ÐƯỢC
SAI ÐI TRUYỀN GIÁO
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ
và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và
Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang
bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại
bảo: "Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai
không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi
chân để làm chứng tố cáo họ". Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các
ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
SUY NIỆM:
Những bài Kinh Thánh vừa nghe đọc cho
phép chúng ta gọi Chúa Nhật hôm nay là ơn gọi. Chúng ta được nghe nói về ơn gọi
của Amos, ơn gọi của các tông đồ, ơn gọi của hết thảy Kitô hữu. Chúng ta đừng
tưởng chỉ có bài thư Phaolô nói về ơn gọi Kitô hữu mới trực tiếp liên hệ đến
chúng ta. Hai bài Kinh Thánh kia, dễ hiểu hơn, cũng muốn giáo huấn chúng ta
trong các sứ mạng tiên tri, vương đế và tư tế của dân Chúa. Chúng ta hãy lần lượt
soi gương những người đã thi hành các sứ mạng này.
1. Amos Trung Thành Với Sứ Mạng Tiên Tri
Ðể hiểu bài sách tiên tri Amos trên đây,
chúng ta cần nhớ: thời ấy có một cuộc phân tranh ở trong dân Chúa. Mười chi họ
phía Bắc làm thành nước Israel;
hai chi họ phía Nam
thành nước Yuđa. Yêrusalem trở thành thủ phủ miền Nam; đang khi Samaria dần dần
trở nên thủ phủ miền Bắc. Ðể dân chúng của mình không đi lại lễ bái nơi Ðền thờ
Chúa ở Yêrusalem nữa, các vua Israel lập ra nơi thờ cúng ở Bethel. Hàng tư tế ở
đó được chiếu cố đặc biệt để lễ nghi trở nên huy hoàng và sầm uất hầu lấn át và
làm quên sinh hoạt tôn giáo ở Yêrusalem. Ðó là một thứ chính trị nhằm đào sâu
và củng cố việc chia cắt đất đai và đời sống của một dân đã được Chúa chọn để
chuẩn bị công việc tái lập sự hiệp thông mà tội lỗi đã phá vỡ. Thiên Chúa không
làm ngơ trước những mưu đồ như vậy.
Người chọn Amos, một người ở gần Bêlem để
đưa lên làm tiên tri ở phía Bắc. Ông trở thành vị tiên tri văn sĩ đầu tiên; tức
là trước ông chưa có tiên tri nào để lại bút tích. Không phải chính ông đã viết
nên tất cả cuốn sách hiện thời mang tên ông. Ðúng ra nó là tác phẩm của môn đệ
ông. Nhưng nó làm vọng lại lời giảng của ông nhiều khi rất trực tiếp. Người ta
xếp ông đứng đầu số các tiên tri nhỏ không ngoài mục đích muốn nói rằng tác phẩm
mang bút danh Amos đứng đầu các sách tiên tri có nội dung ngắn sánh với các
sách Tiên tri lớn là Isaia, Yêrêmia, Ezekiel và Ðaniel.
Nguyên sự hiện diện của Amos ở Israel
đã là một vấn nạn lương tâm cho những người có óc chia rẽ trục lợi. Nó nói lên
chủ trương đoàn kết và hiệp nhất của giao ước cứu độ. Hơn thế nữa, sứ điệp của
Amos lại công kích các bất công xã hội, lên án các lễ nghi tôn giáo lấy hào
nhoáng che giấu tâm tư tội lỗi. Hàng tư tế và nhà cầm quyền hợp lực với nhau để
tống cổ Amos về nguyên quán. Ðoạn sách Phụng vụ đọc cho chúng ta nghe hôm nay
thuật lại cuộc đấu khẩu giữa tư tế Amacya và nhà tiên tri. Nhân danh hàng đạo đức
ở Bêthel và cậy vào quyền lực của nhà vua, Amacya đuổi Amos trở về Yuđa. Ông tỏ
ra chẳng hiểu tí gì về sứ mạng tiên tri. Ông coi Amos như là một thầy bói hay một
tiên tri làm nghề nói mò để kiếm tiền. Ông cấm Amos không được tuyên sấm ở
Bêthel nữa vì sứ điệp của ông không hợp với chính trị của nhà vua. Nhưng Amos
không chịu. Ông cãi lại. Ông nói rằng ông không phải là người làm nghề tiên
tri. Trước kia ông chẳng bao giờ nghĩ đến việc tuyên sấm. Ông chăn chiên và trồng
sung lấy trái cho chiên ăn. Nhưng một ngày kia, Thiên Chúa đã gọi ông và truyền
cho ông phải đi tuyên sấm... Ông yêu nhà Israel lắm chứ, nhưng Chúa lại bảo
phải cảnh cáo cho nó biết nó sẽ rơi vào tay quân thù và con cái nó sẽ bị đem đi
đày. Sứ điệp ấy là của Chúa. Ông vâng theo và sẽ vâng theo mãi mãi.
Chúng ta không cần hỏi thêm về kết cục của
câu truyện. Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta ý thức về sứ mạng tiên tri. Kẻ Người
chọn không có khả năng tự nhiên. Chính Người trao Lời của Người cho kẻ ấy. Nhà
tiên tri đến nói thay cho Người; và như vậy chỉ là phát ngôn viên của Người. Sứ
điệp tiên tri có mục đích đưa người ta trở về giao ước, nối lại sự hiệp thông
mà tội lỗi đã phá hủy khi dựng nên những tham vọng bất chính. Lời nói đạo đức ấy
không vừa tai nhiều người. Bị xua đuổi, bắt giữ, giết chết là số phận của hầu hết
các tiên tri chân chính; đang khi những kẻ tuyên sấm chiều theo sở thích của
người đời lại thường được bảo hộ. Nhưng như lời Phaolô nói sau này: tiên tri của
Chúa có thể bị cầm giữ nhưng Lời Chúa chẳng bao giờ xích lại. Môn đồ của Amos
đã ghi lại lời sấm của ông. Sứ điệp này được loan qua các thời đại và ảnh hưởng
của nhà tiên tri luôn mạnh mẽ.
Nếu chúng ta có một niềm tin như vậy đối
với sứ mạng tiên tri nơi ơn gọi Kitô hữu! Chúng ta sẽ thấy phải học hỏi và biết
rõ sứ điệp Tin Mừng Cứu độ của Chúa hơn nữa. Và chúng ta phải loan truyền bằng
đời sống, lời nói những gì chúng ta đã nghe biết về hạnh phúc con người. Chỉ có
một điều đáng sợ là chính tiếng nói ích kỷ của các dục vọng ở nơi chúng ta sẽ
làm tắt Lời Chúa ghi trong tâm hồn, hay sẽ làm cho Lời ấy trở nên vô hiệu và có
thể đáng cười vì nếp sống không đi đôi với lời tuyên sấm của chúng ta. Muốn tập
trở thành những tiên tri đích thực của Chúa, chúng ta hãy để mình được chính
Người sai đi như các tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay.
2. Các Tông Ðồ Ðược Sai Ði Truyền Giáo
Thánh Marcô cho chúng ta thấy Ðức Yêsu gọi
12 tông đồ lại. Người sai họ đi từng đôi một, sau khi ban cho họ được quyền
trên các uế thần. Chúng ta có thể coi đây là quyền vương đế mà ơn gọi Kitô hữu
nào cũng có. Và chúng ta thấy rõ ràng các tông đồ đã thi hành quyền ấy khi các
ông trừ quỷ và chữa bệnh. Vì có quyền cai trị nào thế lực hơn khả năng xua đuổi
được tà thần và chữa lành được các vết thương do tội lỗi gây ra? Nói cách khác,
sứ mạng vương đế mà chúng ta thường nghe nói đã được ban cho các Kitô hữu trong
bí tích Rửa tội, không phải là hình thức thống trị nào kiểu trần gian, nhưng là
khả năng tiêu diệt được quyền lực tối tăm của ma quỷ hằng lôi cuốn và cầm giữ
người ta trong vòng nô lệ tội lỗi. Người Kitô hữu kết hợp với Ðức Kitô trong mầu
nhiệm tử nạn phục sinh được tham dự vào sức mạnh chiến thắng của Người. Họ có
thể tựa vào ơn Người để sống tự do như con cái Thiên Chúa, giống như Adong trước
khi sa ngã "linh ư vạn vật".
Ngày nay để thi hành sứ mạng vương đế ấy,
Ðức Yêsu bảo các tông đồ phải có hành trang nhẹ. Họ không được đem gì đi đàng;
không bánh, không bị, không tiền. Ðược cầm gậy, được mang hai áo. Ðến đâu, họ cứ
vào nhà ai tiếp rước họ và ở đấy cho đến lúc ra đi. Chỗ nào không đón tiếp thì
họ hãy đi khỏi nơi ấy, rũ bụi chân để làm chứng trước mặt chúng.
Thật ra, thánh Marcô đã muốn thích nghi
lệnh của Chúa vào thời đại của Người... Người nói rằng các tông đồ được cầm gậy,
mang dép, đang khi theo thánh Matthêu và Luca, không được làm như vậy. Dù sao
tính cách từ bỏ và khó nghèo tuyệt đối vẫn được tôn trọng. Cho cầm gậy và mang
dép chỉ để nói lên tính cách lên đường của ơn gọi tông đồ.
Ơn gọi này như đã nói nhằm kéo người ta
ra khỏi quyền lực của Satan và tội lỗi để cho phép họ được chia sẻ sứ mạng
vương đế của Ðức Kitô khi Người chiến thắng tội lỗi và tử thần. Mầu nhiệm đưa
Người lên vinh quang làm "Chúa" là việc tử nạn phục sinh mà Người đã
thi hành trong tinh thần khó nghèo và từ bỏ tuyệt đối. Chính vì thế mà Người đã
chỉ thị cho các tông đồ khi đi mở rộng Nước Chúa phải tỏ ra khó khăn và từ bỏ,
để sức mạnh của Thiên Chúa phát huy và viên thành trong sự yếu đuối và sự hư vô
của con người.
Như vậy sứ mạng vương đế của người Kitô
hữu thật là độc đáo. Nó không phải là thống trị đối với người khác hay cai trị
đối với tạo vật, nhưng là tự chủ chiến thắng dục vọng để vươn lên tới đời sống
tự do của con cái Thiên Chúa. Bấy giờ tất cả tạo vật cũng sẽ hân hoan như được
đưa ra khỏi cơn đau sinh nở theo lời thánh Phaolô đã nói. Và từ khắp nơi một
bài ca tán tụng sẽ được dâng lên Thiên Chúa khiến sứ mạng tư tế của người Kitô
hữu cũng được hoàn thành. Về sứ mạng này, chúng ta hãy nghe Lời Chúa trong bài thư
hôm nay.
3. Phụng Vụ Tạ Ơn
Ít khi chúng ta gặp một đoạn văn như đoạn
thư Êphêsô này. Thánh Tông đồ như hát một hơi dài. Người để lòng mình thốt ra
những tâm tình tạ ơn dào dạt. Phụng vụ Dothái giáo đã có nhiều bản văn như vậy.
Ở đây tác giả dùng lại mọi chủ đề quen thuộc: tạ ơn Chúa đã tuyển chọn (4-5),
đã cứu chuộc (6-7), đã tập hợp lại (8-10), đã ban những gì đã hứa (11-12) và nhất
là đã đổ ơn Thánh Thần xuống (13-14). Cái mới nằm ở những câu nói về Ðức Yêsu
Kitô và Ðấng Thiên Chúa đã tuyển chọn để ban tất cả những ơn lành trên đây cho
chúng ta, khiến mỗi khi nhắc đến chúng ta phải không ngớt lời tạ ơn.
Với bản kinh này, thánh Phaolô cho chúng
ta thấy một kiểu mẫu để thi hành sứ mạng tư tế của ơn gọi Kitô hữu. Nói đến tư
tế, người ta nghĩ đến con người dâng lễ. Và cụ thể hơn, người ta hình dung con
người dâng lễ vật. Hơn nữa lễ vật cụ thể là các tế vật như ở Yêrusalem thời Cựu
Ước. Nhưng đó là những quan niệm chưa được thanh lọc. Ðức Kitô đã đến khai mạc
một phụng vụ tinh tuyền. Người đến tìm những con người tôn thờ trong chân lý và
tinh thần. Lễ dâng của Hội Thánh là thánh lễ tạ ơn, trong đó nhắc nhở và tung
hô mọi kỳ công mà Thiên Chúa đã làm trong lịch sử. Ðặc biệt thánh lễ tái hiện mầu
nhiệm Ðức Kitô để đem tất cả tạo vật được cứu chuộc vào sự sống mới. Người tín
hữu dâng lễ thấy tình thương Thiên Chúa mở rộng, đón nhận mọi người con lạc bước
trở về. Những người này không những được tha thứ mà còn được trở nên giàu có nhờ
ơn đa diện của Thánh Thần, để từ lòng họ không bao giờ ngớt lời cảm mến và đôi
tay họ sẽ đem về bao lễ dâng trên bàn thờ là các việc lành phúc đức họ sẽ làm
nhờ ơn Thánh Thể bồi dưỡng. Ngay cả các đau thương ở đời cũng sẽ được họ dâng
lên bởi vì thánh lễ đạo mới tập trung vào mầu nhiệm thập giá của Ðức Kitô.
Như vậy sứ mạng tư tế của người tín hữu
không bao giờ hết. Họ dâng lễ cho mình và cho mọi tạo vật. Họ đem tất cả vào
nơi cơ thể của Ðức Kitô để ca tụng tình yêu của Thiên Chúa đang thi hành kế hoạch
cứu độ tình thương đối với mọi loài. Họ chỉ làm được như vậy khi đã được giải
thoát khỏi vây hãm của tội lỗi và Satan... Sứ mạng tư tế phải tựa vào sứ mạng
vương đế như điều kiện. Và chính sứ mạng này lại phải nhờ sứ mạng tiên tri mà
hiểu biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa để tham dự vào.
Chính trong thánh lễ này chúng ta cũng
thi hành cả ba sứ mạng đó. Lời Chúa nói với chúng ta không những để biến chúng
ta nên các tiên tri của Người trong thế giới ngày nay; nhưng cũng kêu gọi chúng
ta từ bỏ những gì còn liên quan đến tội lỗi để trở thành con cái tự do của
Thiên Chúa mà đồng trị với Ðức Kitô. Nhận biết cương vị của mình như vậy, chúng
ta sẽ hiệp dâng thánh lễ với Người để thi hành sứ mạng tư tế... Và tất cả chỉ
là khởi sự vì thánh lễ ban sự sống mới của mầu nhiệm Ðức Kitô tử nạn phục sinh,
không phải để chấm dứt nơi bàn thờ nhưng để làm sinh động tất cả cuộc sống con
người và giúp họ thi hành sứ mạng tiên tri, vương đế và tư tế ở mọi nơi và
trong mọi ngày.
Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm