Vị thánh trong ngày (04/6)


Chân phước giáo hoàng
GIOAN XXIII
(1881-1963)
Lược sử:
Vào tháng Chín năm 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã được tôn lên một bực gần với cương vị thánh nhân khi ngài được phong chân phước ở Công Trường Thánh Phêrô, Rôma.
Khi được chọn làm giáo hoàng, lúc ấy ngài được 76 tuổi và được coi là vị giáo hoàng "chuyển tiếp."
Sinh trong một gia đình nông dân có đến 10 người con, ngài tên thật là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ở Sotto il Monte thuộc miền bắc nước Ý. Sau thời gian đi tu và chịu chức linh mục, ngài làm giáo sư đại chủng viện và sau cùng, vào ngày 28 tháng Mười 1958, ngài được chọn làm giáo hoàng.
Người ta thường gọi ngài là "Đức Giáo Hoàng Gioan Nhân Hậu", và ngài cũng là con cái của Thánh Phanxicô, khi ngài gia nhập Dòng Ba lúc còn là một chủng sinh. Vị giáo hoàng khiêm tốn này thường bắt chước lời của ông Giuse ở Ai Cập (Cựu Ước) chào hỏi các thành viên của Dòng Ba Phanxicô: "Tôi là Giuse, người anh em của quý vị."
Trong sự thương tiếc của mọi người, ngài từ trần năm 1963 khi 82 tuổi, trong khi miệng không ngớt kêu tên Mẹ Maria. Vì ngài là một người Dòng Ba Phanxicô, nên tiến trình phong thánh cho ngài được các tu sĩ Phanxicô xúc tiến.
***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
Suy niệm 1 : Chuyển tiếp
   Khi được chọn làm giáo hoàng, lúc ấy ngài được 76 tuổi và được coi là vị giáo hoàng "chuyển tiếp."
   Thật vậy, trong thời gian ngắn ngủi làm giáo hoàng được bốn năm rưỡi, ngài đã đưa Giáo Hội vào một kỷ nguyên mới: triệu tập Công Đồng Vatican II, bắt đầu duyệt xét lại Bộ Giáo Luật và quốc tế hóa Hồng Y Đoàn.
   Với ba năm ngắn ngủi rao giảng Tin Mừng, có thể nói Đức Giêsu cũng là nhân vật chuyển tiếp từ Cựu Ước bước sang Tân Ước. Ngài đã chính thức thiết lập Nước Thiên Chúa trên trần gian với lề luật mới là tình yêu (Ga 13,34).
    * Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đào sâu tình Chúa trong việc yêu thương tha  nhân cho xứng với hồng ân được sống trong thời Tân Ước. 
Suy niệm 2 : Chọn
   Vào ngày 28 tháng Mười 1958, ngài được chọn làm giáo hoàng.
   Trước khi được chọn làm giáo hoàng, Đức Gioan XXIII đã trải qua rất nhiều cuộc tuyển chọn. Được chọn làm chủng sinh, linh mục, làm giáo sư đại chủng viện và sau đó làm thư ký cho đức giám mục trong gần 10 năm. Kế đến ngài được chọn làm việc cho Tổ Chức Truyền Bá Đức Tin ở Rôma trong bốn năm.
Tiếp theo đó ngài được chọn làm tổng giám mục hiệu tòa và 29 năm đầy khó khăn trong công việc ngoại giao của Tòa Thánh. Ngài được chọn làm hồng y và thượng phụ của Venice năm 1953. Sau cùng, vào ngày 28 tháng Mười 1958, ngài được chọn làm giáo hoàng.
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng con một cuộc tuyển chọn quý báu nhất là được làm con Chúa.
Suy niệm 3 : Nhân Hậu
   Người ta thường gọi ngài là "Đức Giáo Hoàng Gioan Nhân Hậu".
   Tấm lòng nhân hậu của ngài được hấp thụ từ đời sống nhân hậu của thánh Phanxicô, vì ngài cũng là con cái của Thánh Phanxicô, khi ngài gia nhập Dòng Ba lúc còn là một chủng sinh.
   Tấm lòng nhân hậu của Thánh Phanxicô thường được biểu dương đặc biệt qua thái độ ngài sống với các thụ tạo Chúa dựng nên bằng cách gọi: anh cá, chị mặt trăng. Nếu thế thì lòng nhân hậu của Đức Gioan XXIII lại giúp ngài xóa bỏ được khoảng cách giữa ngài với mọi người do chức vụ và quyền uy của vị giáo hoàng.
    * Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con tấm lòng nhân hậu để dễ đối xử với mọi người.
Suy niệm 4 : Khiêm tốn
   Vị giáo hoàng khiêm tốn này.
Với anh em, để thể hiện lòng khiêm tốn thẳm sâu, Đức Gioan XXIII thường bắt chước lời của ông Giuse ở Ai Cập (Cựu Ước) chào hỏi các thành viên của Dòng Ba Phanxicô: "Tôi là Giuse, người anh em của quý vị."
Còn với Chúa và với chính bản thân mình, ngài cảm nghiệm thân phận bất xứng đến mức không ngày nào, trước giờ đi nghỉ tối, ngài không tìm đến cha giải tội để xưng thú mọi thiếu sót trong bổn phận mình.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có lòng khiêm tốn chân thành để dễ nhận ra không chỉ các lầm lỗi mà ngay cả các thiếu sót hằng ngày.
Suy niệm 5 : Thương tiếc
   Trong sự thương tiếc của mọi người, ngài từ trần năm 1963 khi 82 tuổi, trong khi miệng không ngớt kêu tên Mẹ Maria.
   Sự ra đi vĩnh viễn của một người qua cái chết luôn để lại sự vô cùng thương tiếc cho người còn ở lại. Nỗi thương tiếc thường phát lộ nơi những người bà con, thân nhân, bạn hữu hoặc đồng nghiệp
Nhưng trong trường hợp này thật độc đáo vì nỗi thương tiếc không hạn chế chỉ nơi những người đồng đạo, mà còn vươn đến hết mọi người trên thế giới dầu bất đồng chính kiến, bất đồng tôn giáo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống sao để khi chết đi thì được mọi người thương tiếc.
Suy niệm 6 : Mẹ Maria
   Đức Gioan XXIII từ trần năm 1963 khi 82 tuổi, trong khi miệng không ngớt kêu tên Mẹ Maria.
Lòng đầy thì miệng mới nói ra. Danh xưng Mẹ Maria không ngừng vang lên từ miệng Đức Gioan XXIII cũng có nghĩa là tâm hồn ngài chất chứa và ứ tràn lòng yêu mến và sùng kính Đức Maria.
Nhất là sự kiện này lại xảy ra vào thời điểm hấp hối của ngài cũng có nghĩa là vào thời điểm quan trọng nhất của một đời người vốn thường bộc lộ ra điểm thâm sâu nhất và tối ưu của mình. Với Đức Gioan XXIII, đó là lòng mến Đức Maria.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con gai tăng lòng mến Đức Maria, để được Mẹ đến cứu trong giờ lâm tử.