông tỏ ra sợ hãi. Ông đã tin và vẫn còn tin vào tất cả đạo giáo của dân tộc ông. Ông xác quyết, ông không thể bỏ một số luật đạo ấy mà lại không tự chuốc lấy cái chết chắc chắn sẽ xảy đến cho ông. Cha Cung giúp ông cầu nguyện xin ơn lướt thắng những cám dỗ về mê tín dị đoan. Ông tỏ ra là người anh hùng khi phải nói lên niềm tin mà ông đặt nơi Thiên Chúa và về những sự sau hết của đời người. Nhưng nơi thâm tâm ông vẫn còn âm ỉ một sự sợ hãi, vẫn còn nửa tin nửa ngờ một tai ương lớn nào đó, hoặc có khi chính cái chết, có thể xảy đến nếu ông bỏ một số tập tục mê tín. Nhưng Chúa nhân lành vẫn cho ông cơ hội để thắng sự sợ hãi đó nhờ những thực tại khách quan.
Ðúng vào năm ông Mua trở lại đạo Công Giáo thì có nạn đói xảy ra cho làng ông và những làng lân cận. Bình thường phương pháp tốt nhất để cứu đói là gieo bắp vào lúc mùa mưa tới, để sớm có cái bỏ miệng trong khi chờ đợi mùa lúa đến. Nhưng theo tập tục xứ này, người ta không thể muốn trồng bắp lúc nào thì trồng, mà phải đợi hết điềm báo này đến điềm báo khác. Có khi vì thế mà phải chết đói trong khi thời tiết lại rất thuận lợi cho việc trồng tỉa ngay! Ông Mua, vào dịp đó, đã theo lời khuyên của cha Cung, đã coi thường những tập tục xưa. Ông cứ gieo bắp trước thời gian, chẳng chờ điềm báo. Nhiều bà con của ông từ làng lân cận đến khuyên ông: "Ô kìa, Hồ Mua, mày sắp làm gì vậy? Tại sao trồng bắp tháng này? Ồ, đừng đừng! Ai sẽ ăn bắp mày trồng? Chắc chắn là nó không mọc đâu! Mà như nếu nó có mọc, có sinh nhiều trái, thì mày cũng chẳng được ăn. Mày sẽ chết trước cho mà coi! Ðừng có nghe lời khuyên của mấy người ngoại quốc. Họ chẳng biết gì tập tục của chúng ta. Họ sẽ làm mày chết đấy. Chúng tao thương hại mày lắm! Cái chết luôn đến khá sớm, thì tại sao lại hối thúc nó!"
Nhưng ông Mua đã hứa với cha Cung là bằng mọi giá ông sẽ hành xử theo lời dạy của đức tin. Vậy ông đã tỉa bắp trong khi mọi người còn chờ điềm báo. Bề ngoài ông tỏ ra rất vững tin, nhưng bên trong ông thú thật là vẫn còn nơm nớp sợ.
Chúa thương cho ông Mua được mùa bắp trong khi mọi người chung quanh mới bắt đầu gieo hạt. Bà con lần này đến không phải để trách ông, nhưng để nhận phần bắp mà ông đã quảng đại chia sẻ cho họ như ân lộc Chúa ban.
Ông Mua cách nào đó tượng trưng cho chính Chúa Giêsu là Ðấng mở ra một con đường tự do cho mọi người. Còn những người bà con của ông tượng trưng nhóm Pharisêu và Kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay.
Ðức Giêsu trả giá để loài người được tự do
Nhưng ông Mua tượng trưng Ðức Giêsu theo nghĩa nào? Thực ra, chính nhờ Ðức Giêsu ta mới có thể nhận ra con người ông Mua hiện như thế nào và lẽ ra phải như thế nào, tức là nhận ra ông như được Thiên Chúa dựng nên và cứu chuộc như thế nào.
Ngay ở câu đầu của sách Tin Mừng Máccô đã cho ta thấy nhân vật chính của sách Tin Mừng là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa. Ý nghĩa của danh xưng Con Thiên Chúa được chất chứa rất phong phú nơi biến cố Ðức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Khi ấy các tầng trời xé ra và Ðức Giêsu thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng phán từ trời cao rằng: Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con. Thánh Thần xuống trên Ðức Giêsu là để tấn phong và xác nhận Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ Thiên Chúa đã hứa (x. Is 11,2; 42,1; 63,11). Ðức Giêsu còn được xác nhận là Con Một yêu dấu của Chúa Cha được dâng làm lễ vật trong hy lễ.
Ðó là mạc khải cơ bản về Ðức Giêsu Con Thiên Chúa. Tất cả lời nói và việc làm của Ðức Giêsu mà sách Tin Mừng mô tả cũng là để làm sáng tỏ mạc khải đó mà thôi.
Cho nên khi một người bị quỉ ám nhìn nhận Ðức Giêsu là "Ðấng Thánh của Thiên Chúa" (Mc 3,24) cũng là để nói rằng chỉ một mình Thiên Chúa là Ðấng chí thánh và Ðức Giêsu là Ðấng được thánh hiến cho Ngài.
Cũng vậy khi Ðức Giêsu khẳng định Ngài có quyền tha tội (x.Mc 2,10) thì đó là vì Ngài dựa vào thiên tính là Con Thiên Chúa để tha tội.
Riêng trong bài Tin Mừng hôm nay Ðức Giêsu thực tỏ ra khéo léo để vượt lên trên những tập tục không mấy thiêng liêng (vì chỉ liên quan tới chuyện rửa bát, rửa tay v.v? trước khi ăn) để hướng người nghe về với Thiên Chúa. Người trích ngôn sứ Isaia nói rằng "Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là luật phàm nhân (Is 29,13)? Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm (Mc 7,8).
Mọi sự phải khởi đi từ Thiên Chúa. Ðó là ơn tạo dựng. Nếu ông Hồ Mua được nhìn nhận là con người có nhiều cái hết sức tích cực, như trung thực, công bằng, thù ghét điều gian dối, lại còn trong sạch trong cả suy nghĩ, từ thời còn thanh niên, thì đó là vì ông được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Nhưng nếu từ cơ sở đó của ơn tạo dựng mà đã có sự suy thoái, sự biến chất do mê tín dị đoan là công trình của quỷ dữ, thì ông Mua phải được giải phóng để được tự do. Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa xuống thế làm người là để thực hiện công trình giải phóng đó. Chính ông Mua phải tham dự vào công trình này, nhận lấy công trình đó của Chúa Giêsu làm của mình. Những người như cha Cung và thực ra, cả Giáo Hội, luôn giúp đỡ ông, nhưng không ai thay thế được ông để vượt trên sợ hãi, hầu sống sự sống mới làm Con Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu. Nhưng Ðức Giêsu đã trả giá cho công trình giải phóng loài người khỏi ách tội lỗi. Sự hy sinh đó có thực do tội lỗi loài người gây nên, chứ không phải là điều giả tạo được áp đặt vào cuộc đời của Ðức Giêsu. Máccô nói rõ điều đó khi mô tả năm cuộc tranh luận với người Pharisêu, mà vụ chữa người bại tay đã đưa đến việc bàn tính cách hữu hiệu nhất để giết Ðức Giêsu (x. 2,1-3,6). Thắc mắc mà người Pharisêu nêu trong Tin Mừng hôm nay liên quan tới chuyện rửa bát đĩa và tay trước khi ăn, cũng phát sinh do sự xung khắc có âm mưu nói trên.
Một số câu hỏi gợi ý

1.   Bạn tâm đắc được gì về con người ông Hồ Mua: trung thực? công bằng? ghét điều gian dối? trong sạch cả trong suy nghĩ từ hồi thanh niên? thấm nhuần mê tín dị đoan của dân tộc Bana? Ông lướt thắng được nỗi sợ phát sinh do mê tín dị đoan như thế nào?
2.   Bạn có kinh nghiệm gì về những điều tốt lành do ơn tạo dựng, như ước ao sống lý tưởng bác ái và công bằng?
3.   Bạn có kinh nghiệm gì về ơn cứu chuộc qua những lần xưng tội, chịu lễ?
Lm. Augustine, SJ